Luật sư Khanh Huỳnh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết sau khi Twitter khóa vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Trump:
Việc Twitter và các mạng xã hội khác cùng nhau khóa các tài khoản cá nhân của ông Trump đã gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng việc các mạng xã hội có "xâm phạm" quyền tự do ngôn luận của ông Trump hay không dường như khiến mọi người tranh cãi nhưng không hiểu rõ. Ngay cả bà thủ tướng Đức Merkel nêu ý kiến, khiến cho mọi việc càng thêm rối.
Quyền tự do ngôn luận ở Mỹ được quy định trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp với một câu duy nhất "Chính phủ không được đưa ra những luật lệ xâm phạm tới quyền tự do nói năng của người dân". Còn những cá nhân và tổ chức tư nhân thì khác. Thật ra thì không phải là các tổ chức tư nhân được quyền cấm thiên hạ nói, họ chỉ được quyền yêu cầu người khác không nói trong quyền hạn cảu mình.
Chẳng hạn như một người mời khách tới nhà. Người khách ăn nói ồn ào làm chủ nhà mất hứng nên mời khách về, đấy không phải là xâm phạm tới quyền tự do ngôn luận mà là chủ nhà thì có quyền đuổi khách ra khỏi nhà, cho dù là vì lí do gì đi chăng nữa. Hay là giám đốc công ty tư nhân có thể yêu cầu nhân viên không được nói chuyện điện thoại riêng tư trong giờ làm việc. Tất cả những hành động đó không phải là cấm nói, mà là các quyền khác của cá nhân và tổ chức tư nhân, như là quyền "tiễn khách" hay hợp đồng lao động.
>> Vì sao Hạ viện Mỹ làm mọi cách để bãi nhiệm Trump?
Trên mạng xã hội thì mối quan hệ của cá nhân dùng mạng và nhà mạng là mối quan hệ kiểu hợp đồng, khi cá nhân là khách hàng và nhà mạng là người bán hàng. Khi đăng ký tài khoản thì ai cũng phải đồng ý với các quy định của mạng xã hội mới được dùng, tức là hai bên đã có một hợp đồng. Người dùng mà vi phạm điều khoản hợp đồng thì nhà mạng có thể cắt hợp đồng. Thậm chí là theo nguyên tắc "chủ nhà hàng có quyền từ chối phục vụ bất cứ ai" thì nếu mạng xã hội mà có khóa tài khoản hay không cấp tài khoản cho bất kì cá nhân nào cũng chả sao. Người ta có thể giận dữ, tẩy chai, chửi bới, nhưng nhà mạng chắc chắn là không phạm luật và cũng không vi phạm quyền tự do ngôn luận của ai hết.
Đó là vì theo luật Mỹ, chỉ có chính phủ mới có thể vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân thôi. Người dân có thể phàn nàn chuyện các cá nhân và tổ chức tư khác vi phạm luật gì gì đấy chứ không thể nói rằng là họ vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Việc chỉ trích Twitter cấm ông Trump vì lí do "vi phạm tự do ngôn luận" mới thật buồn cười. Nguyên vì luật Mỹ cho phép các mạng xã hội tự tung tự tác, nội dung do người dùng đăng lên thì người dùng chịu trách nhiệm, mang xã hội không phải suy nghĩ nhiều và cũng không bao giờ bị kiện vì mấy nội dung đó.
Năm 2016 Facebook đầy những tin đồn thất thiệt vô căn cứ về bà Clinton. Facebook bị chỉ trích tơi tả là không ngăn được tin giả dù họ không có trách nhiệm này trước pháp luật Mỹ.
>> Tổng thống Trump 'như trên một tàu chìm'
Lần bầu cử năm 2020, các mạng xã hội đã phải cố gắng để ngăn chặn các tin đồn thất thiệt, khổ nỗi là một phần lớn tới từ ... ông Trump. Chính bà Merkel cũng đồng ý rằng Twitter nên dán nhãn cảnh báo các bài đăng của ông Trump với các cáo buộc gian lận liên quan tới bầu cử qua thư, dù lúc đó cuộc bầu cử còn chưa diễn ra.
Nhưng bà Merkel thì đã thông qua một bộ luật yêu cầu các mạng xã hội phải kiểm soát thông tin thất thiệt nên ở Đức các mạng xã hội có trách nhiệm phải xóa các bài đăng mà họ cho là vi phạm. Còn ở Mỹ thì không như vậy, mạng xã hội không buộc phải xóa cái gì nên ở mặt khác họ muốn xóa cái gì cũng được.
Luật pháp Mỹ vẫn cho phép các mạng xã hội "tiễn khách" bất kỳ lúc nào họ muốn. Điều buồn cười nhất là trong mối quan hệ Trump - Twitter, dường như chỉ có Trump trong vai trò tổng thống là có thể vi phạm quyền tự do ngôn luận của Twitter, chứ không phải là ngược lại. Twitter trở thành nạn nhân của cái "logic Trump", khi tổng thống lại "bị" một công ty tư nhân "vi phạm quyền".
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bàitại đây.