VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ năm, 17/10/2024

Năm 2018, huyết áp của tôi ban đầu cao và thường xung quanh 140/ 90. Đi khám ở bệnh viện, bác sĩ chỉ định uống thuốc và ổn định huyết áp hàng ngày. Tuy nhiên gần đây, tôi phát hiện mình bị rối loạn huyết áp, có thời điểm xuống dưới mức 100/60mmHg. Những lúc thay đổi huyết áp thường kèm đau đỉnh đầu.
Nhịp ...

Trịnh Ngọc Khánh, 62 tuổi, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bác,

Bác phát hiện tăng huyết áp 3 năm và tuân thủ điều trị tốt. Tuy nhiên gần đây bác thường xuất hiện huyết áp thấp hơn bình thường và nhịp tim nhanh. Hiện nay, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã có máy theo dõi huyết áp và nhịp tim kéo dài, có thể đánh giá lại chính xác chỉ số huyết áp và nhịp tim của bác trong ngày.

Bác cần đánh giá thêm các nguyên nhân khác gây ra tình trạng huyết áp thấp. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có trang thiết bị hiện đại bậc nhất tương đương tầm thế giới với đội ngũ chuyên gia Tim mạch có nhiều kinh nghiệm lâu năm trong nghề, mang đến dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cao cấp, toàn diện với chi phí hợp lý. Bác có thể đăng ký khám trực tiếp hoặc hẹn lịch khám qua tổng đài của bệnh viện để chúng tôi có thể khám và điều trị bệnh cho bác. Xin cảm ơn.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bác có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

Dạo này, tôi cảm thấy bị tức ngực. Trước đây năm năm, ban đêm ngủ có lúc tôi cảm thấy khó thở, choàng tỉnh dậy, được hướng dẫn uống thuốc và tôi cảm thấy ổn. Nhưng dạo này, tôi thấy bị tức ngự và hơi lệch về phía phải tìm. Tôi muốn xin được tư vấn từ các bác sĩ. Trân trọng cảm ơn!

Đặng Quang Tú, 64 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,

Bạn có cung cấp thông tin bị tức ngực và đã được điều trị. Tuy nhiên, các thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên bác sĩ không thể đưa ra chẩn đoán chính xác cho bạn. Về trình tự chẩn đoán, chúng tôi cần các thông tin về tính chất cơn đau ngực, các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành của người bệnh có không, từ đó, phân tầng và lựa chọn các thăm dò chức năng tim mạch hiệu quả nhất với từng trường hợp. Tổng hợp những thông tin này, bác sĩ mới có thể kết luận bạn có bị bệnh mạch vành không và có tư vấn điều trị phù hợp. Trân trọng!

Tôi bị cầu cơ mạch vành, huyết áp tôi 160/110 mmHg, uống thuốc huyết áp thì được 140/90-95 mmHg, chỉ số NT - proBNP là 343, hai đầu cầu cơ bị hẹp 55%. Xin hỏi bác sĩ, trường hợp tôi đã phải thực hiện bắc cầu mạch vành chưa? Bệnh viện nào và bác sĩ nào bắc cầu an tâm nhất? Xin bác sĩ ...

Bùi Hoàng Thành, 55 tuổi, Dak Nông

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Bệnh cầu cơ là do động mạch vành nằm kẹp giữa những bó cơ tim. Trong thì tâm thu, khi cơ tim co lại thì lòng động mạch vành cũng bị hẹp theo. Trong thì tâm trương, khi cơ tim nghỉ, lòng động mạch vành nở ra để nhận máu nuôi cơ tim. Cơ tim chỉ nhận máu nuôi ở thì tâm trương lúc cơ tim nghỉ, không nhận máu nuôi ở thì tâm thu, do đó việc hẹp động mạch vành trong thì tâm thu cũng không gây thiếu máu cơ tim. Điều này có nghĩa là cầu cơ không gây thiếu máu cơ tim, nên không phải thực hiện phẫu thuật mổ bắc cầu mạch vành. Bệnh chính của bạn là cao huyết áp, bạn nên tập chữa cho thật tốt. Chỉ số NT ProBNP cao nhẹ, có giá trị cảnh bào suy tim. Tuy nhiên, phải phối hợp với các triệu chứng và khám lâm sàng để quyết định chẩn đoán và đều trị phù hợp.

Trân trọng!

Dạo này, tôi hay bị nhức mỏi hai bắp chân và khi chạy xe máy (hoặc sáng ngủ dậy). Thỉnh thoảng, bị tê bàn tay và các ngón tay. Xin hỏi bệnh vậy có liên quan đến tim mạch và huyết áp không? Xin cám ơn.

