VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ sáu, 19/4/2024

Bệnh hở van tim thường là do những nguyên nhân nào gây ra? Làm sao để phát hiện được bệnh sớm?

Lê Nhân Ái, 33 tuổi, TP HCM

Bệnh nhân bị khó thở, sốt và ngất xỉu, có tiêu chảy, khát nước liên tục, nằm cấp cứu ở bệnh viện được năm tiếng thì bác sĩ nói là men gan cao sau đó nói là nghi ngờ nhồi máu cơ tim rồi cho chuyển qua bệnh viện khác. Tiếp tục nằm ở bệnh viện này thêm sáu tiếng thì bác sĩ nói là ...

Pingping Lee, 33 tuổi, 504/17 Bà Hạt, quận 10, TP HCM

Tình trạng đau thắt vùng ngực có phải là bệnh mạch vành không? Mỗi lần bê vác nặng hoặc chạy tôi đều cảm thấy đau, khó thở. Bệnh của tôi nên đi khám thế nào?

Minh Tuấn, 32 tuổi, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế

Cháu chỉ mới 18 tuổi, hay đau thắt ở ngực, cảm giác lồng ngực cứ như có ai đó bóp chặt, đè nén với một áp lực rất lớn. Bác sĩ cho cháu hỏi, triệu chứng như vậy có phải cháu bị bệnh mạch vành không? Cháu nên đi kiểm tra những gì?

Phùng Thiệu, 18 tuổi, Hải Châu, Đà Nẵng

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào cháu,

Triệu chứng đau ngực có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không chỉ có bệnh mạch vành. Tính chất đau ngực của bệnh mạch vành cũng là cảm giác đau thắt nghẹt ở ngực kéo dài vài phút đến vài chục phút, đau khi gắng sức hoặc xúc cảm mạnh. Trong trường hợp nhồi máu cơ tim, biểu hiện đau dữ dội ở ngực có thể kéo dài hàng giờ.

Tuy nhiên, bệnh mạch vành thường gặp ở những người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch như tuổi cao (nam > 55 tuổi, nữ > 65 tuổi), tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có bệnh mạch vành, béo phì. Cháu năm nay 18 tuổi nên rất ít nguy cơ bị bệnh mạch vành, cháu không cần lo lắng quá về bệnh mạch vành.

Nếu cảm giác đè nén ở ngực gây khó chịu thì cháu cần đi khám để loại trừ các nguyên nhân khác như các nguyên nhân tim mạch khác (bệnh van tim, tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim), các bệnh lý cơ xương thần kinh thành ngực hoặc bệnh lý về tiêu hóa như hội chứng trào ngược dạ dày thực quản. Cháu nên đi thăm khám chuyên khoa tim mạch, để bác sĩ có thể đánh giá toàn diện về các triệu chứng lâm sàng đến các xét nghiệm cần thiết như siêu âm tim, điện tim, X-quang ngực thẳng, nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ, soi dạ dày... từ đó sẽ giúp cháu có được chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của mình.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Để thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, bạn có thể tham khảo Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM (số 2B, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) hoặc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (số 108 Phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).

Để đặt lịch khám và tư vấn, bạn có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ.

Bác sĩ cho em hỏi, người bệnh tăng huyết áp có nguy cơ phát triển thêm các bệnh nào nữa không? Nếu có biện pháp phòng ngừa tốt thì có khiến các bệnh này không phát triển nữa không?

A Chi, 28 tuổi, Tân Phú, TP HCM

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,

Tăng huyết áp là một bệnh lý tim mạch ngày càng phổ biến. Tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành ở Việt Nam chiếm khoảng 35%. Biến chứng của tăng huyết áp bao gồm:

1. Biến chứng tim và mạch máu như phì đại thành tim, suy tim, bệnh mạch vành mạn tính, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch chi, phình tách động mạch chủ ngực.

2. Biến chứng não như đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não, tai biến mạch não thoáng qua.

3. Biến chứng thận như microalbumin niệu, viêm cầu thận, suy thận mạn.

4. Biến chứng mắt như xuất huyết, xuất tiết võng mạc có thể gây mù lòa.

Việc kiểm soát huyết áp tốt có thể làm chậm xuất hiện các biến chứng trên. Mỗi bệnh nhân sẽ được chỉ định một liệu trình điều trị thích hợp phụ thuộc vào lứa tuổi, bệnh nền, mức độ đáp ứng thuốc nhằm lựa chọn thuốc phù hợp, hạn chế biến chứng. Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt như tập thể dục đều đặn, ăn chế độ ăn giàu vitamin khoáng chất, hạn chế cholesterol, bia rượu, thuốc lá cũng rất quan trọng giúp giảm con số huyết áp, giảm liều thuốc và giảm biến chứng lâu dài. Bạn đừng lo lắng quá, hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để có hiệu quả điều trị tốt nhất.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Bố tôi dạo đây hay bị mệt, nhiều khi còn ngất đi. Đi khám thì bác sĩ cho biết bị thiếu máu cục bộ cơ tim. Xin bác sĩ cho biết tại sao bố tôi lại bị bệnh này và giờ điều trị như thế nào vậy, thưa bác sĩ?

