Luật sư Khanh Huỳnh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về sự kiện bạo loạn tại tòa nhà quốc hội Mỹ ngày 6/1:
Tôi nhận được tin về vụ bạo loạn ở đồi Capitol, nơi lưỡng viện quốc hội Mỹ và phó tổng thống Pence đang họp, nhờ vào tin nổi bật do điện thoại thông báo. Những hình ảnh từ Washington được gửi về thật khó tin, với một đám đông tràn vào tòa nhà quốc hội, trèo lên ghế chủ tọa và gác chân lên bàn làm việc của chủ tịch Hạ viện trong khi các nghị sĩ phải sơ tán.
Ai từng đến Washington DC đều biết rằng an ninh ở khu này rất dày. Mới mùa hè vừa qua, phong trào biểu tình "Mạng người da đen quan trọng" (Black Lives Matter ) đã tổ chức những cuộc biểu tình rất lớn. Tuy vậy, mọi cơ quan chính phủ đều được bảo vệ tốt. Ông Trump thậm chí còn cho cả quân đội dẹp hết một đám biểu tình gần Nhà Trắng chỉ để đi chụp hình bên cạnh một nhà thờ.
>> Khả năng Trump 'lật kèo' thành công là bao nhiêu?
Còn cảnh tượng đám đông tràn vào chiếm lấy tòa nhà Quốc Hội trong rất kỳ lạ, nhất là khi lực lượng an ninh mỏng dính và không thấy vệ binh hay quân đội đâu cả. Chỉ có ít cảnh sát, và có người còn chụp hình với đám đông hỗn loạn đó nữa chứ.
Ai cũng biết là vào ngày 6/1 sẽ có biểu tình, chính ông Trump đã kêu gọi những cuộc biểu tình này. Ở Mỹ, để tụ tập biểu tình thì phải nộp đơn xin phép và thông thường đều được thông qua. Cơ quan cảnh sát sẽ cho lực lượng tới trông coi cẩn thận, vì vậy mỗi lần biểu tình mà bạo loạn thì cảnh sát đều có sẵn ở đó cả rồi. Những vụ biểu tình lớn như mùa hè vừa qua thì ở Washington lực lượng vệ binh quốc gia đã được điều sẵn, đứng dày đặc trên bậc thềm Capitol Hill.
Vậy tại sao tòa nhà Quốc hội Mỹ là chẳng có sự bảo vệ cần thiết vào một ngày mà ai cũng biết là sẽ có biểu tình? Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra và nhiều người cho rằng chỉ có lực lượng an ninh địa phương mà thôi. Ông Trump đã chẳng buồn phái quân đội tới tăng cường an ninh cho quốc hội, trong khi chính ông đã mời người biểu tình tới.
Những lời lẽ như đổ dầu vào lửa và việc kêu gọi người biểu tình ủng hộ mình tới tòa nhà Quốc hội đã gây hiệu quả. Nước Mỹ đang trải qua những ngày đen tối vì dịch bệnh bây giờ lại được một phen sợ hãi trước thực tế là có những người không tôn trọng nền dân chủ sống ngay ở đất nước và ngay trong Nhà Trắng.
Cơn giận dữ của các nghị sĩ hai phe cùng với nhiều thành viên ngày trong nội các của ông Trump dâng cao. Khi suýt chết thì ai mà không giận, mà đột nhiên bị biến thành trò cười thì ai mà không bực. Sang hôm nay người thì kêu gọi ông Trump từ chức, kẻ lại từ chức để bỏ ông Trump, như trên một chiếc tàu chìm.
Mức độ cuồng tín của con người đối với các lãnh đạo chính trị thường khá cao, và những người ở vị trí nguyên thủ quốc gia thường được rất nhiều người ngưỡng mộ. Để tránh tình trạng chia rẽ, các nền dân chủ đều theo nguyên tắc là ai đến lúc không nắm quyền thì phải rút lui. Đó là nguyên tắc mà chính trị gia Mỹ đã tuân theo từ hồi lập quốc tới giờ để bảo vệ nền dân chủ.
Ông Trump có vẻ không hiểu nguyên tắc đó. Ông cho rằng có một nhóm người ủng hộ mình và thế là đủ. Ông quên khuấy cả chuyện là để ông lên được ghế tổng thống yên ổn thì đã có một người dù có nhiều người ủng hộ hơn ông nhưng đã nhanh chóng nhường đường chỉ vì hiến pháp trao chiến thắng cho ông. Đó là bà Clinton, người được hơn ông Trump những 3 triệu phiếu bầu.
Sau khi quốc hội họp trở lại và chứng nhận chiến thắng của ông Biden, ông Trump vẫn càu nhàu về một "chiến thắng" nhưng lại nói rằng sẽ "chuyển giao quyền lực hòa bình". Vào lúc này có lẽ ông Trump mới nhận ra rằng ông đã tự đưa mình vào thế khó.
>> Vì sao nhiều người Mỹ giờ này vẫn quyết ủng hộ Trump 'lật kèo'?
Hôm trước có nguồn tin rằng ông Biden sẽ không khởi tố ông Trump vì ông Biden muốn tập trung vào công việc. Với những diễn biến này thì những người đã xông vào tòa nhà Quốc hội có thể bị khởi tố tội nổi loạn chống chính phủ. Ông Trump, với vai trò kêu gọi người ủng hộ tiến về đồi Capitol, cũng có thể bị xem xét trách nhiệm dưới điều luật tương tự.
Với sự giận dữ của cả hai phe, ông Biden e là sẽ phải nhượng bộ và truy tố Trump. Ông Trump không muốn rời Nhà Trắng một phần vì những thách thức pháp lý mà ông sẽ phải đối mặt một khi thôi chức. Nhưng giờ đây thì ông lại tự đưa mình vào một rắc rối pháp luật rất lớn.
Còn hai tuần nữa, cũng chưa ai biết mọi việc sẽ ra sao. Vào lúc này thì chắc là ai cũng không còn dám đoán già đoán non nữa.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.