Theo báo cáo nghiên cứu đăng trên Tạp chí y khoa Lancet (Anh) tháng 11, chỉ trong một vài thế hệ, chiều cao của con cháu những người di cư đến một đất nước mới đã bắt kịp chiều cao của con cháu những người bản địa. Điều này chứng tỏ bên cạnh yếu tố gene thì môi trường và chế độ dinh dưỡng có tác động quyết định đến sự phát triển chiều cao của trẻ em.
Nghiên cứu thu thập dữ liệu chiều cao, chỉ số khối cơ thể (BMI) để phân tích sự phát triển thể chất của trẻ em từ 193 quốc gia. Theo đó, Trung Quốc có mức tăng chiều cao đáng kể nhất trong 35 năm qua.
Năm 1985, chiều cao trung bình của thanh niên nữ Trung Quốc 19 tuổi là 157,4 cm, nam là 167,6 cm. Tới năm 2019, các con số tương ứng lần lượt tăng lên 163,5 cm và 175,7 cm. Nam giới Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng chiều cao nhanh nhất thế giới, nữ giới xếp thứ ba.
Sự phát triển kinh tế ở nước này trong bốn thập kỷ qua đã giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Song, mất cân bằng phát triển ngày càng rõ ràng. Trẻ em sống tại các vùng nông thôn vẫn bị bỏ xa về chiều cao và chế độ dinh dưỡng so với trẻ thành thị.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiều trẻ em và thanh thiếu niên Trung Quốc bị béo phì bởi thường xuyên tiêu thụ đồ ăn vặt, thức ăn nhanh có đường.
Trẻ em gái ở Hàn Quốc, Việt Nam, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Trung Á, cùng với trẻ em trai ở Trung, Tây Âu có những thay đổi, phát triển cơ thể lành mạnh nhất trong 35 năm qua. Những nhóm trẻ này có sự tăng trưởng chiều cao hơn nhiều so với chỉ số khối cơ thể.
Tuy nhiên, theo Tạp chí Dân số thế giới thống kê năm 2019, người Việt Nam lùn thứ 4 thế giới, chỉ cao hơn người Indonesia (158 cm), Philippines (161,9 cm) và Bolivia (160 cm).
Nghiên cứu trên tạp chí Lancet so sánh sự thay đổi trong chỉ số BMI của trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu. Các quốc gia có chỉ số BMI cao nhất ở cả hai giới gồm Mỹ, New Zealand, Kuwait. Trong khi đó, Ấn Độ, Bangladesh, Đông Timor, Ethiopia và Chad chỉ số thấp nhất.
Các nước mà trẻ vị thành niên chiều cao tốt nhất gồm Hà Lan, Montenegro, Estonia, Đan Mạch. Dù tốc độ tăng trưởng chiều cao nhanh nhất trên thế giới trong 35 năm qua, nam giới 19 tuổi Trung Quốc vẫn thấp hơn 8,1 cm so với bạn cùng trang lứa ở Hà Lan. Khoảng cách này ở nữ giới là 6,9 cm.
Các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc, chứng kiến mức tăng chiều cao lớn nhất ở trẻ em. Ở các nước tại vực châu Phi hạ Sahara, chiều cao trung bình của trẻ em vẫn giữ nguyên, thậm chí giảm theo thời gian.
Theo nghiên cứu, chiều cao và chỉ số BMI thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, tử vong, suy giảm nhận thức, học tập, làm việc kém hiệu quả. Chỉ số BMI cao tăng nguy cơ tàn tật, tử vong sớm ở tuổi trưởng thành, sức khỏe tâm thần và kết quả giáo dục kém.
Các nhà khoa học khuyến nghị cần có thêm các chính sách hỗ trợ phát triển lành mạnh cho thanh thiếu niên, như triển khai các chương trình bữa ăn miễn phí tại trường học, giới hạn lượng carbohydrate chế biến sẵn mà trẻ tiêu thụ.
Lê Hằng (Theo SCMP)