Làn sóng cắt lỗ lan rộng khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện ngày 19/7. Đóng cửa, VN-Index giảm 55,8 điểm (4,29%) xuống 1.243,5 điểm. VN30-Index giảm gần 64 điểm (4,44%) xuống 1.374,15 điểm. Sắc đỏ chiếm ưu thế hoàn toàn với 346 mã giảm trên HoSE, so với 50 mã tăng. Trong nhóm VN30, 29/30 mã vốn hóa lớn giảm giá.
Chứng kiến ngày "đỏ lửa" của chứng khoán, tôi thấy có nhiều ý kiến cho rằng "vỏ bọc tăng ảo của chứng khoán giờ đã lộ rõ khi thấm đòn Covid-19". Tuy nhiên, bản thân tôi không đồng tình với quan điểm này.
Thứ nhất, chứng khoán tăng hay giảm, ngoài phụ thuộc vào yếu tố thị trường thì còn bị ảnh hưởng bởi rất nhiều vào tâm lý của các nhà đầu tư. Thời gian vừa qua, chứng khoán Việt chứng kiến nguồn vốn F0 lớn đổ vào thị trường, thế nên, việc họ bán tháo trong lúc này cũng là điều dễ hiểu. Đơn giản vì họ sợ rủi ro.
Tuy nhiên, nếu nhìn sang khối ngoại, chúng ta có thể thấy các nhà đầu tư lại đang mua vào liên tục với số lượng lớn. Tại sao khối ngoại lại mua vào lúc này? Bởi vì họ chấp nhận để tiền vài tháng đến vài quý để sinh lợi nhuận khổng lồ, và thời điểm này mua vào là tốt nhất. Còn nhiều người Việt dùng margin, đầu tư với mong muốn lướt sóng, nên khi lỡ vào lúc chứng khoán ở đỉnh, họ sợ rủi ro và phải bán tháo. Do lướt sóng nên càng ngâm lâu, họ lại chịu lỗ càng cao.
Thứ hai, giá trị hàng hóa được xác định bởi nhu cầu thị trường. Cổ phiếu cũng vậy, khi lượt mua nhiều mà lượng bán ít thì giá sẽ tăng. Ngược lại, khi bán nhiều mà mua ít thì giá sẽ giảm. Thế nên giá cổ phiếu phụ thuộc rất lớn vào tâm lý của nhà đầu tư. Còn nếu nói theo tăng trưởng của doanh nghiệp thì đó là một yếu tố khác của cổ phiếu. Chia lợi nhuận, cổ tức thì mới quan tâm đến lợi nhuận doanh nghiệp mà thôi.
>> Một năm chơi chứng khoán lãi 5%
Có thể thấy, chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý quá nhiều. Tôi thấy các hội nhóm người chơi vẫn còn hối nhau bán ra trong phiên sáng nay nếu về mốc 1.260. Bán tháo kiểu đấy thì không giảm mới lạ. Đà lao dốc chứng khoán theo suy thoái kinh tế rất khác với lao dốc theo hiệu ứng đám đông. Rõ ràng, khi vừa nghe tin TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 là cổ phiếu giảm, rồi nghe tin ca gần 5.000 ca bệnh là lại giảm thêm. Đó không phải tâm lý thì là gì?
Trong khi kinh tế vĩ mô của TP HCM và cả nước sáu tháng đầu năm vẫn tăng ổn định gần 6%, sản xuất có hạn chế nhưng vẫn được duy trì. Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nhưng nếu áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt thì chắc chắn sẽ giảm sau một tháng nữa. Vậy bạn thử nghĩ xem, nền kinh tế vĩ mô vững, GDP vẫn tăng trưởng, doanh nghiệp vẫn lợi nhuận thì hà cớ gì chứng khoán giảm điểm? Rõ ràng là tâm lý bán ròng ảnh hưởng nặng đến nhà đầu tư chứ không phải kinh tế suy thoái.
Chỉ có các nhà đầu tư trong nước với tâm lý bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sợ rủi ro, dùng margin, tư tưởng chốt lời nhanh, nóng, nên không đủ sức để bước qua giai đoạn này vào bán tháo khiến chứng khoán giảm. Chứ các nhà đầu tư ngoại, họ lại tranh thủ mua vào những lúc này và đợi chốt lời vào cuối năm.
Tôi cũng chỉ là một nhân viên văn phòng bỏ tiền nhàn rỗi vào mấy cổ phiếu penny kiếm ly cà phê, chứ không phải dân môi giới chứng khoán. Nhưng tôi cũng có thể hiểu, nếu nhà đầu tư nào cũng đua nhau bán tháo thì chứng khoán sẽ giảm điểm, đó là quy luật tất yếu. Tuy nhiên, theo tôi, thời điểm này lại là thích hợp để mua vào, "bắt đáy" những cổ phiếu tốt, đợi vài tháng đến cuối năm thì ẵm lời, vẫn lời hơn gửi ngân hàng nhiều.
Quan điểm của bạn thế nào?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.