Bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết trong bụng mẹ là thời kỳ trẻ tăng tốc độ phát triển chiều cao nhất. Khi sinh ra, trẻ có chiều cao bình quân là 50 cm. Năm đầu sau sinh, trẻ tăng trưởng khoảng 16 cm một năm, năm thứ hai là 10 cm, từ năm thứ 3 đến 7 là 6 cm. Giai đoạn tiền dậy thì, tốc độ tăng trưởng bắt đầu giảm đi, đến tuổi dậy thì tăng vọt lên.
"Thời kỳ dậy thì, trẻ vào đỉnh tăng trưởng, tăng thêm 25 cm với nữ và 30 cm với nam", bác sĩ Dũng nói.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thấp còi năm 2013 là gần 26%, đến năm 2015 giảm còn 23%. So với các nước trong khu vực ASEAN, tỷ lệ này cao hơn Lào, Campuchia, thấp hơn Thái Lan, Singapore và Malaysia.
Chiều cao của trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, gồm chiều cao bố/mẹ (di truyền); hormone, dinh dưỡng, môi trường... Khoảng 10% trường hợp chiều cao thấp là do bệnh lý, cần phát hiện sớm điều trị kịp thời để trẻ có thể đạt chiều cao gần như trẻ bình thường. Vì thế, nhiệm vụ của các bác sĩ là phân biệt thấp do bệnh lý và thấp nhưng bình thường.
Các hội chứng bẩm sinh, chậm phát triển trong tử cung, bệnh về xương, bệnh mạn tính/bệnh chuyển hóa, khối u và hậu quả điều trị ung thư... là bệnh lý ảnh hưởng đến chiều cao.
"Nếu một năm trẻ không cao thêm 4 cm thì là bất thường, cần cho con đi khám", bác sĩ Dũng cảnh báo.
Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho gần 400 trẻ có chiều cao thấp. Trong đó, 252 trẻ thấp do thiếu hormone tăng trưởng GH, 56 trẻ mắc hội chứng Tuner... 32% bé được điều trị trước 5 tuổi, điều trị thời điểm 5-10 tuổi là 36%, 10-15 tuổi là 30%, trên 15 là 1,2%. Điều trị càng sớm càng lý tưởng, song có những trẻ bộc lộ chậm, nên trên 15 tuổi vẫn được điều trị.
"Có những người trên 30 tuổi nhưng chiều cao, thể chất chỉ bằng 7 tuổi, chưa dậy thì, chưa phát triển cơ quan sinh dục, giọng như trẻ con. Đây là những trường hợp điển hình của thiếu hụt hormone tuyến yên, hormone tăng trưởng GH", bác sĩ Dũng nói.
Về phương pháp điều trị, tùy vào nguyên do khiến trẻ chậm tăng trưởng chiều cao mà các bác sĩ có phương án khác nhau. Có những trẻ chỉ cần theo dõi, có những trẻ cần tiêm hormone tăng trưởng GH. Ví dụ trẻ suy thận mạn thì cần điều trị bệnh thận sẽ cải thiện được chiều cao.
Hormone tăng trưởng chỉ được áp dụng điều trị chặt chẽ trong các trường hợp suy thận mạn, hội chứng Turner, thấp không rõ nguyên nhân, thấp do đột biến gene, hội chứng Noonna (NS)... Nếu điều trị đúng, hiệu quả rất tốt. Nhiều trường hợp trẻ tăng được gần 30 cm sau hai năm điều trị.
Bác sĩ Dũng cũng khuyến cáo, nhiều phụ huynh tự ý mua các sản phẩm như viên thuốc kích thích hormone cho con uống, điều này rất nguy hiểm. Nếu cơ thể không thiếu mà dùng hormone sẽ không có tác dụng, thậm chí còn ảnh hưởng đến chuyển hóa, gây cong vẹo cột sống.
"Khi can thiệp bằng hormone cần phải xét nghiệm, thăm khám kỹ càng. Tùy vào cân nặng mà dùng liều khác nhau, không thể dùng tùy tiện", bác sĩ Dũng nói.