Nhiều độc giả bình luận sau nhận định của chuyên gia rằng sự bùng phát dịch lần ba đầu năm nay vẫn khó kéo giảm giá nhà đất. Độc giả Nguyễn Văn Chung cho rằng: Chỉ có việc mua bán bất động sản bị chững lại chứ chẳng bao giờ có việc giảm giá vì quỹ đất không đổi, thậm chí quỹ đất ở còn giảm, mà số người có nhu cầu ngày càng tăng do tăng dân số.
Độc giả Q Zu đồng quan điểm: Nhu cầu an cư thuộc về nhu cầu cơ bản của con người như ăn mặc. Nếu bảo người ta cứ xác định đi ở nhà thuê suốt đời thì nghe buồn cười quá vậy nên các bạn không mua nhà thì cũng phải đi thuê nhà của người sở hữu bất động sản, kết cuộc thì người nắm giữ bất động sản vẫn giàu thêm thôi.
Độc giả Lê Hiền Thảo: Tôi có thấy mặt hàng nào giảm giá đâu mà đòi bất động sản xuống giá (trừ lãi suất ngân hàng). Khi nào bị bí hoặc bị dí quá thì vài người bán mới tự giảm 10-20%, nếu không thì người mua tiếp tục giấc mơ giảm giá.
Độc giả Du Tiên phân tích:
Giá bất động sản biến động do cung cầu là đúng, nhưng cầu tăng, còn cung giảm do các nguyên nhân gì và các nguyên nhân này chịu tác động của dịch bệnh ra sao, mức độ như nào mới là vấn đề cần bàn.
Có thể thấy rõ cá nhân, tổ chức có xu hướng chuyển kênh đầu tư từ gửi ngân hàng, chứng khoán... sang bất động sản (BĐS), vì những lợi thế cũng như mức độ an toàn của kênh này khiến cho cầu về BĐS tăng.
Trong khi đó, do những lo ngại của dịch bệnh cho nên cung BĐS có dấu hiệu chững lại để thăm dò động thái của thị trường. Cầu BĐS bao gồm cầu thực tế do tăng quy mô dân số (cái này mà tăng có thể dự đoán được), và cầu tăng do đầu cơ, đầu tư tích lũy (cái này khó dự đoán hơn, đang là nguyên nhân chính khiến cầu BĐS tăng).
Giá BĐS thời gian tới, khó mà tăng, nhưng cũng khó mà giảm. Cung có thể tăng nhẹ, do nhà đầu tư có thể tự tin hơn để tiếp tục xây dựng cộng thêm hỗ trợ từ lãi suất. Còn cầu sẽ vẫn duy trì, các nhà đầu cơ khó lòng bán ra với hi vọng BĐS tiếp tục tăng, và họ cũng không còn kênh đầu tư nào an toàn hơn, chưa kể đến họ vẫn đang được hỗ trợ từ lãi suất.
Trong khi đó, độc giả kwolf cho rằng với những quy hoạch nhằm kéo giãn dân cư về vùng ven và các tỉnh lân cận TP HCM, Hà Nội sẽ làm bất động sản tại những nơi này tăng lên:
Vấn đề dân di cư rời bỏ địa phương cũng đang được quan tâm, nên các địa phương đang được đầu tư nhiều hơn, đồng đều hơn. Các tuyến cao tốc là để kết nối các vùng kinh tế và khu công nghiệp, góp phần vận chuyển nông lâm thủy sản thuận lợi tạo điều kiện kinh tế địa phương phát triển.
Người dân sẽ hưởng cuộc sống ổn định, tại ngay địa phương mà mình sinh ra, không phải đua nhau di cư tới các thành phố lớn nữa. Nên sắp tới BĐS địa phương sẽ tăng, còn BĐS thành phố lớn sẽ giảm nhiệt. Nếu cuộc sống được đảm bảo, tôi nghĩ không ai muốn rời quê của mình. Chỉ cần môi trường tốt, thì cây ở đâu cũng sẽ thành rừng.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.