Liên minh châu Âu (EU), tổ chức mua vaccine thay mặt cho 27 quốc gia thành viên, đã cấp phép ba loại vaccine Covid-19 được phát triển ở Đức, Mỹ và Anh. Tuy nhiên, khối này đã chậm chạp trong việc ký hợp đồng và cấp phép, trong khi các nhà sản xuất chật vật đảm bảo nguồn cung như đã cam kết. Tình trạng thiếu hụt vaccien còn tồi tệ hơn ở các nước không thuộc EU.
Tình trạng này đã khiến một số nước nhỏ trong khối quay sang Trung Quốc để được giúp đỡ. Tuy nhiên, khi sự thất vọng của người dân ngày càng tăng lên, các thành viên lớn hơn trong khối cũng đang dần cân nhắc vaccine của Trung Quốc và Nga.
Ngày 31/1, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn kêu gọi EU chấp thuận vaccine của tập đoàn dược phẩm Trung Quốc Sinopharm nếu nó được xác định là an toàn và hiệu quả. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz sau đó nói rằng tập đoàn nên sản xuất vaccine tại nước này.
Trung Quốc đang phát triển một số loại vaccine Covid-19, trong đó hai loại chính do công ty nhà nước Sinopharm và Sinovac Biotech Ltd., công ty tư nhân nhỏ hơn, sản xuất. Cả hai công ty đều báo cáo kết quả thử nghiệm vaccine tốt, nhưng không có dữ liệu nào được công bố trên các tạp chí bình duyệt và họ chưa xin EU cấp phép.
Tháng trước, Hungary trở thành thành viên EU đầu tiên bỏ qua bước cấp phép của EU để tự phê duyệt và mua vaccine Sinopharm, 5 triệu liều sẽ được giao từ tháng hai đến tháng 4. Cộng hòa Czech, cũng thuộc EU, đang xem xét làm điều tương tự. Bên ngoài khối, Serbia là nước đầu tiên ở châu Âu bắt đầu sử dụng vaccine Trung Quốc, trong khi Montenegro và Bắc Macedonia sẽ triển khai trong tháng này.
Các quan chức cấp cao của một số quốc gia châu Âu cho biết Trung Quốc hứa hẹn bàn giao một triệu liều trong vòng vài ngày sau khi ký hợp đồng, trái ngược với các công ty phương Tây thường giao hàng trong nhiều tháng và nhiều chuyến hàng của họ đã bị trì hoãn ở châu Âu.
Do đó, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể mong đợi giành được ảnh hưởng tại một khu vực mà họ đang cạnh tranh với Mỹ bằng ngoại giao vaccine. Theo các quan chức châu Âu, chính phủ Trung Quốc, chứ không phải các nhà sản xuất, đang dẫn đầu các cuộc đàm phán với khách hàng châu Âu.
Các quốc gia ngoài châu Âu phụ thuộc vào vaccine Trung Quốc như UAE, Ai Cập và Morocco, đã gặp phải sự chậm trễ nguồn cung. Tuy nhiên, các khách hàng châu Âu không gặp phải vấn đề như vậy. Sinopharm cam kết cung cấp tổng cộng hơn 7 triệu liều cho Hungary, Serbia, Bắc Macedonia và Montenegro.
Vuk Vuksanovic, nhà nghiên cứu Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, cho rằng nguồn cung cho châu Âu dồi dào có thể do Bắc Kinh mong muốn tăng cường dấu ấn tại khu vực chiến lược quan trọng này.
"Khi các quốc gia châu Âu khác nhìn vào việc Serbia mua vaccine Trung Quốc và muốn học theo thì chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh mềm và gia tăng ảnh hưởng đang phát huy tác dụng", Vuksanovic nhận định.
Không giống như Mỹ và EU, những nước tập trung tiêm vaccine cho công dân của mình, Trung Quốc đã sớm phát tín hiệu rằng họ sẽ chia sẻ rộng rãi vaccine. Tháng 5 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ biến vaccine trở thành "hàng hóa công cộng toàn cầu".
