Lắng nghe cuộc tranh luận về tác dụng của việc học Toán, Lý, Hóa thời gian gần đây, tôi tự đặt câu hỏi: liệu chúng ta có thể thay đổi được gì không? Kể cả khi bạn định hướng con mình học theo khả năng và có một tuổi thơ đúng nghĩa, phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần thì con bạn vẫn phải thi đại học và cần đạt đủ số điểm để đỗ vào trường mơ ước. Kể cả khi con không phải thi, thì học bạ vẫn do thầy cô giáo viết điểm chứ không phải bạn. Toán, Lý, Hóa không có tính "ứng dụng" cao nhưng thi đại học và làm bài kiểm tra trên lớp thì luôn cần, đó là tác dụng của chúng.
Vậy vấn đề nằm ở đâu? Theo tôi, có hai điểm chính sau đây:
Sự lủng củng của hệ thống giáo dục:
Nhiều người ngộ nhận về khái niệm giáo dục, nó là một từ ghép gồm hai thành phần: "giáo" và "dục", nghĩa là "dạy cho biết" và "nuôi nấng". Điều này hoàn toàn trái với quan điểm giáo dục phổ thông chỉ cung cấp kiến thức chứ không dạy làm người, hay dạy trẻ làm người là chuyện của cha mẹ chứ không phải nghĩa vụ của giáo viên.
Giáo dục phổ thông chính xác phải là nuôi dạy trẻ trở thành một công dân không xấu (kể cả trong trường hợp cha mẹ không có khả năng dạy trẻ). Nhưng quan điểm đó lại sinh ra một điều không hay là nhiều bậc cha mẹ "ném" con cho nhà trường, đẩy hết trách nhiệm và đòi một "sản phẩm" tốt. Khi "sản phẩm" không tốt, họ lại đổ lỗi của nhà trường.
Khái niệm là vậy, nhưng tại sao sau khi học phổ thông, "sản phẩm" trả về lại có rất nhiều vấn đề? Điều này phản ánh tính mâu thuẫn của giáo dục hiện tại:
Thứ nhất là chất lượng (cả về chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất) đều không thể đáp ứng đủ khái niệm cơ bản của giáo dục. Điều đó xuất phát từ sự thiếu đầu tư vào giáo dục của cả hai phía (gia đình và xã hội). Chúng ta muốn trẻ em phát triển đầy đủ, nhưng không muốn tốn tiền. Cái gì cũng có giá của nó, muốn con em tương lai tốt đẹp thì bắt buộc phải bỏ đi nhiều thứ.
>> Để Toán, Lý, Hóa không 'cướp đi thanh xuân' của học sinh Việt
Thứ hai là hệ thống kiến thức - thứ gần đây hay được bàn tới. Một người đi làm từ sáng, về lúc trưa nắng, cần tắm, ăn, uống, vấn đề là cần làm cái gì vào thời điểm nào? Vì cả ba việc trên không thể làm một lúc được. Học cũng thế, gần như cái gì cũng cần cả nhưng không có nghĩa là nhồi vào đầu trẻ cùng một lúc. Có những thứ phù hợp học vào lúc này, có cái cần học vào lúc khác.
Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ, Tin học, Thể dục, Giáo dục công dân... có môn nào là không cần không? Nhưng thực tế, chỉ với ba môn thi Đại học, các em đã phải trầy trật đêm ngày để đạt được điểm cao, vậy làm cách nào để các em giỏi toàn diện được? Đấy là chưa kể các môn nghệ thuật như Âm nhạc và Mỹ thuật nữa.
Nhiều người lý luận rằng làm Toán về đạo hàm, đồ thị, logarit để giáo dục tư duy, nhưng chẳng lẽ học sinh lên cấp ba mới dạy về tư duy hay sao? Tư duy đáng lẽ phải dạy từ thuở mới đi học chứ không phải lên cấp ba mới dạy. Đạo hàm, lượng giác hay logarit thực ra cũng chỉ là sự biến thiên của những con số, mà số học thì các em đã học ngay từ tấm bé rồi. Hơn nữa, nếu đã là dạy về tư duy thì không nên cho vào đề thi, tránh bất cập và ngộ nhận giá trị của những thứ này.
Nhiều người nói Toán, Lý, Hóa ứng dụng rất nhiều vào cuộc sống, chỉ cần chú ý một chút, nhưng tại sao lại có quá ít người có thể ứng dụng được nó? Đó là do cách dạy và đánh giá của ta quá hàn lâm và xa rời thực tế. Các thầy cô giáo ở trường đa phần cũng không nắm rõ được cái "ứng dụng" đó. Hẳn là, nếu học điện mà các em có cơ hội ứng dụng lắp mạch hay học đo điện thì chuyện đã khác, nhưng ở trường học thì không có, nên các em học gì? Đã là học trên giấy mà đem so với với thực tế thì chẳng khác gì so học online với học trên lớp cả.
Thứ ba là hệ thống đánh giá, thi cử, giống như những gì tôi đã đề cập ban đầu, xin không khai thác thêm.
>> Học Toán, Lý, Hóa không phải để tìm đáp số
Trọng tâm xã hội:
Muốn tương lai phát triển thì chúng ta phải tập trung cho tương lai. Không may, con người lại luôn có xu hướng sống trong quá khứ hoặc quá quan trọng hóa hiện tại. Nhiều người sẵn sàng lờ đi những nhân tố ảnh hưởng xấu đến trẻ như họ hàng, thậm chí ông bà hay cha mẹ độc hại... vì quá nhiều lý do, và sinh con theo kiểu "trời sinh voi, sinh cỏ". Nhiều người cũng để mặc con với nguy hiểm kề cận vì lý do như "quá bận" hay "không biết gì". Nhiều người lại sẵn sàng biến con thành nơi "xả" tất cả những điều bực dọc trong cuộc sống, có sẵn tư tưởng con cái phải phục dịch cho mình.
Tất cả những điều trên không phải lý do để cha mẹ bỏ mặc, làm tổn thương, hay kiểm soát con cái. Thậm chí, xã hội cũng có đánh giá sai lầm. Khi cha mẹ mắc sai lầm, chúng ta luôn khuyên trẻ "hãy tha thứ vì đó là người lớn, mà người lớn thì sẽ thế này, thế kia". Các chính sách liên quan đến trẻ em cũng từ thái độ đó mà trở nên bất cập.
Chúng ta sẵn sàng hy sinh thế hệ trẻ khi thế hệ già hơn không mấy mặn mà với thay đổi, cải cách giáo dục, hay thay đổi theo kiểu biến các em thành chuột bạch, và không bao giờ lắng nghe thế hệ trẻ cần gì, muốn gì? Thế hệ chúng ta rồi sẽ đi vào dĩ vãng, tương lai là của những mầm non ngoài kia, nhưng nếu cứ giữ tư duy giáo dục như hiện tại, thật khó để nghĩ về một tương lai tươi sáng.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.