Cả ba dự án đều rất quan trọng với giao thông TP HCM, dự kiến đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) nhưng hình thức này vừa bị loại bỏ trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Quy mô lớn nhất là dự án cầu Cần Giờ, bắc qua xông Soài Rạp, kết nối hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng thay phà Bình Khánh - hiện độc đạo nối Cần Giờ với trung tâm TP HCM. Công trình dự kiến kết hợp hợp đồng BT, vốn khoảng 7.600 tỷ đồng và hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) khoảng 2.400 tỷ đồng.
Bốn năm trước, Thủ tướng đồng ý giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát, bổ sung dự án cầu Cần Giờ vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020. Thành phố sau đó tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế cầu. Tháng 4/2019, trong 17 phương án thiết kế, cầu có kiến trúc dây văng một trụ tháp hình cây đước - đặc trưng của Cần Giờ được chọn.
Theo phương án này, cầu Cần Giờ dài 3,4 km, có 4 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55 m. Điểm đầu cầu tại nút giao đường 15B với Đường số 2 (Khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè), điểm cuối kết nối đường Rừng Sác cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía Nam (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ).
Hồi tháng 8, trả lời cử tri huyện Cần Giờ về dự án này, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải dự kiến cuối năm nay, công trình được duyệt chủ trương đầu tư và nghiên cứu khả thi. Sau đó thành phố sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư và ký hợp đồng để khởi công năm 2021, hoàn thành năm 2023. Tuy nhiên khi dự án BT bị dừng triển khai, công trình phải tìm nguồn vốn đầu tư khác.
Cách đó 15 km, dự án cầu đường Bình Tiên băng qua đại lộ Đông - Tây, kênh Tàu Hủ, kênh Đôi với tổng đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Công trình được kỳ vọng giảm ùn tắc hướng đi từ trung tâm TP HCM qua quận 6, 8, đường Nguyễn Văn Linh để vào quốc lộ 1A đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo thiết kế, cầu Bình Tiên (gồm đường dẫn) dài khoảng 3,2 km, rộng 30-40 m với 4 làn xe trên tuyến chính và các đường hai bên. Điểm đầu dự án từ nút giao nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí (quận 6), và điểm cuối kết nối với đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh.
Dự án có từ năm 2011, ban đầu giao cho Tổng công ty xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2015. Tuy nhiên sau đó phương án đổi đất lấy hạ tầng không đạt yêu cầu nên chủ đầu tư rút. Năm 2017, UBND TP HCM chấp thuận chủ trương tiếp tục đầu tư theo hình thức BT với bốn nhà đầu tư tham gia nhưng đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện.
Công trình chưa triển khai nên hiện các xe từ trung tâm thành phố ra các khu đô thị phía Nam phải theo các trục đường Nguyễn Tri Phương, quốc lộ 50, cầu Chữ Y, Chà Và, Nhị Thiên Đường... có tốc độ đô thị hóa nhanh nên ngày càng quá tải.
Dự án thứ ba là cầu Thủ Thiêm 4, nối quận 2 và 7, vốn đầu tư 5.400 tỷ đồng (gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Cầu bắt đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát kết nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn, nối với Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4.
Trong thiết kế, công trình dài gần 2,2 km, rộng 28 m với 6 làn xe, vận tốc 60 km/h, chịu được động đất cấp 7. Hồi năm 2015, nhà đầu tư đề xuất đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 bằng hình thức đổi đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố sau đó kiến nghị Thủ tướng đồng ý để đẩy nhanh tiến độ góp phần giảm ùn tắc từ khu Nam Sài Gòn về trung tâm; thúc đẩy Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển.
Trả lời VnExpress, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết những năm qua, TP HCM thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách theo phương thức PPP, trong đó có BT để xây dựng cầu đường trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Nhiều dự án BT đưa vào khai thác như đường Phạm Văn Đồng, cầu Sài Gòn 2... không chỉ góp phần giảm kẹt xe mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Trước việc các dự án BT bị dừng triển khai, Sở Giao thông Vận tải cùng các sở, ngành xem xét từng dự án đầu tư theo hình thức này phải ngưng, đề xuất tìm kiếm nguồn vốn khác. Trong đó nghiên cứu phương án nhà đầu tư góp một phần chi phí xây dựng hạ tầng (giao thông, thoát nước, môi trường...) kết nối tiếp giáp dự án được duyệt. Việc đóng góp nhiều hay ít tùy theo quy mô công trình và tác động dự án lên hạ tầng.
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - đô thị, ở nhiều nước khi cần đầu tư dự án hạ tầng lớn, chính quyền sẽ tổ chức đấu thầu tìm nhà đầu tư. Khi công trình hoàn thành, nhà đầu tư sẽ được thanh toán thông qua phát hành trái phiếu. TP HCM cũng nên áp dụng cách làm này, cùng với việc công khai, minh bạch dự án.
"Với năng lực của thành phố hiện nay, phát hành trái phiếu tăng vốn làm các dự án hạ tầng sẽ thu hút sự quan tâm của các tổ chức tài chính", ông Hiển nói và cho rằng thành phố nên ưu tiên các dự án cấp bách, giải quyết nhiều ùn tắc thay vì làm dàn trải sẽ không hiệu quả.
Gia Minh