Chiến lược vaccine đoàn kết của 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) được cho là đang suy yếu, khi nhiều quốc gia thành viên lần lượt tuyên bố họ muốn hợp tác với bên ngoài để tự thúc đẩy chương trình tiêm chủng riêng.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hôm 1/3 thông báo ông dự định thảo luận với Israel và Đan Mạch về việc hợp tác sản xuất vaccine trong tương lai, tập trung vào những vaccine có thể chống lại các biến chủng nCoV. Ông sẽ cùng Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tới Israel vào ngày 3/3.
Kurz là người chỉ trích gay gắt chiến lược vaccine của EU và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA). EU đã cấp phép cho vaccine Pfizer/BioNTech hồi cuối tháng 12/2020, vài tuần sau khi nó được phê duyệt ở Anh và Mỹ.
Brussels đã lựa chọn cách tiếp cận tập trung trong thu mua và phân phối vaccine, nhưng kế hoạch của họ đã bị cản trở bởi hàng loạt vấn đề về nguồn cung và sản xuất.
Chỉ 5,5% trong 447 triệu dân EU đã tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên, theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). EMA đã phê duyệt ba loại vaccine, gồm Pfizer/BioNTech, Oxford/AstraZeneca và Moderna nhưng các nước châu Âu vẫn có thể quyết định cấp phép khẩn cấp cho những loại vaccine khác.
"EMA quá chậm trễ trong việc cấp phép cho các công ty dược phẩm", Thủ tướng Kurz nhấn mạnh. "Đây là lý do chúng ta phải chuẩn bị để đối phó với những biến chủng và không nên phụ thuộc vào EU khi sản xuất vaccine thế hệ thứ hai".
Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen hôm 1/3 cũng đưa ra bình luận tương tự. "Nỗ lực vaccine của châu Âu không thể tiếp tục đứng một mình nữa", bà nói.
Các quốc gia châu Âu khác đang tìm đến Nga và Trung Quốc nhằm tìm cách lấp đầy khoảng trống nguồn cung vaccine thông qua những hợp đồng mua sắm đơn phương. Hồi đầu tuần, Slovakia phê duyệt khẩn cấp vaccine Sputnik V của Nga, sau khi quá trình cung cấp vaccine Pfizer và AstraZeneca bị đình trệ. EMA hiện chưa bật đèn xanh cho vaccine Sputnik V.
"Việc phê duyệt của Slovakia dựa trên kết quả các thử nghiệm lâm sàng của Sputnik V ở Nga và đánh giá toàn diện về vaccine này từ đội ngũ chuyên gia Slovakia", Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị hỗ trợ sản xuất vaccine Sputnik V, hôm 1/3 cho biết.
"Chúng tôi đã nhận được yêu cầu cung cấp trực tiếp Sputnik V từ nhiều quốc gia châu Âu dựa trên đánh giá từ chính các cơ quan quản lý của họ", Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành RDIF, cho hay.
Slovakia là nước EU thứ hai phê duyệt độc lập vaccine Sputnik V, sau Hungary, nước đã bắt đầu chương trình tiêm chủng toàn quốc từ tháng trước. Hungary cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên triển khai vaccine do công ty dược phẩm Trung Quốc Sinopharm sản xuất, dù chúng chưa được EMA thông qua.
"Tiêm chủng không phải vấn đề chính trị mà là vấn đề về hiệu quả và độ tin cậy", Bộ trưởng Truyền thông và Quan hệ Quốc tế Hungary Zoltan Kovacs hôm 1/3 chia sẻ với CNN. "Chúng tôi nhận thấy vaccine của cả Trung Quốc và Nga đang được sử dụng ở rất nhiều nơi trên toàn thế giới".
Hungary cũng đặt hàng vaccine từ Pfizer, Moderna và AstraZeneca thông qua EU, nhưng Kovacs cho hay chiến lược tập trung của khối đã không thể đáp ứng được kỳ vọng. "Rõ ràng chiến lược này đã thất bại nếu so với Anh, Israel hay thậm chí là Mỹ. Bộ máy hành chính của Brussels đã không thể đưa ra các giải pháp nhanh chóng và ngay lập tức liên quan đến những hợp đồng vaccine, chúng ta đang bị tụt lại phía sau ít nhất hai tháng", ông nhấn mạnh.
Tổng thống Czech Milos Zeman hôm 28/2 nói với Prima News rằng quốc gia này có thể triển khai vaccine Sputnik V nếu được cơ quan quản lý trong nước cấp phép.
"Tôi đã gửi cho Tổng thống Putin yêu cầu chuyển vaccine Sputnik V. Theo tôi được biết, yêu cầu đã được chấp thuận, nhưng tất nhiên chúng tôi vẫn cần chứng nhận từ cơ quan quản lý y tế", ông nói. "Nếu ai đó cảnh báo chúng tôi không dùng vaccine của Nga hay Trung Quốc, chúng tôi sẽ đáp lại rằng vaccine không có ý thức hệ".
Chiến lược vaccine tập trung của EU rạn vỡ trong bối cảnh khối đang có những tiến triển liên quan đến vaccine AstraZeneca. Pháp trước đây nói rằng vaccine này chỉ nên được tiêm cho người dưới 65 tuổi, với lý do thiếu dữ liệu lâm sàng về hiệu quả đối với người cao tuổi. Nhưng Paris hiện mở rộng giới hạn độ tuổi sang 75.
Dữ liệu từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) công bố hôm 1/3 cho thấy vaccine AstraZeneca có hiệu quả tương đối cao trong việc chống diễn tiến nặng và nguy cơ nhập viện ở người cao tuổi. Vaccine của Pfizer cũng được phát hiện có tác dụng tương tự nhưng chưa trải qua đánh giá ngang hàng.
Anh hồi đầu tuần tuyên bố những dữ liệu mới công bố là "minh chứng rõ ràng" cho thấy quyết định của họ tiêm chủng cho tất cả các nhóm tuổi ngay từ đầu là hoàn toàn chính xác.
Các lãnh đạo châu Âu đang tập trung vào nỗ lực đưa chiến dịch tiêm chủng của khối trở lại quỹ đạo. "Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay là đẩy nhanh tốc độ sản xuất, phân phối và tiêm vaccine trên khắp EU", Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Charles Michel tuần trước nhấn mạnh.
"Đó là lý do chúng tôi ủng hộ nỗ lực của EC làm việc với các đại diện ngành để xác định điểm nghẽn nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng và mở rộng quy mô sản xuất. Chúng tôi muốn mọi thứ có thể dễ đoán và minh bạch hơn nhằm đảm bảo rằng các công ty vaccine tuân thủ những cam kết", ông nói.
Dù vậy, vấn đề EU phải đau đầu giải quyết hiện nay là vừa khắc phục những thiếu sót trong việc triển khai vaccine, vừa giữ được niềm tin của các quốc gia thành viên đang lo lắng tìm kiếm giải pháp ở những nơi khác, bình luận viên Zamira Rahim từ CNN đánh giá.
Vũ Hoàng (Theo CNN)