Lần cuối cùng Walizada, 16 tuổi, nhìn thấy cha mẹ em là ở cổng sân bay Kabul, Afghanistan. Họ lạc mất nhau giữa đám đông nhốn nháo.
"Gia đình cháu đã ly tán", Walizada nói hôm 24/8, khi ngồi bên ngoài nhà để máy bay tại căn cứ Ramstein thuộc vùng Ramstein-Miesenbach, Đức. Đây là căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở châu Âu và hiện là trung tâm sơ tán, tiếp nhận hàng nghìn người Afghanistan trốn chạy khỏi Taliban.
"Cháu không biết cha mẹ còn sống không hay họ đang ở đâu. Cháu không có bất kỳ thông tin nào", Walizada nói.
Hoàn cảnh của Walizada không phải hiếm ở căn cứ Ramstein và nó cho thấy tính phức tạp của nỗ lực đưa những người Afghanistan và người Mỹ đang mắc kẹt ở Kabul đến nơi an toàn. Một số người Afghanistan còn đang lo lắng họ không có đủ giấy tờ để đến Mỹ.
Theo giới chức, những gì đang diễn ra ở căn cứ Ramstein là chưa từng có tiền lệ. Chỉ trong vài ngày, nơi đây đã thay đổi hoàn toàn. 323 chiếc lều mọc lên, kê giường lưu động làm chỗ ngủ cho đàn ông. Còn lại khoảng 1.000 phụ nữ và trẻ em trú trong ba nhà chứa máy bay lớn. Căn cứ Ramstein bỗng chốc trở thành nơi ăn chốn ở cho 6.500 người.
Các chuyến bay cho những người đã được thẩm tra lý lịch để có thể đi tiếp bắt đầu khởi hành hôm 23/8. Nhiều người khác vẫn chưa biết liệu đơn xin tị nạn của họ có được thông qua hay không.
"Cháu nên làm gì? Cháu nên đi đâu?", Walizada hỏi. Em đã thoát khỏi Afghanistan cùng người chị 28 tuổi và cháu trai 4 tuổi, Avina. Gia đình Walizada ly tán sau khi cha mẹ em bị lực lượng an ninh Afghanistan chặn lại giữa cảnh hỗn loạn ở cổng sân bay Kabul. Vợ chồng một người chị khác của Walizada cũng không rõ tung tích.
Cha Walizada từng làm việc tại Đại học Kabul. Walizada cho biết em đã xuất trình bằng tốt nghiệp tiếng Anh cùng giấy tờ chứng minh mình từng dịch thuật cho một tổ chức phi chính phủ để lên máy bay sơ tán. Kế hoạch của gia đình em là bằng mọi cách đặt chân đến Mỹ.
"Nhưng giờ đây chỉ còn lại cháu và chị gái", Walizada nói. "Liệu chúng cháu có thể đến nước khác không, Canada chẳng hạn?".
Theo trung tá William Powell, trưởng ban xử lý các vấn đề công cộng tại căn cứ Ramstein, đoàn tụ các gia đình "là một thách thức phức tạp". Ông không nắm được chính xác số trẻ em không đi cùng cha mẹ tại căn cứ nhưng "biết rõ có chuyện này".
Một quan chức giấu tên từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính phủ sẽ "làm mọi việc có thể" để giúp các gia đình đoàn tụ nhưng những gì đang diễn ra trên thực tế đang gây nản lòng.
Tại một góc của khu nhà tạm được dựng lên dành cho những người sơ tán, Wahedullah Popalai cho hay vợ chồng anh đã bị thất lạc cậu con trai hai tuổi ở cổng vào sân bay Kabul. "Một đứa vẫn ở đây, đứa còn lại không biết ở đâu nữa", anh nói trong nghẹn ngào.
Wahedullah cho hay anh từng làm thợ hàn tại căn cứ Baghram ở Afghanistan trong hai năm nhưng không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh cho điều này. Những trường hợp như của Wahedullah sẽ là bài toán đặt ra cho giới chức Mỹ khi xử lý hồ sơ của người di tản.
"Tình hình ở Kabul cực kỳ hỗn loạn. Nhiệm vụ cơ bản của chúng tôi là đưa những người mà chúng tôi cho là dễ bị tổn thương đến nơi an toàn", quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đang phối hợp thu thập thông tin về hoàn cảnh của từng người sơ tán, giúp xác định họ thuộc diện được phép di trú nào: Công dân, người có thẻ xanh, người đủ điều kiện nhận Thị thực Nhập cư Đặc biệt vì từng làm việc với quân đội Mỹ hoặc các cơ quan khác hay những người trong hoàn cảnh đặc biệt nguy hiểm. Tương lai những người không đủ tiêu chuẩn hiện vẫn chưa rõ cũng như số người sơ tán với giấy tờ hạn chế.
Căn cứ Ramstein có khả năng tiếp nhận 12.000 người. Tin tức về việc Ramstein sẽ được biến thành một trung tâm sơ tán chỉ đến hai ngày trước khi chuyến bay đầu tiên cất cánh khỏi Kabul, theo trung tá Powell. Đến ngày 22/8, nơi đây đã đón khoảng 7.000 người. Các nguồn lực nhanh chóng cạn kiệt, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.
Một công ty địa phương đang hỗ trợ cho căn cứ Ramstein 30.000 suất ăn mỗi ngày. Trong khi đàn ông và phụ nữ có khu vực ngủ riêng, các gia đình vẫn được phép gặp mặt và ăn cùng nhau tại một số khu vực nhất định.
"Hầu hết mọi người đến đây đều mệt mỏi và sợ hãi", Jami Malcolm, tình nguyện viên từ Hội Chữ thập đỏ Mỹ đang cung cấp thực phẩm và đồ vệ sinh cho những người sơ tán, cho biết. "Tôi nghĩ họ hơi hoang mang".
Tất cả người sơ tán đều được kiểm tra y tế, bao gồm đo nhiệt độ và xét nghiệm Covid-19 với bất kỳ ai có dấu hiệu nhiễm virus. Họ sau đó được lưu hồ sơ, quét sinh trắc học và hướng dẫn tới nơi lưu trú.
Ngay cả khi bị chia cách với gia đình và không biết tương lai ra sao, nhiều người vẫn cảm thấy nhẹ nhõm.
Walizada cho biết việc không thể ở bên gia đình thực sự khó khăn với em "nhưng sẽ còn khó khăn hơn nếu tiếp tục sống ở Kabul".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)