VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ năm, 17/10/2024

Mình hay có triệu chứng mệt mỏi, đau tức ngực, hay có triệu chứng khó thở, môi thâm tím. Xin hỏi bác sĩ đây là triệu chứng của bệnh gì? Mình có thể đến đâu để thăm khám chi tiết?

Đinh Thị Thu Hương, 32 tuổi, Pleiku, Gia Lai

BS.CKI Hoàng Thị Bình

Chào em,

Đau ngực là khi người bệnh có cảm giác đau ở vị trí giữa ngực hay có thể lệch sang trái. Đôi khi, bệnh nhân không cho là đau mà mô tả cảm giác giống đè mạnh, ép chặt hay bóp nghẹt; có lúc kèm theo hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, bủn rủn tay chân.
Các nguyên nhân có thể gây ra đau ngực:
+ Bệnh lý tim mạch: những bất thường trong mạch vành, động mạch bị xơ vữa, giảm tưới máu và thiếu dưỡng cơ tim hầu hết sẽ biểu hiện triệu chứng đầu tiên là đau ngực. Đau sẽ giảm hoặc ngừng khi nghỉ ngơi. Đau ngay cả khi nghỉ, đột ngột nặng ngực với cường độ dữ dội, kèm vã mồ hôi, khó thở, nghỉ không bớt đau, khiến người bệnh ôm ngực vì đau đớn thì cần nghĩ đến khả năng nhồi máu cơ tim, mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn. Ngoài ra, các bệnh lý tim mạch khác như co thắt mạch vành cũng gây ra đau ngực.
+ Rối loạn nhịp tim, suy tim, viêm cơ tim... cũng thường biểu hiện bằng đau tức giữa ngực.
+ Bên cạnh tim, những bệnh thuộc về cơ quan hô hấp như viêm phổi, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn, viêm dày dính màng phổi, tràn dịch, tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi, ung thư phổi,... Ngoài các triệu chứng sốt, ho, khó thở, khò khè, người bệnh có thể khai đau tức ngực kèm theo.
Về tình trạng môi thâm tím, nguyên nhân có thể do cơ thể thiếu oxy liên quan đến tim hoặc phổi.
Kết hợp các triệu chứng trên, em có biểu hiện của đau ngực, khó thở, có môi thâm tím. Em nên đi khám chuyên khoa tim mạch trước để tìm nguyên nhân nhé.
Thân mến!

Huyết áp em được chẩn đoán cao. Trong suốt ba năm, em ít sử dụng thuốc hạ huyết áp, đến khi huyết áp đột ngột tăng cao tới 190, nhịp tim nhanh. Sau khi em nhập viện một thời gian, bác sĩ không tìm thấy nguyên nhân, xuất viện thì tái phát lại tình trạng như vậy. Sau lần đó, ngực trái của em bắt ...

Nguyễn Hoàng Nam, 25 tuổi, Quảng Nam

BS.CKI Hoàng Thị Bình

Em có được chẩn đoán huyết áp cao trong 3 năm nhưng em ít sử dụng thuốc huyết áp đến khi HA tăng 190/ mmHg+ nhịp tim nhanh. Với giá trị huyết áp trên theo phân độ THA ESC và ESH (2018), huyết áp của em tăng cao độ 3.

Có 2 nguyên nhân tăng huyết áp: Tăng huyết áp (THA) nguyên phát và thứ phát (có nguyên nhân). Thường ở những bệnh nhân lớn tuổi THA thường vô căn chiếm tỷ lệ cao, một số ít có nguyên nhân.
Vì em cũng không nêu độ tuổi hiện tại của mình với BS do đó việc tìm nguyên nhân có thể có 2 trường hợp:
(1) Do vô căn, thường gặp bệnh nhân tăng huyết áp ở người lớn tuổi, có quá trình uống thuốc nhiều năm.
(2) Tăng HA nguyên nhân thứ phát:
+ Nguyên nhân thường gặp: Bệnh nhu mô thận, Hẹp động mạch thận, Cường aldosterone tiên phát.
+ Nguyên nhân ít gặp: U tủy thượng thận (u tế bào pheochromocyteipheochomocytoma), Hội chứng Cushing.

Các yếu tố gợi ý THA thứ phát (1) Khởi phát THA < 25 tuổi hoặc > 55 tuổi, THA nặng, HA > 180/110mmHg lúc khởi bệnh. Khởi bệnh đột ngột, từ huyết áp bình thường đến THA nặng trong < 1 năm. THA kháng trị. Trước kia điều trị hiệu quả, nay đáp ứng kém. Cơn THA kèm hồi hộp, tái nhợt, toát mồ hôi và run tay.
Em có thể tham khảo 1 số các triệu chứng và tìm hiểu thêm về nguyên nhân BS gợi ý. Tiếp tục theo dõi huyết áp và điều trị theo chuyên khoa cần thiết đối với trường hợp của em. Chúc em sớm khỏe và tiếp tục theo dõi sức khỏe của mình. Thân mến!


Tôi có tiền sử huyết áp cao 140/90. Cách đây ba tháng khi đi tiểu phẫu huyết áp tăng lên tới 205/140, bác sĩ phải cho uống thuốc giảm huyết áp và huỷ bỏ tiểu phẫu. Sau đó tôi có theo dõi thì huyết áp thường xuyên ở mức 160/100.

Tôi đã đi khám tim mạch và được bác sĩ chỉ định uống thuốc ...