Nguyễn Thị Diệu Hiền, 44 tuổi, quận 9, TP HCM

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều

Chào bạn,

Triệu chứng nhức mỏi hai bắp chân khi chạy xe máy có thể gặp trong nhiều bệnh như suy tĩnh mạch chi dưới, bệnh động mạch ngoại biên, thoát vị đĩa đệm... Để chẩn đoán được nguyên nhân mời bạn đến bệnh viện để thăm khám và làm một số xét nghiệm cần thiết.

Tôi bị bệnh tăng huyết áp hơn 10 năm nay, uống thuốc hạ huyết áp thường xuyên nhưng vẫn ở mức cao 130/80 mmHg đến 140/90 mmHg, có lúc cao hơn 140/90. Bác sĩ nói là tuổi tôi như vậy mà huyết áp ổn định ở mức140/90 là bình thường không nguy hiểm. Xin hỏi có đúng không?

Nguyễn Văn Lam, 68 tuổi, Xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc

Chào anh!

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO ) và Hội đồng Hiệp hội Tăng huyết áp thế giới (ISH) năm 2020 đã phân độ THA như sau:

Tăng độ I: Bình thường cao: khi huyết áp từ 130-139 hoặc 85-89 mmHg; HA của anh đã điều trị nhưng mức huyết áp vẫn nằm trong phân độ tăng huyết áp ở mức bình thường cao. Huyết áp của anh cần uống thuốc đủ để đưa về mức mục tiêu.

Hội Tim mạch châu Âu (ESC/ESH 2018) quy định huyết áp mục tiêu là huyết áp dưới 140/90mmHg, riêng người bị đái tháo đường, huyết áp mục tiêu phải dưới 130/80mmHg. Anh chưa cho biết anh có bệnh kèm theo không? Nếu không có đái tháo đường kèm theo mức huyết áp sau điều trị của anh < 140/90 mmHg.

Nếu không điều trị đạt huyết áp mục tiêu, tình trạng tăng huyết áp gây ra những biến cố tim mạch, thận, não và mắt như:
- Phì đại thất trái: tình trạng phì đại thất trái sẽ làm tăng nguy cơ bị đau tim và đột quỵ.
- Suy tim suy giảm chức năng tâm thu hoặc suy tim bảo tồn chức năng tâm thu.
- Đột quỵ do thiếu máu não cấp hoặc xuất huyết não.
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ bao gồm nhồi máu cơ tim cấp hoặc các can thiệp nội mạch vành như đặt giá đỡ mạch vành hay mổ bắc cầu mạch vành.
- Bệnh thận mạn hoặc bệnh thận giai đoạn cuối.
- Bệnh lý võng mạc mắt

Do đó, anh nên đến cơ sở y tế khám chuyên khoa tim mạch để bác sĩ có thể tư vấn cụ thể hơn cho anh.

Trân trọng!

Cuối năm 2019, tôi đo huyết áp thì phát hiện huyết áp 140/90. Sau đó, tôi có đến khám tim mạch và bác sĩ đã cho dùng thuốc theo đơn. Kể từ đó đến nay, huyết áp của tôi thường dao động từ 110/70 đến 135/85, chủ yếu là 125/80.
Ngoài ra, ngày 25/9/2019 tôi có chụp động mạch vành với kết luận là: hệ ...

Võ Như Hoàng, 52 tuổi, Đà Nẵng

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều

Chào bác,

Bác đã được chẩn đoán tăng huyết áp và đang điều trị với Lisonorm 10/5 mg, huyết áp ổn định. Vậy bác nên tiếp tục duy trì điều trị này. Thuốc này dùng lâu ngày không có hại, điều trị huyết áp ổn định giúp bác phòng được biến chứng suy tim, suy thận và đột quỵ về sau. Bác nên tái khám định kỳ với bác sĩ tim mạch mỗi 3-6 tháng, xét nghiệm máu mỗi 6-12 tháng một lần.

Nếu đang sống tại Đà Nẵng, bác có thể tái khám định kỳ ở bệnh viện hoặc phòng khám ở Đà Nẵng. Chúc bác thật nhiều sức khỏe.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bác có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858, tại TP HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

Cháu thỉnh thoảng hay bị đau nhói ở ngực trái và bên phải. Triệu chứng này có nguy hiểm gì không? Cảm ơn bác sĩ.

Bùi Sỹ Đông, 36 tuổi, Vinh, Nghệ An

BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc

Chào bạn!

Đau ngực có thể do nhiều nguyên nhân trong đó có thể là do tim, phổi, thành ngực, thần kinh. Triệu chứng của bạn là đau ngực tỉnh thoảng bên trái và ngực bên phải. Nếu tự nhiên bị đau nhói tim và hồi phục sau khi nghỉ ngơi, bạn không cần quá lo ngại về tình trạng sức khỏe của mình.

