Các nhà khoa học Anh hôm 4/1 bày tỏ lo ngại biến thể 501.V2 tại Nam Phi lây lan nhanh, có thể lẩn tránh, giảm hiệu quả bảo vệ cơ thể của vaccine Covid-19.
"Tôi vô cùng quan ngại về biến thể ở Nam Phi. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, thậm chí nghiêm trọng hơn cả biến thể ở Anh", Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói.
Richard Lessells, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Nền tảng Giải trình tự và Đổi mới Nghiên cứu KwaZulu-Natal (KRISP), cho biết các tuyên bố đều dựa trên những thông tin đã chia sẻ trước đó, không có bất kỳ dữ liệu mới nào được đưa ra.
"Họ đang nói lên những lo lắng giống như chúng tôi đã trình bày khi lần đầu tiên công bố thông tin về biến thể 501.V2", Lessells chia sẻ hôm 5/1.
Các nhà khoa học Nam Phi đang nghiên cứu liệu hệ miễn dịch tự nhiên sau khi tiếp xúc với nCoV có khả năng bảo vệ con người khỏi biến thể mới hay không. Kết quả sơ bộ dự kiến đưa ra cuối tuần này.
"Rất nhiều vaccine có khả năng tạo phản ứng miễn dịch rộng rãi, nhắm vào không chỉ một mà nhiều phần khác nhau của protein gai", Lessells nói. "Do đó, dù biến thể có ảnh hưởng ít nhiều, chúng khó vô hiệu hoàn toàn vaccine".
Đây cũng là lý do ông và các đồng nghiệp khá cẩn trọng khi bày tỏ những lo lắng về hiệu quả của vaccine trước biến thể nCoV mới.
Cơ quan Y tế Công cộng Anh trước đó cũng tuyên bố chưa có bằng chứng chứng minh vaccine Covid-19 vô tác dụng trước các biến thể nCoV.
Tuần trước, Giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin cho biết vaccine Pfizer-BioNTech sử dụng mRNA hướng dẫn hệ miễn dịch chống lại nCoV, có thể bảo vệ người dùng khỏi biến thể B.1.1.7 ở Anh.
Biến thể Nam Phi lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Vịnh Nelson Mandela hồi tháng 10. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nó đã xuất hiện và lưu hành kể từ tháng 8, sau đó lan rộng khắp khu vực, bao gồm Cape Town - một địa điểm du lịch nổi tiếng.
Lệnh cấm du lịch quốc tế của Nam Phi được dỡ bỏ ngày 1/10/2020. Như vậy, khả năng nhiều người đã mang biến thể mới đến các quốc gia khác trong vòng hai tháng trở lại đây.
Có khả năng nCoV sẽ tiếp tục thay đổi, biến thể ở Anh và Nam Phi không phải hai loại cuối cùng. Các chuyên gia thậm chí cho rằng còn nhiều biến thể dễ lây truyền khác mà giới khoa học chưa phát hiện ra.
Quá trình đột biến của nCoV đã xảy ra từ khi đại dịch khởi phát. Đây là hiện tượng tự nhiên, giúp virus thích nghi với vật chủ. Dù hầu hết các biến chủng không mạnh hơn, chúng có thể khiến virus lây lan nhanh chóng, trở nên kháng miễn dịch cơ thể.
Nam Phi hiện là vùng dịch lớn nhất Châu Phi, ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm, ít nhất 30.500 ca tử vong tính tới ngày 6/1.
Lê Hằng (Theo Reuters)