Luật sư Khanh Huỳnh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết phân tích về việc bỏ phiếu gian lận bầu Tổng thống Mỹ liệu có khả thi:
Mấy hôm nay, sau khi kết quả bầu cử ở Mỹ trở nên rõ ràng, ông Trump liên tục nói rằng có gian lận. Những người ủng hộ ông cũng lặp lại những lời như vậy. Thật ra ông Trump đã kêu gào chuyện gian lận từ khi bầu cử chưa diễn ra, thậm chí từ năm 2016.
Năm 2016, ông Trump thường xuyên nói rằng "Cuộc bầu cử đã bị cài đặt sẵn". Thế nhưng tới khi ông thắng thì bà Clinton đã nhanh chóng nhận thua, phe Dân chủ tuy tức giận nhưng họ cũng không nói rằng có gian lận. Ông Trump khi đó dường như cũng quên khuấy chuyện có gian lận hay không. Còn giờ thì...
Vậy gian lận bầu cử ở Mỹ có thể diễn ra theo cách nào? Việc tổ chức bỏ phiếu và kiểm đếm phiếu là công việc của từng tiểu bang. Mỗi tiểu bang lập ra cơ quan bầu cử riêng những cơ quan này chịu trách nhiệm tiến hành bầu cử. Do cách tính phiếu đại cử tri, kết quả bầu cử tổng thống tùy thuộc vào từng bang.
>> 'Kiện tụng khó giúp Trump lật ngược tình thế'
Để gian lận, cũng phải nhằm vào đúng bang mà gian lận. Định biến California thành bang 'Đỏ' thì vô ích, đào đâu cho ra cả 6 triệu phiếu bầu? Vì vậy cái sự gian lận, nếu có, chỉ có thể diễn ra ở những bang chiến trường mà thôi.
Nhưng mọi sự thật ra cũng không dễ chút nào. Để được đi bầu, các công dân Mỹ đủ 18 tuổi phải tự đi đăng ký chứ không phải ai cũng đi bầu thoải mái. Khi đăng ký cử tri phải trình giấy chứng minh nhân thân như giấy phép lái xe, số an sinh xã hội và bằng chứng quốc tịch. Vì vậy mỗi buổi lễ nhập tịch cho người định cư tại Mỹ đều có các đảng phái sắp bàn ở ngoài ngồi chờ, chỉ mong "dụ dỗ" được một công dân mới với tấm bằng quốc tịch đăng ký bầu cử cho phe mình.
Cử tri có thể đăng ký bầu cử trực tiếp hay qua thư. Bầu cử trực tiếp, cử tri nhận được thẻ đăng ký cử tri với địa điểm bỏ phiếu của mình. Đến ngày bầu cử sẽ đem thẻ cử tri và giấy chứng minh nhân thân như bằng lái tới địa điểm bỏ phiếu. Sau khi xét giấy tờ để đảm bảo người đi bầu là cử tri có đăng ký, người đó mới được nhận phiếu bầu rồi vào trong điền và bỏ phiếu.
Vào ngày bầu cử, rất nhiều địa điểm bỏ phiếu sẽ mọc lên. Tôi từng đi bỏ phiếu ở địa điểm gần nhà, hóa ra là nhà thờ trong xóm cách nhà một cây số. Nhân viên bầu cử toàn các bậc bô lão đã về hưu, các vị làm việc rất thong thả từ từ nhưng cực kỳ chính xác.
Còn phiếu bầu qua thư, mỗi cử tri đăng ký sẽ nhận được phiếu bầu của mình trong một bao thư. Mỗi phiếu bầu đều có mã số sẵn, kèm theo bao thư để gởi trả lại với mã số trùng lắp. Sau khi điền phiếu, cử tri phải ký tên và ghi ngày đúng chỗ trên bao thư để gửi lại.
Khi phiếu bầu qua thư được gởi về, nhân viên bầu cử sẽ so sánh chữ ký trên bì thư với chữ ký được lưu khi đăng ký bầu cử, đồng thời xem ngày ký tên ghi trên bì thư. Chữ ký phải trùng lắp và ngày ký phải hợp lý, chứ như bì thư bầu cử năm 2020 mà ghi ngày 1/1/2016 thì sẽ bị loại. Sau đó nhân viên sẽ quét mã bì thư, quét mã trên lá phiếu. Tất cả mã đều phải trùng khớp với mã đã được gắn cho cử tri có tên trên phong bì thì lá phiếu đó mới được chấp nhận.