Thông thường, cơn đau tim không xuất phát từ các bệnh về tim sẽ biến mất sau khi bạn nghỉ ngơi hoặc điều chỉnh lối sống của mình. Nếu tim bị nhói kèm theo những dấu hiệu sau, bạn cần đặc biệt lưu ý và cần được được bác sĩ thăm khám càng sớm càng tốt.
- Ngất xỉu
- Khó thở, tức ngực
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn
- Cơn đau lan đến vai và hai cánh tay

Do đó việc bạn phải theo dõi diễn biến cơn đau nhói ở tim để xem nó có đi kèm với những dấu hiệu nguy hiểm khác hay không sẽ giúp bạn biết khi nào mình nên đến bệnh viện để bác sĩ can thiệp. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc kịp thời điều trị những bệnh lý nghiêm trọng ở tim trong giai đoạn sớm.

Trân trọng!

Thỉnh thoảng tôi bị rối loạn nhịp tim, đo máy khoảng 116-137. Mỗi lần như vậy ngắn khoảng vài giờ, dài đến 10 giờ. Tôi đã đi khám nhiều lần , bác sĩ kết luận hở nhẹ van tim 1/4, hở van động mạch chủ nhẹ, rối loạn thần kinh tim. Bác sĩ cho uống thuốc bổ tim. Bệnh của tôi nên điều trị thế ...

Trương Phan Lan Anh, 49 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội

BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc

Chào bạn!

Ở người trưởng thành, khi nghỉ ngơi không vận động, nhịp tim chuẩn sẽ dao động từ 60-100 nhịp mỗi phút. Nếu nhịp tim vượt quá 100 nhịp một phút thì đây chính là tình trạng nhịp tim nhanh. Vậy nhịp tim bạn 116-137 l/ph là nhịp tim nhanh. Bạn thỉnh thoảng có những cơn nhịp nhanh thời gian dài.

Nhịp tim nhanh có thể do hồi hộp, căng thẳng nhưng cũng có thể là triệu chứng tiềm ẩn của nhiều bệnh lý nguy hiểm mà phổ biến nhất là các vấn đề về tim mạch.
Bạn chưa mô tả rõ thêm về tính chất của cơn như trước vào cơn bạn có những vấn đề liên quan xúc động, căng thẳng, lo lắng hay ăn uống thức ăn đặc biệt hoặc dùng thuốc gì không? Thời gian cơn nhịp nhanh của bạn dài, nếu tần suất cơn nhịp nhanh xuất hiện nhiều lần,
Cơn nhịp nhanh kéo dài nhiều có nguy cơ biến chứng sau:
- Ngất: tim đập nhanh kéo dài dễ khiến huyết áp tụt đột ngột và gây ngất.
- Suy tim: nhịp nhanh do rung nhĩ là nguyên nhân gây suy tim nếu không điều trị sớm
- Đột quỵ: biến chứng của các bệnh tim mạch, cơn rung nhĩ, hình thành các cục máu đông gây tắc mạch máu não
- Ngưng tim: là một biến chứng hiếm gặp nhưng một số trường hợp tim đập nhanh có thể làm tim ngừng đập, đe dọa tính mạng người bệnh.

Để tìm ra bệnh lý cơn nhịp nhanh, bạn nên đến thăm khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch. Bác sĩ sẽ chỉ định cận lâm sàng chuyên biệt để tim nguyên nhân. Nếu chẩn đoán rối loạn nhịp tim nghiêm trọng có thể điều trị nội khoa hoặc điều trị phương pháp can thiệp chuyên biệt từng bệnh.

Những lúc cơn nhịp nhanh bạn nên nhập cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần bạn nhất. Bạn xin kiểm tra tim mạch và yêu cầu đo ECG ngay trong cơn nhịp tim nhanh để chẩn đoán nhịp nhanh. BS chuyên khoa sẽ hẹn gắn holter ECG/24h để theo dõi cơn nhịp tim nhanh. Bác sĩ sau khi khám sẽ ghi nhận tính chất cơn nhịp nhanh. Điều trị cơn nhịp nhanh theo chẩn đoán chuyên biệt và xử lý biến chứng nếu có kèm theo giúp bạn.

Trân trọng!

Mỗi khi lo lắng việc gì, ở dưới ngực trái của tôi đau tức theo từng cơn. Khi hết lo lắng, hồi hộp, cơn đau tức không còn. Xin hỏi bác sĩ, đó có phải là dấu hiệu của bệnh tim không? Xin cảm ơn cám sĩ.

Lê Tấn Công, 50 tuổi, Cam Lam, Khanh Hoa

BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc

Chào anh!

