Vấn đề quá đề cao tầm quan trọng của các môn học Toán, Lý, Hóa đang là thực trạng đáng lo hiện nay. Cá nhân tôi không quá đề cao nghề nghiệp nào. Tôi cho rằng nghề nào cũng đáng trân trọng cả. Vì thế, tất cả các môn học ở bậc phổ thông đều quan trọng và đáng học cả, chứ không riêng Toán, Lý, Hoá, Tiếng Anh...
Bản thân tôi là lãnh đạo của một ngân hàng, nắm trong tay rất nhiều hồ sơ của nhân viên. Tôi nhận thấy có nhiều bạn thành tích học tập ở bậc đại học thật đáng nể, giỏi có, xuất sắc cũng có. Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả làm việc thực tế của một số bạn trong số đó, tôi thực sự phải nói rằng "rất đáng thất vọng". Nhiều nhân viên viết một tờ trình không ra hồn, lập luận vô cùng yếu kém, đọc một hợp đồng bằng tiếng Anh cũng chẳng hiểu gì... Nói chung là kỹ năng xử lý công việc cự kỳ tệ.
Vậy nguyên nhân của thực trạng này là do đâu? Có phải do các bạn đó học Toán, Lý, Hoá yếu không? Hay do họ học kém Văn, Tiếng Anh? Câu trả lời là "không" vì thực tế bảng điểm họ các nhân viên đó đều rất đẹp, tốt nghiệp loại khá, giỏi với mức điểm cao. Tôi cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây nằm ở hệ thống giáo dục chung của chúng ta mà ra.
>> Vật lộn với Toán cấp ba vì 'những kiến thức thừa'
Xét cho cùng, nghề nào cũng là kinh doanh, bán sản phẩm, bán kiến thức, bán dịch vụ... chẳng có nghề nào cho không biếu không cả. Nếu là người bán kiến thức, đưa ra sản phẩm không hấp dẫn, người học không tiêu thụ được, thì bạn buộc phải cải tiến sao cho sản phẩm giáo dục của mình có chất lượng cao hơn, có sức thu hút khách hàng, bán hàng chạy hơn, như vậy bạn mới là người thành công. Còn nếu bạn quay ra đổ thừa cho khách hàng (học sinh) thì thật vô lý, phi thị trường.
Tôi có một người bạn là giáo viên đang dạy Tiếng Anh ở cấp ba. Sau một thời gian dạy học, cô nhận xét rằng "học sinh bây giờ ngoại ngữ kém hơn thời mình". Tôi lại không nghĩ như vậy, học trò yếu là tại thầy dạy không tốt, nhân viên kém là do lãnh đạo không sáng suốt.
Vì thầy cô không biết cách đào tạo nên học trò mới yếu kém (trừ một số rất ít những em kém "bẩm sinh"). Nói tóm lại, nếu sản phẩm giáo dục của chúng ta đưa ra không có sức hấp dẫn, khó sử dụng, khó thẩm thấu thì làm sao người học tiêu thụ được?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.