Trả lời:
Khi xâm nhập vào cơ thể, virus dại sẽ sinh sôi tại vết cắn sau đó tiến vào các dây thần kinh, đi dọc theo "đường dẫn" này đến tủy sống và não bộ. Trong suốt quá trình ủ bệnh này, virus dại đi vào các dây thần kinh, tách biệt khỏi hệ thống miễn dịch. Vì vậy, cơ thể không nhận ra virus này và tiêu diệt. Bệnh nhân hầu như không có biểu hiện đặc trưng trong thời gian ủ bệnh, chỉ xuất hiện triệu chứng toàn thân khi virus dại tấn công vào hệ thần kinh trung ương.
Tốc độ di chuyển của virus dại ước tính 12-24 mm/ngày. Thời gian ủ bệnh có thể 2-8 tuần hoặc dài trên một năm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ nặng nhẹ của vết thương, lượng virus xâm nhập vào cơ thể, khoảng cách từ vết thương đến não bộ.
Ở hệ thần kinh trung ương, virus dại sẽ hủy hoại dần các tế bào thần kinh. Lúc này người bệnh bắt đầu phát bệnh với các triệu chứng toàn thân gồm sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài 2-4 ngày, sợ nước, không chịu tiếng ồn, ánh sáng, dễ tức giận, bứt rứt. Khi phát bệnh dại, tỷ lệ tử vong 100%.
Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine và huyết thanh kháng dại là biện pháp phòng bệnh duy nhất hiện có, cần thực hiện ngay sau khi có vết thương. Việc chần chừ, đợi đến khi có triệu chứng mới tiêm chủng là quá muộn, khi đó vaccine và huyết thanh có thể không còn kịp phát huy hiệu quả bảo vệ cơ thể.
Phác đồ tiêm ngừa dại gồm 5 mũi cho người lần đầu tiêm ngừa vaccine này. Các lần bị cắn cào sau đó bổ sung thêm hai mũi. Tùy vào tình trạng vết thương, bác sĩ sẽ đánh giá để chỉ định thêm huyết thanh kháng dại và tiêm ngừa uốn ván.
Vaccine dại còn được tiêm dự phòng trước khi có vết thương với phác đồ 3 mũi, giúp phòng ngừa sớm cho người có nguy cơ cao như người chăm sóc thú cưng, du lịch, sinh sống ở nơi khó tiếp cận y tế khi có vết thương. Nếu bị cắn, cào sau khi đã tiêm dự phòng, chỉ cần bổ sung hai mũi, không cần tiêm huyết thanh.
Để ngừa dại, bên cạnh tiêm ngừa cho bản thân, người dân cũng cần chú ý tiêm ngừa cho vật nuôi, rọ mõm khi dắt chó đi dạo. Gia đình có trẻ nhỏ cần theo dõi suốt quá trình trẻ chơi đùa với thú cưng, tránh trường hợp trẻ có vết thương mà không báo với phụ huynh.
Khi có vết thương do động vật cắn, cào, cần rửa dưới vòi nước sạch với xà phòng trong 15 phút, sau đó rửa lại với cồn 70 độ hoặc cồn iốt và di chuyển đến trung tâm tiêm chủng để được tư vấn tiêm ngừa. Người dân không nặn máu làm vết thương dập nát thêm, tránh đắp lá hay các loại thuốc không rõ nguồn gốc lên vết thương khiến virus đi vào cơ thể nhanh hơn.
Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.