Hai biến thể virus này có chung một đột biến gọi là N501Y, các nhà khoa học lo ngại có thể khiến nCoV lẩn tránh miễn dịch do vaccine tạo ra.
Các nhà nghiên cứu đã nuôi cấy virus mang đột biến trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm nó với mẫu máu của 20 người đã được tiêm hai liều vaccine Pfizer/BioNTech. Kết quả nghiên cứu công bố ngày 7/1 ghi nhận không có sự tụt giảm kháng thể trung hòa.
Đột biến N501Y giúp virus gắn vào tế bào người. Điều này có thể giải thích một phần tại sao những biến thể mới này có vẻ dễ lây lan hơn. Tuy nhiên đó chỉ là một trong nhiều đột biến ở cả hai biến thể khiến các nhà khoa học lo ngại có thể làm cho virus ít nhạy cảm hơn với vaccine hoặc phương pháp điều trị.
Công trình của các nhà nghiên cứu tại Pfizer và Đại học Y khoa Texas chưa được giới chuyên gia xem xét, đối chiếu, cũng chưa kiểm tra với toàn bộ các đột biến.
Trong một tuyên bố vào tháng 12/2020, Pfizer cho biết đã thực hiện các thử nghiệm tương tự trên nhiều biến thể và cho hiệu quả nhất quán.
Các nhà nghiên cứu kết luận: "Điều quan trọng là phải tiếp tục giám sát các thay đổi để triển khai tiêm chủng, vì nếu đột biến xuất hiện trong tương lai, ta có thể cần một vaccine mới".
Cả vaccine của Pfizer và Moderna đều sử dụng công nghệ di truyền cho phép vaccine nhanh chóng thích nghi, chống lại các đột biến.
Ngọc Dung (Theo AFP)