Đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành (FFR) là gì?
Phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành (Fractional Flow Reserve - FFR) là thông số được đo trong quá trình chụp mạch vành. Đó là tỷ lệ giữa áp lực sau chỗ hẹp/áp lực trước chỗ hẹp. Mạch vành không hẹp, tỷ lệ này bằng một. Nếu mạch vành có hẹp nhẹ, tỷ lệ này giảm ít. Nếu tỷ lệ này giảm nhiều, nhỏ hơn 0,8 thì tổn thương hẹp này là nặng, đã gây giảm lượng máu đến nuôi cơ tim phía sau. Từ đó, bác sĩ sẽ quyết định cần phải nong rộng, đặt giá đỡ (stent mạch vành) hoặc mổ bắc cầu nhánh mạch vành đó.
Khi nào đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành?
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Ngọc Long, Trưởng khoa Thông tim can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, những đối tượng sau thường được chỉ định đo FFR:
- Bệnh nhân hẹp động mạch vành 40-90% trên hình ảnh chụp mạch, tính cả những trường hợp tái hẹp trong stent (hẹp động mạch vành 90% dựa trên khuyến cáo Hiệp hội tim mạch châu Âu năm 2019, trước 2019 con số này là 70%).
- Bệnh nhân có hẹp nhiều nhánh động mạch vành mà không thể xác định được nhánh nào là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim.
- Tổn thương hẹp lan tỏa nhiều vị trí trên cùng một nhánh động mạch vành nhằm xác định vị trí nào là hẹp đáng kể nhất.
- Bệnh nhân có hẹp tại chỗ phân nhánh và cần quyết định có can thiệp vào nhánh bên không. Sau khi can thiệp nong hoặc đặt stent động mạch vành nhánh chính sẽ đánh giá ảnh hưởng tới nhánh bên.
Trường hợp nào không thực hiện kỹ thuật này
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long chia sẻ thêm, kỹ thuật đo FFR chống chỉ định cho các đối tượng gặp phải như:
- Những tổn thương hẹp quá nặng >90% vì nhánh mạch này đã gây giảm lưu lượng máu nuôi tim quá rõ ràng.
- Những tổn thương hẹp <40% chưa có chỉ định nong hay mổ.
- Những tổn thương hẹp ở phía quá xa không thích hợp về mặt giải phẫu.
- Nhồi máu cơ tim cấp, bệnh cơ tim phì đại, có nhiều tuần hoàn bàng hệ, cầu cơ động mạch vành... do khó đánh giá chính xác được mức độ ảnh hưởng huyết động.
Các bước tiến hành
Bước 1:
Người bệnh được giải thích rõ ràng về lợi và hại của thủ thuật và đồng ý thực hiện.
Bước 2:
- Sau khi chụp mạch vành, xác định tổn thương cần đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành.
- Chuẩn bị dụng cụ đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành. Đó là một dây dẫn rất nhỏ 0,014 inch (0,35 mm). Bộ phận đo áp lực được gắn ở đầu dây dẫn.
- Bác sĩ sẽ dùng ống thông can thiệp 6 French (đường kính 2 mm) cài vào lỗ xuất phát động mạch vành bị tổn thương, sau đó, đưa dây dẫn đo áp lực qua vị trí tổn thương đến đoạn xa bình thường của mạch máu.
- Dây đo áp lực khi đó được kết nối với máy đo. Sử dụng thuốc thường quy giống như trong các thủ thuật tim mạch can thiệp.
- Dùng thuốc chống loạn nhịp tim hoặc thuốc chống co thắt cơ trơn cho trực tiếp vào lòng động mạch vành qua ống thông hoặc bằng truyền thuốc giãn mạch qua đường tĩnh mạch để gây giãn mạch tối đa, cho kết quả đo được chính xác.
- Phân suất dự trữ động mạch vành sẽ được máy tính tự động, hiện kết quả trên màn hình.
Bước 3: Đánh giá kết quả
- Bác sĩ ghi nhận kết quả đo <0,8: tổn thương hẹp gây thiếu lưu lượng máu nuôi cơ tim.
- Đo trên tất cả các nhánh có hẹp.
- Tổng cộng có 0, 1, 2, 3 nhánh mạch vành bị hẹp nặng cần phải can thiệp. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra quyết định gồm tiếp tục uống thuốc, nong mạch vành hay mổ bắc cầu.
Đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành có nguy hiểm không?
Theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Long, kỹ thuật FFR có khả năng gây ra một số biến chứng như:
- Các biến chứng nhẹ thoáng qua trong quá trình đo gồm khó thở, đau ngực, co thắt mạch vành, block nhĩ thất, ngưng xoang (do thuốc). Các biến chứng này thường thoáng qua và không gây nguy hại. Bác sĩ cần phải phát hiện kịp thời, cho các thuốc giãn mạch khi bệnh nhân bị co thắt động mạch vành. Trong trường hợp nhịp chậm do thuốc, người bệnh được thông báo ho vài tiếng hoặc nếu cần cho tiêm tĩnh mạch.
- Các biến chứng do dây dẫn: bóc tách thành động mạch vành, thủng động mạch vành khi lái dây dẫn vào mạch vành rất hiếm gặp. Các biến chứng này cần phát hiện sớm, dùng bóng bơm kéo dài hoặc stent có màng bọc (cover stent) để điều trị.
"Người bệnh cần thăm khám ở những cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch uy tín, chuyên gia giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại để được thực hiện đúng cách, hạn chế biến chứng cũng như xử trí kịp thời khi có sự cố xảy ra", bác sĩ Huỳnh Ngọc Long nói thêm.
Đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được trang bị hệ thống máy móc nhập khẩu đồng bộ từ nước ngoài bao gồm dụng cụ đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành FFR; máy thông tim; hệ thống máy chụp CT 768 lát cắt chụp cắt lớp vi tính toàn thân chỉ từ 3 đến 4 giây; máy chụp cộng hưởng từ công nghệ tiên tiến chụp tim không cần nín thở; máy siêu âm tim, siêu âm mạch máu (động mạch cảnh, mạch máu ngoại biên...) thế hệ mới dựng hình ảnh 4D giúp hỗ trợ phẫu thuật tim, thông tim trong bệnh van tim, khảo sát thể tích và chức năng tích tim 4D... Các máy móc hiện đại hỗ trợ thực hiện kỹ thuật đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành và các kỹ thuật can thiệp chẩn đoán, điều trị bệnh tim mạch.
Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa khác như Nội tổng hợp, Trung tâm xét nghiệm, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Sản Phụ khoa, Trung tâm Nhi - Sơ sinh, khoa Ngoại tổng quát, khoa Gây mê hồi sức... hỗ trợ tối đa cho quá trình thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Bạn có thể liên hệ đặt lịch khám với các chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh:
- Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội
Hotline: 1800 6858
- TP HCM:
2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM
Hotline: 028 7102 6789
- Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
- Kiến thức tim mạch: https://tamanhhospital.vn/benh/tim-mach/