Bình An, 27 tuổi, Phú Yên

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ là tình trạng mạch máu nuôi tim bị hẹp lại thường do các mảng xơ vữa trong mạch máu. Để điều trị bênh này, việc đầu tiên là phải thay đổi lối sống (ngưng thuốc lá, chế độ ăn hạn chế dầu mỡ, tập thể dục duy trì cân nặng lý tưởng, giảm lo âu...), tiếp đến là sử dụng thuốc, phẫu thuật bắc cầu mạch vành hoặc đặt stent mạch vành (nếu có chỉ định).

Về trường hợp của bố bạn, bác sĩ khuyên nên khám ở trung tâm y tế chuyên sâu để đánh giá nguyên nhân ngất và xác định giai đoạn bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim để có kế hoạch điều trị toàn diện và phù hợp nhất.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Để thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, bạn có thể tham khảo Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM (số 2B, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) hoặc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (số 108 Phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).

Để đặt lịch khám và tư vấn, bạn có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ.

Tôi bị tê 10 đầu ngón tay, lúc tay trái, lúc tay phải, lúc ngón này, lúc ngón kia, có lúc cả 10 ngón. Tôi có đo điện cơ, kết quả tốt. Hiện tôi đang uống thuốc do bác sĩ kê đơn. Sau khi uống 10 ngày thì tình trạng tê có giảm nhưng không hết hẳn. Xin bác sĩ cho lời khuyên. Tôi cảm ...

Huy Tran, 42 tuổi, 1806/109/4/4 Huỳnh Tấn Phát, Nhà Bè, TP HCM

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào anh,

Với những triệu chứng như trên, chắc anh đã đi khám chuyên khoa thần kinh và cơ xương khớp, được kê đơn thuốc giảm đau, hỗ trợ thần kinh. Các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch hay suy giãn tĩnh mạch gây triệu chứng đau, tê bì, dị cảm thường gặp ở chi dưới, rất ít gặp ở chi trên.

Triệu chứng tê bì đầu ngón tay có thể gặp trong nhóm hội chứng Raynaud (rối loạn vận mạch đầu chi). Ngoài biểu biện đau tê, dấu hiệu đặc hiệu hơn là thay đổi màu sắc từ trắng lạnh, xanh tím, đỏ nóng, xuất hiện khi gặp lạnh đột ngột, xúc động mạnh hoặc trong một số bệnh lý hệ thống.

Anh có triệu chứng tê bì các đầu ngón tay, điện cơ bình thường, cần loại trừ các bệnh lý thoái hóa đốt sống cổ, hội chứng ống cổ tay, các bệnh lý chuyên khoa thần kinh và cơ xương khớp. Nếu có biểu hiện thay đổi màu sắc đầu ngón tay cần loại trừ bệnh lý rối loạn vận mạch đầu chi.

Anh nên đi khám ở bệnh viện có chuyên khoa để được thăm khám một cách toàn diện, từ đó có chẩn đoán phù hợp và điều trị đúng bệnh. Bên cạnh đó, hạn chế sử dụng máy tính nhiều, ngừng hút thuốc, nên tập vận động thể dục đều đặn và có chế độ ăn lành mạnh cũng có thể giúp cải thiện bớt triệu chứng của mình.

Cảm ơn anh đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc anh khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, anh có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Cách đây bốn tháng, tôi bị tai biến do xơ vữa mạch máu. Bác sĩ cho uống nhiều thuốc, trong đó có thuốc loãng máu. Xin hỏi, mỗi ngày tôi ăn những thứ đều có vitamin K, vậy phải làm sao thưa bác sĩ?