Bùi Hiếu, 51 tuổi, Thủ Đức

BS.CKI Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,

Theo phân độ ESC 2018 kết hợp hội tăng huyết áp Châu Âu ( ESH):
Tối ưu: HA tâm thu < 120 và HA tâm trương < 80
Bình thường: HA tâm thu 120-129 và/hoặc HA tâm trương 80-84
Bình thường cao: HA tâm thu 130-139 và/hoặc HA tâm trương 85-89
Tăng HA độ 1: HA tâm thu 140-159 và/hoặc HA tâm trương 90-99
Tăng HA độ 2: HA tâm thu 160-179 và/hoặc HA tâm trương 100-109
Tăng HA độ 3: HA tâm thu ≥ 180 và/hoặc HA tâm trương ≥ 110
Tăng HA tâm thu đơn độc: HA tâm thu ≥ 140 và HA tâm trương < 90
Ghi chú: Nếu HA tâm thu và HA tâm trương của bệnh nhân nằm ở 2 mức khác nhau, phân loại dựa vào mức cao hơn. Tăng HA tâm thu đơn độc cũng được phân thành độ 1, 2 hoặc 3 dựa vào trị số HA tâm thu.

Huyết áp của bạn theo phân độ là THA độ I.
Cách đây 3 tháng khi đi tiểu phẫu huyết áp tăng lên tới 205/140, uống thuốc giảm huyết áp và huỷ bỏ tiểu phẫu. Sau đó huyết áp thường xuyên ở mức 160/100 mmHg. Bạn đang có tình trạng tăng huyết độ II.
Bạn đang điều trị hạ áp với thuốc nhưng HA 150/90 mmHg chưa đạt huyết áp mục tiêu. Kèm theo điều trị hạ áp, bạn cần có điều chỉnh lối sống và chế độ ăn cho phù hợp với bệnh nhân có tăng huyết áp.
Chế độ điều trị không thuốc
Hạn chế muối ăn < 5 g/ngày.
Giới hạn lượng cồn tiêu thụ ở mức < 14 đơn vị/tuần đối với nam và < 8 đơn vị/tuần đối với nữ (1 đơn vị tương đương 125 ml rượu vang hoặc 250 ml bia).
Tăng tiêu thụ rau, trái cây tươi, cá, các loại hạt và axít béo không bão hòa (ví dụ dầu ô-liu). Giảm tiêu thụ thịt đỏ. Khuyến khích dùng các sản phẩm ít béo từ sữa.
Kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân/béo phì. Đích BMI < 23 kg/m2. Đích vòng eo < 90 cm đối với nam và < 80 cm đối với nữ.
Vận động thể lực mức độ vừa ít nhất 30 phút x 5-7 ngày/tuần. Hình thức vận động với năng lượng được sinh ra từ chuyển hóa hiếu khí (đi bộ, chạy bộ chậm, chạy, đạp xe, bơi lội)
Bỏ thuốc lá (có biện pháp hỗ trợ).

Qua bảng chế độ điều trị không thuốc cho thấy việc tập thể dục có thói quen chơi những môn thể thao khá nặng, như: cầu lông đơn và chạy bộ. Bạn không cần bỏ thói quen vận động tập thể lực như trên. Tuy nhiên bạn có thể điều chỉnh lại mức độ vừa ít nhật 30 phút x 5-7 ngày trong tuần.
Kết hợp thêm bạn nên đến trung tâm tim mạch để được tiếp tục kiểm soát HA bằng thuốc để đưa về huyết áp mục tiêu. Chúc bạn khỏe.

Em hay bị đau tức, nhói vùng ngực và đôi lúc cảm thấy hơi khó thở, vài tháng xảy ra một lần. Xin hỏi bác sĩ em bị làm sao và có cần đi khám không?

Võ Trọng Thể, 38 tuổi, Cẩm xuyên, Hà Tĩnh

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,

Đau nhói vùng ngực trái và khó thở là triệu chứng có thể gặp trong nhiều bệnh như: hô hấp, tiêu hoá, thần kinh, cơ xương khớp, tim mạch. Đau tức ngực do bệnh tim mạch thường nghĩ đến bệnh hẹp tắc động mạch vành với tính chất đau kiểu cảm giác bị đè nén, áp lực, nóng rát hoặc kim châm ở vùng ngực trái, đau có thể lan ra sau lưng, cổ, hàm, vai và cánh tay; đau thường xuất hiện khi gắng sức, đỡ khi nghỉ ngơi; đau có thể kèm theo biểu hiện khó thở, mệt mỏi.

Trường hợp của bạn, tính chất đau nhói vùng ngực trái đôi lúc kèm theo khó thở cũng không điển hình của bệnh lý tim mạch. Do đó, để chẩn đoán đúng tình trạng đau ngực của bạn là do nguyên nhân gì, bạn cần đi khám ở cơ sở y tế với các bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này sẽ có những thăm khám toàn diện, đặc biệt là xem xét xem em có các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch không như: thể trạng em có thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường hay rối loạn lipid máu, gia đình bạn có ai bị bệnh tim mạch không?... Bên cạnh đó, bạn có thể được làm một số xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu như: điện tâm đồ, siêu âm tim, nghiệm gắng sức... để xác định liệu triệu chứng đau ngực của bạn có liên quan đến bệnh động mạch vành không?, hoặc một số trường hợp bạn cũng có thể được chỉ định các xét nghiệm khác như chụp X.quang tim phổi, nội soi dạ dày - thực quản... để loại trừ một số nguyên nhân gây đau ngực và khó thở do nguyên nhân khác.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Em năm nay 27 tuổi, dạo gần đây em thỉnh thoảng có những cơn đau tim, nhói nhẹ kéo dài khoảng một đến hai phút, tần suất một tuần xuất hiện khoảng bốn đến năm lần. Vậy em có đang bị bệnh lý gì nghiêm trọng không và có cần thăm khám không? Cảm ơn bác sĩ.

