Giống như nhiều nước trong khu vực, chương trình tiêm chủng của chính phủ Thái Lan hoàn toàn miễn phí. Nước này đang sử dụng 5 loại vaccine của Anh, Trung Quốc, Mỹ và Pháp.
Trong tháng 5, để đảm bảo nguồn cung dồi dào, Hiệp hội Bệnh viện tư (PHA), đại diện 200 bệnh viện tư nhân trên toàn quốc, công bố kế hoạch mua 5 triệu liều vaccine Moderna. Vì các hãng dược chỉ làm việc với chính phủ, GPO sẽ đứng ra đặt hàng thay các bệnh viện tư nhân.
Các bệnh viện đã tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng vaccine Moderna của người dân, đưa ra số liều vaccine ước tính và ủy quyền cho GPO đặt hàng. Tất cả bệnh viện đều cam kết cung cấp dịch vụ tiêm chủng với mức giá như nhau là 2.000 baht (tương đương 64 USD) mỗi liều, chưa bao gồm phí bảo hiểm và dịch vụ, theo tiến sĩ Chalerm Harnphanich, chủ tịch PHA.
"Lý do áp dụng mức giá chung là để tăng số người được tiêm chủng. Vaccine không phải công cụ tăng lợi nhuận", ông Harnpanich nói.
Các bệnh viện cũng làm việc với Tổng hội Bảo hiểm và Văn phòng Uỷ ban Bảo hiểm để xử lý các trường hợp dị ứng hoặc gặp tác dụng phụ. Phí bảo hiểm có thể là 50-100 baht, kéo dài 90 đến 100 ngày kể từ lần tiêm đầu tiên.
Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng và phải nhập viện, người dùng sẽ được bồi thường 100.000 baht; một triệu baht trong trường hợp tử vong.
Vaccine được phân phối cho 400 bệnh viện tư nhân ở Thái Lan trong quý ba năm nay. Sau khi đơn đặt hàng hoàn tất, PHA cần thanh toán toàn bộ tiền mua vaccine cho GPO.
Theo ông Harnphanich, GPO đóng vai trò trung gian do các hạn chế trong việc sử dụng vaccine khẩn cấp, vốn yêu cầu hãng sản xuất vaccine chỉ giao dịch với chính phủ.
Người muốn tiêm chủng trả phí sẽ đăng ký thông qua ứng dụng cộng đồng Mor Prom Line. Ông Harnphanich nói thêm: "Nếu chưa chắc mình nên tiêm vaccine tư nhân hay nhà nước, chúng tôi khuyên bạn sử dụng vaccine miễn phí từ chính phủ trong tình hình hiện nay".
Ngoài Moderna, các bệnh viện tư nhân xem xét ủy thác cho GPO mua thêm vaccine Sinopharm từ Trung Quốc, đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt hồi đầu tháng 5.
Vì vaccine Sinopharm dựa trên virus bất hoạt, công nghệ từng được sử dụng trước đây, các bệnh viện tư nhân có thể đặt hàng trực tiếp từ nhà cung cấp, song phải yêu cầu GPO đăng ký trước. Bệnh viện không thể tự nhập khẩu vì chưa có giấy phép đối với các chế phẩm sinh học.
Bệnh viện tư nhân không được phép tiêm chủng thương mại bằng vaccine mà chính phủ đang sử dụng, bao gồm vaccine của AstraZeneca, Sinovac, Pfizer, Johnson & Johnson và Viện Gamaleya (Sputnik V) do xung đột lợi ích.
Việc cho phép các bệnh viện tư nhân mua vaccine từ nước ngoài giúp Thái Lan duy trì nguồn cung dồi dào. Điều này rất hữu ích trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.
Chính phủ cũng nỗ lực mua thêm vaccine để phục vụ chương trình tiêm chủng miễn phí. Đầu tháng 5, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố sẽ mua 200 triệu liều vacine nhằm chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp. Ông nhận định đại dịch toàn cầu chưa có dấu hiệu kết thúc, Thái Lan cần tìm mọi cách đối phó với các tình huống phát sinh.
"Ưu tiên hàng đầu là tăng lượng vaccine lên 150-200 triệu liều hoặc hơn, chuẩn bị cho bất cứ rủi ro nào", ông nói.
Thủ tướng nước này cho biết các cơ quan đang đàm phán với 7 nhà sản xuất, song họ cần chủ động hơn nữa trong việc mua sắm vaccine. Dù vậy, việc mua hàng vẫn cần tuân theo các quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA).
Thục Linh (Theo Bangkok Post)