Trần văn Tím, 74 tuổi, Tây Ninh

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bác,

Thuốc kháng đông (người dân hay gọi thuốc loãng máu) hiện gồm thuốc kháng đông đường chích, thuốc kháng đông đường tiêm truyền và thuốc kháng đông đường uống. Trong thuốc kháng đông đường uống có hai loại là kháng đông thế hệ mới và kháng đông kháng vitamin K. Ở nước ta, thuốc kháng vitamin K thường sử dụng hai loại. Nhiều loại thực phẩm chứa vitamin K, gây cản trở tác dụng của thuốc này, ví dụ cải xoăn, bông cải xanh, cải bắp, củ cải, rau chân vịt, súp lơ, mùi tây, hành, rau muống, măng tây, rau diếp, mù tạc, trà xanh, bơ, gan động vật, thịt cừu, thịt bò, dầu đậu tương, đậu nành, dầu hướng dương, đậu (đậu Hà Lan, đậu xanh).

Hiện bác đang có chỉ định uống thuốc kháng đông và bác sĩ không rõ bác đang uống kháng đông loại gì. Nếu bác đang uống loại kháng đông kháng Vitamin K, mà bác ăn thức ăn hàng ngày đều có viamin k thì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Vì thế bác cần một chế độ ăn ổn định, ít thay đổi và nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa vitamin K.

Bác nên lưu ý, việc sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K cho người bệnh là một "con dao hai lưỡi" nên bác cần:

- Uống đúng liều lượng theo đơn của bác sĩ, các thuốc kháng vitamin K đều có thể bẻ nhỏ để tiện cho việc chia liều.

- Không được tự ý uống thuốc hoặc cho người khác uống mà không có chỉ định của bác sĩ.

- Nên uống thuốc kháng vitamin K vào một giờ nhất định trong ngày.

- Nên uống thuốc liên tục đến ngày tái khám.

- Bác sĩ xác định liều thuốc chống đông ở mỗi bệnh nhân dựa theo thời gian đông máu thông qua xét nghiệm INR với khoảng cần đạt (2,5 - 3,5 đối với người mang van tim nhân tạo cơ học và hai đến ba trong những trường hợp còn lại). Bệnh nhân cần tuân thủ liều dùng và thời điểm cần xét nghiệm INR theo bác sĩ yêu cầu (thường hai đến bốn tuần một lần). Tránh dùng quá liều có thể gây ra chảy máu hoặc liều quá thấp có thể gây huyết khối.

- Thường xuyên cảnh giác theo dõi các tác dụng phụ.

- Theo dõi hiệu quả điều trị thường xuyên theo lịch của bác sĩ.

- Không được tự ý dùng thuốc.

- Tránh uống rượu.

- Không tham gia hoạt động thể thao mà có thể dẫn đến va chạm mạnh.

- Duy trì chế độ ăn ít thay đổi, hạn chế ăn nhiều rau xanh, thực phẩm có nhiều vitamin K.

- Không cố gắng để thay đổi trọng lượng của bạn bằng cách ăn kiêng.

Cảm ơn bác đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bác và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bác có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Mấy năm trước em bị nhịp nhanh kịch phát trên thất, cơn rung cương nhĩ, nhịp nhanh nhĩ, ngoại tâm thu nhĩ. Sau bốn năm, do em chưa uống thuốc nào nên hay mệt liên tục. Lên một lầu em dễ cảm thấy mệt và hai lầu thì sẽ mệt hơn. Tối ngủ có đêm giống như ngừng thở, em giật mình tỉnh và tim ...

Hồng Phượng, 44 tuổi, Long An

ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao

Chào em,

Chẩn đoán về rối loạn nhịp của em gồm nhiều bệnh phối hợp chung với nhau và có một số chẩn đoán bị trùng lặp. Nhịp nhanh kịch phát trên thất có thể đã bao gồm những chẩn đoán như cơn rung/cuồng nhĩ, nhịp nhanh nhĩ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nếu em có những loại loạn nhịp nhanh khác mà bác sĩ điều trị chưa thể xác định thêm được thì có thể ghi chung là nhịp nhanh kịch phát trên thất.

Bệnh van tim của em nếu đúng là chỉ hở van động mạch chủ 1/4 và van 3 lá 2/4 thì chưa có gì nghiêm trọng, chỉ cần theo dõi định kỳ theo chuyên khoa tim mạch là đủ. Các triệu chứng em nêu như tim đập mạnh, nhanh đột ngột làm em giật mình thức giấc, giảm khả năng gắng sức, khó thở, đau ngực có thể do bệnh loạn nhịp tim của em đã diễn tiển xấu đi sau 4 năm và ảnh hưởng phần nào chức năng tim (nhất là khi vào cơn nhịp nhanh).

Để việc điều trị đạt hiệu quả, em nên tái khám bác sĩ chuyên về loạn nhịp tim để được đánh giá lại tình trạng bệnh, mức độ nặng của loạn nhịp tim và chức năng tim. Việc em tự điều chỉnh thuốc (chẳng hạn như uống và sau đó ngưng thuốc lợi tiểu khi bị phù chân) có thể gây hại thêm chi tình trạng bệnh. Em nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám khi có những thay đổi bất thường.

