Các nhóm khủng bố như IS và al-Qaeda có thể tận dụng triệt để khoảng trống an ninh ở Afghanistan trong quá trình Taliban tiếp quản đất nước.
Mỹ ra quyết định rút quân khỏi Afghanistan dựa trên nhận định rằng các nhóm khủng bố sẽ không thể lợi dụng quốc gia này để thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào phương Tây.
"Chúng ta đến Afghanistan gần 20 năm trước với các mục tiêu rõ ràng: Tiêu diệt những kẻ đã tấn công ta vào ngày 11/9/2001 và đảm bảo rằng al-Qaeda không thể dùng Afghanistan làm căn cứ tấn công ta một lần nữa. Chúng ta đã làm được điều đó", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong bài phát biểu từ Nhà Trắng hôm 16/8, bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không chắc về lời khẳng định của ông. Al-Qaeda về cơ bản đã suy yếu từ năm 2001 và Taliban đã cam kết ngăn chặn nhóm khủng bố này tấn công Mỹ, tuy nhiên hai lực lượng vẫn duy trì quan hệ. Al-Qaeda còn ca ngợi việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan sau khi nhóm chiếm Kabul ngày 15/8.
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng vẫn duy trì hiện diện ở Afghanistan. Theo giới quan sát, Taliban sẽ tìm cách tiêu diệt IS, nhưng nhóm khủng bố này có thể hưởng lợi từ khoảng trống an ninh được tạo ra trong khi Taliban cố gắng củng cố quyền lực để cai quản đất nước.
Trong quãng thời kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, Taliban bị cáo buộc đã bao che cho các phần tử al-Qaeda thực hiện vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào Mỹ. Đây là lý do liên minh do Mỹ dẫn đầu sau đó triển khai chiến dịch quân sự tại Afghanistan với mục tiêu tiêu diệt al-Qaeda, khiến Taliban bị lật đổ.
Sau hai thập kỷ xung đột và chịu áp lực từ các chiến dịch chống khủng bố, "al-Qaeda tại Afghanistan giờ đây chỉ còn lại bộ xương", Fawaz Gerges, giáo sư tại Trường Kinh tế London, cho hay, thêm rằng nhóm hiện như "rắn mất đầu" và "đói kém về cả tài chính".
Theo một báo cáo mới đây từ Liên Hợp Quốc (LHQ), al-Qaeda vẫn có mặt ở ít nhất 15 tỉnh Afghanistan. Một chi nhánh của nhóm, al-Qaeda ở Tiểu lục địa Ấn Độ, được cho là đang hoạt động "dưới sự bảo trợ của Taliban" tại tỉnh Kandahar, Helmand và Nimruz. Tổng cộng, số lượng thành viên al-Qaeda ước tính có từ vài chục đến 500.
"Không có dấu hiệu nào cho thấy al-Qaeda đã cắt đứt quan hệ với Taliban", báo cáo của LHQ lưu ý. Sự liên kết về ý thức hệ và các mối quan hệ cá nhân khiến hai nhóm vẫn gần gũi với nhau.
Nhà phân tích về Afghanistan Abdul Sayed mô tả mối quan hệ này là "hữu hảo và bền chặt hơn" so với giai đoạn trước vụ khủng bố 11/9.
Dù Taliban đã "bắt đầu thắt chặt quyền kiểm soát" đối với al-Qaeda, LHQ hồi đầu năm nhấn mạnh "không thể tin vào đánh giá rằng Taliban sẽ thực hiện đúng cam kết của mình về việc ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa quốc tế nào trong tương lai xuất phát từ al-Qaeda ở Afghanistan".
Ngoài al-Qaeda, một nhóm khủng bố khác cũng xuất hiện tại Afghanistan từ năm 2015 là IS Khorasan, một chi nhánh của IS ở Iraq và Syria. Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), IS Khorasan được thành lập bởi Hafiz Zaeed Khan, quốc tịch Pakistan, người cam kết trung thành với cựu lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Nhóm này ban đầu có quy mô nhỏ, chủ yếu gồm các tay súng Pakistan, hiện diện phần lớn ở tỉnh Nangahar, phía đông Afghanistan. Về sau, một số tay súng Taliban cũng đầu quân cho nhóm. Bên cạnh đó, IS Khorasan còn thu hút cả các thành viên từ những tổ chức cực đoan khác trong khu vực.
Giống như tổ chức mẹ ở Iraq và Syria, chi nhánh IS tại Afghanistan cũng ôm tham vọng chiếm giữ lãnh thổ và được biết đến nhiều bởi các cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào dân thường. Người Shitte là những mục tiêu bị nhắm đến nhiều nhất.
Năm 2019, sau khi IS bị đánh bại ở Iraq và Syria, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo chi nhánh của nó ở Afghanistan đã nhận được hàng trăm triệu USD để tiến hành các hoạt động khủng bố.
IS Khorasan chưa bao giờ kiểm soát đất đai ở Afghanistan. Thay vào đó, chiến lược của nhóm là tập trung tấn công những mục tiêu dân sự như nhà thờ Hồi giáo, trường học hay đám cưới.