Lê Xuân Chung, 27 tuổi, Linh Đàm

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào em,
Đau nhói ngực trái là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Nói đến đau ngực do tim mạch, nguyên nhân đầu tiên cần nghĩ đến là đau do tổn thương hẹp tắc động mạch vành với tính chất đau cơn, đau tim vùng ngực trái, đau tái lại, nhất là những cơn đau này liên quan đến vận động, tăng lên khi gắng sức, giảm đi khi nghỉ ngơi, tỷ lệ xuất hiện cao ở người có yếu tố nguy cơ tim mạch. Đó là yếu tố liên quan với sự gia tăng khả năng mắc bệnh tim mạch bao gồm những yếu tố không thể thay đổi được (như tuổi, giới, di truyền) và các yếu tố có thể thay đổi được (như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường,...).

Tuy nhiên, ở độ tuổi của em (27 tuổi), nguy cơ bệnh lý mạch vành là thấp, triệu chứng đau lại không điển hình, nên cũng chưa rõ ràng liệu có phải là dấu hiệu của bệnh lý tim mạch không hay là bệnh lý của các cơ quan khác như phổi, dạ dày... Vậy nên, để xác định vấn đề sức khỏe của em là gì, em cần đi khám tại các cơ sở y tế, để được thăm khám một cách toàn diện, với các xét nghiệm cơ bản như điện tim đồ, siêu âm tim hay các xét nghiệm chuyên khoa sâu như nghiệm pháp gắng sức có thể giúp chẩn đoán xác định bệnh và có các tư vấn điều trị phù hợp với vấn đề sức khỏe em đang lo lắng.

Cảm ơn em đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc em và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào,em có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Em bị bệnh tim bẩm sinh, thông liên nhĩ và hở van ba lá 2.5/4 nên chữa trị thế nào? Có nên phẫu thuật để bít lỗ dù thông liên nhĩ được không? Chữa trị hở van như thế nào? Em có nên tập gym, chạy bộ không? Nếu khám và phẫu thuật thì bệnh viện nào tốt và uy tín nhất? Em cảm ơn.

Trí, 31 tuổi, TP HCM

BS Nguyễn Minh Trí Viên

Chào bạn,

Thông liên nhĩ là một trong những bệnh lý đơn giản nhất của bệnh tim bẩm sinh. Thông liên nhĩ là một lỗ thông giữa hai buồng nhận máu, ở buồng nhận máu áp lực thấp cho nên luồng thông không nhiều như ở các buồng khác như thông liên thất hoặc ở tầng động mạch, ống động mạch. Diễn tiến của bệnh sẽ phụ thuộc vào thứ nhất là kích thước của lỗ thông, vì bạn cũng không nói rõ kích thước lỗ thông như thế nào. Thứ hai là độ tuổi, hiện nay bạn 32 tuổi cũng là một quá trình dài. Nếu kích thước dưới 10 mm thì giống như một ống bơm mà có lỗ rò, kích thước nhỏ nên sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến trái tim và hoạt động của bạn.

Đối với trường hợp hở van ba lá như vậy thì tôi nghĩ lỗ thông cũng có kích thước trung bình, khoảng chừng 10 - 20 mm. Lượng máu từ bên trái qua bên phải sẽ làm cho tim phải giãn ra, máu lên phổi nhiều hơn, bạn có thể bị ảnh hưởng khi hoạt động gắng sức. Trường hợp này chúng tôi khuyên bạn mổ vì có hai điểm lợi, một là giúp bạn tăng thể lực, có thể làm được nhiều điều hơn mà trước đó bạn chưa làm được, hai là những lỗ thông như vậy sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ do mạch máu não có thể có những cục máu đông đi vào tim qua lỗ này, đi thẳng lên động mạch não. Những lỗ thông có kích thước trung bình, chúng tôi khuyên bạn nên đóng vì sẽ tốt cho bạn hơn.

Hiện tại, những lỗ thông cỡ trung bình có thể bít được nhờ thông tim can thiệp, những dụng cụ người ta gọi là cái dù, hai cái đĩa có thể bung ra được và có thể kẹp vào bờ của cái lỗ, bít hoàn toàn cái lỗ. Trường hợp của bạn cần làm siêu âm kỹ để xem cái bờ, cái rìa của lỗ có tốt hay không, có chắc chắn để dù bám tốt hay không. Trường hợp bờ chắc và tránh xa được những cấu trúc quan trọng của tim thì hoàn toàn thông tim can thiệp, sử dụng một ống thông luồn vào trong tim của bạn rồi thả ra, bạn hoàn toàn không có vết mổ, không có đau đớn, không phải nằm lâu.

Do đó trường hợp của bạn cần thăm khám và siêu âm. Thậm chí bác sĩ có thể nhìn rõ bờ rìa lỗ thông bằng siêu âm đầu dò qua thực quản, giúp nhìn rõ ràng hơn và có câu trả lời chính xác hơn cho bạn.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Em 32 tuổi, có triệu chứng tim đập nhanh cách đây một năm, sau khi mắc bệnh cúm. Tim bình thường cỡ 75-80 nhịp, sau khi ăn hoặc làm việc nhà, tim em đập 120-130 nhịp, cảm giác rất mệt và đau đầu, có lúc nhịp tim nhảy 180 trong khoảng một phút rồi thấp lại, triệu chứng mất đi khoảng vài tháng sau đó ...

Phuong Dang, 32 tuổi, Tây Ninh

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,

Tình trạng của bạn có thể không liên quan đến cúm. Có thể liên quan đến viêm cơ tim, vì viêm cơ tim có thể do virus và làm chức năng tim suy giảm, khiến tim đập nhanh. Tuy nhiên, theo như mô tả của bạn, có những lúc tim đập bình thường, có lúc đập rất nhanh. Có thể bạn bị tim đập nhanh kịch phát trên thất. Chúng ta đo điện tâm đồ 24h, 48h, 72h không phát hiện được bệnh có thể là do chưa phát hiện ra. Gặp những trường hợp này, cần cấy máy dưới da và đo điện tâm đồ trong suốt cả tháng, thậm chí cả năm cho người bệnh.

