CureVac sẽ công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trong vài tuần tới. Khi đó, thế giới sẽ biết vaccine mới có an toàn và hiệu quả hay không. Sản phẩm của CureVac thuộc thế hệ vaccine Covid-19 thứ hai, được kỳ vọng có thể đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thế giới.
Ngoài CureVac, nhiều nhà sản xuất khác cũng phát triển những vaccine tiềm năng. Novavax, một công ty tại Maryland, có vaccine sử dụng protein nCoV, dự kiến sẽ xin phép cấp phép tại Mỹ trong vài tuần tới.
Tại Ấn Độ, công ty Biological E đang thử nghiệm một loại vaccine dựa trên protein được phát triển bởi các nhà nghiên cứu ở Texas, Mỹ.
Tại Brazil, Mexico, Thái Lan và Việt Nam, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm vaccine có thể được sản xuất hàng loạt bằng trứng gà.
Các chuyên gia về vaccine rất tò mò về sản phẩm của CureVac. Trong khi vaccine RNA của Moderna và Pfizer-BioNTech phải được bảo quản dưới nhiệt độ rất thấp, vaccine của CureVac vẫn ổn định trong tủ lạnh thường. Bằng cách đó, vaccine mới có thể được phân phối dễ dàng tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở các nước nghèo.
Đối với nhà sinh vật học Ingmar Hoerr, người đồng sáng lập CureVac, vaccine Covid-19 của công ty là đỉnh cao của công trình nghiên cứu kéo dài một phần tư thế kỷ về RNA – một phân tử giúp chuyển đổi từ DNA thành protein.
Sau khi tốt nghiệp tại Đại học Tübingen vào những năm 1990, tiến sĩ Hoerr đã tiêm RNA vào chuột và phát hiện con vật có thể tạo ra protein được mã hóa bởi các phân tử RNA. Ông rất ngạc nhiên khi thấy hệ miễn dịch của chuột sinh kháng thể chống lại các protein mới. Đó là lúc ông nhận ra đây có thể là nền tảng cho một vaccine mới.
Vào thời điểm đó, chỉ một số nhà khoa học trên thế giới nhìn nhận nghiêm túc về tiềm năng của vaccine RNA. Những người ủng hộ cho rằng nó có thể thay đổi nền y học. Về lý thuyết, bạn có thể tạo ra một phân tử RNA để giúp hệ miễn dịch chống lại bất kỳ loại virus nào. Bạn thậm chí có thể phát triển vaccine RNA để chữa bệnh ung thư, nếu bạn có thể tạo ra một phân tử RNA mã hóa protein khối u.
Năm 2001, tiến sĩ Hoerr đã theo đuổi ý tưởng này, nhưng trong vài năm đầu tiên, công ty phải chật vật để tồn tại. Để tiếp tục hoạt động, họ nhận chế tạo phân tử RNA theo đơn đặt hàng của các phòng thí nghiệm khác. Trong khi đó, các nhà khoa học của CureVac đã mày mò phát triển vaccine RNA của riêng mình.
Theo thời gian, họ phát hiện những thay đổi tinh vi của các phân tử vaccine RNA khiến các tế bào tạo ra nhiều protein hơn. RNA càng mạnh thì lượng RNA đưa vào vaccine càng thấp.
Các nhà nghiên cứu của CureVac cũng tìm ra cách bọc phân tử RNA trong chất béo để bảo vệ chúng trong hành trình đến các tế bào. Đặc biệt, họ đã sử dụng một dạng RNA có thể ổn định ở nhiệt độ tương đối ấm.
Cùng lúc đó, các công ty khác cũng tham gia phát triển vaccine RNA như BioNTech vào năm 2008, sau đó là Moderna vào năm 2011. Các thí nghiệm của họ cho thấy những loại vaccine này có thể bảo vệ động vật chống lại nhiều loại virus. Vào năm 2013, CureVac phát triển vaccine phòng bệnh dại dựa trên công nghệ RNA.
Trong nhiều năm, CureVac và các công ty vaccine RNA khác đã nỗ lực hoàn thiện vaccine của họ. Vaccine phòng bệnh dại của CureVac được chứng minh là an toàn, nhưng phản ứng miễn dịch không mạnh. Sau đó, phiên bản nâng cấp của vaccine cho thấy nhiều hứa hẹn trong các nghiên cứu lâm sàng. Tuy nhiên, những dự án khác đều thất bại. Vào năm 2017, CureVac thông báo vaccine RNA phòng ung thư tuyến tiền liệt không thành công.
Bất chấp trở ngại, công ty vẫn xây dựng được danh tiếng vững chắc. Nicholas Jackson, người đứng đầu các chương trình và công nghệ sáng tạo của Liên minh Sáng kiến và Phòng ngừa Dịch bệnh (CEPI), một tổ chức hỗ trợ nghiên cứu vaccine, cho biết: "Họ có khả năng nhạy bén về khoa học, tạo ra vaccine có thể được sản xuất nhanh, quy mô lớn và dễ tiếp cận". CEPI đã tài trợ 34 triệu USD cho CureVac vào năm 2019 để phát triển vaccine RNA cho các đại dịch trong tương lai.
Khi Covid-19 ập đến, BioNTech, Moderna và CureVac đều bắt tay vào chế tạo vaccine. Tuy nhiên, BioNTech và Moderna vượt lên dẫn trước nhờ hợp tác với các công ty và tổ chức lớn, đồng thời nhận được nguồn tài trợ hàng tỷ USD từ Chiến dịch Tiêm chủng Thần tốc của Mỹ.
CureVac bị tụt lại do nguồn lực hạn chế, nhưng vẫn kiên trì phát triển vaccine và thiết kế một loại phân tử RNA mã hoá protein gai của nCoV. Thí nghiệm trên chuột hamster cho thấy vaccine có thể bảo vệ động vật khỏi virus.
Vào tháng 6/2020, chính phủ Đức đầu tư 300 triệu euro (khoảng 360 triệu USD) cho nghiên cứu của CureVac và các nhà đầu tư khác cũng làm theo. Vào tháng 12, sau khi có dữ liệu đầy hứa hẹn từ các thử nghiệm ban đầu, công ty bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 với 40.000 tình nguyện viên ở châu Âu và Mỹ Latinh.
CureVac sẽ đánh giá dữ liệu khi có 56 tình nguyện viên mắc Covid-19. Nếu hầu hết trong số họ thuộc nhóm dùng giả dược và một số ít thuộc nhóm được tiêm vaccine, đó là bằng chứng cho thấy vaccine có tác dụng.
Franz-Werner Haas, giám đốc điều hành CureVac, cho biết, ông dự kiến sẽ có dữ liệu đó vào giữa tháng 5. Không thể biết trước được CureVac sẽ có tác dụng đến đâu, nhưng với hiệu quả của các vaccine RNA khác, cùng với kết quả ban đầu của CureVac, một số nhà khoa học đặt nhiều kỳ vọng vào loại vaccine này. Tuy nhiên, vaccine CureVac vẫn phải đối mặt với thách thức từ những biến thể nCoV mới, có thể làm giảm hiệu quả của nó.
Mai Dung (Theo NYTimes)