Các cuộc tấn công do nhóm thực hiện đã giảm những năm gần đây. Trong 4 tháng đầu năm nay, LHQ ghi nhận 77 cuộc tấn công có liên quan đến IS Khorasan. Nhóm này cũng nhận trách nhiệm cho một vụ đánh bom nhằm vào trường nữ sinh ở Kabul hồi tháng 5 khiến hơn 85 người chết, chủ yếu là học sinh.
Các cuộc không kích do Mỹ tiến hành đã tiêu diệt nhiều lãnh đạo chủ chốt của IS Khorasan từ rất sớm, trong đó có cả thủ lĩnh Hafiz Zaeed Khan. Dù vậy, nhóm vẫn không bị xóa sổ hoàn toàn. LHQ nhận định IS Khorasan hiện duy trì một nhóm nòng cốt với khoảng 1.500-2.200 chiến binh ở tỉnh Konar và Nangahar. Các nhóm nhỏ hơn nằm rải rác khắp Afghanistan.
Hầu hết các nhà phân tích đều đồng tình al-Qaeda không có đủ sức mạnh và khả năng để tạo ra mối đe dọa tức thời với Mỹ. Nhưng một số người cho rằng nhóm hoàn toàn có thể tự tái lập nếu được Taliban bảo trợ, đặc biệt khi các chiến dịch chống khủng bố ở Afghanistan được cho là sẽ giảm cường độ đáng kể trong tương lai.
Giới chức tình báo Mỹ cho rằng quá trình này sẽ mất đến hai năm, nhưng theo Nathan Sales, quan chức chống khủng bố dưới thời tổng thống Donald Trump, thời gian cần thiết có thể chỉ là 6 tháng, tất cả phụ thuộc vào việc Taliban nới lỏng với al-Qaeda đến đâu.
Al-Qaeda "tuân thủ hoàn toàn những chỉ dẫn nhằm hỗ trợ các chiến lược của Taliban", Sayed nhận xét, thêm rằng nhóm cũng ủng hộ thỏa thuận hồi tháng 2/2020 giữa Taliban và Washington về việc rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan. Thỏa thuận này yêu cầu Taliban phải ngăn al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác sử dụng Afghanistan làm căn cứ tấn công Mỹ cùng đồng minh. Tuần qua, Taliban tái khẳng định nhóm vẫn sẽ giữ lời hứa đó.
"Taliban sẽ không cho phép al-Qaeda hoạt động từ Afghanistan và đe dọa chế độ cầm quyền non trẻ của mình như những gì đã làm vào năm 2001", Gerges đánh giá.
Michael Kugelman, phó giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, Mỹ, cũng cho rằng IS Khorasan là một nhóm "mạnh mẽ và bền bỉ" nhưng không đủ khả năng lên kế hoạch tấn công những mục tiêu xa.
Tuy nhiên, các nước láng giềng đang ngày càng lo ngại về các hoạt động cực đoan ở Afghanistan. Nga đã tăng cường những cuộc tập trận quân sự ở Tajikistan, quốc gia có đường biên giới dài với Afghanistan, vì lo ngại các nhóm Hồi giáo cực đoan có thể tràn sang đồng minh Trung Á của mình.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan gần đây khi trả lời phỏng vấn kênh NBC cho biết Mỹ "rất cảnh giác trước nguy cơ tấn công khủng bố từ một nhóm như IS Khorasan".
Tuy vậy, Taliban coi IS là một mối đe dọa hiện hữu và đã chiến đấu chống lại nhóm này suốt nhiều năm ở Afghanistan.
Theo Kugelman, Taliban "có những lý do thuyết phục" khi nhắm mục tiêu vào IS và có thể sử dụng những vũ khí mới thu được từ Mỹ để thực hiện điều này. Một động thái như vậy sẽ giúp Taliban xây dựng hình ảnh tích cực hơn trong mắt các chính phủ nước ngoài.
Nhưng trong quá trình xây dựng chính phủ, Taliban có thể bị phân tâm bởi những ưu tiên khác cấp bách hơn, tạo ra những lỗ hổng an ninh mà IS cũng như các nhóm cực đoan khác hoàn hoàn có khả năng lợi dụng.
LHQ ước tính có khoảng 8.000 đến 10.000 chiến binh thuộc các nhóm quân sự khác nhau đang hoạt động ở Afghanistan. "Việc Mỹ rút quân được các nhóm cực đoan ở Afghanistan và khu vực coi là một tín hiệu đáng khích lệ", Kugelman bình luận.
Đẩy Mỹ ra khỏi khu vực từ lâu đã là mong muốn hàng đầu của các nhóm Hồi giáo cực đoan trong khu vực và theo Kugelman, việc Mỹ rút quân có thể thôi thúc các nhóm cực đoan lên kế hoạch tấn công trong khu vực hoặc xâm nhập vào Afghanistan.
Theo một quan chức tình báo Arab, các nhóm Hồi giáo cực đoan đang gia tăng liên lạc để trao đổi về kế hoạch vươn vòi ở Afghanistan và việc Taliban giành quyền kiểm soát đất nước là động cơ "khiến nhiều chiến binh nghĩ tới chuyện tìm đến Afghanistan thay vì Syria hay Iraq".
Một chiến binh al-Qaeda tên Abu Khaled đã ca ngợi chiến thắng của Taliban, gọi đây là bước ngoặt đối với các nhóm cực đoan. "Thành công mà Taliban đạt được cũng là cơ hội để thống nhất các nhóm như al-Qaeda hay IS", người này nói.