Hình ảnh hàng dài bạn trẻ xếp hàng vài chục phút đến cả tiếng đồng hồ để mua trà chanh giã tay, bánh đồng xu... không còn quá xa lạ. Dù đều là những món đồ ăn, thức uống chế biến rất đơn giản, nguyên liệu bình dân, nhưng chúng đều nhanh chóng trở thành xu hướng được giới trẻ ồ ạt chia sẻ, hưởng ứng. Vậy tâm lý "bắt trend" có nên được ủng hộ?
Lo ngại trước những hệ lụy tiêu cực mà xu hướng chạy theo trào lưu gây ra cho xã hội, độc giả Phucmic chia sẻ: "Hôm qua tôi mới ăn thử bánh đồng xu và cảm thấy dở tệ. Cá nhân tôi thấy thà ăn cái bánh bông lan trứng muối còn ngon hơn nhiều lần. Tất nhiên mỗi người một khẩu vị, nhưng không thể phủ nhận sức mạnh của mạng xã hội là quá lớn. Từ một sản phẩm không có gì quá đặc sắc nhưng lại nhanh chóng trở thành trào lưu sau khi được chia sẻ trên mạng. Món trà chanh giã tay này cũng vậy, mọi người đến xếp hàng nườm nượp để mua phần lớn là vì hiếu kỳ, muốn thử sau khi xem trên mạng xã hội chứ không phải vì món đồ uống quá độc đáo".
Đồng quan điểm, bạn đọc Tranphuongtuan chỉ ra những ảnh hưởng xấu mà các trào lưu mang lại: "Công nhận giới trẻ giờ ngày nay thích 'đu trend'. Hết trà chanh chém gió, bánh mì nướng muối ớt, trà mãng cầu, bánh đồng xu... rồi giờ lại tới trà chanh giã tay. Hệ lụy là mấy cô chú tưởng dễ bán nên chạy theo đầu tư chạy theo trend. Cuối cùng khi trào lưu sớm nở tối tàn, hàng bán ế ẩm, họ lại mang một khoản lỗ lớn".
"'Sông có khúc, người có lúc', bắt trend thì nhanh nhưng hết trend cũng sớm. Giới trẻ bây giờ cái gì cũng chạy theo xu hướng, chạy theo thời đại, rồi cứ loay hoay mãi trong những trend đó mà chẳng biết đâu là điểm dừng", độc giả Fx Tiến Lâm nói thêm.
>> Bắt trend vô bổ vì sợ mình 'tối cổ'
Chạy theo trào lưu khiến các bạn trẻ tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc là thế, nhưng không phải ai cũng nhìn các trend với sự ác cảm. Bạn đọc The Khoa Luong bình luận: "Tôi không hiểu tại sao lại có nhiều ý kiến tiêu cực mỗi khi xuất hiện những trào lưu mới như vậy. Nhiều người lớn tuổi vẫn ngồi cà phê mỗi sáng, nhậu nhẹt mỗi chiều và karaoke mỗi cuối tuần, nhưng họ lại chỉ trích cách người trẻ sử dụng tiền và thời gian vô bổ vào các trào lưu. Như vậy liệu có công bằng?".
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Nguyencongduythong phân tích: "Chẳng có quy phạm, chuẩn mực sống nào cấm người khác xếp hàng mua đồ họ thích, họ cần cả. Nếu việc chạy theo trào lưu là sai trái thì pháp luật đương nhiên đã hoặc sẽ cấm rồi. Còn việc xếp hàng đi mua đồ theo tôi là rất bình thường. Bạn không thích một việc thì đâu có nghĩa là nó sai hay người khác không được quyền thích. Quy phạm, chuẩn mực cuộc sống cũng phải hợp lý và được nhiều người thừa nhận thay vì bắt bẻ người khác".
Bảo vệ quan điểm cho rằng sở thích chạy theo trào lưu của giới trẻ không đáng bị lên án, bạn đọc Hà Nguyễn nhận định: "Người ta bỏ tiền mua niềm vui, để được thoả mãn sự tò mò; còn người bán bắt được trend để kinh doanh, kiếm tiền chính đáng thì có gì sai? Trong cuộc sống có vô số thứ chúng ta mua về mà cũng chẳng dùng được, chỉ để thỏa mãn sở thích nhất thời đó thôi. Ví dụ như bạn bỏ cả chục triệu đồng mua một chiếc điện thoại đời mới mà không dùng hết tính năng thì sao? Những bạn trẻ tạo trend và kiếm tiền được từ đó, theo tôi là một dạng tài năng, chẳng có gì đáng chê cười hay chỉ trích".
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.