Trả lời:
Hiệu quả bảo vệ của vaccine không đạt 100%, sau tiêm vẫn có tỷ lệ nhỏ có thể mắc bệnh. Mặt khác, vaccine không tiêm được cho người dưới 4 tuổi, phụ nữ mang thai, người bị suy giảm miễn dịch đang điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch như hóa trị. Ngoài sốt xuất huyết, muỗi còn gây ra nhiều bệnh nguy hiểm khác như zika, chikungunya, sốt vàng, sốt rét...
Do đó, dù đã tiêm vaccine, mọi người vẫn cần kết hợp tăng cường diệt và phòng muỗi đốt để bảo vệ cho chính bản thân và những người xung quanh, trong đó có những người không tiêm được vaccine.
Mỗi tuần, các gia đình nên dành từ 10-15 phút đi quanh nhà kiểm tra những vật dụng bị đọng nước, nước lâu ngày trong các bình thủy sinh, phát quang bụi rậm, ngủ màn...
Virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết lây từ người sang người qua trung gian muỗi truyền, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần do virus có 4 type huyết thanh khác nhau. Người tái nhiễm có nguy cơ trở nặng cao hơn so với người lần đầu mắc bệnh.
Vaccine sốt xuất huyết Qdenga (Nhật Bản) được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam vào tháng 5/2024, triển khai tiêm từ tháng 9. Mũi tiêm giúp phòng bệnh và phòng tái nhiễm cho những người từng mắc sốt xuất huyết, không cần xét nghiệm sàng lọc tình trạng sốt xuất huyết trước khi tiêm. Phác đồ gồm hai mũi, cách nhau ba tháng. Vaccine phòng được cả 4 type huyết thanh của virus sốt xuất huyết Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4, với hiệu quả cao trên 80% và ngăn ngừa trên 90% nguy cơ nhập viện.
ThS Nguyễn Diệu Thúy
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.