Dài hơn 20 km, cảng Cái Mép - Thị Vải có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017 và là một trong 21 cảng trên thế giới có thể đón tàu đến 200.000 tấn. Cảng này năm 2012 chỉ vài chục nghìn container hàng xuất nhập khẩu thì cuối năm ngoái tăng gấp 10 lần. Hàng hóa các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam có sự dịch chuyển lớn từ cảng ở TP HCM về Cái Mép - Thị Vải.
Tại hội thảo bàn giải pháp phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng, ngày 18/6, Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, cảng Cái Mép - Thị Vải không phục vụ riêng cho tỉnh này, mà là cả vùng.
"Ông trời cho cảng Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu phải đóng tròn vai để thúc đẩy sự phát triển", ông Lĩnh nói và nhận định cả miền Đông Nam Bộ, trăm năm trước xoay quanh hai tâm là cảng Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất. Nay chuẩn bị hai tâm mới là cảng Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành.
Ông dẫn chứng thế kỷ 18, cảng Hội An phát triển mạnh mẽ, sầm uất, vì lúc đó con người chỉ đi tàu 1.000-2.000 tấn. Sau đó, cảng Sài Gòn trở thành thương cảng quốc tế khi tiếp nhận tàu 10.000 tấn. "Khi tàu 100.000 tấn thì Cái Mép - Thị Vải nổi lên và sớm muộn cảng cũng sẽ trở thành cửa ngõ phía Nam", ông Lĩnh nói.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công đánh giá, tốc độ tăng trưởng của cảng Cái Mép - Thị Vải là một kỳ tích, cuối năm ngoái chiếm 30% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container của cả nước. Ông nêu bất cập lớn nhất hiện nay là cảng của Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng địa phương thu được các loại phí rất ít, bởi vì tất cả hàng hóa xuất nhập khẩu đều được đóng gói ở Đồng Nai, Bình Dương chở xuống.
Ông Công cho rằng Bà Rịa - Vũng Tàu phải có khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm logistics, ICD tạo nguồn hàng tại chỗ để có nguồn thu. Ngoài phục vụ nguồn hàng xuất nhập khẩu trong nước, cần phải thu hút nguồn hàng nước ngoài để biến Cái Mép -Thị Vải thành nơi trung chuyển quốc tế.
Thứ trưởng Công đồng tình với nhiều ý kiến đề xuất về xây dựng hạ tầng giao thông, luồng hàng hải, nạo vét tuyến luồng, song ông cho biết chưa tính đến chuyện làm đường sắt để vận chuyển hàng hóa container vì khoảng cách quá ngắn. "Nếu hàng hóa từ Cái Mép - Thị Vải về TP HCM bằng đường sắt thì chắc chắn chúng tôi không làm vì ngân sách không có. Tư nhân cũng sẽ không làm vì sẽ không hoàn được vốn. Việc đầu tư chỉ tính đến khi có hệ thống đường sắt liên hoàn. Hàng hóa vận chuyển đến cảng ít nhất phải đạt 350 km", ông Công cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh không đồng tình và cho rằng việc Bà Rịa - Vũng Tàu hay Bình Dương đang nghiên cứu đường sắt không phải cho riêng Đông Nam Bộ, mà sẽ nối dài mạng lưới đường sắt Bắc - Nam đến cảng và miền Tây giúp hàng hóa, nông sản đến cảng chi phí rẻ hơn. Kéo dài đường sắt qua Lào, Campuchia tạo thành hành lang Đông - Tây để kết nối với Đông Thái Lan qua cảng Cái Mép - Thị Vải gần hơn, tạo thành mạng lưới lợi ích thúc đẩy kinh tế vùng tốt hơn. "Không có đường sắt thì đừng mơ kéo giảm chi phí logistics và hàng hóa sẽ không cạnh tranh với khu vực được", ông Lĩnh nói.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang chuẩn bị 20.000 tỷ đồng từ nguồn lực tại chỗ để xóa bỏ các trở ngại về giao thông kết nối với cảng, nạo vét luồng lạch, cầu và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồng thời, tỉnh cũng chuẩn bị 2.000 ha đất để làm không gian logistics; xây dựng trung tâm kiểm hóa hàng hóa hiện đại; đề xuất chính quyền cảng để có sự điều hành thống nhất, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng; chọn lựa nhà đầu tư cho các dự án quan trọng đối với cảng biển và logistics của Bà Rịa - Vũng tàu.
Trường Hà