Nếu còn lo lắng nhiều về tình trạng này, em có thể đến bệnh viện Tâm Anh. Tại đây chúng tôi với đội ngũ chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm và trang thiết bị máy móc hiện đại bậc nhất sẽ cho em một kết quả chính xác nhất để em có thể yên tâm. Xin cảm ơn!

Bố của em bị suy tim độ một. Xin được hỏi các bác sĩ trường hợp như bố em thì nên được chăm sóc và điều trị như thế nào?

Natalia Tran, 32 tuổi, Nam Định

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,

Điều trị, chăm sóc suy tim nhằm ba mục đích chính là giảm triệu chứng, ngăn ngừa suy tim tăng nặng phải nhập viện và cuối cùng là kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Các biện pháp điều trị chính có thể đưa vào hai nhóm chính là:
1. Các biện pháp điều trị chung cho tình trạng suy tim như chế độ nghỉ ngơi phù hợp, tránh gắng sức quá, chế độ ăn giảm muối < 3 gam muối/ngày, hạn chế lượng nước và dịch cho bệnh nhân, loại bỏ các yếu tố nguy cơ khác như rượu, cà phê, tránh dùng các thuốc gây tăng nặng suy tim như các thuốc chống viêm giảm đau, giáo dục bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị...
2. Các biện pháp điều trị đặc biệt áp dụng cho từng trường hợp cụ thể tùy theo nguyên nhân gây ra suy tim. Lưu ý đặc biệt là trong mọi trường hợp, cần phải tìm cho ra nguyên nhân gây suy tim, từ đó mới có thể điều trị một cách triệt để nếu có thể. Ví dụ như can thiệp đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu nối mạch vành cho bệnh động mạch vành, thay van tim cho các bệnh hẹp, hở nặng van tim, can thiệp hoặc phẫu thuật đóng các lỗ thông bẩm sinh trong tim như thông liên thất, thông liên nhĩ, điều trị cường giáp...

Để điều trị suy tim một cách tốt nhất, bạn cần đưa bố bạn đến khám với chúng tôi để được đánh giá một cách tổng thể, xem xét điều trị tích cực ngay từ giai đoạn sớm để tránh các tiến triển nặng gây giảm chất lượng cuộc sống cũng như giảm tuổi thọ cho bố bạn.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Tôi hay bị đánh trống ngực khi đang nằm mà buồn đi tiểu hoặc gối đầu cao khi ngủ. Mong bác sĩ tư vấn. Xin cảm ơn bác sĩ.

ngduybac, 53 tuổi, Hà Nội

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bác,

Triệu chứng tim đập nhanh của con người thường diễn ra một cách sinh lý khi con người hoạt động mạnh, gắng sức hoặc lo âu, căng thẳng một vấn đề gì đó. Triệu chứng của bác lại diễn ra khi nằm nghỉ ngơi, rất có thể bác đã có cơn rối loạn nhịp. Bác cần đi khám để bác sĩ có thể đánh giá tổng thể chức năng tim mạch của bác và đánh giá sâu thêm, xem bác có rối loạn nhịp nguy hiểm nào hay không bằng cách cho bác đeo máy theo dõi nhịp tim liên tục trong 24 giờ. Đây là một phương pháp đơn giản, phương tiện đo nhỏ gắn lên người và người bệnh có thể đeo máy về nhà qua hôm sau đủ 24h thì đến bệnh viện để bác sĩ đọc và phân tích kết quả máy ghi nhận được. Từ đó sẽ có tư vấn hợp lý cho bác hơn.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Bình thường huyết áp của tôi khoảng 12-13/8, nhịp tim dao động quanh 60 lần/phút. Xu hướng nhịp chậm dưới 60 lần nhiều hơn. Thỉnh thoảng đánh trống ngực và hồi hộp, tim đập mạnh từng nhịp rõ ràng nhưng cũng có khi đập nhanh như rung lắc kèm theo cảm giác hơi mệt và lo sợ. Chụp mạch vành năm 2017 thì kết luận ...