Một phát ngôn viên của chính phủ sau đó nói thêm rằng vaccine Trung Quốc sẽ được cung cấp cho thế giới "với mức giá hợp lý và công bằng". Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tuần trước nói rằng họ sẽ viện trợ vaccine cho 53 quốc gia.
Quan chức từ các quốc gia châu Âu đã mua hoặc đang cân nhắc mua vaccine Trung Quốc cho biết họ không bị đối phương đưa ra yêu cầu "có đi có lại" rõ ràng nào. Các quan chức cũng nói rằng nước họ rất biết ơn sự giúp đỡ khi không có giải pháp thay thế.
Sau khi ký đơn đặt hàng vaccine Trung Quốc, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuần trước đã ca ngợi Bắc Kinh, nói rằng Hungary "biết ơn Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình vì tất cả sự giúp đỡ trong giai đoạn đầy thử thách này".
Một quan chức thân cận với Orban nói rằng Trung Quốc đang theo đuổi một "thị trường chính trị hơn là thương mại", nhưng việc EU chậm đặt hàng và phê duyệt vaccine cho tất cả quốc gia thành viên, cùng với lệnh cấm xuất khẩu vaccine của Mỹ, đã khiến Hungary không còn nhiều lựa chọn.
Các quốc gia đang cân nhắc mua vaccine từ Trung Quốc coi Serbia như một tấm gương. Tại quốc gia vùng Balkan 7 triệu dân này, cứ 100 người thì có 8 người đã tiêm chủng, so với tỷ lệ 3,5 ở Pháp, 3,9 ở Đức và 3,9 ở EU nói chung, theo dữ liệu từ Đại học Oxford. Ngoài vaccine của Sinopharm, các loại vaccine được cung cấp ở Serbia bao gồm Sputnik V của Nga và Pfizer-BioNTech của Mỹ - Đức. Vaccine của AstraZeneca PLC dự kiến được bàn giao trong tháng này và các quan chức Serbia cho biết họ cũng sẽ nhận được vaccine từ Moderna.
Nỗ lực mua sắm của Serbia bắt đầu vào tháng 9/2020, khi Thủ tướng Ana Brnabić và Tổng thống Aleksandar Vučić tiếp cận các tập đoàn dược phẩm lớn cũng như các chính phủ phương Tây. Các quan chức Serbia cho biết đơn đặt hàng đầu tiên của quốc gia này là từ Pfizer với số lượng hơn 150.000 liều. Họ cũng đảm bảo số lượng tương tự từ AstraZeneca nhưng các công ty không thể cung cấp thêm liều trong thời gian ngắn.
Vučić đã gọi điện cho ông Tập vào tháng 10/2020. Ông sau đó cho biết đã đề nghị các lãnh đạo Trung Quốc cung cấp đủ vaccine. Thỏa thuận hoàn tất vào cuối tháng 12/2020 và lô hàng một triệu liều đầu tiên đã đến vào ngày 16/1.
Trong khi đàm phán với Trung Quốc, Vučić cũng gọi điện cho Tổng thống Nga Putin, người nhanh chóng chấp thuận thỏa thuận. Sau đó, Serbia đã đặt hàng hơn 200.000 liều từ Moskva và hàng đến vào ngày 20/1.
Brnabić bác bỏ ý kiến cho rằng giao dịch với Trung Quốc là động thái làm suy yếu nền độc lập của đất nước trong tương lai, khẳng định Serbia có chính sách cân bằng giữa phương Đông và phương Tây. Bà cho biết chính phủ đã sớm quyết định đặt hàng vaccine từ nhiều nguồn vì lo ngại rằng các nước lớn hơn, giàu hơn sẽ "ôm trọn" nguồn cung vaccine phương Tây. Brnabić cho biết quyết định của Serbia đã giúp người dân nước này được hưởng "tiệc tự chọn vaccine".
Nhà dịch tễ học Serbia Zoran Radovanovic, người từng nhiều lần chỉ trích chính phủ, bình luận: "Việc triển khai tiêm chủng của chúng tôi tốt hơn bất kỳ nơi nào ở châu Âu. Khách quan mà nói, đó là vì chúng tôi đã tìm đến vaccine Trung Quốc".
Phương Vũ (Theo WSJ)