Khi vaccine Mỹ Pfizer-BioNTech đến Singapore tháng 12/2020, người dân cũng như chính trị gia nước này đều bày tỏ sự hân hoan. Bộ trưởng Giao thông vận tải Ong Ye Kung tiếp nhận lô hàng và giám sát quá trình chuyển vaccine đến kho trữ đông. Thủ tướng Lý Hiển Long gọi vaccine là "món quà mà tất cả chúng ta đều mong đợi".
Sự hân hoan này cũng tái hiện hai tháng sau đó, khi thành phố nhận được lô vaccine Moderna đầu tiên. Ông Lý cho biết ông hài lòng với lô hàng, các phóng viên nhận được một loạt ảnh chụp những thùng vaccine và máy bay Singapore Airlines ở phía sau.
Tuy nhiên, lô vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất đã đến Singapore vào tối 23/2 một cách "lặng lẽ". Sự kiện chỉ được đại sứ quán Trung Quốc công bố một ngày sau đó.
Bộ Y tế Singapore sau đó xác nhận họ đã nhận được lô Sinovac nhưng nhấn mạnh rằng vaccine này chưa được cơ quan quản lý Singapore cấp phép nên không thể sử dụng ngay lập tức, không giống như các liều Pfizer và Moderna.
Các nhà phân tích cho rằng phản ứng trái ngược của Singapore với Sinovac so với vaccine Mỹ là do còn nhiều điều chưa chắc về vaccine này, đồng thời họ cũng nhận định có thể có áp lực ngoại giao ngầm đằng sau động thái này.
Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho rằng "thật bất thường" khi vaccine đến Singapore trước khi được cấp phép. Ông giải thích có rủi ro vaccine hết hạn trước khi được cấp phép, mặc dù vaccine Sinovac được cho là có thời hạn bảo quản lạnh ba năm.
Ông đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc lại gửi vaccine sớm như vậy, nhận xét rằng "có vẻ như họ đang nài nỉ Singapore sử dụng".
Singapore đã đạt được thỏa thuận sớm với Sinovac nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết về ngày giao hàng. Khor Swee Kheng, chuyên gia Malaysia về chính sách y tế, đánh giá việc gửi sớm vaccine có nguy cơ khiến cơ quan quản lý chịu áp lực chính trị, thôi thúc họ phải nhanh chóng cấp phép.
Bộ Y tế Singapore thông báo hôm 24/2 rằng Sinovac đã bắt đầu gửi dữ liệu ban đầu về hiệu quả của vaccine cho Cơ quan Khoa học Y tế của bộ. Nhưng Leong cho biết không có khung thời gian cho quá trình này và ví việc phê duyệt vaccine mà không có đủ dữ liệu cần thiết giống như chứng thực tình hình tài chính của một công ty không nộp báo cáo tài chính.
"Chỉ khi đáp ứng được tất cả các yếu tố thì vaccine mới có thể được cấp phép", Leong nói.
Chong Ja Ian, nhà khoa học chính trị, học giả về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết Bắc Kinh rất mong muốn quốc tế sử dụng vaccine của họ khi họ đang tiến hành "ngoại giao vaccine". Ông nhận định chuyến hàng đến Singapore hôm 23/2 là một phần của chiến dịch.
Chong nói rằng có khả năng Bắc Kinh "không vui" nếu Singapore không hoặc chậm phê duyệt vaccine Sinovac, do họ đang háo hức thể hiện chất lượng của nó.
"Tuy nhiên, cân nhắc cốt lõi trong quãng thời gian khủng hoảng này nên là độ an toàn và hiệu quả của vaccine thay vì liệu các chính phủ hoặc lãnh đạo cụ thể có hài lòng hay không", ông nói thêm. "Tập trung vào bất kỳ yếu tố nào khác ngoài sức khỏe cộng đồng trong khủng hoảng đều là vô trách nhiệm".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore ca ngợi lô vaccine là "điểm nhấn mới" cho 30 năm quan hệ Trung Quốc - Singapore. Họ viết trên Facebook rằng họ tin vaccine sẽ đóng góp vào nỗ lực chống dịch của Singapore và Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm việc với nước bạn để "giành chiến thắng chung cuộc" trước đại dịch.
Singapore nổi tiếng là nước có các tiêu chuẩn cao. Vì vậy, nếu họ phê duyệt vaccine, đó sẽ được coi là con dấu bảo chứng cho tất cả loại vaccine do Trung Quốc phát triển, Chong nói.
Victor Shih, phó giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học California San Diego, đồng tình rằng nếu Singapore phê duyệt, Trung Quốc sẽ dễ quảng bá rằng vaccine của họ được chấp nhận trên toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh vaccine Trung Quốc hầu hết được sử dụng ở các nước đang phát triển, bao gồm Indonesia và Philippines. Singapore nằm trong số ít nước giàu xem xét sử dụng vaccine Trung Quốc, cùng với UAE.
Tuy nhiên, Shih nói rằng khán giả chính cho chiến dịch "ngoại giao vaccine" của Bắc Kinh là người dân trong nước. "Khi Trung Quốc triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà trong nước, chính phủ muốn người dân Trung Quốc chấp nhận vaccine nội địa, mặc dù hiệu quả của chúng thấp hơn so với các vaccine hàng đầu của phương Tây", ông nói.
Dữ liệu thử nghiệm cho thấy độ hiệu quả của Sinovac là khoảng 50,4%, so với 95% của Pfizer-BioNTech và 94% của Moderna.
Shih nói rằng Singapore có thể "đối mặt một số áp lực hậu trường" trong việc cấp phép vaccine Sinovac, nhưng nói thêm ngay cả khi nó được phê duyệt, có thể có "ít người dùng" ở nước này do Singapore còn nguồn cung từ Pfizer-BioNTech và Moderna.
Chính phủ Singapore không tiết lộ họ nhận bao nhiêu liều vaccine mỗi loại và cho biết người dân không được lựa chọn vaccine. Khoảng 250.000 công dân đã được tiêm mũi đầu tiên và hơn 110.000 người được tiêm đủ hai mũi tính đến giữa tuần trước.
Trong khi đó, Zha Daojiong, giáo sư trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng cơ quan quản lý y tế Singapore sẽ ra quyết định dựa vào tiêu chuẩn khoa học "chứ không vì thiện chí ngoại giao hoặc chính trị".
Ông nhấn mạnh vaccine Sinovac đã trải qua nhiều vòng kiểm tra khoa học và chính sách ở các quốc gia khác và "khó chứng minh" quan điểm cho rằng Trung Quốc gây áp lực để nước khác phê duyệt vaccine. "Tôi không thấy quyết định cuối cùng của Singapore sẽ có tác động gì về chính trị hay ngoại giao", Zha nói.
"Thật không khôn ngoan nếu các cơ quan ngoại giao Trung Quốc thúc ép bất kỳ chính phủ nào đưa ra quyết định tích cực về vaccine của họ. Đồng thời, các chính phủ khác cũng không khôn ngoan nếu ra quyết định chỉ vì thiện chí chính trị", Zha nói thêm.
Phương Vũ (Theo SCMP)