Khác với mũi tiêm phòng bệnh truyền nhiễm, 5 vaccine dưới đây nhằm điều trị, huấn luyện hệ miễn dịch, từ đó kích thích tế bào miễn dịch T tuần tra cơ thể, tiêu diệt ung thư. Mỗi loại được bào chế phù hợp với người bệnh, từ đó mang lại kết quả hứa hẹn.
V940/mRNA-4157
Được bào chế dựa trên công nghệ mRNA, vaccine kết hợp thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch Keytruda (pembrolizumab), nhằm điều trị bổ trợ cho bệnh nhân u ác tính và nguy cơ cao, tức mắc ung thư giai đoạn từ 2b đến 4, đã phẫu thuật.
Theo kết quả thử nghiệm giai đoạn 2b, nhóm được dùng mRNA-4157 kết hợp thuốc, nguy cơ tái phát hoặc tử vong do ung thư thấp hơn 44% so với nhóm chỉ dùng Keytruda. Do đó, liệu pháp đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp chứng nhận phương pháp đột phá vào năm 2023.
Một số kết quả thử nghiệm cũng cho thấy bệnh nhân có mật độ đột biến khối u (tức số lượng đột biến trong tế bào ung thư) cao hoặc thấp cũng đáp ứng điều trị bằng liệu pháp này.
Vào tháng 7/2023, nhà sản xuất đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, sẽ tuyển 1.089 người tham gia để xem xét thêm về hiệu quả của vaccine, dự kiến hoàn thành năm 2029.
BNT122
Vaccine do BioNTech và Genentech đồng phát triển, đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 từ tháng 10/2023. Đây là mũi tiêm điều trị ung thư tụy, được cá nhân hóa cho bệnh nhân và sử dụng kèm chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch atezolizumab.
Ở giai đoạn 1, BNT112 cho thấy có hiệu quả kích hoạt một nhóm tế bào T đặc hiệu ở bệnh nhân, giúp họ không bị tái phát ung thư. Kết quả này rất quan trọng do ung thư tụy có tỷ lệ tái phát cao và khó điều trị.
Thử nghiệm giai đoạn 2 đã tuyển chọn 206 bệnh nhân, dự kiến hoàn thành năm 2029. Ngoài ra, accine cũng được thử nghiệm với bệnh ung thư đại trực tràng và khối u ác tính.
TG4050
Hiện vaccine thử nghiệm giai đoạn một, trên các bệnh nhân ung thư buồng trứng, đầu cổ không do HPV gây ra. Kết quả sơ bộ cho thấy mũi tiêm tạo phản ứng miễn dịch mạnh, đặc biệt ở nhóm có miễn dịch yếu.
Theo nhà sản xuất, liệu pháp này còn có khả năng kích thích hoạt động của tế bào T ở bệnh nhân trên 65 tuổi hoặc có số lượng tế bào lympho tuần hoàn thấp. Những người tham gia thử nghiệm được điều trị bằng TG4050 không mắc bệnh tính đến tháng 6/2023.
Tedopi
Tháng 9/2023, OSE Immunotherapeutics công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 của vaccine điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ. Bệnh này chiếm khoảng 85% các ca ung thư phổi.
Khi so sánh, những người từng được điều trị bằng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch và hóa trị, gặp tình trạng kháng thuốc hoặc không đáp ứng phác đồ. Còn những người được điều bằng Tedopi có chất lượng cuộc sống tốt hơn so với những người được hóa trị liệu tiêu chuẩn.
Những kết quả này mang lại nhiều hứa hẹn cho những bệnh nhân đã sử dụng hết các phương pháp điều trị thông thường và không còn nhiều lựa chọn. Tedopi cũng được thử nghiệm trong để điều trị ung thư tụy và buồng trứng.
VB10.16
Vaccine này do công ty có trụ sở tại Na Uy sản xuất. Ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 2a, 52 người đã sử dụng mũi tiêm, kết hợp atezolizumab, sau đó theo dõi trong một năm. Kết quả, thời gian sống của họ tăng thêm trung bình 16 tháng. Cuối năm 2023, nhà sản xuất thử nghiệm liệu pháp ở quy mô lớn hơn.
VB10.16 được thiết kế dựa trên DNA đã mã hóa để tăng hiệu quả tìm kiếm, tiêu diệt tế bào ung thư của hệ miễn dịch. Từ đó, liệu pháp có thể kích hoạt tế bào T hoặc tế bào B để tạo ra kháng thể mới.
Chi Lê (Theo BioSpace)