Tôi hay đọc các chia sẻ về quản lý tiền bạc để tìm ra hướng đầu tư cho bản thân. Nay, tôi xin chia sẻ câu chuyện quản lý tài chính của mình, tổng kết lại những gì đã trải qua và biết đâu có thể cho bạn một vài gợi ý.
Tôi và chồng năm nay 34 tuổi, chúng tôi kết hôn được bảy năm, có một bé 5 tuổi. Cả tôi và chồng đều là dân tỉnh lẻ, xuống Sài Gòn học và cùng lập nghiệp tại đây, vì về quê khó tìm việc. Lúc mới ra trường, lương của tôi chủ yếu gửi về phụ giúp gia đình, đi làm hàng tháng được bao nhiêu đều gửi hết về cho bố mẹ. Đến khi chị gái tôi lấy chồng, hai chị em mới bắt đầu có tiền để riêng dành dụm.
Từ nhỏ, tôi vẫn luôn đặt cho mình câu hỏi tại sao có gia đình khá giả, gia đình thì không? Nhà tôi không phải quá nghèo, nhưng bố mẹ luôn phải làm việc rất chăm chỉ và thỉnh thoảng khi cần những món chi tiêu lớn, tôi vẫn thấy mẹ phải tính toán gom góp mới thành. Tôi tò mò về cách người ta làm giàu, trừ trường hợp tôi biết nguồn thu không trong sạch, còn lại với tôi vẫn là một bí ẩn lớn.
Từ khi tự quản lý tiền riêng, tôi đơn giản là gửi tiết kiệm 12 tháng để được hưởng lãi suất cao nhất. Sau đó, tôi phát hiện lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng khác nhau, tôi liền tìm tới ngân hàng có lãi suất cao nhất trên thị trường, mở tài khoản ở đó, chờ đáo hạn khoản cũ và chuyển hết tiền sang tài khoản mới. Tôi tính với lãi suất 7% mỗi năm, mỗi tháng tôi mở một sổ 10 triệu đồng, đáo hạn tôi sẽ có 700.000 đồng tiền lãi. Nếu duy trì đều đặn, thu nhập của tôi từ năm sau, mỗi tháng sẽ tăng thêm ngần ấy tiền. Tôi lâng lâng với cảm giác tiền của mình đang sinh sôi.
>> Bài toán có năm tỷ đồng nhờ gửi tiết kiệm cả đời
Tôi cũng hay tìm hiểu xem có cách nào khác để đầu tư sinh lời không, điều kiện là lãi phải cao hơn gửi tiết kiệm. Lúc này, tôi không chú ý đến chứng khoán, vì cho rằng cần kiến thức chuyên sâu và tốn thời gian theo dõi. Tôi đọc được một bài báo về quỹ mở, các chuyên gia sẽ đầu tư tiền của mình với mức quản lý thấp. Tôi bị thu hút và tìm hiểu về quỹ mở, đúng là tỷ suất sinh lợi cao hơn ngân hàng, nên tôi đã trích một nửa số tiền kiết kiệm lúc đó để đầu tư vào một quỹ theo tôi là đáng tin cậy.
Năm 2015, tôi lấy chồng, phải thuyết phục mãi anh mới đồng ý cho tôi đầu tư quỹ mở. Lấy nhau rồi, chúng tôi về ở nhà mà bố mẹ tôi cho mượn ở Bình Dương. May mắn không mất tiền thuê nhà, hai vợ chồng cũng không phải hỗ trợ bố mẹ gì nhiều, thu nhập chúng tôi cứ tích góp vào tiết kiệm. Ngay sau năm đó, đất bắt đầu tăng giá. Tôi bắt đầu nghĩ đến mua đất, nhưng còn lo vì mới để được ít tiền, lại chẳng có kinh nghiệm và không quen biết ai trong nghề. Lòng tôi như lửa đốt vì cứ thấy đất tăng giá theo từng ngày.
Cuối năm đó, chúng tôi cũng tìm được một miếng đất gần nhà. Miếng đất là của công ty đã bán cho bố mẹ tôi ngôi nhà đang ở, nên về thủ tục giấy tờ tôi khá yên tâm. Chúng tôi gom góp tất cả được 400 triệu đồng, và phải vay thêm 900 triệu, trả dần trong 5 năm. Mặc dù phải nợ nần, nhưng tôi không quá lo vì cả hai vợ chồng đều đang đi làm và tự chủ tiền bạc được. Sau đó, chúng tôi trả nợ đều đều, tiền nếu dư ra chút nào lại gửi tiết kiệm. Tiền chứng chỉ quỹ tôi coi như dự phòng nên không hề động đến, tỷ suất sinh lợi 12% cũng tạm ổn.
Lãi từ tiền tiết kiệm khá thấp, nên tôi đăng ký học một khóa đầu tư chứng khoán và bắt đầu tập đầu tư. Tôi đầu tư dài hạn, nghiên cứu kỹ và chỉ mua các công ty tài chính ổn định, trả cổ tức thường xuyên, thanh khoản tốt. Mua xong, tôi để đó một thời gian, thỉnh thoảng xem qua, nếu có lời như mục tiêu thì bán, còn nếu lỗ quá thì tiếp tục chờ vì các công ty tôi lựa chọn chỉ xuống do thị trường chứ không phải do bản thân công ty thua lỗ.
>> Đầu tư 'mù' giữa cơn sốt đất
Cuối năm 2019, khi thị trường xuống thấp, thấy xót vì tiền giảm, nhưng tôi biết sẽ phục hồi, nên vẫn tiếp tục kiên nhẫn chờ. Tiếc rằng, tôi không có dư tiền để bắt đáy lúc đó. Giờ tình hình có vẻ đã khá ổn định, nhìn lại, tôi không lời nhiều gấp hai, gấp ba lần như người khác, nhưng ít nhất cũng không bị lỗ nặng. Mục tiêu ban đầu của tôi là thắng 12% của chứng chỉ quỹ đã đạt được.
Cũng trong năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi phải nghỉ việc mất sáu tháng, cũng may chồng vẫn đi làm và tôi có trợ cấp thất nghiệp nên không cần đụng đến quỹ dự phòng. Đến nay, vợ chồng tôi đã thanh toán hết nợ ngân hàng cho miếng đất trên, thậm chí còn mua thêm một miếng đất nhỏ nữa ở quê và một căn chung cư ở Bình Dương. Tôi dự định cho thuê căn chung cư này để lấy tiền hàng tháng cho con ăn học. Miếng đất ở quê, chúng tôi để dành, nếu được giá thì bán, không thì cũng cứ để đó. Dù sao cũng không bị áp lực vay nợ nên chúng tôi khá thoải mái.
Mục tiêu của tôi là nghỉ hưu năm 42 tuổi, từ giờ tới lúc đó còn một chặng đường dài phải vượt qua. Nếu để tổng kết lại kinh nghiệm của bản thân mình đến giờ phút này, tôi chỉ có một câu duy nhất "chậm mà chắc". Có ít thì đầu tư kiểu ít, tích tiểu thành đại, đừng xem nhẹ tiền lẻ và luôn có quỹ dự phòng khi bất trắc. Ngoài ra, trước khi đầu tư phải tìm hiểu kỹ, khi xuống tiền rồi kiên nhẫn chờ, nếu dao động thì hãy xem lại lý do đầu tư ban đầu để vững tâm. Và tôi nghĩ đều đó cũng sẽ đúng cho bạn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bàitại đây.Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.