Afghanistan chưa thành lập được chính quyền hợp pháp kể từ khi chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani sụp đổ hôm 15/8, khi lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul. Hơn một tuần trôi qua, các ngân hàng và sàn giao dịch tiền tệ vẫn đóng cửa, hoạt động kinh tế dần ngừng lại.
"Mọi người có tiền nhưng để trong ngân hàng, có nghĩa là bây giờ họ không còn tiền nữa. Rất khó kiếm tiền mặt. Do đó, toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Kabul đã dừng lại", Bahir, người từng làm nhân viên tài chính cho một công ty xây dựng ở thủ đô Afghanistan, cho biết.
Vào những năm 1990, việc Taliban tiếp quản quyền lực đã giúp nền kinh tế Afghanistan hồi sinh, chấm dứt giao tranh giữa những thủ lĩnh đối địch và tái mở cửa các con đường giao thương. Tại thời điểm đó, Pakistan, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Taliban. Tình hình ổn định sau đó giúp phong trào thu hút thêm sự ủng hộ.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quốc gia nào công nhận chế độ mới ở Kabul, dẫn đến tổn hại kinh tế nặng nề. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Afghanistan không còn có thể tiếp cận các nguồn lực của tổ chức do "cộng đồng quốc tế hiện nay chưa rõ ràng về việc công nhận một chính phủ" tại nước này. Khoản tiền 440 triệu USD mà Afghanistan dự kiến được nhận từ IMF nhờ quyền rút vốn đặc biệt cũng bị đình chỉ.
Trong khi đó, Ajmal Ahmady, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Afghanistan, cho biết 9 tỷ USD dự trữ của Afghanistan hầu hết được gửi trong các ngân hàng ở Mỹ. Washington đã nhanh chóng đóng băng các tài khoản này sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul.
Viện trợ nước ngoài và kiều hối từ người Afghanistan ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của đất nước. Với việc Taliban đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, Mỹ đã ngừng chuyển tiền đến Afghanistan hoặc giải ngân viện trợ. Western Union và MoneyGram, hai công ty chuyển tiền được cộng đồng người Afghanistan ở nước ngoài sử dụng rộng rãi, hôm 21/8 cũng chặn gửi tiền đến nước này do lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt.
Trước tình hình này, giới quan sát cho rằng Taliban có khả năng buộc phải thành lập một chính phủ rộng mở và ôn hòa hơn, bao gồm cả những lực lượng chính trị đối lập. "Quá trình dàn xếp chính trị càng được thúc đẩy nhanh chóng thì càng sớm cứu được Afghanistan khỏi những hậu quả kinh tế thảm khốc đang hiện hữu", Omar Zakhilwal, cựu bộ trưởng tài chính Afghanistan, nêu ý kiến.
Zakhilwal, người vừa trở lại Kabul để tham gia các cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực với Taliban, cho biết ông đang làm việc với lực lượng này để đưa Kabul trở về trạng thái bình thường, bằng cách tái mở cửa các ngân hàng, văn phòng và bộ ngành.
Trong tình trạng chính trị mơ hồ hiện nay, Zakhilwal cho rằng việc sử dụng những công chức hiện có tại các tổ chức kinh tế chủ chốt để thay thế đội ngũ quan chức cấp cao đã rời khỏi đất nước, "sẽ hữu ích hơn việc đưa vào những gương mặt mới mà cộng đồng quốc tế không quen thuộc".
Tuy nhiên, Taliban tới nay dường như chưa bị thuyết phục trước những lập luận như vậy. Hôm 23/8, thay vì thăng cấp cho một công chức có sẵn trong bộ máy như gợi ý của Zakhilwal, Taliban chỉ định Hajji Mohammad Idris, thành viên cấp cao của phong trào, làm tân Thống đốc ngân hàng trung ương Afghanistan thay thế Ahmady, người đã rời khỏi đất nước.
Trong sắc lệnh kinh tế đầu tiên vào cùng ngày, Taliban đã cấm xuất khẩu kim loại phế liệu, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục trả lương cho các viên chức và nối loại hoạt động của ngân hàng "trong tương lai gần". Taliban cho biết họ sẽ không thành lập chính phủ mới đầy đủ chừng nào lực lượng Mỹ vẫn hiện diện ở sân bay Kabul, thu hút hàng nghìn người Afghanistan tìm đường di tản.
Khác với lần cuối mà Taliban nắm quyền hồi những năm 1990, Kabul giờ đây là một đô thị hiện đại với 6 triệu dân. Một bộ phận đáng kể người dân đã quen với việc được trả lương vào tài khoản ngân hàng, sử dụng smartphone, xem truyền hình cáp và truy cập Internet.
Trong bối cảnh các ngân hàng và hầu hết cửa hàng đóng cửa, người dân cho biết thẻ cào để nạp tiền điện thoại trở thành thứ được săn lùng tại Kabul, được bán với giá cao hơn nhiều so với bình thường. Nhiều loại thẻ thuộc sở hữu của các công ty viễn thông nước ngoài và họ vẫn phủ sóng tại Afghanistan.
Baryalai, cư dân thành phố Mazar-e-Sharif ở phía bắc, cho biết các cây ATM vẫn hoạt động nhưng đã giảm giới hạn rút tiền từ 30.000 afghani xuống 10.000 afghani mỗi ngày (hơn 348 USD xuống 116 USD). "Không có bất cứ ngân hàng nào mở cửa và họ không tiếp thêm tiền vào cây ATM. Chẳng ai rút được đồng nào", Baryalai nói.
Trong khi đó, giá những mặt hàng cơ bản như bột mì, dầu ăn và gas đã tăng tới 50%, người dân cho hay. Một số mặt hàng nhập khẩu biến mất khỏi kệ hàng. Tuy nhiên, ngay cả những người có tiền cũng không dám tiêu.
"Họ lo sợ về tương lai và muốn tiết kiệm. Họ muốn chuẩn bị cho khoảng thời gian khó khăn phía trước và đang cố gắng tìm cách rời đất nước", Toryalai, một cựu viên chức tại Kabul, giải thích.
Chi phí duy nhất đang giảm là tiền thuê nhà. "Rất nhiều người đã rời thành phố. Một số chủ nhà bây giờ thậm chí đề nghị người thuê ở lại miễn phí, bởi lo rằng Taliban có thể chiếm giữ nếu nhà để trống", Paiman, một người cung cấp dịch vụ đổi tiền ở Kabul, cho hay.
Điểm tích cực kể từ khi Taliban lên nắm quyền là nguồn cung cấp điện trên khắp đất nước đang ổn định hơn, một phần bởi nhu cầu giảm khi các văn phòng chính quyền và nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Bên cạnh đó, Taliban không còn phá hủy các cột điện trên những đường dây chính.
Một số nhà hàng và quán cà phê tại Kabul đang mở cửa trở lại, nhưng tình hình kinh doanh rất chậm chạp. Theo một doanh nhân giấu tên sở hữu quán cà phê nổi tiếng ở phía tây thành phố, quán chỉ đón 5-10 khách mỗi ngày sau khi họ nối lại hoạt động.
"Một chỉ huy Taliban phụ trách trạm kiểm soát gần quán cà phê đã đến ăn bánh ngọt, uống cà phê và tỏ ra hài lòng. Tuy nhiên, thành phố đang dần tàn lụi. Mọi người đang vô vọng", anh nói.
Ánh Ngọc (Theo WSJ)