Nói về chuyện "Giao dịch nội gián", độc giả Ngobangben nhận định: "Có một sự thật là tính sẵn sàng vi phạm pháp luật của một số 'cá mập' để được lợi. Những cổ đông chính, ban lãnh đạo, hội đồng thành viên sáng lập doanh nghiệp luôn có người khác đứng tên một số lượng cổ phiếu không nhỏ để họ có thể thông qua đó mua bán qua lại mà không bị ràng buộc theo quy định của pháp luật".
Độc giả Sand King chỉ ra những kẽ hở trong thị trường chứng khoán Việt, trở thành cơ hội trục lợi bất chính của nhiều "cá mập": "Ngoài giao dịch nội gián, các cổ đông thiểu số còn phải chịu nhiều thiệt thòi: các đợt ESOP, những đối tượng sử dụng vốn công ty sai mục đích... Giao dịch nội gián tuy đã có luật quy định chế tài, tuy nhiên xác định vi phạm lại tương đối khó khăn.
Ví dụ như bạn làm cho công ty A, thấy dạo này nhận được nhiều dự án nên bạn cũng đầu tư vào cổ phiếu của công ty, việc này có thể xử lý hay không? Không ai cấm nhân viên mua cổ phiếu công ty mình đang làm vì thấy nó tốt cả. Nếu không thể xử lý những trường hợp như thế này nhưng lại xử lý những trường hợp khác lại nảy sinh ra những bất công. Nhìn chung, không có sự công bằng tuyệt đối, vì vậy lựa chọn công ty minh bạch khi đầu tư là hết sức quan trọng".
>> 'Đầu tư chứng khoán thay vì mua vàng'
Nhìn lại các vụ vi phạm bán chui, thao túng chứng khoán, đánh úp nhà đầu tư thời gian qua, có thể thấy, hầu hết đều là do "cá mập" là lãnh đạo các doanh nghiệp hoặc người thân của họ đứng đằng sau.
Bán chui, tạo cung cầu ảo để thao túng giá cổ phiếu và hưởng lợi từ đó... là những thực trạng vẫn đang diễn ra từng ngày từng giờ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngày càng nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp chính là những người thực hiện các hành vi này. Vụ việc cổ phiếu FLC bị bán tháo về giá sàn thời gian gần đây chính là một ví dụ điển hình cho hoạt động giao dịch chứng khoán trong nước vốn còn nhiều bất cập.
Người làm việc trong doanh nghiệp, đặc biệt là cấp quản lý ở Việt Nam, thường biết trước thông tin có thể ảnh hưởng giá cổ phiếu doanh nghiệp mình. Nếu họ lợi dụng thông tin đó để trực tiếp hoặc cung cấp thông tin cho người khác mua bán chứng khoán trước khi thị trường biết tin sẽ được lợi rất lớn. Các cổ đông khác, vô hình trung, bị thiệt hại. Đây được coi là một trong những điểm yếu của thị trường chứng khoán Việt.
>> 'Tân Hoàng Minh hưởng lợi sau bỏ cọc'
Hầu hết các vụ việc liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán vẫn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, không đủ mang tính răn đe, khiến nhiều nhà đầu tư dần mất niềm tin vào thị trường. Nghị định 156/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, liên quan đến hành vi không công bố thông tin chỉ bị xử phạt đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế (nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên), nhưng số tiền phạt không quá 1,5 tỷ đồng (đối với cá nhân). Mức phạt quá thấp so với lợi nhuận mà thu được chính là lý do khiến hành vi trên vẫn liên tục tái diễn, gây mất công bằng cho thị trường.
Độc giả Hoan cho rằng cần tăng nặng hình thức xử lý vi phạm với những cá nhân thao túng, trục lợi bất chính từ thị trường chứng khoán: "Một hệ thống chứng khoán trong sạch, minh bạch sẽ lôi kéo dòng tiền đầu tư của người dân. Nhưng thực tế, hiện nay, thị trường chứng khoán Việt chưa làm được như vậy vì còn tồn tại quá nhiều hành vi thao túng chưa bị xử lý.
Bản thân hệ thống pháp luật của chúng ta cũng chưa hoàn chỉnh, nên thường xuyên bị lợi dụng trong việc sử dụng đồng vốn cổ phần. Tôi là người có cổ phiếu cũng vô cùng bức xúc vì có người chỉ với 51% cổ phần mà đã thao túng điều hành, kinh doanh, thu lợi nhuận bỏ túi riêng, còn công ty thì luôn báo lỗ, không có một đồng cổ tức suốt bao nhiêu năm.
Rồi việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm mà một công ty mới vừa thành lập cũng được tham gia đấu giá trúng và giờ muốn bỏ cọc. Điều đó gây bức xúc cho nhiều người quan tâm. Mong muốn của người dân là hệ thống pháp luật phải cải thiện và hoàn thiện hơn nữa, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của nước nhà".
Việt Thành tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.