Đề án Thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đang được Sở Giao thông Vận tải xây dựng, dự kiến trình HĐND thành phố vào cuối năm, kỳ vọng thu hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm đầu tư hạ tầng giao thông giảm ùn tắc cho khu vực cảng biển.
- Lý do TP HCM xây dựng đề án thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển, thưa ông?
- Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại TP HCM năm 2019 đạt khoảng 170 triệu tấn, chiếm hơn 1/4 trong tổng 600 triệu tấn của cả nước xuất qua cảng. Hệ thống cảng ở thành phố có nhiều lợi thế về năng lực khai thác, gần các khu công nghiệp, chế xuất. Các tuyến sông Đồng Nai, Sài Gòn, Soài Rạp... có mạng lưới hàng hải quốc tế dày đặc, đáp ứng các loại tàu thuyền ra vào.
Tuy nhiên, dù nhiều lợi thế nhưng các cảng ở thành phố đang bị "khống chế" năng lực khai thác do hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh. Đơn cử như cảng Cát Lái, quận 2, đáp ứng 85 chuyến tàu cập bến mỗi tuần, song chỉ cho tiếp nhận 81 chuyến. Khu cảng này mỗi năm đang khai thác khoảng 5,6 triệu teus (1 teu tương đương container 20 feet), trong khi thực tế đáp ứng được 6,4 triệu teus và nếu cao hơn cảng vẫn đáp ứng tốt. Đặc biệt cảng Phú Hữu (quận 9), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) hiện khai thác khoảng 50% năng lực.
Ùn tắc giao thông đã kìm hãm khả năng khai thác, phát triển các cảng ở TP HCM. Thực trạng này kéo theo hàng loạt hệ luỵ như tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng chi phí logistics... Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp nhưng nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cảng biển ngày càng lớn, lãnh đạo TP HCM yêu cầu xây dựng đề án thu phí hạ tầng cảng biển. Mục tiêu đề án tạo nguồn thu hoàn thiện đường xung quanh cảng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; tăng năng lực vận chuyển hàng hoá góp phần phát triển kinh tế thành phố.
Khi có thêm nguồn lực đầu tư, tiến độ thực hiện các dự án giao thông xung quanh cảng sẽ được đẩy nhanh gấp đôi so với hiện nay.
- Thành phố dựa trên cơ sở nào để xây dựng mức thu phí hạ tầng cảng biển?
- Mức thu phí được xây dựng trên cơ sở Luật phí và lệ phí. Khi xây dựng mức phí, chúng tôi cũng so sánh với một số địa phương có điều kiện tương đồng TP HCM, cụ thể là Hải Phòng.
Cảng Hải Phòng có sản lượng hàng hóa 90 triệu tấn mỗi năm, bằng khoảng một nửa thành phố. Mức phí sử dụng hạ tầng công trình, dịch vụ mà cảng này thu từ 16.000 đến 50.000 đồng cho một tấn hàng lỏng, hàng rời; từ 250.000 đồng đến 4,4 triệu đồng cho một container tùy loại. Sau 3 năm áp dụng, đến nay mỗi năm Hải Phòng thu khoảng 1.500 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông khiến hiệu quả khai thác của cảng tăng rất nhiều.
Đề án của TP HCM có mức phí tương tự Hải Phòng. Mức thấp nhất là 16.000 đồng mỗi tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet. Với lượng hàng hóa năm 2019 hơn 170 triệu tấn, dự kiến TP HCM thu hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Hiện, đề án được gửi tới các bên chịu tác động góp ý và phản biện. Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, Hiệp hội vận tải hàng hoá thành phố... cơ bản thống nhất các nội dung đề án. Sau khi có đầy đủ ý kiến các bên, Sở Giao thông Vận tải sẽ bổ sung hoàn thiện, đảm bảo đề án khả thi nhất.
- Nguồn phí sẽ được thành phố dự tính sử dụng ra sao?
- Nguồn thu theo quy định phải nộp vào ngân sách thành phố nhưng chúng tôi sẽ đề xuất Sở Tài chính mở một khoản riêng để đầu tư các công trình giao thông kết nối cảng biển chứ không đầu tư dàn trải nơi khác.
Trước mắt, khu vực cảng Cát Lái (quận 2) và Phú Hữu (quận 9) sẽ làm ngay các dự án như mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, Võ Chí Công; hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy, khép đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức)... Tại khu cảng Sài Gòn (quận 4) sẽ đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 để giảm ùn tắc nút giao Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư và Nguyễn Văn Linh; mở rộng đường Lưu Trọng Lư kết nối cảng Tân Thuận với đường Nguyễn Văn Linh...
Phía cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) sẽ mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, hoàn chỉnh nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và nghiên cứu làm đường ven sông kết nối cảng dọc sông Soài Rạp... Những công trình này khi hoàn thành sẽ giải quyết rất lớn ùn tắc ở khu vực. Trong danh mục chi tiết các dự án đầu tư, ngoài mức độ ưu tiên từng công trình, chúng tôi đưa ra cam kết về thời gian, tiến độ hoàn thành từng dự án.
- Việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển ảnh hưởng thế nào doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu?
- Việc thu phí chỉ áp dụng với doanh nghiệp xuất nhập hàng hoá qua cảng biển. Quá trình xây dựng đề án, chúng tôi đã đánh giá khả năng hàng hoá "dịch chuyển" đến cảng biển lân cận TP HCM khi triển khai thu phí. Tuy nhiên, việc dịch chuyển này sẽ không đáng kể bởi hiện cảng cạn ICD ở Đồng Nai, Bình Dương chưa có chức năng xuất nhập khẩu. Cảng Cái Mép - Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng nước sâu, chủ yếu tàu lớn vào trung chuyển hàng, sau đó phần nhiều cũng về Cát Lái và Hiệp Phước.
Do đường kết nối cảng biển tại thành phố ngày càng quá tải khiến doanh nghiệp vận tải, xuất khẩu đều gặp khó khăn. Thời gian vận chuyển, quay đầu xe kéo dài khiến hiệu quả kinh doanh giảm sút. Do đó về lâu dài, các đơn vị vận tải, logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi hạ tầng giao thông cải thiện. Các cảng sẽ phát triển đúng năng lực và ngân sách thành phố nhờ vậy tăng thêm nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu, thuế doanh nghiệp, VAT...
- Lộ trình thu phí sẽ được thành phố thực hiện ra sao nếu đề án thông qua?
Nếu được đồng thuận, đề án sẽ trình HĐND TP HCM đầu tháng 12. Sau khi được thông qua, các bên sẽ chuẩn bị phần mềm kết nối để thực hiện. Việc thu phí sẽ thông qua hệ thống điện tử, không thu tiền mặt. Hệ thống cũng dựa trên bộ máy nhân lực sẵn có ở cảng để thu phí chứ không làm tăng thêm nhân sự. Việc thu phí ở cảng Cát Lái dự kiến từ tháng 5/2021, tháng 6 sẽ thu phí ở tất cả cảng còn lại tại thành phố.
Quá trình xây dựng và lấy ý kiến đề án, chúng tôi cũng lưu tâm tác động của Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên 9 tháng đầu năm, hàng hoá qua các cảng biển tại thành phố vẫn tăng bình quân khoảng 5%, tức hoạt động này không bị ảnh hưởng nhiều. Hiện Covid-19 đã được kiểm soát nên thời gian thu phí dự kiến giữa năm sau được cho phù hợp.
Gia Minh