Cách đây hơn hai năm, tôi bắt đầu đảm nhiệm vị trí quản lý tại một trung tâm Anh ngữ và bắt đầu tham gia phỏng vấn nhân sự mới cùng với CEO ở đây. Trong một buổi phỏng vấn nọ, tôi đột ngột hỏi ứng viên một câu: "Theo em, quá trình làm việc và kết quả công việc, cái nào quan trọng hơn?".
Sau buổi phỏng vấn, CEO liền khen rằng câu hỏi của tôi rất "trí" và áp dụng luôn câu đó vào hầu hết các buổi phỏng vấn về sau.
Ứng viên nào cho rằng "quá trình" quan trọng hơn thì gần như chắc chắn bị loại, ứng viên nào chọn "kết quả" thì khả năng đậu rất cao, ứng viên nào nói "cả hai đều quan trọng" thì tỷ lệ đậu là 50:50.
Nói tóm lại thì sếp tôi là người coi kết quả là thứ quan trọng duy nhất, còn quá trình thì không.
Nếu nhìn rộng ra trong ngành giáo dục nói chung thì có thể thấy đây là quan điểm không phải chỉ của anh sếp cũ của mình mà còn của rất nhiều người khác trong xã hội:
- Người lớn chỉ quan tâm đến "kết quả" học tập của con em mình, hiếm có ai hỏi thăm các bạn về "quá trình" học tập. Họ lấy "kết quả" đó để làm thước đo so sánh sự thành công của bản thân và con em mình với người khác.
- Bản thân nhiều người học chỉ quan tâm đến yếu tố "cấp tốc", hoặc "đạt đầu ra nhanh nhất", hoặc "điểm số cao nhất". Họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả việc gian lận, mua bán bằng cấp để nhanh chóng đạt được "kết quả" họ mong muốn.
- Rất nhiều người bị lừa bởi những "kết quả" làm giàu nhanh, đầu tư siêu lợi nhuận mà không cần bỏ vốn. Họ bị mờ mắt bởi những "kết quả" đó mà không hiểu rõ về "quá trình" làm thế nào để đạt được kết quả như vậy.
Vào thời điểm đó, dĩ nhiên tôi luôn tán thành quan điểm của anh CEO và cũng không mảy may đặt câu hỏi về cách suy nghĩ này. Tuy nhiên, sau khi nghỉ việc tại trung tâm cách đây khoảng gần nửa năm, tôi lại bắt đầu suy nghĩ về chính câu hỏi mà mình đặt ra trong các buổi phỏng vấn kia và nhận ra rằng:
Đúng là "kết quả" rất quan trọng vì nó là thứ mà mọi người nhìn vào để đánh giá bạn là ai; tuy nhiên, việc "thần thánh hóa" kết quả lại có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
Đơn cử như gần đây tôi có đọc một bài trên báo nói về việc mua bán đề IELTS thật một ngày trước ngày thi với mức giá "cắt cổ" 120 triệu. Một điều đáng buồn nữa là nếu các bạn có "lượn lờ" trên các group học IELTS thì sẽ thấy rằng đa phần những người tìm mua các đề thi thật kia lại là các bạn học sinh, sinh viên chuẩn bị đi du học.
Họ chỉ nhìn vào việc đạt được "kết quả thi" mà vô tình hoặc cố tình không chú ý rằng bài thi IELTS chỉ là bài thi năng lực tiếng Anh, tức là bạn cần trải qua "quá trình" rèn luyện tiếng Anh để đạt được một điểm số nhất định. Việc mua đề có thể giúp bạn đạt được kết quả mong muốn, nhưng liệu sau khi dùng kết quả đó đi du học thì bạn sẽ xoay xở bên xứ người kiểu gì với vốn ngoại ngữ hạn chế?
Hoặc nhiều người hiện nay thường tôn sùng những người giàu có, hoặc ít nhất "trông có vẻ là thành công", từ đó tin rằng những điều họ nói đều là chân lý, rằng mình phải làm theo họ để hướng tới "kết quả" giống như họ (có thể là sự giàu có, địa vị...).
Nhưng cái mà mọi người thường bỏ qua ở đây là "quá trình" mà những người "thành công" kia trải qua để được như ngày hôm nay, hay "quá trình" phát triển của họ.
Tôi dám cá là vào rất nhiều "người thành công" hay "tỷ phú" ở ngoài kia chẳng hề nghĩ đến kết quả của họ vào những ngày đầu tiên lập nghiệp. Họ chỉ đơn thuần cố gắng làm tốt nhất những gì họ làm và khi cơ hội tới thì họ biết nắm bắt và đạt được thành tựu như ngày nay.
Nếu như bạn có đọc cuốn Một đời như kẻ tìm đường của thầy Phan Văn Trường, bạn sẽ thấy rằng xuyên suốt cuốn tự truyện về cuộc đời mình, thầy Trường phần lớn tập trung vào quá trình phát triển chính bản thân mình.
Thầy vượt qua những khó khăn thuở đầu chân ướt chân ráo ở xứ người, làm tốt nhất những gì mình có thể làm, và dần dần thành công tự tìm đến. Tôi thiết nghĩ nếu như ngay từ ngày đầu sang Pháp, thầy Trường cũng tôn sùng các "kết quả" như sự giàu có thì chắc có lẽ tôi và các bạn đã không có dịp được cầm trên tay những cuốn sách tuyệt vời của thầy.
Vậy giữa quá trình và kết quả - cái nào mới là quan trọng?
Theo tôi, nó tùy thuộc vào vị trí mà chúng ta đang đứng. Nếu chúng ta là những người đang soi xét và đánh giá người khác, thì rõ ràng kết quả luôn là thước đo cuối cùng. Chẳng ai quan tâm bạn vất vả như nào nếu như bạn không có thành tựu gì.
Tuy nhiên, nếu chúng ta đứng ở vị trí người học tập, phát triển bản thân hoặc giúp cho người khác phát triển, tôi nghĩ nên nhìn vào quá trình. Mỗi người luôn có những xuất phát điểm khác nhau, những góc nhìn khác nhau, những cá tính khác nhau, và vì vậy luôn trải qua những quá trình khác nhau.
Nếu chỉ nhìn vào kết quả của người khác và ép bản thân đi theo kết quả đó, khả năng cao bạn sẽ nhận về sự thất vọng, không phải vì bạn kém mà do bạn và người kia đang trải qua các quá trình khác nhau thôi.
Lời cuối cùng tôi muốn gửi đến những bạn trẻ và các bậc cha mẹ: đừng bao giờ lấy kết quả của người khác làm thước đo cho mình hay những người xung quanh mình. Thay vào đó, hãy phân tích quá trình mà bản thân hoặc những người xung quanh đang trải qua và tìm cách làm cho nó tốt hơn.
Suy cho cùng, con điểm IELTS 7.5 hay 8.0, hay tấm bằng thạc sĩ, hay chức danh giám đốc... cũng chỉ giống như chiếc áo khoác hào nhoáng. Cái định nghĩa con người bạn là tri thức mà bạn có trong quá trình đạt được những thứ trên và bạn có thể sử dụng tri thức đó để đóng góp cho xã hội như thế nào.
Quang Tùng Đinh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.