Nguyễn San Nguyễn San, 60 tuổi, Thị xã Bình Minh, Vĩnh Long

ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao

Chào bạn,

Bạn đã đi khám sức khỏe ở khá nhiều nơi. Những nơi đó đã ghi nhận tình trạng mạch vành tim của bạn hiện không có gì đáng lo ngại (chỉ bị vôi hóa và không ghi nhận hẹp động mạch vành tim đáng kể). Bạn đang dùng thuốc nhưng thỉnh thoảng còn cảm thấy tim đập mạnh, nhanh từng cơn. Đây thường là các triệu chứng của loạn nhịp tim, do đó bạn có thể đi khám thêm chuyên khoa loạn nhịp để biết được tình trạng bệnh, mức độ của bệnh, khả năng ảnh hưởng chức năng tim thế nào để đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Bạn nên tìm đến những bệnh viện lớn có bác sĩ chuyên khoa loạn nhịp để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, bạn không nên đi nhiều bệnh viện khác nhau chỉ để khám cùng một vấn đề về tim mạch, vì như vậy bác sĩ sẽ không thể điều trị tốt được. Mỗi bác sĩ sẽ có cách tiếp cận và chỉnh thuốc riêng, cũng như cần thời gian để điều chỉnh thuốc phù hợp tình trạng bệnh.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Vào tháng 1/2021, tôi có xét nghiệm máu phát hiện LDL cholesterol cao (4.90 mmol/l). Chỉ số này của tôi là như thế nào? Liệu có tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe tim mạch không? Nhờ bác sĩ tư vấn.

An Nhiên, 30 tuổi, Quận 1, TP HCM

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bạn!

Trong kết quả xét nghiệm sinh hóa máu, những chỉ số có liên quan tới cholesterol bao gồm:
- Cholesterol toàn phần: giá trị bình thường là < 200 mg/dL.
- LDL (low density lipoprotein cholesterol): lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp, giá trị tối ưu là dưới 100 mg/dL.
- HDL (high density lipoprotein cholesterol): lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao, giá trị tối ưu là > 60 mg/dL.

Cholesterol không hoàn toàn là chất có hại. Nó là phần chất béo thiết yếu mà tế bào trong cơ thể chúng ta cần. Cholesterol có thể được tạo ra từ gan, hoặc được thu nạp từ thức ăn. Cholesterol được vận chuyển trong máu nhờ chất trung gian vận chuyển, đó chính là lipoprotein. Như chúng ta đã thấy sự xuất hiện của hai chỉ số là LDL và HDL, trong đó HDL được coi là cholesterol tốt, còn LDL là cholesterol xấu.

LDL là cholesterol xấu bởi nó gây nên tình trạng vữa xơ động mạch, là nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý đe dọa tính mạng như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. LDL-C của bạn: 4.9 mmol/l (196 mg/dl) là cao.

Để đạt được và duy trì giá trị LDL tối ưu không phải điều dễ dàng, đòi hỏi sự kiên trì thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn lành mạnh và tập luyện hợp lý. Cholesterol sẽ tăng dần theo tuổi tác, do đó, càng bắt đầu cuộc sống lành mạnh sớm bao nhiêu thì kết quả càng tốt bấy nhiêu. Những lời khuyên cụ thể bao gồm:

- Ăn đồ ăn chứa ít chất béo bão hòa, ít cholesterol, ít đường.
- Ăn nhiều chất xơ.
- Chế độ luyện tập đều đặn, hợp lý.

Nếu bản thân có chỉ số LDL vượt giới hạn, người bệnh có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc có yếu tố nguy cơ, hãy gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Thân mến!

Tôi bị hở van động mạch chủ giai đoạn hai đã hai năm nay. Cách đây ba tháng, tôi bị huyết áp cao 160/170 đang điều trị bằng thuốc giảm áp, huyết áp tôi hiện tạm ổn trong giới hạn.Trường hợp của tôi có thể thay van không thưa bác sĩ? Ngoài ra, tôi cần lưu ý những điều gì? Xin cảm ơn nhiều.

Nguyễn Văn Bộ, 74 tuổi, Hà Nội

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bác,

Bác phát hiện hở van động mạch chủ 2/4 cách đây đã hai năm, tuy nhiên bác không nói rõ là hiện nay hở van đang ở mức độ nào, có tiến triển nặng lên không và nguyên nhân gây hở van động mạch chủ của bác là gì. Các nguyên nhân có thể gây ra hở van động mạch chủ có thể gặp như bệnh lý động mạch chủ, bệnh lý tại van như viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, di chứng van tim do thấp, thoái hóa van...

Bác cần đi khám và được đánh giá lại độ hở van tim cũng như nguyên nhân gây hở van tim để có hướng điều trị cụ thể. Với huyết áp bác mới phát hiện cách đây ba tháng có huyết áp tâm thu 160-170 mmHg, hiện nay bác sĩ đang dùng thuốc đưa huyết áp trở về bình thường, bác có thể tiếp tục dùng phác đồ này, ăn chế độ ăn giảm muối và tái khám định kỳ để chúng tôi có thể theo dõi điều trị tăng huyết áp cũng như tối ưu hóa phác đồ thuốc cho bác như kê phối hợp nhiều loại thuốc với liều thấp sẽ giúp hạ huyết áp tốt hơn và giảm các tác dụng phụ của thuốc, lựa chọn các loại thuốc phù hợp với tuổi và các bệnh đồng mắc...

