Những hoàn cảnh túng quẫn mà tôi biết mùa dịch này, họ đều có mẫu số chung là: Đồng lương chia năm, xẻ bảy để chăm lo, nuôi người nhà. Sự bấp bênh từ thu nhập khiêm tốn thường ngày trở nên đổ vỡ khi thất nghiệp và dịch bệnh ập tới.
>> Hàng xóm ngày thường xả láng, mùa dịch chật vật
Hai tuần liền, tôi không thấy anh bạn thanh niên ở dãy phòng đối diện mở cửa. Giữa trưa, trong căn phòng nóng bức, nhìn qua chỉ thấy cửa sổ khép hờ và bên trong tối tối. Từ đầu dịch, chỉ thấy cậu bạn mở cửa lúc đi đổ rác hoặc nhận mì tôm, gạo được các nhà hảo tâm hỗ trợ. Bạn cùng phòng đã về quê hết.
Ở chung dãy trọ đã hai năm, tôi thấy anh chàng đi làm rồi về. Thanh niên không cà phê cà pháo, không đi chơi, dường như không có bạn. Bởi hoàn cảnh gia đình không cho phép tiếp cận những "tiêu chuẩn" xem ra là bình thường với rất nhiều như vậy.
Bởi sau lưng là người cha bị tiểu đường nặng, mất sức lao động, còn một đứa em cấp ba sắp lên đại học và người mẹ già với vài sào đất cằn cỗi ở quê. Đi làm thợ hàn cho một xưởng gần nhà trọ, tiền công mỗi tháng cũng được chục triệu. Với một thanh niên không phải nuôi ai, thì số tiền này hoàn toàn dư giả và để dành được.
Nhưng mỗi đồng tiền công hằng tháng đó đều gánh trách nhiệm với gia đình, với người thân. Vậy nên trừ đi tiền nhà, tiền ăn uống, xăng xe, điện thoại thì dồn cả về quê. Mỗi tháng chỉ giữ lại vài đồng để phòng thân. Giãn cách, không đi làm, nhưng tiền thì vẫn gửi về nhà, vậy xin đừng ai hỏi tiền tiết kiệm đâu?
Và với một người chưa tốt nghiệp cấp ba, thì có nghề và công việc kiếm được chục triệu hàng tháng, đã là sự cố gắng và nỗ lực rồi, trong khi mỗi tháng áp lực tiền gửi về nhà, tôi nghĩ cũng chẳng còn thời gian đâu mà tính đến chuyện tăng thêm thu nhập. Nên cũng đừng ai hỏi: Tại sao không cố tăng thu nhập lúc bình thường.
>> Hai lần 'mất' sạch 100 triệu đồng tiết kiệm
Đó là với một thanh niên chưa lập gia đình. Còn những gia đình công nhân, trách nhiệm còn nhiều hơn, đồng lương còn bị xẻ ra nhiều phần hơn: tiền phòng, mua gạo, thứ ăn, sữa cho con, tiền cho con đi học, tiền gửi về quê... cứ như một dòng nước chảy qua từng ly, đến ly cuối cùng mang tên tiết kiệm thì chẳng còn bao nhiêu. Và với sự bấp bênh thu nhập liên tiếp gần hai năm qua, qua bốn lần dịch, thì ly nước ấy còn và còn duy trì được bao lâu nữa chăng?
Bình thường những người đó vẫn đi làm, vẫn gửi tiền về nhà, họ vẫn sống và tự lo cho bản thân, lo cho gia đình được. Nhưng những lúc này, họ đã than thở thì tôi nghĩ có lẽ đã quá sức và đã chạm đến giới hạn rồi.
Rất cần những bàn tay giúp đỡ họ.
Hoà Bình
>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.