Song song đó, chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng tim đập nhanh, chẳng hạn như cường giáp, tăng huyết áp... Bạn nên đến khám để tìm nguyên nhân, vì nếu để lâu chắc chắn sẽ gây suy tim. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chúng tôi tự hào với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, trang thiết bị máy móc hiện đại bậc nhất sẽ đáp ứng hoàn toàn được yêu cầu khám chữa bệnh của bạn.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Tôi 45 tuổi, bị cao huyết áp từ năm 30 tuổi, huyết áp ở mức 145/95 mHg. Tôi đang uống thuốc hạ huyết áp, thường xuyên ngủ rất ngắn, có hôm phải đến 2h sáng mới ngủ được, nhiều lúc ngồi xuống đứng lên hoa mắt chóng mặt. Tôi bị bệnh gì và phải tiếp tục uống thuốc bao nhiêu lâu? Xin lời khuyên của ...

Nguyễn Chí Hướng, 45 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,
Chóng mặt là một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp, thống kê cho thấy tỉ lệ gặp chóng mặt ở nhóm bệnh nhân điều trị thuốc thường xuyên và không điều trị là 19,6% và 22,2%. Trong đó, triệu chứng lâm sàng thường gặp buổi sáng và liên quan đến rất nhiều với số đo huyết áp. Đối với trường hợp của bạn, nếu thường xuyên điều trị thuốc huyết áp có thể do một trong hai nguyên nhân là huyết áp còn cao do chưa kiểm soát tốt hoặc tụt huyết áp do tác dụng của thuốc.

Dù là nguyên nhân nào thì triệu chứng chóng mặt liên quan chặt chẽ đến rối loạn chức năng hệ thống thăng bằng của cơ thể đặc biệt các bệnh lý thần kinh hoặc bệnh lý về tiền đình. Tuy nhiên, chóng mặt còn gặp ở nhiều nguyên nhân khác như tâm lý căng thẳng, thay đổi chế độ sinh hoạt hàng ngày, bệnh lý tổn thương tai trong, bệnh lý migraine hoặc có thể dấu hiệu của hạ đường huyết lúc đói...cần được loại trừ.

Như vậy, trước mắt bạn vẫn cần duy trì thuốc huyết áp và cần được khám lại để được thăm khám một cách toàn diện của cả chuyên khoa Tim mạch và thần kinh. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là nơi quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực gồm tim mạch, thần kinh... với sự phối hợp đa chuyên khoa và hệ thống máy móc chuyên sâu như hệ thống holter huyết áp 24 giờ, cộng hưởng từ sọ não, hệ thống đánh giá chức năng tiền định bằng ảnh động nhãn đồ (VNG) hy vọng sẽ là địa chỉ tin cậy để bạn lựa chọn, giúp bạn giải quyết được vấn đề sức khoẻ của mình.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Tôi bị rung cuồng nhĩ, các bác sĩ tư vấn cho tôi cách để điều trị, luyện tập thể thao hợp lý, cách ăn uống và phòng tránh bệnh về tim mạch hiệu quả được không? Cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Đại Lâm, 59 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội

ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao

Chào anh,
Bệnh rung cuồng nhĩ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nên việc điều trị và tư vấn tùy thuộc rất nhiều vào tình trạng bệnh lý nền, sức khỏe hiện tại và hoàn cảnh cụ thể của từng bệnh nhân. Tuy nhiên, việc điều trị rung nhĩ có thể tóm gọn lại những mục tiêu chính gồm giảm tần suất của cơn rung nhĩ (nếu là rung nhĩ cơn), giảm các biến cố do rung nhĩ gây ra (đột quỵ), duy trì chức năng tim và giảm các triệu chứng của rung nhĩ.

Tùy theo tình trạng rung nhĩ và các bệnh lý đi kèm khác mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp, bao gồm cả việc dùng thuốc, can thiệp triệt phá rung nhĩ hoặc cả hai. Để việc điều trị đạt được hiệu quả, anh nên dùng thuốc đều và tái khám định kỳ. Trong quá trình điều trị, khi gặp các triệu chứng bất thường hoặc tác dụng khó chịu do thuốc gây ra, anh nên liên hệ ngay bác sĩ điều trị để điều chỉnh thuốc, tránh việc tự điều chỉnh thuốc. Việc tập thể dục được khuyến khích, miễn là tập vừa sức, tránh các môn thể thao đối kháng và có cường độ quá mạnh sẽ không phù hợp.

Tùy theo tình trạng bệnh đi kèm (ví dụ tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu) mà cách chỉnh chế độ ăn sẽ khác nhau. Nhìn chung anh nên hạn chế ăn mặn, giảm ăn các loại thịt đỏ và ăn nhiều rau sẽ có lợi cho bệnh nhân tim mạch.

Cảm ơn anh đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc anh và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, anh có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Tôi năm nay 33 tuổi, làm văn phòng, không thuốc lá, rượu bia thì tôi chỉ uống khi tiếp khách và các mối quan hệ (tần suất không nhiều). Tôi bị triệu chứng đau tức ngực khoảng năm năm rồi nhưng thời gian gần đây, triệu chứng này (vị trí đau ở quanh khu vực chính giữa ngực và gần phía tim) xảy ra với ...

Nguyễn Tiến Long, 33 tuổi, Hà Nội

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,

Như chúng ta đã biết, đau ngực có rất nhiều nguyên nhân bao gồm các bệnh lý về thành ngực như da, cơ, xương, các bệnh lý về thần kinh như thần kinh liên sườn, nhất là các bệnh lý chúng ta quan tâm như bệnh lý về mạch vành. Ngoài ra, một số bệnh lý khác như bệnh lý về dạ dày, thực quản cũng gây đau ngực.