Cảm ơn bác đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bác và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bác có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Tôi có tiền sử bệnh tăng huyết áp, có bố mẹ và anh chị đều bị huyết áp cao. Tôi 55 tuổi bị đột quỵ nhẹ năm 2019, tứ chi không ảnh hưởng nhiều. Kết quả chụp CT Scan:
- Vài ổ nhũn não cũ ở cầu sau.
- Vài ổ nhũn não cũ ở nhân đậu hai bên và đổi thị trái.
Từ đó ...

Trương Phan, 55 tuổi, Quận 4, TP HCM

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bác!

Nhồi máu não là loại đột quỵ xảy ra do thiếu sự cung cấp máu lên não, khác với xuất huyết não bắt nguồn từ tình trạng chảy máu não. Nhồi máu não chiếm từ 70-80% các trường hợp đột quỵ nhưng có thể chữa khỏi trong khi bệnh nhân bị xuất huyết não dễ tử vong hoặc tàn phế.

Đột quỵ nhồi máu não là quá trình mà động mạch não bị hẹp hoặc tắc khiến lưu lượng tuần hoàn tại vùng não do động mạch đó phân bố giảm trầm trọng gây hoại tử, chức năng vùng não đó bị rối loạn và biểu hiện các triệu chứng về thần kinh tương ứng với vùng não bị tổn thương.

Nguyên nhân bệnh Nhồi máu não:
- Do huyết khối ở động mạch não (thrombosis): là quá trình xuất phát từ tổn thương thành mạch tại chỗ, sau đó tổn thương lớn dần lên rồi gây hẹp hoặc tắc động mạch não.
- Do tắc mạch (embolism): cục tắc bắt nguồn từ hệ thống tim mạch (từ tim hay mảng xơ vữa) hoặc ngoài tim như bóng khí, tổ chức dập nát phần mềm của cơ thể), theo hệ thống tuần hoàn lên não, đến nơi động mạch hẹp hơn kích thước của nó sẽ nằm lại và gây tắc mạch.

Các số liệu cụ thể về nguyên nhân gây nên nhồi máu não bao gồm:
- Xơ vữa huyết khối của mạch máu lớn chiếm 50% gồm 45% mạch máu lớn ngoài sọ và 5% mạch máu lớn trong sọ.
- Huyết khối từ tim như bệnh van tim, rung nhĩ… chiếm 20%.
- Tắc các mạch máu nhỏ trong não chiếm 25%.
- Bệnh động mạch không xơ vữa và bệnh về máu đều chiếm dưới 5%.

Kết quả CT scan của bác là bị nhũn não (nhồi máu não) từ năm 2019 là nhồi máu cũ và HA của bác vẫn chưa ổn định mục tiêu, nên thuốc của bác uống có thể chưa đủ liều, có thể mình tăng thêm liều thuốc hoặc phối hợp thêm thuốc khác.Hướng điều trị: Các nguyên tắc điều trị nhồi máu não gồm có:
- Điều trị tiêu huyết khối: là điều trị đặc hiệu của nhồi máu não nhưng để áp dụng được thì bệnh nhân cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn xét nghiệm và thời gian, trong đó thời gian kể từ khi khởi phát phải không quá 3 giờ.
- Sử dụng aspirin và các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu khác: được sử dụng ở tất cả các trường hợp đột quỵ nhồi máu não ngoại trừ bệnh nhân bị dị ứng hoặc không dung nạp aspirin hoặc đang cân nhắc dùng thuốc tiêu huyết khối. Heparin và các thuốc chống đông khác chỉ được chỉ định điều trị trong trường hợp nhồi máu não có rung nhĩ, bệnh van tim hoặc ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Điều trị thuốc hạ huyết áp: tăng huyết áp là nguy cơ chính của đột quỵ não nên điều trị hạ huyết áp là cần thiết đối với cả bệnh nhân tăng huyết áp chưa đột quỵ và bệnh nhân đã có nhồi máu não.
- Điều trị đái tháo đường trong đột quỵ não: bệnh nhân nhồi máu não có bệnh kèm đái tháo đường được khuyến cáo điều trị để mức đường huyết về bình thường và HbA1c dưới 7%.

