Vaccine được đặt tên là Sputnik Light, phiên bản mới giống hệt với liều đầu tiên của Sputnik V, có thể sử dụng trên thị trường như một loại vaccine riêng biệt.
Tuy nhiên, vaccine chưa hoàn thành thử nghiệm độc lập cần thiết để chứng minh tính an toàn, hiệu quả phù hợp với các tiêu chuẩn khoa học sẵn có. Nga bắt đầu thử nghiệm Sputnik Light vào tháng 1. Các nghiên cứu vẫn tiếp tục.
Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Trực tiếp Kirill Dmitriev cho biết Sputnik Light sẽ được xuất khẩu "cho các đối tác quốc tế nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng ở một số quốc gia trong bối cảnh cuộc chiến với đại dịch vẫn tiếp diễn, các biến thể virus xuất hiện nhiều".
Sputnik Light là loại vaccine thứ 4 được Nga phê duyệt.
Bình luận về quyết định mới, Tổng thống Vladimir Putin cho biết: "Thật vui khi biết rằng các vũ khí chống lại Covid-19 ngày càng nhiều hơn".
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko nhận định việc phê duyệt thêm vaccine giúp đẩy nhanh quá trình đạt miễn dịch cộng đồng. Hầu hết nhà khoa học tin rằng cần tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số mới mong đẩy lùi dịch bệnh, song ngưỡng chính xác còn chưa chắc chắn.
Theo ông Dmitriev, liệu trình đơn liều giải quyết thách thức của khâu tiêm chủng cho nhóm lớn trong thời gian ngắn. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cấp bách, khi biến thể nCoV xuất hiện nhiều hơn.
Năm ngoái, Nga đối mặt nhiều chỉ trích vì cấp phép Sputnik V trước khi bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3, tiêm chủng cho các nhân viên y tế ngay khi tiến hành thử nghiệm. Đến tháng 2, các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí uy tín Lancet cho thấy vaccine hiệu quả 91%.
Hai vaccine khác của Nga là EpiVacCorona và CoviVac cũng được chấp thuận trước khi hoàn thành thử nghiệm quy mô lớn. Đến nay, kết quả nghiên cứu vẫn chưa được công bố.
Dù có sẵn nhiều vaccine và là một trong những quốc gia đầu tiên tiến hành chủng ngừa Covid-19, chương trình tiêm phòng tại nước này đang tụt hậu so với nhiều quốc gia. Theo Phó thủ tướng Tatyana Golikova, 13,4 triệu người Nga, tương đương với 9% dân số, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Khoảng 6% đã tiêm phòng đầy đủ. Các chuyên gia đặt câu hỏi liệu chính phủ có thể đạt mục tiêu tiêm chủng cho 30 triệu người vào giữa tháng 6 và gần 69 triệu người vào tháng 8 hay không.
Ngày 23/3, Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vaccine Sputnik V phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống Covid-19. Đây là loại vaccine thứ hai được Việt Nam chấp thuận khẩn cấp. Ngày 16/3, một lô vaccine gồm 1.000 liều Sputnik V đã được Nga tặng Việt Nam nhân chuyến làm việc của Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev.
Thục Linh (Theo AP)