"Chúng tôi giữ nguyên cam kết chuyển giao tiêm kích F-35, vốn là yếu tố thay đổi cuộc chơi với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Chúng tôi đang phối hợp với họ để bảo đảm làm rõ những cam kết được đưa ra với chính quyền tiền nhiệm", Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Mira Resnick nói với các phóng viên tại triển lãm hàng không Dubai hôm nay.
Quan chức Mỹ không cho biết nội dung đối thoại cụ thể giữa Washington và Dubai, thêm rằng các đồng minh của Mỹ trong khu vực không phản đối thương vụ này.
"Tiêm kích F-35 đã xuất hiện trong khu vực, thuộc sở hữu của Mỹ và Israel. Chúng tôi muốn UAE có thể vận hành loại chiến đấu cơ này với tư cách là đối tác an ninh của Mỹ và tham gia răn đe các mối đe dọa, bao gồm cả Iran", Resnick nói thêm.
Chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đã duyệt bán 50 tiêm kích F-35, 18 hệ thống UAV và vũ khí trị giá 23,4 tỷ USD cho UAE hồi tháng 11/2020. Tổng thống Joe Biden cuối tháng 1 đình chỉ hàng loạt thương vụ mua bán vũ khí dưới thời Trump, trong đó có hợp đồng với UAE, để rà soát lại.
Đến tháng 4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền Biden sẽ thực hiện thỏa thuận trong khi "vẫn tiếp tục đánh giá chi tiết và tham vấn quan chức UAE" về cách sử dụng những tiêm kích tàng hình tối tân này.
Quyết định khiến UAE trở thành quốc gia Arab đầu tiên và nước Trung Đông thứ hai sở hữu F-35 sau Israel. Điều khoản đàm phán ban đầu cho thấy UAE có thể nhận tiêm kích F-35 đầu tiên vào năm 2027.
Tuy nhiên, đến tháng 5, tình báo Mỹ bày tỏ nghi ngờ sau khi phát hiện hai vận tải cơ quân sự Trung Quốc đáp xuống sân bay ở UAE và bốc dỡ nhiều thùng hàng không rõ mục đích. Sự xuất hiện của các vận tải cơ này, cùng hàng loạt dấu hiệu về tăng cường hợp tác an ninh giữa Bắc Kinh và Abu Dhabi, đã khiến giới chức Mỹ lo ngại nguy cơ bí mật trên tiêm kích tàng hình F-35 bán cho UAE lọt vào tay Trung Quốc.
Các quan chức giấu tên cho biết giới chức Mỹ đã yêu cầu UAE bảo đảm các bên thứ ba, đặc biệt là Trung Quốc, không được phép tiếp cận công nghệ trên tiêm kích F-35 và UAV MQ-9B, cũng như những vũ khí này không được sử dụng tại Yemen và Libya.
Thỏa thuận bán vũ khí cho UAE từng bị nhiều nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ phản đối, với lý do chúng có thể được sử dụng trong cuộc chiến tại Yemen, quốc gia chịu khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Thượng viện Mỹ hồi năm ngoái tìm cách ngăn thỏa thuận song không thành công.
Vũ Anh (Theo AP)