Đối với bệnh lý mạch vành xảy ra do xơ vữa hình thành từ khi chúng ta còn rất trẻ, khoảng 30 tuổi và mảng xơ vữa lớn dần lên nếu chúng ta không quan tâm điều trị. Khi mảng xơ vữa gây hẹp nhiều lòng động mạch vành, thường hẹp từ 50-70% thì sẽ làm chúng ta gặp phải triệu chứng đau ngực. Bởi khi chúng ta gắng sức thì nhu cầu cho cơ tim tăng lên, trong khi mạch vành không giãn ra được do bị hẹp. Vì vậy, chúng ta cứ bị thiếu máu cơ tim và sẽ có triệu chứng đau ngực. Lúc đầu là đau ngực do gắng sức nhiều, dần dần gắng sức nhẹ cũng vẫn đau ngực. Lúc đầu cơn đau ngắn, khi nghỉ ngơi đau ngực sẽ hết, rồi khi chúng ta hoạt động lại thì cơn đau ngực sẽ xuất hiện trở lại. Vì vậy một trong những hoạt động quan trọng của đau ngực do bệnh mạch vành là đau khi gắng sức.

Câu hỏi của bạn đau ngực có phải triệu chứng điển hình của bệnh mạch vành không, bạn không nói rõ đau này có liên quan đến gắng sức hay không, đau ban đêm hay đau ban ngày. Như chúng ta đã thấy, nếu bị mạch vành sẽ thường liên quan rất nhiều yếu tố, tuy bạn còn trẻ nhưng nếu có các yếu tố kèm theo như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường hoặc trong gia đình bạn có người bị bệnh lý tim mạch với việc đau như vậy có diễn tiến tăng lên thì bạn cũng nên đi khám để các bác sĩ kiểm tra đầy đủ xem nguyên nhân đau ngực của bạn là gì, từ đó có hướng điều trị kịp thời.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Tôi thỉnh thoảng mệt mỏi, hồi hộp, sợ sệt, hụt hơi, đi khám tổng quát phát hiện tim hở van ba lá 2/4, ngoại tâm thu, thiếu máu nhẹ, bác sĩ điều trị cho thuốc uống. Xin hỏi bác sĩ, những vấn đề này điều trị bằng uống thuốc có khả năng hết không hay cần can thiệp phẫu thuật? Chế độ ăn uống sinh ...

Nguyễn Thị Thanh Huyền, 46 tuổi, Thành phố Thủ Đức

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,
Hở van hai lá 2/4 là thể trung bình, cần tìm hiểu nguyên nhân, nếu người bệnh có áp lực động mạch phổi tăng cao có thể làm hở van ba lá. Ví dụ phụ nữ uống thuốc làm giảm béo phì có thể làm hở van ba lá. Trước đây, có trường hợp người bệnh dùng một số thuốc có thể ảnh hưởng đến ảnh hưởng van ba lá, tăng áp mạch phổi. Hở van ba lá 2/4 chưa đáng ngại nhưng mỗi năm phải siêu âm một lần xem có tăng hay không, áp lực động mạch phổi có tăng hay không. Nếu có tăng cần tìm nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân. Người bệnh cần theo dõi thường xuyên.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Người thân của tôi vừa được phẫu thuật tim bắc cầu mạch vành, đang trong giai đoạn hồi sức. Tuy nhiên, theo lời của y tá thì không thấy tay trái cử động được, trong khi hai chân và tay phải cử động bình thường. Tôi xin hỏi những nguyên nhân nào làm yếu cơ tay hoặc liệt tay sau phẫu thuật? Xin cảm ơn.

Thuận An, 40 tuổi, Long An

BS Nguyễn Minh Trí Viên

Chào bạn,

Đối với câu hỏi này thì chúng tôi đang thiếu thông tin, không biết trường hợp của người bệnh trong hồi sức có còn thở máy hay không. Nếu bệnh nhân còn thở máy thì thông thường sẽ có những đường truyền và cố định chi để đường truyền không bị sút ra ngoài khi bệnh nhân không tỉnh.

Đối với trường hợp bệnh nhân tỉnh, qua thăm khám kỹ có thể thấy yếu hoặc liệt nửa cơ thể hoặc một chi nào đó, tuy nhiên nên để những người có thẩm quyền đưa ra kết luận như bác sĩ trực tiếp điều trị, một số tin đồn từ những người không có trách nhiệm có thể làm cho gia đình hoang mang. Từ đó, xảy ra việc thân nhân đi hỏi nhiều nơi và tạo ra nhiều áp lực với đội ngũ bác sĩ, điều này dẫn đến việc đội ngũ bác sĩ điều trị có thể có những quyết định không chính xác. Vì vậy, nếu bản thân người nhà hoặc người bệnh có những thắc mắc thì nên hỏi trực tiếp bác sĩ hồi sức, bác sĩ trực tiếp điều trị và thăm khám để được giải thích rõ ràng. Ngoài ra, bạn có thể hỏi chính viên bác sĩ phẫu thuật trực tiếp điều trị vì đó cũng là người thường xuyên theo dõi và cho thông tin một cách chính xác và đừng nghe những thông tin ngoài luồng nên tỉnh táo lựa chọn thông tin.

Riêng trong trường hợp bệnh nhân có yếu một tay thì tỷ lệ này cũng có trong một số phẫu thuật tim, phẫu thuật mạch vành nhưng tỷ lệ này không nhiều và khả năng hồi phục trong trường hợp này cũng rất là cao. Vì vậy, đối với trường hợp này, người nhà nên hỏi thông tin chính xác từ những người có trách nhiệm. Bệnh nhân và người nhà có quyền hỏi ngay bác sĩ điều trị về tình trạng của mình và trách nhiệm của bác sĩ điều trị là phải giải đáp thắc mắc một cách chính xác.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Bác sĩ cho em hỏi, người bệnh tăng huyết áp có nguy cơ phát triển thêm các bệnh nào nữa không? Nếu có biện pháp phòng ngừa tốt thì có khiến các bệnh này không phát triển nữa không?

