ThS.BS Nguyễn Thị Thúy Hậu, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết phụ nữ mang thai dễ trở nặng khi mắc sốt xuất huyết do có hệ miễn dịch suy giảm.
Trong 36 nghiên cứu liên quan đến 39.600 phụ nữ mang thai bị nhiễm virus sốt xuất huyết tại Ấn Độ, đăng trên Thư viện trực tuyến Wiley Online Library năm 2022, thai phụ bị nhiễm sốt xuất huyết có nguy cơ cao mắc hội chứng sốc sốt xuất huyết (DSS). Tỷ lệ tử vong người mẹ tăng 3-4,14 lần, thai chết lưu là 2,71 lần và tử vong trẻ sơ sinh khoảng 3 lần.
Theo một nghiên cứu công bố trên Thư viện Y khoa Mỹ, thực hiện trên 62 phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết dưới 24 tuần, giai đoạn từ tháng 4/2016 đến tháng 2/2022, tỷ lệ thai nhi chậm phát triển trong tử cung đến 55,6% (so với 12,9%), tỷ lệ thiếu nước ối là 17,9% và khả năng sảy thai là 33,3%. Tỷ lệ sảy thai tăng lên đến 71,4% nếu mắc sốt xuất huyết khi mang thai dưới 12 tuần.
Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai tương tự người bình thường. Ban đầu, triệu chứng bệnh tương tự cảm cúm, sốt cao đột ngột 39-40 độ C liên tục và khó hạ sốt, kèm theo đau đầu, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nôn ra máu, đau bụng, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, choáng, mạch nhanh, huyết áp tụt... Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng thường bắt đầu xuất hiện từ 3-7 ngày sau khi khởi phát bệnh.
Như trường hợp chị Hoàng Ngân (36 tuổi, Tiền Giang) từng mang thai 6 tuần, mắc sốt xuất huyết nhưng không khám chữa, sau đó trở nặng, phải đình chỉ thai kỳ. Chị khởi phát bệnh hồi cuối năm 2022, với các triệu chứng đau đầu, sốt. Cho rằng chỉ mắc cảm cúm thông thường, chị ở nhà nghỉ ngơi. Sau 6 ngày, cơ thể ớn lạnh, kèm đau bụng, nôn ói nhiều, chảy máu chân răng.
Tại một bệnh viện tư nhân, chị Ngân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết trở nặng, siêu âm thai 6 tuần có dấu hiệu sảy. Sau một tuần, chị tụt huyết áp, suy hô hấp phải thở máy và phải đình chỉ thai kỳ.
Lần mắc bệnh này trở thành bài học đối với chị Ngân. Hiện, vợ chồng chị lên kế hoạch để sinh thêm con, chủ động tiêm vaccine cúm, sởi, quai bị, rubella và sốt xuất huyết để phòng bệnh.
Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây nên, lây truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes (muỗi vằn). Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam lưu hành cả 4 type của virus Dengue gồm Den-1, Den-2, Den-3, Den-4.
Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa vùng 3 - Hồ Chí Minh, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ, số ca mắc ghi nhận quanh năm do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư. Phụ nữ mang thai cần tránh mắc sốt xuất huyết bằng cách mặc quần áo dài, ngủ màn kể cả ban ngày, các vật dụng đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt nên được che đậy tránh muỗi đẻ trứng và nên thay nước hàng tuần để diệt lăng quăng. Không để nước đọng ở các nơi như lốp xe hỏng, vỏ dừa, chai lọ, ao tù, cống rãnh.
Nếu nhiễm bệnh, thai phụ nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định và có phương án điều trị phù hợp. Ngoài ra, thai phụ cần uống nhiều nước và các loại nước trái cây giàu vitamin C, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, tránh ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, mặc thoáng mát, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế đi lại. Nếu gần ngày dự sinh, thai phụ nên đến bệnh viện có khả năng xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm xảy ra trong và sau sinh cho mẹ và bé.
Hiện nước ta có vaccine sốt xuất huyết, giảm nguy cơ mắc bệnh hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện hơn 90%, dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng.
Vaccine được bào chế theo công nghệ sống, giảm độc lực, không được chỉ định cho thai phụ. Phụ nữ nên tiêm vaccine tốt nhất ba tháng hoặc tối thiểu một tháng trước khi mang thai.
Diệu Thuần
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.