Mới đây, Bộ Y tế Nga phải đóng cổng đăng ký tình nguyện thử nghiệm vaccine ung thư EnteroMix mới do có quá nhiều người ghi tên. Thông tin được bác sĩ Andrey Kaprin, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y học X-quang, Bộ Y tế, đưa ra ngày 22/12.
Khác với vaccine thông thường, EnteroMix không bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ mắc bệnh. Nó hoạt động bằng cách sử dụng các kháng nguyên đặc hiệu của tế bào ung thư để kích thích hệ miễn dịch. Từ đó, cơ thể nhận diện các tế bào ung thư như "kẻ thù" và tấn công chúng, giảm nguy cơ tái phát và tiến triển của bệnh. EnteroMix được tạo ra bằng phương pháp tương tự vaccine Covid-19 của Pfizer và Moderna.
"Công nghệ này có thể tạo ra nồng độ kháng nguyên mục tiêu rất cao trong tế bào, tức là protein hoặc peptide mã hóa trong mRNA. Cơ chế cần thiết để hướng dẫn hệ miễn dịch của người mắc ung thư phân biệt tế bào khỏe mạnh với tế bào ác tính", Alexander Gintsburg, giám đốc Trung tâm Gamaleya, giải thích.
Ông nhấn mạnh, các nhà khoa học đã tạo ra công nghệ cho phép giải quyết tất cả loại ung thư theo nghĩa đen, gồm ung thư hắc tố, phổi, đường tiêu hóa,...
Năm 2018, theo hướng dẫn của Bộ Y tế Nga, các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Y tế Quốc gia về Ung thư Blokhin bắt đầu phát triển loại vaccine cá nhân hóa dựa trên kháng nguyên của từng bệnh nhân. Nghiên cứu được thực hiện cùng các chuyên gia từ Trung tâm Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya và Viện Nghiên cứu Ung thư Herzen Moscow.
Hồi tháng 9, vaccine đã hoàn thành các giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng, chuyển sang thử nghiệm trên bệnh nhân. Nhóm nghiên cứu dự kiến thử nghiệm vaccine trên bệnh nhân ung thư hắc tố và ung thư phổi tế bào nhỏ, mũi tiêm được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân. Quy trình thử nghiệm sẽ khác biệt so với cổ điển để thuận tiện phân tích dữ liệu.
Bệnh ung thư đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của nhiều người, nhiều quốc gia. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư là nguyên nhân tử vong đứng thứ hai trên toàn cầu, ước tính gây ra 9,6 triệu ca tử vong vào năm 2018. Gánh nặng ung thư gia tăng hàng năm trên toàn cầu, ảnh hưởng nặng đến thể chất, cảm xúc và tài chính cho cá nhân, gia đình, cộng đồng và hệ thống y tế.
Ngoài vaccine của Nga, thế giới 5 ứng viên loại ngừa ung thư khác đang nghiên cứu, thử nghiệm. Trong đó, loại BNT116 do BioNTech sản xuất, sử dụng công nghệ mRNA tương tự vaccine Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng tại Anh, Mỹ, Đức, Hungary, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ.
Các giai đoạn thử nghiệm vaccine ung thư thường tuân theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Ở giai đoạn tiền lâm sàng, các nhà khoa học thử nghiệm trên động vật. Giai đoạn 1, 2 sẽ thử nghiệm trên nhóm nhỏ ở người, còn giai đoạn 3 sẽ ở quy mô lớn với hàng nghìn tình nguyện viên. Giai đoạn 4 theo dõi hiệu quả và an toàn khi sử dụng rộng rãi.
Thục Linh (Theo Interfax, Mskagency)