Đối tượng nguy cơ bệnh nhồi máu não:
- Người có nguy cơ cao bị nhồi máu não cấp thường là những người mắc những bệnh làm gia tăng khả năng hình thành huyết khối bất thường hoặc bệnh làm tổn thương lớp lót trong của động mạch não như: bệnh tim, bệnh mạch máu não, cao huyết áp, tiểu đường và chứng rối loạn đông máu.
- Người hút thuốc lá, nghiện rượu bia.
- Người có tiền sử bị béo phì, ít vận động, cholesterol cao, stress cũng dễ dẫn tới nhồi máu não kể cả với người trẻ.

Cách phòng ngừa bệnh nhồi máu não:
- Tránh các yếu tố nguy cơ bằng cách xây dựng một lối sống lành mạnh và tích cực như: không hút thuốc lá, các chất kích thích, hạn chế rượu bia, duy trì một chế độ ăn lành mạnh nhiều rau, hoa quả cùng với tập thể dục thường xuyên để giảm nguy cơ béo phì, hạn chế ăn mặn và mỡ động vật.
- Cần điều trị triệt để hoặc kiểm soát tốt các bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ, bệnh lý tim mạch thông qua các biện pháp như đo huyết áp hằng ngày, kiểm soát đường và mỡ trong máu.

Bệnh nhân và người nhà cần lưu ý những dấu hiệu cần để nhận biết tai biến mạch máu não đó là FAST (nhanh) là các chữ cái viết tắt của:
- Face (mặt): bệnh nhân cười hoặc nhe răng, một bên không cử động.
- Arm (tay): cánh tay một bên yếu hơn bên kia khi đồng thời giơ cả hai tay lên.
- Speech (lời nói): nói đớ líu lưỡi, dùng từ không thích hợp hoặc câm lặng.
- Time (thời gian): nếu nghi ngờ có một trong các triệu chứng trên thì cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay và ghi nhớ thời gian khởi phát triệu chứng.

Vấn đề của bác, tốt nhất bác nên đến khám chuyên khoa tim mạch và nội thần kinh để được tư vần, thăm khám và điều trị cụ thể bác nhé. Thân mến!

Cha em, Nguyễn Vĩnh Hậu, sinh năm 1962 bị bệnh hở van tim ba lá (không biết hở hay hẹp). Năm 2006, gặp dịp hội chẩn y học quốc tế nên được gửi hồ sơ bệnh án vào hội chẩn và được chỉ định nong van tim. Từ đó, cứ ba tháng bố em lại đi ra Hà Nội định kỳ và lấy thuốc ...

Nguyễn Vĩnh Thuật, 37 tuổi, Xã Mỹ Thành, Yên Thành, Nghệ An

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,

Van ba lá là van tim nối giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải. Hẹp van ba lá là một bệnh khá hiếm gặp, nguyên nhân thường gặp nhất là do thấp tim và luôn đi kèm với hở van ba lá. Hậu quả của hẹp hở van ba lá làm ứ máu tại nhĩ phải và giảm lượng máu xuống thất phải, từ đó làm giảm cung lượng tim và gây phù chân, gan to...

Bố của bạn đã nong van hai lần và lần gần đây nhất là năm 2016, hiện nay các triệu chứng suy tim tăng nặng nhiều là biểu hiện của tình trạng hẹp hở van tim tiến triển nặng thêm. Bạn cần đưa bố tái khám ngay để chúng tôi có thể siêu âm tim lại đánh giá chính xác tình trạng van tim của bố bạn. Từ đó có thể quyết định chính xác xem bố của bạn đã phải phẫu thuật thay van chưa.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Em hay bị nặng ngực (cảm giác nặng ngực giống như ở dưới nước sâu bị ép ngực), đánh trống ngực, có khi như hơi nghẹn gần cổ, xảy ra nhiều lần trong ngày và đêm. Em cũng bị bướu cổ nhưng không uống thuốc. Xin bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn bác sĩ.

Nguyen thị linh, 44 tuổi, quận 12, TP HCM

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Triệu chứng đau ngực có thể do nhiều nguyên nhân (bệnh lý ở tim, bệnh lý hô hấp hoặc tiêu hóa...). Triệu chứng mà bạn mô tả thường nghĩ nhiều đến bệnh lý tim mạch. Bạn nên đến trung tâm y tế chuyên sâu để được kiểm tra toàn diện và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất. Nếu bạn còn lo lắng nhiều về tình trạng này, bạn có thể đến bệnh viện Tâm Anh, tại đây chúng tôi với đội ngũ chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm và trang thiết bị máy móc hiện đại bậc nhất sẽ trả lời cho bạn một kết quả chính xác nhất để bạn có thể yên tâm.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Trước kia, tôi có đi khám và được chẩn đoán hở van tim ba lá nhưng tôi không uống thuốc hay điều trị gì, sau đi khám lại thì không bị nữa. Thỉnh thoảng, tôi có khó thở và nhói ở tim. Tôi có lên mạng tìm hiểu thì được biết bị như thế thì van tim khá "đỏng đảnh" vì lúc hở lúc không. ...