A Chi, 28 tuổi, Tân Phú, TP HCM

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,

Tăng huyết áp là một bệnh lý tim mạch ngày càng phổ biến. Tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành ở Việt Nam chiếm khoảng 35%. Biến chứng của tăng huyết áp bao gồm:

1. Biến chứng tim và mạch máu như phì đại thành tim, suy tim, bệnh mạch vành mạn tính, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch chi, phình tách động mạch chủ ngực.

2. Biến chứng não như đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não, tai biến mạch não thoáng qua.

3. Biến chứng thận như microalbumin niệu, viêm cầu thận, suy thận mạn.

4. Biến chứng mắt như xuất huyết, xuất tiết võng mạc có thể gây mù lòa.

Việc kiểm soát huyết áp tốt có thể làm chậm xuất hiện các biến chứng trên. Mỗi bệnh nhân sẽ được chỉ định một liệu trình điều trị thích hợp phụ thuộc vào lứa tuổi, bệnh nền, mức độ đáp ứng thuốc nhằm lựa chọn thuốc phù hợp, hạn chế biến chứng. Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt như tập thể dục đều đặn, ăn chế độ ăn giàu vitamin khoáng chất, hạn chế cholesterol, bia rượu, thuốc lá cũng rất quan trọng giúp giảm con số huyết áp, giảm liều thuốc và giảm biến chứng lâu dài. Bạn đừng lo lắng quá, hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để có hiệu quả điều trị tốt nhất.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Mẹ em năm nay 56 tuổi. Trong lần đi khám sức khoẻ tổng quát, kết quả điện tim cho thấy tim đập không đều. Bảo mẹ đi bệnh viện chuyên khoa để khám thì mẹ bảo thấy khoẻ mạnh bình thường, không mệt mỏi hay hồi hộp. Vậy mẹ em bị bệnh gì và có phải đi khám chuyên khoa không? Có thể khám ở ...

Hoa, 30 tuổi, Hà Nội

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,
Nhịp tim của người bình thường thường đều đặn, nhịp tim ban đêm có thể chậm hơn ban ngày, dao động 60-100 lần một phút, lúc nghỉ ngơi dưới 60 nhịp chậm, trên 100 là nhanh. Nhịp không đều có thể có một số trường hợp như nhịp xoang không đều, bên cạnh nhịp chính có nhịp bất thường gọi là ngoại tâm thu (ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất), rung nhĩ gây nhịp không đều (trên lâm sàng gọi là loạn nhịp hoàn toàn).

Nhiều trường hợp bệnh nhân rất khó chịu, có cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, nhất là khi hoạt động. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân có bất thường ngoại tâm thu hoặc rung nhĩ nhưng bản thân họ không cảm nhận được bất thường. Mẹ bạn nên đi khám sớm để đánh giá đầy đủ và phát hiện loạn nhịp gì, từ đó bác sĩ đưa ra cách điều trị phù hợp.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khi tầm soát bệnh tim mạch, đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bệnh kỹ càng và thăm khám lâm sàng, sau đó, bệnh nhân được chỉ định các kiểm tra cơ bản ban đầu như điện tâm đồ, siêu âm tim. Điện tim giúp đánh giá nhịp tim đều hay không đều, bất thường về mặt điện học. Siêu âm tim đánh giá cấu trúc của van tim, chức năng tim có bất thường hay không. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm được chỉ định về máu để đánh giá chức năng gan, thận, mỡ máu, đường máu, các yếu tố có liên quan đến bệnh lý tim mạch.

Trong một số trường hợp, mẹ bạn có loạn nhịp tim, bác sĩ sẽ cho đo máy holter điện tâm đồ. Máy có thể ghi được điện tim suốt 24h đồng hồ, có những loại máy có thể ghi trong ba ngày, thậm chí hai tuần để xem rối loạn nhịp gì. Trong những trường hợp cần thiết, nếu có nghi ngờ bất thường về xơ vữa mạch máu, sẽ làm siêu âm đánh giá tình trạng mạch máu. Nếu nghi ngờ bất thường về mạch vành sẽ được chỉ định làm nghiệm pháp gắng sức. Trường hợp bệnh nhân có thể chạy trên thảm, sẽ làm nghiệm pháp gắng sức với thảm trải. Nếu với người già sẽ được đánh giá nghiệm pháp gắng sức với siêu âm tim để đánh giá bất thường. Nếu nghi ngờ tiếp, bác sĩ có thể chỉ định chụp động mạch vành để xem mạch vành có hẹp, tắc hay không. Chụp mạch vành là tiêu chuẩn “vàng”, chính xác nhất để đánh giá xem lồng ngực có thực sự bị hẹp, xơ vữa hay không.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Cháu chỉ mới 18 tuổi, hay đau thắt ở ngực, cảm giác lồng ngực cứ như có ai đó bóp chặt, đè nén với một áp lực rất lớn. Bác sĩ cho cháu hỏi, triệu chứng như vậy có phải cháu bị bệnh mạch vành không? Cháu nên đi kiểm tra những gì?

Phùng Thiệu, 18 tuổi, Hải Châu, Đà Nẵng

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào cháu,

Triệu chứng đau ngực có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không chỉ có bệnh mạch vành. Tính chất đau ngực của bệnh mạch vành cũng là cảm giác đau thắt nghẹt ở ngực kéo dài vài phút đến vài chục phút, đau khi gắng sức hoặc xúc cảm mạnh. Trong trường hợp nhồi máu cơ tim, biểu hiện đau dữ dội ở ngực có thể kéo dài hàng giờ.

