Nguồn gốc của "hy vọng" đó là Trung Quốc, quốc gia mà Chile và hàng chục nước khác đang dựa vào để thoát khỏi đại dịch Covid-19.
Chiến dịch "ngoại giao vaccine" của Trung Quốc đã thành công đáng ngạc nhiên: Trung Quốc cam kết cung cấp khoảng nửa tỷ liều vaccine cho hơn 45 quốc gia, theo thống kê của AP. Khi 4 nhà sản xuất vaccine Trung Quốc tuyên bố họ có thể cung cấp ít nhất 2,6 tỷ liều trong năm nay, một phần lớn dân số thế giới sẽ không tiêm các loại vaccine phương Tây có độ hiệu quả cao, mà là loại có kết quả khiêm tốn hơn của Trung Quốc.
Trong bối cảnh khan hiếm dữ liệu công khai về vaccine Trung Quốc, nhiều quốc gia vẫn nghi ngờ về mức hiệu quả và độ an toàn của chúng, cùng với lo ngại về dụng ý của Trung Quốc đằng sau các lô hàng. Tuy nhiên, hơn 25 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine Trung Quốc và họ đã bàn giao hàng cho 11 nước khác.
Trung Quốc đang cố chuyển đổi hình ảnh từ một nước xử lý sai lầm đợt bùng phát Covid-19 ban đầu thành một vị cứu tinh. Giống như Ấn Độ và Nga, Trung Quốc đang cố gắng thể hiện thiện chí. Họ đã cam kết cung cấp lượng vaccine cho nước ngoài nhiều hơn khoảng 10 lần so với lượng phân phối trong nước.
"Rõ ràng 'chính sách ngoại giao vaccine' bắt đầu có hiệu quả, khi Trung Quốc dẫn đầu về khả năng sản xuất vaccine trong nước và cung cấp cho những nước khác", Krishna Udayakumar, giám đốc sáng lập của Trung tâm Đổi mới Y tế Duke Global tại Đại học Duke, nhận xét.
Trung Quốc cho biết họ viện trợ vaccine cho 53 quốc gia và xuất khẩu sang 27 nước, nhưng từ chối cung cấp danh sách cụ thể. Bắc Kinh cũng bác bỏ cáo buộc họ đang tiến hành "ngoại giao vaccine".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh coi vaccine là "hàng hóa công cộng toàn cầu". Các chuyên gia Trung Quốc cũng bác bỏ bất kỳ mối quan hệ nào giữa việc xuất khẩu vaccine và nỗ lực cải thiện hình ảnh của nước này.
"Tôi không thấy có mối liên hệ nào ở đây", Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, tổ chức tư vấn tại Bắc Kinh, nhận xét. "Trung Quốc nên làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ các quốc gia khác, bởi vì họ đang làm rất tốt".
Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bị bỏ lại phía sau khi các nước giàu đã nhanh tay tích trữ vaccine đắt tiền do Pfizer và Moderna sản xuất. Bắc Kinh cũng đang tận dụng cơ hội khi các nhà sản xuất vaccine Mỹ và châu Âu giao hàng chậm hơn dự kiến.
Giống như nhiều quốc gia khác, Chile nhận được ít liều Pfizer hơn nhiều so với cam kết ban đầu. Chương trình tiêm chủng ở đây khởi động vào cuối tháng 12/2020, nhưng trong một tháng sau đó, chỉ khoảng 150.000 trong số 10 triệu liều Pfizer mà quốc gia Nam Mỹ đặt hàng đã được bàn giao.
Đến khi công ty Trung Quốc Sinovac "nhảy vào" cung cấp 4 triệu liều hồi cuối tháng một, Chile mới bắt đầu tiêm chủng cho dân số 19 triệu người với tốc độ ấn tượng. Theo Đại học Oxford, quốc gia này hiện có tỷ lệ tiêm chủng trên đầu người cao thứ năm thế giới.
Công dân Chile Vilma Ortiz được tiêm vaccine Sinovac tại một trường học ở khu phố Nunoa của Santiago cùng khoảng 60 người khác. Dù tự nhận mình là người đa nghi, Ortizcho thấy hài lòng sau khi đã tìm hiểu về các vaccine Trung Quốc trên Internet. "Tôi rất tin tưởng vào vaccine", bà nói.
Tại Jakarta, các nhân viên y tế nối đuôi nhau đến sân vận động Susi Monica để tiêm vaccine Sinovac. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đi qua các bốt tiêm chủng để thị sát. Ông là người đầu tiên ở nước này tiêm vaccine Trung Quốc và đã đặt hàng 140 triệu liều.
