Ôtô, xe máy từ đường Nguyễn Hữu Thọ qua cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 và 7) vào trung tâm TP HCM, gần trưa 21/12, phải nhích từng chút một dù không phải giờ cao điểm. Ở cửa ngõ phía Nam này, lượng xe lớn từ hai hướng Nguyễn Hữu Thọ và đường 15 dồn về cùng lúc, trong khi cầu chỉ có hai làn nên dù không có sự cố giao thông nào các xe vẫn phải xếp hàng chen nhau qua cầu.
Hàng ngày phải qua đây vài lần, chị Thủy (chủ shop quần áo ở quận 7) nói việc này là "nỗi kinh hoàng", kẹt xe nghiêm trọng nhất là đoạn dưới chân cầu Kênh Tẻ.
"Các loại xe cứ loạn cả lên, mạnh người nào người nấy chen để qua cho được. CSGT chỉ có mặt điều tiết trong giờ cao điểm, những lúc khác thì người dân chỉ biết chịu trận", chị nói và cho biết từng chứng kiến nhiều người phải dắt xe vào nhà dân nghỉ mệt, chờ vãn mới đi tiếp do không khí quá ngột ngạt.
Còn anh Hà Văn Thành (ở khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh) - Giám đốc công ty vận tải - cho nguyên nhân kẹt xe tại đây là có nhiều khu dân cư, chung cư mọc lên san sát ở Nhà Bè, quận 7. Việc này khiến lượng người và phương tiện tăng lên cả chục lần so với trước, trong khi cầu Kênh Tẻ chỉ có 2 làn mỗi hướng nên kẹt xe diễn ra như cơm bữa.
Tại các tuyến đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ - cửa ngõ phía Tây thành phố - tình trạng ùn tắc còn trầm trọng hơn, bất kể vào giờ thấp điểm hay cao điểm. Là đường huyết mạch vào trung tâm nên lượng xe từ Hóc Môn, quận 12... cùng những nhánh đường nhỏ đổ dồn về khu vực mũi tàu Trường Chinh (quận Tân Bình) rồi rẽ vào đường Cộng Hòa với mật độ dày đặc.
Trong khi đó, tại cầu vượt Hoàng Hoa Thám, các xe từ nhiều ngả đường dồn về khiến nút giao thông này luôn rối loạn. Cầu vượt mặt đường nhỏ nên giờ cao điểm các loại xe phải di chuyển chậm, kéo dài đến tận nút giao thông Út Tịch - Cộng Hòa cách đó 2 km.
Khoảng 500 m tiếp theo là cầu vượt Lăng Cha Cả cũng không thông thoáng hơn do dòng xe từ đường Trường Sơn, Cộng Hòa đổ về quá đông. Xe máy từ hướng đường Hòa Văn Thụ đổ ra cắt ngang qua lối xuống của các xe từ trên cầu vượt thép.
Cửa ngõ Xa lộ Hà Nội mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt xe container vào cảng Cát Lái, chỉ cần vụ va chạm nhỏ, hoặc đèn tín hiệu giao thông trục trặc là các xe phải xếp hàng dài 4-5 km, nhích từng chút một. Tương tự là tình trạng ở Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến Bến xe Miền Đông), Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh), ngã tư Thủ Đức, Nguyễn Tất Thành (quận 4), cầu Nguyễn Văn Cừ...
Không chỉ các cửa ngõ, kẹt xe ở trung tâm Sài Gòn cũng ngày càng tăng, nhất là thời điểm cuối năm. Hình ảnh các dòng xe nghìn nghịt chen lấn luôn xảy ra ở đường Lê Quý Đôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thái Học, Trương Định, Cách Mạng Tháng Tám... Tình trạng này được đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu ra tại kỳ họp HĐND TP HCM mới đây và cho nguyên nhân từ việc cấp phép xây cao ốc ở trung tâm tràn lan.
Chuyên gia lĩnh vực quy hoạch - KTS Ngô Viết Nam Sơn - cho rằng, các chung cư cao tầng, khu dân cư ở ngoại thành không phải là nguyên nhân gây kẹt xe tại các cửa ngõ Sài Gòn. "Hạ tầng, đường xá ở trung tâm nhỏ, quá tải hết rồi nên nếu xây thêm cao ốc trong trung tâm càng làm cho kẹt xe hơn nên bắt buộc phải phát triển các cao ốc chung cư ở các quận huyện Thủ Đức, Nhà Bè, quận 7...", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, lỗi ở đây là do việc quy hoạch, cấp phép xây dựng vì khi cho phép phát triển các khu dân cư mới thì phải bảo đảm các yếu tố như điện, đường, trường, trạm... rồi các yếu tố hạ tầng xã hội khác để đưa doanh nghiệp ra vùng ven bằng các chính sách giảm thuế.
"Khi đó, người dân đi làm tại chỗ, trường học, bệnh viện cũng có thì chẳng ai có nhu cầu vào trung tâm nữa. Vì nơi họ ở thiếu các điều kiện này nên người ta mới phải vào trung tâm, gây kẹt xe ở các cửa ngõ", ông Sơn nói.
Một nguyên nhân khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho là các tuyến đường vành đai tại TP HCM chưa hoàn thành nên người dân từ phía này qua phía khác phải đi xuyên qua trung tâm thành phố. Nếu có đường vành đai thì chắc chắn lượng xe ra vào trung tâm sẽ giảm rất nhiều và kẹt xe cũng giảm.
Ông dẫn chứng, xe container ra vào cảng đi chung Xa lộ Hà Nội với các loại xe khác mà không có đường vành đai để riêng thì chắc chắn gây kẹt xe. Rồi người dân từ hướng quận 7 mà muốn đi sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ có một hướng là đi qua quận 4, quận 1 rồi quận 3 chứ không có sự lựa chọn khác. "Vì vậy, thành phố cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện các tuyến đường vành đai theo quy hoạch", ông Sơn nói.
Theo Phòng CSGT TP HCM (PC67 - Công an TP HCM), Sài Gòn là trung tâm kinh tế văn hóa xã hội lớn nhất cả nước, tập trung các điểm vui chơi, giải trí. Hiện có 8,6 triệu dân sinh sống nhưng tổng số xe quản lý lên đến hơn 7,6 triệu chiếc (hơn 7,1 triệu xe máy), chưa kể lượng xe từ các tỉnh hoạt động trên địa bàn thành phố. Với số liệu này, so với năm 2010, tăng 53% tổng số phương tiện.
"Mỗi ngày thành phố có hơn 1.000 xe máy và 180 ôtô đăng ký mới khiến áp lực ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn TP HCM ngày càng cao. CSGT TP HCM đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để xử lý", lãnh đạo Phòng CSGT cho hay.
Về việc này, TS Phạm Sanh - Giảng viên Đại học Giao thông vận tải - cho rằng, với lượng xe và người tăng như hiện nay, thành phố cần tập trung làm tốt các giải pháp ngắn hạn trước khi chờ các giải pháp dài hạn như metro, xe buýt nhanh hoàn thành.
"Cần phải khảo sát lưu lượng xe đi lại trên các trục đường chính, từ đó mới có hướng xử lý các điểm giao cắt như mở rộng các điểm rẽ phải, hoặc phân luồng bớt lượng xe qua các đường nhánh để giảm áp lực ở tuyến đường chính", ông Sanh nói.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nhìn nhận "kẹt xe gây bức xúc nhất" đối với người dân thành phố bởi ngày nào họ cũng phải ra đường để đi làm, đi học. Ông yêu cầu các sở, ngành phải nỗ lực hết kéo giảm tình trạng này.
Hữu Nguyên - Quốc Thắng