Phan Dũng, 31 tuổi, Hậu Lộc, Thanh Hóa

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,

Van ba lá là van nằm giữa tâm thất phải và tâm nhĩ phải, có tác dụng cho máu đi từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải. Khi van tim bị hở, sẽ có dòng máu phụt ngược từ tâm thất phải lên tâm nhĩ phải. Hở van ba lá mức độ nhẹ tới vừa có thể gặp ở rất nhiều người hoàn toàn khỏe mạnh bình thường và không phải điều trị gì.

Bạn có trao đổi trước khi phát hiện hở van ba lá, sau đó gần đây đi khám lại phát hiện không bị hở van ba lá nữa và bạn có hỏi là có phải bạn bị bệnh van tim đỏng đảnh không, câu trả lời là không. Chuyện này rất thường gặp khi van tim ba lá chỉ hở nhẹ và siêu âm tim phụ thuộc vào chủ quan người làm siêu âm.

Nếu bạn còn lo lắng nhiều về tình trạng này, bạn có thể đến bệnh viện Tâm Anh, tại đây chúng tôi với đội ngũ chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm và trang thiết bị máy móc hiện đại bậc nhất sẽ trả lời cho bạn một kết quả chính xác nhất để bạn có thể yên tâm.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.

Không thấy tên BS trong list consultant

Tôi khám tổng quát, bác sĩ nói bị hở van tim 1/4, tôi thấy sức khỏe hoàn toàn bình thường, tôi vẫn tập thể dục, chạy bộ, tập gym nhẹ đều đặn hàng ngày, không hút thuốc, thỉnh thoảng có nhậu. Cho tôi hỏi, tôi có nên duy trì tập gym không? Tập gym có làm bệnh ...

Linh Tran - Biên Hòa, 38 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai

ThS.BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu

Chào bạn,

Hở van tim 1/4 thường không ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện tại, chế độ sinh hoạt của bạn (tập thể dục, không hút thuốc...) rất tốt cho sức khỏe. Do đó, bạn nên duy trì chế độ sinh hoạt hiện tại. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Tôi bị hở van tim hai lá 1/4. Tôi cần làm gì để bệnh không tiến triển nặng?

Luu lan phuong, 56 tuổi, Hải Phòng

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào Bạn,

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn bị hở van hai lá 1/4 là hở van mức độ nhẹ, tuy nhiên, tôi không rõ liệu bạn có thấy dấu hiệu bất thường nào không hay chỉ phát hiện tình cờ. Bởi vì, hở van hai lá 1/4 có thể xuất hiện ở người hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, tuy nhiên cũng có thể do các nguyên nhân khác như bệnh mạch vành, suy tim...

Nếu như bạn hoàn toàn không có triệu chứng gì nghi ngờ bệnh tim mạch thì hầu như hở van hai lá rất ít tiến triển, bạn có thể sinh hoạt, lao động, ăn uống như người bình thường mà không phải điều trị gì. Còn nếu bạn có các bệnh tim mạch như chúng tôi đã mô tả ở trên, các bệnh này nếu không điều trị hợp lý sẽ gây ra các hậu quả nặng nề hơn, mà trong đó hở van hai lá nặng lên chỉ là một biểu hiện của các bệnh đó, ví dụ như tăng huyết áp gây suy tim gây giãn thất trái, giãn vòng van hai lá gây hở van hai lá, bệnh mạch vành có thể gây rối loạn vận động vùng thất trái, nặng hơn là nhồi máu cơ tim gây đứt dây chằng cột cơ của van hai lá gây hở van hai lá... trong trường hợp này, bạn cần phải điều trị các bệnh như chúng tôi mô tả để tránh các bệnh này nặng lên gây ra các biến chứng nguy hiểm, trong đó có hở van hai lá tiến triển hoặc hở van hai lá cấp.

Hiện nay, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào khó chịu như tức ngực, khó thở, hồi hộp,,, bạn nên đến khám tại phòng khám chuyên khoa Tim mạch, thông qua thăm khám lâm sàng và một số xét nghiệm cơ bản như chụp X-quang tim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim qua thành ngực, từ đó các bác sĩ sẽ có nhiều thông tin hơn nữa giúp tư vấn cho bạn một cách cụ thể hơn.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.