Theo Global Data, vaccine bào chế dựa trên công nghệ mRNA, tương tự vaccine Covid-19. Mũi tiêm hỗ trợ điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ - dạng ung thư phổi thường gặp nhất. Cơ chế là tăng phản ứng miễn dịch chống lại tế bào ung thư, đồng thời giảm thiểu tổn thương không mong muốn đối với tế bào khỏe mạnh.
"Lợi ích quan trọng của BNT116 là giảm nguy cơ tái phát ung thư phổi, có thể cải thiện tỷ lệ sống sót lâu dài cho bệnh nhân", đại diện BioNTech cho biết.
Ở giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, khoảng 130 bệnh nhân sẽ tham gia thử nghiệm, là những người mắc ung thư giai đoạn cuối hoặc tái phát ung thư. Vaccine cần chứng minh mức độ an toàn và dung nạp tốt trên bệnh nhân, hiệu quả khi tiêu diệt khối u và có thể kết hợp các phương pháp điều trị hóa trị.
Tờ Global News trích lời bác sĩ Siow Ming Lee, làm việc Cơ sở nghiên cứu lâm sàng của Bệnh viện Đại học London (UCHL), cho biết các mũi BNT116 được sử dụng song với với liệu pháp điều trị miễn dịch tiêu chuẩn. Ông ước tính thử nghiệm giai đoạn một sẽ hoàn thành năm 2025.
Bác sĩ Lee kỳ vọng công nghệ mRNA sẽ là bước tiến tiếp theo trong lĩnh vực điều trị ung thư, nâng cao tỷ lệ sống sót của bệnh nhân. Lý do, vaccine dễ cung cấp cho bệnh nhân, cho phép lựa chọn kháng nguyên cụ thể trong tế bào ung thư để tiêu diệt.
"Chúng tôi hy vọng sẽ tiến đến giai đoạn 2, 3 và sau đó phương pháp này sẽ trở thành tiêu chuẩn điều trị trên toàn thế giới, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân ung thư phổi", ông nói.
Còn BioNTech mong đợi các kết quả tích cực từ thử nghiệm mở đường cho vaccine ung thư mRNA trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn toàn cầu.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư toàn cầu, chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất ở cả nam và nữ giới. Các loại ung thư phổi phổ biến nhất là ung thư biểu mô không phải tế bào nhỏ (NSCLC) và ung thư biểu mô tế bào nhỏ (SCLC). NSCLC phổ biến hơn và phát triển chậm, trong khi SCLC ít phổ biến hơn và thường phát triển nhanh.
Vaccine ung thư được thế giới quan tâm, phát triển trong 10 năm trở lại đây. Hiện có nhiều dự án đang thử nghiệm, ví dụ mũi ngừa ung thư phổi LungVax của Anh, mũi ngừa ung thư buồng trứng TG4050, BNT122 điều trị ung thư phổi. Hôm 15/7, Belarus phê duyệt vaccine ung thư phổi của Cuba.
Tuyết Nhi
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.