Cả Anh và Nam Phi đều phát hiện ra những biến chủng nCoV, dễ lây lan hơn, khiến số ca mắc mới tăng nhanh.
Ugur Sahin, giám đốc điều hành công ty công nghệ sinh học BioTech và John Bell, Giáo sư Y khoa Regius tại Đại học Oxford, cho biết họ đang thử nghiệm vaccine trên các biến chủng mới, có thể tiến hành chỉnh sửa cần thiết trong vòng 6 tuần.
Tuy nhiên đến nay, họ chỉ tuyên bố biến chủng nCoV ở Anh không kháng được vaccine mà chưa dám chắc về biến chủng ở Nam Phi.
Hôm 4/1, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock bày tỏ lo lắng về điều này. "Tôi vô cùng quan ngại về biến chủng ở Nam Phi. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, thậm chí nghiêm trọng hơn cả biến chủng ở Anh", ông nói.
Biến chủng nCoV ở Nam Phi mang hai đột biến tại các khu vực quan trọng của gene virus, nơi tạo ra protein gai vốn dùng để gắn vào tế bào người.
Vaccine Covid-19 mô phỏng các protein này, giúp cơ thể làm quen và chống lại mầm bệnh sau này. Song sự thay đổi có thể khiến hệ miễn dịch không phát hiện được virus, ngay cả sau khi tiêm phòng. Đáng lo ngại, biến chủng cũng gây khó khăn cho các xét nghiệm PCR.
Tiến sĩ Simon Clarke, phó giáo sư về vi sinh học tế bào tại Đại học Reading, cho biết: "Những thay đổi lớn ở protein có thể làm virus ít nhạy cảm hơn với phản ứng miễn dịch do vaccine kích hoạt. Hơn nữa, biến chủng ở Nam Phi khó theo dõi, vì nó thiếu đi một đột biến được tìm thấy trong biến chủng ở Anh".
Francois Balloux, giáo sư sinh học tại Đại học College London (UCL), cũng đồng tình với quan điểm này.
"Biến chủng nCoV ở Nam Phi giúp virus vượt qua hệ miễn dịch hoặc các loại vaccine trước đó. Chưa rõ chúng có đủ để qua mặt hàng rào bảo vệ của vaccine hiện tại hay không", ông nói.
Quá trình đột biến của nCoV đã xảy ra từ khi đại dịch khởi phát. Đây là hiện tượng tự nhiên, giúp virus thích nghi với vật chủ. Dù hầu hết các biến chủng không mạnh hơn, chúng có thể khiến virus lây lan nhanh chóng, trở nên kháng miễn dịch cơ thể.
Thục Linh (Theo Reuters, Telegraph)