Tuy nhiên, bệnh mạch vành thường gặp ở những người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch như tuổi cao (nam > 55 tuổi, nữ > 65 tuổi), tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có bệnh mạch vành, béo phì. Cháu năm nay 18 tuổi nên rất ít nguy cơ bị bệnh mạch vành, cháu không cần lo lắng quá về bệnh mạch vành.

Nếu cảm giác đè nén ở ngực gây khó chịu thì cháu cần đi khám để loại trừ các nguyên nhân khác như các nguyên nhân tim mạch khác (bệnh van tim, tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim), các bệnh lý cơ xương thần kinh thành ngực hoặc bệnh lý về tiêu hóa như hội chứng trào ngược dạ dày thực quản. Cháu nên đi thăm khám chuyên khoa tim mạch, để bác sĩ có thể đánh giá toàn diện về các triệu chứng lâm sàng đến các xét nghiệm cần thiết như siêu âm tim, điện tim, X-quang ngực thẳng, nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ, soi dạ dày... từ đó sẽ giúp cháu có được chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của mình.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Để thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, bạn có thể tham khảo Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM (số 2B, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) hoặc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (số 108 Phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).

Để đặt lịch khám và tư vấn, bạn có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ.

Khi tôi làm việc nặng, nhịp tim lên rất nhanh, huyết áp tăng cao. Tôi có hai lần phải nhập viện vì tim đập quá nhanh 120 lần/phút, huyết áp 170/100. Sau đó bác sĩ có chẩn đoán là cuồng nhĩ cơn. Nhờ bác sĩ tư vấn về căn bệnh này? Cách điều trị bệnh như thế nào và làm sao để cải thiện sức ...

Đoàn Mừng, 53 tuổi, Nam Định

TS.BS. Nguyễn Thị Duyên

Chào bác,

Bác năm nay 53 tuổi, được chẩn đoán là cuồng nhĩ cơn, có dấu hiệu của tăng huyết áp. Cuồng nhĩ là thuật ngữ chỉ tình trạng rối loạn nhịp tim ghi nhận được trên điện tâm đồ thành ngực, bản chất của rối loạn nhịp tim này là do cơ chế hoạt động điện học vòng vào lại bất thường trong buồng tim (tâm nhĩ), khi có cuồng nhĩ, nhịp tim có thể đều hoặc không đều, làm giảm cung lượng tim và người bệnh thường có cảm giác hồi hộp, khó thở nhẹ, tức ngực, giảm khả năng gắng sức hoặc thậm chí choáng ngất. Như trường hợp của bác, nhịp tim trong cơn là 120 nhịp/phút là nhanh hơn bình thường (bình thường 60-100 nhịp/phút).

Nguyên nhân cuồng nhĩ bao gồm bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý van tim, phẫu thuật tim, bệnh cơ tim, bệnh mạch vành mạn hoặc nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, bệnh phổi, cường giáp hoặc có thể không có nguyên nhân (vô căn).

Thông thường cuồng nhĩ xuất hiện khi có bất thường trong cấu trúc hoặc chức năng tim, như vậy ngoài bệnh lý tăng huyết áp có thể là nguyên nhân gây bệnh, bác cần khám sàng lọc các nguyên nhân khác đã kể trên. Khi người bệnh được chẩn đoán cuồng nhĩ cơn, chúng tôi sẽ khám tìm nguyên nhân và khi điều trị, trước tiên phải đánh giá nguy cơ đột quỵ trên từng bệnh nhân cụ thể dựa vào các yếu tố nguy cơ (thang điểm CHA2DS2- VASc).

Điều trị cuồng nhĩ bao gồm các thuốc kiểm soát tần số để nhịp tim không quá nhanh (dưới 80 nhịp/phút khi nghỉ và dưới 110 nhịp/phút khi gắng sức), điều trị cắt cơn bằng thuốc, sốc điện hoặc điều trị bằng can thiệp triệt đốt các vòng vào lại bất thường bằng năng lượng sóng tần số radio (RF) với tỷ lệ thành công 80% - 90% tuỳ trường hợp, các thuốc dự phòng huyết khối nếu nguy cơ cao theo thang điểm CHA2DS2-VASc (ví dụ với những thông tin bác cung cấp thì nguy cơ đột quỵ của bác là một điểm - cân nhắc điều trị thuốc chống đông).

Như vậy chúng tôi khuyên bác nên đến khám kiếm tra lại tại các cơ sở chuyên khoa Tim mạch để được khám và tư vấn cụ thể nhất.

Cảm ơn bác đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bác và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bác có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Cha em, Nguyễn Vĩnh Hậu, sinh năm 1962 bị bệnh hở van tim ba lá (không biết hở hay hẹp). Năm 2006, gặp dịp hội chẩn y học quốc tế nên được gửi hồ sơ bệnh án vào hội chẩn và được chỉ định nong van tim. Từ đó, cứ ba tháng bố em lại đi ra Hà Nội định kỳ và lấy thuốc ...

Nguyễn Vĩnh Thuật, 37 tuổi, Xã Mỹ Thành, Yên Thành, Nghệ An

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,

Van ba lá là van tim nối giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải. Hẹp van ba lá là một bệnh khá hiếm gặp, nguyên nhân thường gặp nhất là do thấp tim và luôn đi kèm với hở van ba lá. Hậu quả của hẹp hở van ba lá làm ứ máu tại nhĩ phải và giảm lượng máu xuống thất phải, từ đó làm giảm cung lượng tim và gây phù chân, gan to...

