Các hãng dược hàng đầu tại châu Âu và Mỹ đang nỗ lực điều chế các loại vaccine Covid-19 thế hệ thứ hai với nhiều cải tiến vượt trội. Thậm chí, Altimmunce - công ty công nghệ sinh học tại Maryland, Mỹ, còn phát triển một loại vaccine dạng hít. Scot Roberts, giám đốc khoa học của Altimmune, cho biết: "Lịch sử nhiều lần chứng kiến vaccine thế hệ sau thường được cải tiến gấp nhiều lần so với vaccine đầu tiên". Sớm nhất vào đầu năm 2022, vaccine thế hệ thứ hai mới được triển khai đại trà.
Mũi tiêm nhắc lại
Đại dịch không kéo dài mãi, nhưng nCoV có thể tồn tại vô thời hạn như virus cúm. "Chúng ta có cần tiêm thêm vaccine khi virus vẫn còn trên thế giới hay không? Tôi nghĩ là có", tiến sĩ Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, nhận định. Ông Offit cho rằng vấn đề không nằm ở vaccine mà là do virus biến đổi, miễn dịch từ vaccine giảm dần và vaccine có thể luôn được cải thiện.
Vài tháng sau khi nhiễm trùng tự nhiên hoặc tiêm chủng, kháng thể trong máu bắt đầu suy giảm. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo trong cuộc đua vaccine không chờ cho đến khi miễn dịch suy yếu. Họ đã tiến hành thử nghiệm các liều vaccine nhắc lại.
Một số công ty, bao gồm Moderna, đang kiểm tra tác dụng của liều vaccine bổ sung hoặc vaccine được cải tiến để ứng phó với một hoặc nhiều biến thể hiện nay. Moderna sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán các đột biến gây hại, từ đó thiết kế vaccine nhằm giải quyết chúng, theo Melissa J. Moore, giám đốc bộ phận nghiên cứu nền tảng.
Không rõ các vaccine mRNA có thể chống lại bao nhiêu biến thể và virus, nhưng Moore cho biết công ty có thể tạo ra vaccine 6 trong một, thậm chí 10 trong một. (Một liều vaccine có thể phòng chống các biến thể nCoV, cùng một số virus cúm và hô hấp khác).
Vaccine Moderna thế hệ mới sẽ có liều lượng thấp hơn, ít tác dụng phụ hơn nhưng không làm ảnh hưởng tới hiệu quả. Giáo sư Robert Langer, một trong những nhà sáng lập Moderna, được biết đến nhờ nghiên cứu về miếng dán có thể thay thế kim tiêm. Moderna chưa tiết lộ kế hoạch, nhưng có khả năng công ty sẽ kết hợp hai công nghệ để tạo ra miếng dán vaccine nhắc lại, thay vì dùng kim kiêm.
Những ứng viên khác
Vaccine của Moderna và Pfizer-BioNTech được hoàn thiện nhanh chóng dựa trên công nghệ mRNA. CureVac, một hãng dược Đức đã nghiên cứu lĩnh vực này trước các công ty khác nhiều năm, đang cố gắng bắt kịp và vươn lên trong cuộc đua.
Dữ liệu về độ hiệu quả và an toàn của vaccine CureVac chưa được công bố, nhưng hãng đã phát triển vaccine thế hệ hai, có thể được tung ra thị trường muộn nhất vào cuối năm nay, theo Mariola Fotin-Mleczek, giám đốc công nghệ của CureVac.
Vaccine CureVac thế hệ mới sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn, có liều lượng thấp hơn và không cần bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, Fotin-Mleczek tiết lộ. Bà cho biết công ty chưa rõ cần một hay hai liều để cung cấp miễn dịch lâu dài.
Theo bà, các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ quan tâm tới vaccine của hãng vì liều lượng thấp, cũng như điều kiện bảo quản giúp hạ giá thành và dễ phân phối. Bằng cách tung ra vaccine thế hệ đầu trong mùa hè này, CureVac hy vọng sẽ giải quyết mọi vấn đề về sản xuất cho đến khi vaccine thứ hai được sử dụng vào cuối năm nay.
Tin rằng nhu cầu tiêm nhắc lại còn dài lâu, công ty GlaxoSmithKline (GSK) đang hợp tác với các hãng vaccine khác, trong đó có CureVac. GSK sản xuất một loại tá dược có thể giúp tăng hiệu quả và giảm liều lượng vaccine.
GSK và đối tác Medicago - một công ty dược phẩm sinh học Canada - đã phát triển vaccine thực vật. Dữ liệu thử nghiệm giai đoạn hai cho thấy vaccine an toàn và có tiềm năng chống lại Covid-19. Vaccine này có thể sản xuất dễ dàng và nhân rộng.
GSK còn hợp tác cùng hãng dược Pháp Sanofi. Hai công ty bắt đầu một thử nghiệm từ ngày 27/5, được chia làm hai giai đoạn, bao gồm 35.000 tình nguyện viên từ Mỹ, châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá tác dụng của vaccine đối với chủng nCoV nguyên bản trong giai đoạn một và biến thể từ Nam Phi trong giai đoạn hai.
Không cần kim tiêm
Vaccine dạng hít là phương án hợp lý do nCoV tồn tại trong không khí và giọt bắn có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi rồi di chuyển xuống đường hô hấp. Củng cố miễn dịch cho các bộ phận này có thể ngăn ngừa lây nhiễm virus.
Sử dụng vaccine dạng hít sẽ giúp tránh tác dụng phụ như sốt và đau cơ, theo ông Roberts. Các thử nghiệm vaccine cúm dạng hít chỉ ra rằng tác dụng phụ nhẹ đến mức không có sự khác biệt giữa người dùng vaccine và nhóm dùng giả dược. Ít tác dụng phụ đồng nghĩa vaccine này sẽ có ích cho trẻ em - đối tượng chưa đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 và sợ tiêm.
Vaccine dạng hít của Altimmune sẽ phù hợp với những nước không có nhiều nguồn lực tài chính do không cần bảo quản lạnh trong nhiều tuần và có thể được phân phối dù không có nhân viên y tế trình độ cao. Hãng đang thử nghiệm liệu trình một và hai liều, với hy vọng sử dụng một liều là đủ.
Công ty dự kiến công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn đầu trong tháng tới. Nếu mọi việc suôn sẻ, hãng sẽ xin giấy phép từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào đầu năm sau.
Hãng ImmunityBio tại California đang thử nghiệm vaccine dạng tiêm, viên, đặt dưới lưỡi và xịt mũi. Hãng cũng tính đến phương án kết hợp vaccine dạng tiêm và hít để giảm nguy cơ nhiễm và lan truyền virus qua đường hô hấp.
Mai Dung (Theo USA Today)