Trong cuộc đua tìm kiếm vaccine ngừa nCoV, phòng thí nghiệm của Đại học Oxford đang dẫn đầu. Phần lớn các nhóm nghiên cứu khác phải bắt đầu với thử nghiệm lâm sàng nhỏ bao gồm vài trăm tình nguyện viên để xem xét độ an toàn. Nhưng các nhà khoa học ở Viện Jenner của Đại học Oxford đã chứng minh trong nhiều thử nghiệm trước đó rằng những sản phẩm tương tự vaccine ngừa nCoV của họ vô hại đối với con người.
Điều đó cho phép họ đốt cháy giai đoạn và lên lịch thử nghiệm vaccine ngừa nCoV trên hơn 6.000 người vào cuối tháng 4 và hy vọng kết quả sẽ chứng minh sản phẩm không chỉ an toàn mà còn hiệu quả. Nhóm nghiên cứu đến từ Oxford cũng cho biết vài triệu liều vaccine đầu tiên sẽ có sẵn vào tháng 9 sau khi có giấy phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp của nhà chức trách.
Hồi tháng 3/2020, nhóm nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm núi Rocky của Viện Y tế Quốc gia, Mỹ tại Montana tiêm chủng vaccine của Oxford cho 6 con khỉ vàng. Sau đó, những con khỉ được cho tiếp xúc với lượng lớn nCoV. Hơn 28 ngày sau, tất cả khỉ tiêm chủng đều khỏe mạnh,Vincent Munster, nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm cho biết. Theo Munster, khỉ vàng rất giống con người. Ông và cộng sự vẫn đang phân tích kết quả thử nghiệm, dự kiến công bố với các nhà khoa học khác và gửi cho tạp chí chuyên ngành vào tuần tới.
Miễn dịch ở khỉ không có nghĩa vaccine có tác dụng bảo vệ tương tự với con người. Công ty Sinovac của Trung Quốc gần đây bắt đầu thử nghiệm với 144 tình nguyện viên và cho biết vaccine của họ cũng hiệu quả trên khỉ vàng. Tuy nhiên, nhà chức trách chỉ có thể quyết định vaccine nào thành công nhất sau khi có dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Nhưng nếu thất bại, thử nghiệm của Đại học Oxford sẽ cung cấp những bài học hữu ích về bản chất của nCoV và phản ứng của hệ miễn dịch cho chính phủ các nước, công ty dược và cộng đồng nghiên cứu vaccine.
An Khang (Theo NY Times)