Bố của bạn đã nong van hai lần và lần gần đây nhất là năm 2016, hiện nay các triệu chứng suy tim tăng nặng nhiều là biểu hiện của tình trạng hẹp hở van tim tiến triển nặng thêm. Bạn cần đưa bố tái khám ngay để chúng tôi có thể siêu âm tim lại đánh giá chính xác tình trạng van tim của bố bạn. Từ đó có thể quyết định chính xác xem bố của bạn đã phải phẫu thuật thay van chưa.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Tôi 36 tuổi, khoảng vài tháng trở lại đây xuất hiện triệu chứng đau nhói vùng ngực, khó thở, đau nhói hạ sườn trái, khi hít thở sâu và ngồi nghỉ một lúc thì đỡ. Tôi đã chụp X-quang ngực thẳng (rốn phổi hai bên đậm), siêu âm tim dopler (bình thường), siêu âm ổ bụng (gan nhiễm mỡ độ I). Bác sĩ kết luận ...

Tiến Giang, 36 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Theo bạn mô tả thì triệu chứng của bạn không phải là triệu chứng khá điển hình của bệnh lý tim mạch (đau ngực vùng sau xương ức, lan xuyên lên cổ hoặc tay trái kèm theo khó thở, xuất hiện hoặc tăng lên khi gắng sức, nghỉ ngơi thì đỡ đau).

Tuy nhiên, đôi khi triệu chứng của bệnh cũng có thể xuất hiện không điển hình. Bạn cũng đã đi khám và được làm một số xét nghiệm cho kết quả bình thường. Tuy nhiên, điều trị thì triệu chứng không giảm. Đau ngực có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra như từ thành ngực, phổi, màng phổi, tim, màng tim, động mạch chủ...

Bạn có thể đăng ký khám tại Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chúng tôi sẽ cần đánh giá thêm xem bạn có những yếu tố nguy cơ nào có thể gây ra bệnh lý tim mạch cho bạn hay không, có thể chỉ định một số xét nghiệm tim mạch khác nếu nghi ngờ đau ngực của bạn do bệnh tim mạch. Nếu như loại trừ hoàn toàn nguyên nhân tim mạch, chúng tôi sẽ hội chẩn với các chuyên gia thuộc các chuyên khoa có liên quan, từ đó tìm ra được nguyên nhân gây đau ngực cho bạn và điều trị dứt điểm.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Trước kia, tôi có đi khám và được chẩn đoán hở van tim ba lá nhưng tôi không uống thuốc hay điều trị gì, sau đi khám lại thì không bị nữa. Thỉnh thoảng, tôi có khó thở và nhói ở tim. Tôi có lên mạng tìm hiểu thì được biết bị như thế thì van tim khá "đỏng đảnh" vì lúc hở lúc không. ...

Phan Dũng, 31 tuổi, Hậu Lộc, Thanh Hóa

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,

Van ba lá là van nằm giữa tâm thất phải và tâm nhĩ phải, có tác dụng cho máu đi từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải. Khi van tim bị hở, sẽ có dòng máu phụt ngược từ tâm thất phải lên tâm nhĩ phải. Hở van ba lá mức độ nhẹ tới vừa có thể gặp ở rất nhiều người hoàn toàn khỏe mạnh bình thường và không phải điều trị gì.

Bạn có trao đổi trước khi phát hiện hở van ba lá, sau đó gần đây đi khám lại phát hiện không bị hở van ba lá nữa và bạn có hỏi là có phải bạn bị bệnh van tim đỏng đảnh không, câu trả lời là không. Chuyện này rất thường gặp khi van tim ba lá chỉ hở nhẹ và siêu âm tim phụ thuộc vào chủ quan người làm siêu âm.

Nếu bạn còn lo lắng nhiều về tình trạng này, bạn có thể đến bệnh viện Tâm Anh, tại đây chúng tôi với đội ngũ chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm và trang thiết bị máy móc hiện đại bậc nhất sẽ trả lời cho bạn một kết quả chính xác nhất để bạn có thể yên tâm.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Tôi bị hở van tim hai lá 1/4. Tôi cần làm gì để bệnh không tiến triển nặng?

Luu lan phuong, 56 tuổi, Hải Phòng

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào Bạn,

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn bị hở van hai lá 1/4 là hở van mức độ nhẹ, tuy nhiên, tôi không rõ liệu bạn có thấy dấu hiệu bất thường nào không hay chỉ phát hiện tình cờ. Bởi vì, hở van hai lá 1/4 có thể xuất hiện ở người hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, tuy nhiên cũng có thể do các nguyên nhân khác như bệnh mạch vành, suy tim...

Nếu như bạn hoàn toàn không có triệu chứng gì nghi ngờ bệnh tim mạch thì hầu như hở van hai lá rất ít tiến triển, bạn có thể sinh hoạt, lao động, ăn uống như người bình thường mà không phải điều trị gì. Còn nếu bạn có các bệnh tim mạch như chúng tôi đã mô tả ở trên, các bệnh này nếu không điều trị hợp lý sẽ gây ra các hậu quả nặng nề hơn, mà trong đó hở van hai lá nặng lên chỉ là một biểu hiện của các bệnh đó, ví dụ như tăng huyết áp gây suy tim gây giãn thất trái, giãn vòng van hai lá gây hở van hai lá, bệnh mạch vành có thể gây rối loạn vận động vùng thất trái, nặng hơn là nhồi máu cơ tim gây đứt dây chằng cột cơ của van hai lá gây hở van hai lá... trong trường hợp này, bạn cần phải điều trị các bệnh như chúng tôi mô tả để tránh các bệnh này nặng lên gây ra các biến chứng nguy hiểm, trong đó có hở van hai lá tiến triển hoặc hở van hai lá cấp.

Hiện nay, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào khó chịu như tức ngực, khó thở, hồi hộp,,, bạn nên đến khám tại phòng khám chuyên khoa Tim mạch, thông qua thăm khám lâm sàng và một số xét nghiệm cơ bản như chụp X-quang tim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim qua thành ngực, từ đó các bác sĩ sẽ có nhiều thông tin hơn nữa giúp tư vấn cho bạn một cách cụ thể hơn.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.