Một bác sĩ thực tập đến Susi Monica để tiêm liều thứ hai. Cô không có phản ứng phụ nào sau khi tiêm liều đầu tiên nên cô thấy ổn, dù còn nhiều thắc mắc về độ hiệu quả. "Nhưng nếu không tiêm thì tôi cũng không còn lựa chọn nào khác", cô nói.
Indonesia và nhiều quốc gia có thu nhập thấp hay trung bình khác có lựa chọn hạn chế. Theo Đại học Duke, các nước giàu đã mua 5,8 tỷ trong số 8,2 tỷ liều được bán toàn thế giới. Vaccine Trung Quốc có thể được bảo quản trong tủ lạnh thường, điều rất hấp dẫn đối với các quốc gia như Indonesia. Họ sẽ gặp khó khăn hậu cần với các loại vaccine đòi hỏi nhiệt độ bảo quản siêu lạnh như Pfizer.
Ở châu Âu, Trung Quốc cung cấp vaccine cho các nước như Serbia và Hungary, giành chiến thắng địa chính trị quan trọng ở Trung Âu và vùng Balkan, nơi phương Tây, Trung Quốc và Nga đang cạnh tranh về ảnh hưởng chính trị, kinh tế. Bắc Kinh có cơ hội để tăng cường quan hệ song phương với các lãnh đạo dân túy của Serbia và Hungary, những người thường xuyên chỉ trích EU.
Serbia đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu bắt đầu tiêm vaccine Trung Quốc vào tháng một. Nước này này đã mua 1,5 triệu liều vaccine Sinopharm cùng một lượng nhỏ hơn vaccine Sputnik V của Nga và Pfizer.
Mặc những chiếc áo khoác dày cộp để chống lại giá rét mùa đông, những người Serbia đeo khẩu trang xếp hàng dài chờ đợi đến lượt mình tiêm phòng. "Họ đã tiêm chủng cho người dân trong một thời gian dài, tôi cho rằng họ có nhiều kinh nghiệm hơn", Natasa Stermenski, cư dân ở Belgrade, nói sau khi tiêm vaccine Trung Quốc tại trung tâm tiêm chủng vào tháng hai.
Nước láng giềng Hungary, mất kiên nhẫn trước sự chậm trễ của EU, đã trở thành quốc gia đầu tiên thuộc EU cấp phép vaccine Trung Quốc. Cuối tuần trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiêm vaccine Sinopharm, sau khi nói rằng ông tin tưởng vaccine Trung Quốc nhất.
Nhiều lãnh đạo công khai ủng hộ vaccine Trung Quốc để xoa dịu lo ngại của công chúng. "Có những người lan truyền thuyết âm mưu trên mạng xã hội như tiêm vaccine để cấy chip, chỉnh sửa gen hay gây vô sinh". Sanjeev Pugazhendi, quan chức y tế tại đảo quốc Seychelles ở Ấn Độ Dương, cho biết. "Nhưng từ khi các lãnh đạo chính phủ, lãnh tụ tôn giáo và nhân viên y tế bắt đầu tiêm vaccine, những tin đồn đó giảm dần".
Các chuyên gia nói rằng nỗ lực "ngoại giao vaccine" của Bắc Kinh tốt cho cả Trung Quốc và các nước đang phát triển. "Khi các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng, các nước nghèo có thể tiếp cận vaccine sớm hơn. Tất nhiên, đó là giả định rằng tất cả loại vaccine đều an toàn và được phân phối đúng cách", Yun Jiang, biên tập viên China Story Blog tại Đại học Quốc gia Australia, nhận xét.
Chính sách "ngoại giao vaccine" của Trung Quốc sẽ chỉ tốt nếu vaccine của nước này đảm bảo chất lượng, nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ về điều đó.
Ahmed Hamdan Zayed, 27 tuổi, y tá ở Ai Cập, rất miễn cưỡng khi tiêm vaccine, đặc biệt là loại của Trung Quốc. Nhân viên y tế tuyến đầu sẽ là nhóm đầu tiên được tiêm vaccine Sinopharm tại đây.
"Chúng tôi lo ngại về vaccine nói chung, đặc biệt là của Trung Quốc, vì nó có ít dữ liệu hơn các loại vaccine khác", anh nói. Nhưng cuối cùng, Zayed vẫn quyết định tiêm vaccine sau khi tìm hiểu thêm. Một bác sĩ tại bệnh viện của anh đã gọi cho các đồng nghiệp ở UAE, nơi đã phê duyệt vaccine Sinopharm, và họ đã gặp các quan chức y tế Ai Cập.
