Kế hoạch rút toàn bộ binh sĩ Mỹ tại Afghanistan về nước của Tổng thống Joe Biden vào cuối tháng 8 đang vướng trở ngại khi nó phụ thuộc vào việc liệu Taliban có hợp tác để cho phép sơ tán thêm người Mỹ và các đối tác Afghanistan hay không.
Tổng thống Biden hồi tháng 4 công bố kế hoạch rút hết 2.500 quân còn lại ở Afghanistan sau cuộc chiến 20 năm, song buộc phải điều động thêm hàng nghìn binh sĩ tới sân bay Kabul để tiến hành chiến dịch sơ tán những người có nguy cơ gặp rủi ro khi Taliban nắm quyền.
Cuộc di tản hỗn loạn và nguy hiểm tại sân bay Kabul sau khi Taliban kiểm soát thủ đô của Afghanistan đã tạo ra thách thức chính trị lớn nhất với Tổng thống Mỹ kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng một.
Giới chức Mỹ cho biết quá trình rút số binh sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh ở sân bay Kabul, gồm cả lính thủy đánh bộ và lính dù, sẽ bắt đầu muộn nhất vào ngày 27/8 và sẽ hoàn thành trước 31/8. Trong khi quân đội Mỹ dọn dẹp để về nước, tốc độ sơ tán người dân khỏi Afghanistan vẫn diễn ra tương đối chậm, giới quan sát đánh giá.
Kể từ 14/8, hơn 70.000 người, bao gồm công dân Mỹ, nhân viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và những người dân Afghanistan có nguy cơ gặp rủi ro vì Taliban, đã được đưa khỏi Kabul, Tổng thống Biden hôm 24/8 cho hay.
Biden nói Washington sẽ sơ tán tất cả những công dân Mỹ muốn rời đi, trong khi các quan chức nước này cho biết họ sẽ sơ tán nhiều người Afghanistan nhất có thể.
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby, Lầu Năm Góc tin họ đủ khả năng đưa toàn bộ người Mỹ muốn rời khỏi Afghanistan trước hạn chót vào 31/8. Giới chức Mỹ cho biết khoảng 4.000 công dân nước này đã được sơ tán, nhưng họ không rõ còn bao nhiêu người vẫn đang ở Afghanistan do có những người không đăng ký với đại sứ quán.
Lầu Năm Góc cũng cam kết đưa gần 500 nhân viên an ninh Afghanistan đang hỗ trợ Mỹ bảo vệ sân bay Kabul rời Afghanistan.
Dù tốc độ sơ tán được đẩy nhanh những ngày gần đây với sự tham gia của hàng chục máy bay vận tải quân sự từ Mỹ và nhiều quốc gia khác, giới chuyên gia đánh giá hàng nghìn người Afghanistan có nguy cơ bị Taliban báo thù vẫn sẽ không thể rời khỏi đất nước kịp thời hạn mà Tổng thống Biden đưa ra.
Hiệp hội các Đồng minh Thời chiến, một nhóm hỗ trợ tái định cư người tị nạn, ước tính 250.000 người Afghanistan, bao gồm cả các thông dịch viên, tài xế và nhân viên khác từng cộng tác với Mỹ, cần được sơ tán, nhưng mới chỉ có 62.000 người rời khỏi đất nước kể từ tháng 7.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ muốn đưa những người Afghanistan đang đối mặt rủi ro rời khỏi nước này ngay cả sau khi các binh sĩ Mỹ đã rút quân hoàn toàn. Mỹ tuyên bố sẽ gây áp lực lên Taliban để đảm bảo họ có thể thực hiện mục tiêu trên.
"Thứ không dừng lại khi nhiệm vụ quân sự kết thúc chính là cam kết của chúng tôi đối với những người dân Afghanistan đang gặp nguy hiểm", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 23/8 nhấn mạnh. "Những ai muốn rời khỏi Afghanistan sau khi quân đội Mỹ rút về nước sẽ có cơ hội làm điều này".
Một trong những câu hỏi lớn nhất mà Mỹ và các đồng minh phải đối mặt lúc này là liệu họ có nên công nhận chính phủ mà Taliban thành lập hay không. Quyết định này sẽ có tác động rất lớn, bao gồm cả việc liệu Taliban có thể tiếp cận nguồn viện trợ nước ngoài mà chính phủ Afghanistan trước đây được nhận hay không.
Một thỏa thuận do cựu tổng thống Donald Trump ký hồi năm 2020 tuyên bố rõ ràng rằng Taliban sẽ "không được Mỹ công nhận là một nhà nước", nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy Washington vẫn sẽ phải thảo luận với nhóm về hàng loạt vấn đề, trong đó có chống khủng bố.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hôm 23/8 bí mật gặp lãnh đạo Taliban Abdul Ghani Baradar tại Kabul, đánh dấu cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên kể từ khi Taliban tiếp quản Kabul ngày 15/8.
Giới chức Mỹ cho biết Taliban cũng có quan điểm chống các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, và các quan chức quân đội, ngoại giao Mỹ vẫn thường xuyên liên lạc với Taliban trong quá trình triển khai chiến dịch sơ tán.
Mỹ cùng các đồng minh và Liên Hợp Quốc cũng phải quyết định sẽ xử lý thảm họa nhân đạo đang có nguy cơ xảy ra ở Afghanistan như thế nào.
Liên Hợp Quốc cho biết hơn 18 triệu người, tương đương trên 1/2 dân số Afghanistan, cần viện trợ và một nửa trẻ em dưới 5 tuổi của nước này đang bị suy dinh dưỡng cấp tính do thiếu thực phẩm vì hạn hán.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), họ chỉ còn đủ nguồn lực để duy trì hoạt động ở Afghanistan trong vòng một tuần sau khi việc chuyển hàng bị gián đoạn bởi các biện pháp hạn chế tại sân bay Kabul. WHO đồng thời lo ngại cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ khiến đại dịch Covid-19 trở nên trầm trọng hơn ở Afghanistan.
Taliban đã đảm bảo với Liên Hợp Quốc rằng họ vẫn có thể theo đuổi các nỗ lực nhân đạo tại Afghanistan, song Liên Hợp Quốc muốn tập trung vào quyền của phụ nữ và quyền tiếp cận nguồn hỗ trợ của tất cả người dân. Taliban cam kết đảm bảo quyền học tập, làm việc của phụ nữ Afghanistan theo luật Hồi giáo, nhưng nhóm này tới nay chưa có các động thái cụ thể để thực hiện lời hứa.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)