"Chứng kiến sự thành công của hai chương trình Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai, tôi nhận thấy không chỉ người trẻ 'đu thần tượng', mà cả những U40, U50, cá biệt có những bác U70, U80 cũng rất hào hứng với các concert. Có bác còn tỉ mẩn viết thư gửi cho nghệ sĩ mình yên mến.
Những ai đang chỉ trích văn hóa fandom hãy nhớ lại showbiz của 20, 30, 40 năm về trước, thời chưa có mạng xã hội, sẽ thấy những nghệ sĩ cũng rất được công chúng yêu mến, nhận hàng bao tải thư, quà của người hâm mộ. Thế nên, nhu cầu yêu mến, hâm mộ một ai đó (không chỉ nghệ sĩ, mà có thể là doanh nhân, nhà khoa học...) là có thật, chỉ là cách thể hiện mỗi thời mỗi khác.
Tôi thấy các nghệ sĩ Việt ngày càng biết xây dựng hình ảnh, hình tượng cá nhân để tạo thiện cảm với công chúng. Họ không chỉ cống hiến tài năng mà còn nỗ lực giữ gìn ngoại hình đẹp, chú ý lời ăn, tiếng nói, đời sống cá nhân để không phụ lòng người hâm mộ.
Nghệ sĩ hoàn thiện mình. Fan cũng hoàn thiện hơn khi lập nhóm, tổ chức được những sự kiện quy mô, chuyên nghiệp. Tất cả những điều đó đều là năng lực, kỹ năng xã hội cả. Tôi thấy nó còn có giá trị hơn việc Gen Z tự kỷ, cắm mặt vào điện thoại, học xong đại học cũng không có một mống bạn thân nào như một bài viết gần đây - "Con tôi Gen Z không có nổi một người bạn thân nào sau nửa đời sinh viên".
Nói về nhóm khán giả U40, U50 vẫn 'bay show' cùng thần tượng, họ là những người làm ra tiền và tiêu tiền thật cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, giải trí của bản thân, để bày tỏ sự ủng hộ với nghệ sĩ họ yêu mến. Đó hoàn toàn là điều đáng hoan nghênh khi nghệ sĩ và người hâm mộ mang lại niềm vui cho nhau. Vậy thì ảo chỗ nào? Họ đang sống thật, sống hết mình với thứ họ yêu thích đấy chứ. Nên đừng quy chụp người khác 'sống ảo' khi tiêu chuẩn sống của bạn và họ khác nhau.
>> Dạy con thần tượng bố mẹ thay vì 'đu idol'
Tôi cũng thấy bất ngờ khi nhận ra văn hóa fandom ở Việt Nam mạnh không kém gì những nơi ngành công nghiệp giải trí phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều về những hoạt động này. Nhưng cá nhân tôi thấy nó khá dễ thương, tạo động lực to lớn cho nghệ sĩ làm nghề chân chính.
Tóm lại, với đa số người Việt, nhất là giới trẻ, thì việc thần tượng, hâm mộ một ai đó là nhu cầu có thật. Bao nhiêu thế hệ đều như thế chứ không chỉ riêng Gen Z ngày nay. Điều đó hoàn toàn không có gì đáng cười cợt, chê bai. Hiểu được nhu cầu đó để xây dựng, định hướng những hình mẫu nghệ sĩ trẻ, đẹp, gương mẫu, tài năng để đáp ứng lòng hâm mộ của giới trẻ mới là thứ cần tập trung phát triển.
Qua đây, tôi cũng thấy năng lực tổ chức những show diễn lớn của Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc và năng lực chi tiền mua vé của fan Việt cũng rất đáng kể. Tuần nào các thành phố lớn cũng có concert, đại nhạc hội thu hút hàng vạn người tham gia, vé luôn 'cháy' trong tích tắc mở bán. Điều đó cho thấy khả năng phát triển của ngành công nghiệp tổ chức sự kiện của Việt Nam".
Đó là chia sẻ của độc giả Vuongdiep sau thành công của hai chương trình Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công. Đặc biệt chuỗi concert của những gameshow âm nhạc này cũng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ phía khán giả. Hiện tượng này đánh dấu sự thay đổi trong văn hóa thần tượng của người trẻ Việt.
- Bạn trẻ được gì sau những ngày 'cày view' cho thần tượng?
- Việt Nam cần có những ca sĩ thần tượng như Blackpink
- Thần tượng độc hại của giới trẻ
- Xếp hàng xuyên đêm 'đu trend' Labubu
- Bạn trẻ được gì khi xếp hàng 'bắt trend' trà chanh, bánh đồng xu?
- Bắt trend vô bổ vì sợ mình 'tối cổ'