>> Lý do ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ
Sau đó lá phiếu mới được coi xét để xem có cho vào máy quét kết quả được không. Nguyên vì phiếu bầu cũng giống như chọn trắc nghiệm, phải tô vào ô trước sự lựa chọn của mình. Nếu cử tri tô nhầm ra khỏi vị trí các ô sẽ gây nhầm lẫn cho máy, hay là ghi chép lung tung xóa bỏ khắp nơi cũng vậy. Trong những trường hợp này nhân viên bầu cử phải dùng bút tẩy trắng để tẩy các vết quẹt ngoài các ô. Còn như cử tri làm những chuyện như tô ô này rồi gạch ngang đi tô ô khác thì phiếu sẽ bị loại, hay là tô hai ô trong khi chỉ được bầu cho một người thì cũng bị loại luôn.
Vì vậy để có được thêm phiếu cho phe mình, chỉ có cách "chế tạo" ra rất nhiều người không có thật để bỏ phiếu như ý mình. Làm sao để chế tạo ra vài chục nghìn người trong một tiểu bang, bảo họ đi lang thang khắp nơi với giấy tờ nhân thân giả để đăng ký cử tri, sau đó lại giả chữ ký mấy chục nghìn người... Rồi phiếu gởi qua thư đó phải gởi về đâu? Chả nhẽ lại phải nhờ vả mấy chục ngàn hộ dân để họ nhận phiếu bầu giúp? Làm được việc đó thì cần mấy chục nghìn người dân tham gia, mà phải là mấy bang khác nhau nữa kia, không vở lỡ cả ra thì mới là kỳ cục.
Tương tự vậy, làm sao để chế tạo ra hàng chục người với nhân thân giả để đi bầu vào ngày bầu cử? Thuê đâu ra cả mấy chục ngàn người như vậy mà không làm cho mọi chuyện vỡ lở cả ra?
Những báo cáo về "người chết bầu cử" đều chỉ có một trường hợp và đều đã được làm rõ. Chả là nhà đó người cha và người con trùng tên (cái này ở Mỹ rất nhiều), phiếu bầu là của người con, người cha thì đã mất nhưng khi ráp phiếu nhân viên bầu cử lại lấy nhầm thông tin của người cha nên mới có tin là người chết đi bầu. Kiểm lại thì nhân viên bầu cử tới tận nhà tìm được người con cùng tên đang sống, phiếu bầu là của người con.
Kỳ bầu cử này cũng có vài trường hợp sai sót như vậy thôi, lần nào cũng thế bởi chuyện nhầm lẫn là không tránh khỏi. Nhưng suy cho cùng thì sai sót chỉ vài phiếu bầu mà khoảng cách giữa hai ửng cử viên ở những bang cạnh tranh nhất cũng từ 10.000 phiếu trở lên.
Vì thế, ngay cả những người thuộc phe Cộng hòa nhưng không phải là nhân viên cấp dưới của Trump cũng không nói là có gian lận. Họ chỉ nói là cứ để cho mọi việc kiện tụng xong xuôi đi rồi sẽ rõ trắng đen, đại khái là họ cũng muốn tòa án coi xét cho ông Trump được vừa lòng, nếu có thua thì cũng im miệng.
>> Người Mỹ 'trốn chạy thực tại' chờ kết quả bầu cử Tổng thống
Các khác biệt duy nhất của cuộc bầu cử này so với các năm khác là bầu cử qua thư tăng lên rất nhiều. Do Covid-19 mà phe Dân chủ đăng ký bầu qua thư, phe Cộng hòa lại nghe lời ông Trump nói là bầu qua thư là gian lận nên tới ngày mới đi bầu cử. Thế nên những bang cho đếm phiếu bầu qua thư trước thì kết quả ban đầu hơi xanh, sau chuyển qua đỏ như Florida. Các bang Michigan, Wisconsin, Pennsylvania và Georgia thì ngược lại, tới ngày bầu cử nhân viên mới được mở các phiếu bầu qua thư. Hậu quả là Florida tối thứ ba đã kiểm xong gần hết phiếu, các bang chiến trường còn lại hì hụi kiểm phiếu mãi không xong, bởi họ phải làm việc mà người ta làm từ cả tuần trước.
>> Các bài viết của tác giả Khanh Huỳnh
Thêm vào đó người biểu tình tụ tập đầy phía ngoài, hù dọa đủ kiểu làm cho các nhân viên bầu cử sợ hãi thêm và càng chậm chạp hơn. Và khi Michigan, Wisconsin, Pennsylvania và Georgia dần ngả màu xanh khi phiếu bầu qua thư được kiểm thì ông Trump và người ủng hộ của ông kêu gào om sòm.
Nhưng kết cuộc thì chính ông Trump đã tự mình hại mình. Nếu ông không nói rằng bầu qua thư là gian lận thì người ủng hộ ông chắc sẽ chọn bầu qua thư nhiều hơn. Chỉ trông chờ vào một ngày đi bầu, nếu cử tri Cộng hòa nào mà hôm đấy lỡ ốm hay bận việc thì họ lại lỡ dịp đi bầu, trong khi phe Dân chủ ngồi nhà suốt cả tháng, điền phiếu bầu lúc nào chả được.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.