Sinopharm cho biết vaccine của họ có hiệu quả 79% dựa trên dữ liệu sơ bộ từ các thử nghiệm lâm sàng. Chủ tịch của Sinopharm cho biết họ chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp gặp phản ứng phụ nghiêm trọng nào.
Mặc dù ba loại vaccine Trung Quốc đang được sử dụng toàn cầu, các công ty chưa công khai dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. CanSino, công ty nói rằng vaccine một liều của họ có hiệu quả 65%, đã từ chối trả lời phỏng vấn.
Các hoạt động kinh doanh dược phẩm của Trung Quốc cũng làm dấy lên nhiều lo ngại. Năm 2018, một trong những công ty vaccine lớn nhất Trung Quốc làm giả dữ liệu để bán vaccine phòng dại. Cùng năm đó, một công ty con của Sinopharm đã sản xuất vaccine bạch hầu không đạt tiêu chuẩn, được sử dụng trong các đợt tiêm phòng bắt buộc.
"Khi nghe đến vaccine do Trung Quốc sản xuất, nhiều người cảm thấy không yên tâm", Joy Zhang, giáo sư tại Đại học Kent ở Anh, cho biết.
Sayedur Rahman, trưởng khoa dược tại Đại học Y Bangabandhu Sheikh Mujib ở Bangladesh, nói rằng Nga và Ấn Độ cũng đối mặt với hoài nghi tương tự, một phần vì mọi người ít tin tưởng hơn vào các sản phẩm không do phương Tây sản xuất.
"Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Cuba, bất cứ khi nào họ phát triển vaccine hoặc tiến hành nghiên cứu, dữ liệu của họ đều bị nghi ngờ và mọi người nói rằng quy trình của họ không minh bạch", ông nói.
Những lo ngại đó càng gia tăng khi thông tin về hiệu quả của Sinovac bất nhất. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các quan chức cho biết vaccine hiệu quả tới 91%. Tuy nhiên, Brazil đã điều chỉnh mức hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối từ 78% xuống hơn 50%, sau khi tính các ca có triệu chứng nhẹ.
Một quan chức cấp cao của Trung Quốc giải thích tỷ lệ hiệu quả ở Brazil thấp hơn vì tình nguyện viên của họ là nhân viên y tế, những người phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Nhưng các chuyên gia y tế khác cho rằng mức độ phơi nhiễm không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.
Các thử nghiệm của Sinovac được tiến hành riêng biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, có khác biệt về mức hiệu quả do sự khác biệt về dân số, một phát ngôn viên của công ty giải thích. Một hội đồng chuyên gia ở Hong Kong đánh giá hiệu quả của vaccine là khoảng 51% và thành phố đã chấp thuận sử dụng vaccine này vào giữa tháng hai.
Trên toàn cầu, giới chức y tế công cộng cho biết bất kỳ loại vaccine nào hiệu quả từ 50% trở lên đều hữu ích. Các nhà khoa học quốc tế đang nóng lòng muốn xem kết quả từ thử nghiệm giai đoạn cuối của ba công ty Trung Quốc được công bố trên một tạp chí khoa học bình duyệt.
Cũng chưa rõ vaccine Trung Quốc hiệu quả thế nào với các biến chủng mới, đặc biệt là biến thể từ Nam Phi. Sinopharm đã cam kết cung cấp 800.000 liều cho Zimbabwe, nước láng giềng của Nam Phi.
Các nước tiếp nhận vaccine lo ngại rằng Trung Quốc có thể đòi hỏi lợi ích "có qua có lại" nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ. Tại Philippines, nơi Bắc Kinh tài trợ 600.000 liều vaccine, một nhà ngoại giao cấp cao cho rằng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang gửi đi một thông điệp ngầm nhằm giảm bớt sự chỉ trích của công chúng về các hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhà ngoại giao cấp cao cho biết ông Vương không yêu cầu đổi vaccine lấy thứ gì, nhưng rõ ràng ông ấy muốn "những cuộc trao đổi hữu nghị công khai" và Philippines kiềm chế chỉ trích hoạt động của Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói trong một cuộc họp báo cuối tuần trước rằng Trung Quốc không yêu cầu bất cứ điều gì. Trong khi đó, các nhà lập pháp đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ đang cáo buộc các lãnh đạo ở Ankara nhượng bộ trong vấn đề người Duy Ngô Nhĩ để đổi lấy vaccine.
Bất chấp tất cả những lo lắng, sự nguy cấp của đại dịch đã gạt đi phần nào sự do dự đối với vaccine Trung Quốc. "Các nước giàu đã lấy hết vaccine phương Tây rồi", một quan chức Ai Cập nói. "Chúng tôi phải đảm bảo mình có được vaccine, loại nào cũng được".
Phương Vũ (Theo AP)