"Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã gửi thư thông báo với Mỹ về quyết định đình chỉ các cuộc thảo luận mua tiêm kích F-35. Yêu cầu kỹ thuật, hạn chế hoạt động và phân tích chi phí - lợi ích dẫn tới quyết định đánh giá lại thương vụ này", quan chức UAE giấu tên cho biết hôm qua.
Quan chức này thêm rằng Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí tiên tiến được ưa chuộng tại UAE và quá trình thương thảo hợp đồng F-35 có thể được tái khởi động trong tương lai.
Giới chức Mỹ xác nhận đã nhận được thư đề xuất của UAE.
Tuy nhiên, một quan chức UAE khác cho rằng tình hình bi quan hơn nhiều, khi toàn bộ thỏa thuận đã bị "đình chỉ vô thời hạn" để đánh giá lại điều khoản hợp đồng. Bức thư gửi đến Mỹ nhằm mục đích thu hồi thư đề xuất và chấp thuận (LOA), thỏa thuận liên chính phủ xác định những trang bị khí tài và dịch vụ quốc phòng được chính phủ Mỹ bán cho khách hàng.
Động thái này là tín hiệu mới nhất cho thấy quan hệ quốc phòng Mỹ - UAE xấu đi, trong đó Trung Quốc là một trong những yếu tố gây lo ngại hàng đầu. Chính phủ UAE đánh giá những yêu cầu bảo mật và an ninh do Mỹ đưa ra là không thể chấp nhận. Những phát biểu của quan chức UAE dường như ám chỉ Abu Dhabi đang tìm kiếm điều khoản có lợi hơn trong thương vụ với Washington.
Chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đã duyệt bán 50 tiêm kích F-35, 18 hệ thống máy bay không người lái (UAV) vũ trang MQ-9B và vũ khí trị giá 23,4 tỷ USD cho UAE hồi tháng 11/2020. Tổng thống Joe Biden cuối tháng 1 đình chỉ hàng loạt thương vụ mua bán vũ khí dưới thời Trump, trong đó có hợp đồng với UAE, để rà soát lại.
Các quan chức giấu tên cho biết giới chức Mỹ đã yêu cầu UAE bảo đảm các bên thứ ba, đặc biệt là Trung Quốc, không được phép tiếp cận công nghệ trên tiêm kích F-35 và UAV MQ-9B, cũng như những vũ khí này không được sử dụng tại Yemen và Libya.
Đến tháng 4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền Biden sẽ thực hiện thỏa thuận trong khi "vẫn tiếp tục đánh giá chi tiết và tham vấn quan chức UAE" về cách sử dụng những tiêm kích tàng hình tối tân này.
Quyết định khiến UAE trở thành quốc gia Arab đầu tiên và nước Trung Đông thứ hai sở hữu F-35 sau Israel. Điều khoản đàm phán ban đầu cho thấy UAE có thể nhận tiêm kích F-35 đầu tiên vào năm 2027.
Tuy nhiên, đến tháng 5, tình báo Mỹ bày tỏ nghi ngờ sau khi phát hiện hai vận tải cơ quân sự Trung Quốc đáp xuống sân bay ở UAE và bốc dỡ nhiều thùng hàng không rõ mục đích. Sự xuất hiện của các vận tải cơ này, cùng hàng loạt dấu hiệu về tăng cường hợp tác an ninh giữa Bắc Kinh và Abu Dhabi, đã khiến giới chức Mỹ lo ngại nguy cơ bí mật trên tiêm kích tàng hình F-35 bán cho UAE lọt vào tay Trung Quốc.
Vũ Anh (Theo WSJ)