Sau lần mất ngôi vương doanh số Crossover cỡ C bởi Honda CR-V vào 2019, Mazda CX-5 cho đến nay không để đối thủ nào vượt qua. Mẫu xe lắp ráp bởi Trường Hải giữ trên ngôi đầu sau 8 tháng đầu 2022, khoảng cách với đối thủ xếp sau là CR-V hơn 2.600 xe.
Trong tháng 8, CX-5 cũng là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc với 1.100 xe, xếp sau là các đối thủ như Hyundai Tucson, Kia Sportage lần lượt 765 xe và 655 xe. Doanh số cộng dồn của CX-5 đến tháng 8 đạt hơn 9.500 xe, chiếm khoảng 36% thị phần phân khúc.
Thiết kế trung tính, nhiều phiên bản lựa chọn nhất cộng với tiện nghi vừa đủ, CX-5 trong nhiều năm qua là lựa chọn số một ở phân khúc xe gầm cao cấu hình 5 hoặc 5+2 tại Việt Nam. Chính sách giá thường xuyên có ưu đãi của Trường Hải cũng cũng giúp mẫu xe của Mazda dễ tiếp cận với khách hàng.
Bám đuổi CX-5 là đối thủ đồng hương CR-V của Honda. CR-V dù được đánh giá lái hay và nhiều công nghệ an toàn nhưng giá bán cao nhất (chỉ tính các mẫu công bố số liệu bán hàng) là trở ngại để bứt lên trong cuộc đua với CX-5. Mẫu xe của Honda bán hơn 6.800 xe sau 8 tháng, trung bình khoảng 855 xe/tháng, con số của CX-5 là 1.188 xe/tháng.
Hyundai Tucson và Kia Sportage là hai mẫu xe Hàn tham chiến ở phân khúc này và cùng bước sang thế hệ mới nhất trong 2022. Tucson sau nhiều tháng khan hàng, nay nguồn cung dồi dào trở lại. Mẫu xe của Hyundai có hơn 5.200 chiếc đến tay khách hàng sau 8 tháng. Sportage mới giao xe từ tháng 7 nên doanh số còn khiêm tốn, tổng gần 1.400 xe.
Trong số các mẫu xe góp mặt trong phân khúc, Mitsubishi Outlander là sản phẩm chậm có thế hệ mới nhất dù đã hiện diện trên nhiều thị trường quốc tế. Outlander hiện lắp ráp tại nhà máy của hãng ở Bình Dương, doanh số xếp thứ tư phân khúc với 3.340 xe sau 8 tháng, trung bình khoảng 417 xe/tháng.
Phân khúc CUV cỡ C còn có các mẫu như Volkswagen Tiguan, Subaru Forester, MG HS, Peugeot 3008 nhưng nhà phân phối không công bố số liệu bán hàng cụ thể.
Phạm Trung