Lồng ngực là một khoang của cơ thể được bao bọc bởi các cung xương sườn, phía trước nối với xương ức và phía sau nối với cột sống. Bên trong khoang này chứa rất nhiều cơ quan, kể từ ngoài vào gồm có cơ liên sườn, màng phổi và phổi, màng tim và tim, các mạch máu và dây thần kinh, thực quản, khí - phế quản... Vì vậy đau ngực có thể là triệu chứng do bệnh lý từ bất kỳ cơ quan nào trong lồng ngực gây ra.

Đặc điểm cơn đau người ta có thể phần nào phân biệt được nguyên nhân:
- Đau ngực do thiếu máu cơ tim: có nguy cơ cao như tuổi trung niên trở lên, hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng mỡ trong máu, tiểu đường và béo phì. Đặc điểm là cơn đau thắt, bóp chặt hay chỉ là cảm giác đè nặng, vị trí mơ hồ ngay giữa ngực sau xương ức hoặc chệch về bên trái, có thể lan ra cánh tay và lên cổ, thời gian 3-10 phút. Đau thường xảy ra khi gắng sức và giảm dần khi nghỉ ngơi.
- Đau ngực do nguyên nhân cơ xương hay do thần kinh liên sườn.
- Đau do bệnh phổi - màng phổi, màng tim: đau lói ngực tăng lên khi hít vào, khi ho, giảm khi ngồi nghiêng tới trước
- Đau ngực do viêm thực quản trào ngược.
- Đau ngực do nguyên nhân tâm lý: đau ngực có thể gặp trong rối loạn lo âu, trầm cảm, hội chứng tăng thông khí... cảm giác đau lói, thắt nghẹn, vị trí có thể không cố định, mơ hồ, thường kèm theo hồi hộp, cảm giác tim đập nhanh, mạnh, xảy ra khi lo âu, căng thẳng về một việc gì.

Điều quan trọng nhất trước tiên là anh cần phải loại trừ đau ngực do bệnh tim mạch (vì bệnh có thể nguy hiểm). Nếu muốn biết mình có bệnh lý tim mạch anh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch với đầy đủ thiết bị hiện đại để thực hiện: X-quang ngực, điện tim và siêu âm tim và các cận lâm sàng chuyên sâu để tìm và tầm soát bệnh tim mạch... Nếu kết quả bình thường thì anh có thể tạm yên tâm là mình không bị bệnh tim.

Trân trọng!

Hiện nay, tôi đang điều trị tăng huyết áp vô căn, bên cạnh còn bị hở van tim ba lá 1/4. Nhịp tim 115 lần một phút, sau khi dùng thuốc trị tăng huyết áp thì trở về bình thường. Bác sĩ thăm khám chỉ bảo về theo dõi và khám định kỳ. Có phương pháp nào điều trị hở van tim dạng này không? ...

Phong, 34 tuổi, Phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM

BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc

Chào bạn!

Bệnh tim hở van ba lá 1/4 hay còn gọi là hở van sinh lý, đây là mức hở van nhẹ nhất nên thường bác sĩ sẽ không chỉ định điều trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh có kèm với những triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, mệt mỏ... là do hở van tim bệnh lý, người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng xảy ra.

Đa số hở van tim ba lá 1/4 nặng lên là do tác động của bệnh tim mạch khác gây nên, vì vậy ưu tiên việc điều trị nguyên nhân gây hở van ba lá, Hiện tại, bạn nên thay đổi lối sống lành mạnh để ngăn chặn bệnh tiến triển:

- Ăn uống tốt cho tim: cần ăn nhiều loại trái cây, rau củ quả, các loại ngũ cốc nguyên hạt và chất đạm từ thực vật, từ cá. Hãy tránh chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường, muối và ngũ cốc tinh chế.
- Tập thể dục phù hợp: Tốt nhất là nên tập với cường độ nhẹ và tăng dần theo thời gian, duy trì thường xuyên ít nhất 5 buổi một tuần. Những bài tập được khuyến khích bao gồm: đi bộ, tập dưỡng sinh, chạy bộ, và bơi lội...

Tình trạng tăng huyết áp của bạn đang điều trị và nhịp tim ổn định sau dùng thuốc hạ áp. Vậy bạn nên tiếp tục dùng thuốc hạ áp để ổn định huyết áp của mình nhé.

Trân trọng!

Con em được phát hiện tim bẩm sinh từ lúc mới sinh. Hiện giờ cháu đã được 12 tháng, cháu không có dấu hiệu tím tái, khó thở gì cả, vẫn sinh hoạt bình thường. Em chỉ thấy cháu ăn ít, chậm lớn hơn so với các bé cùng tuổi.

Có phải bệnh tim làm cháu chậm lớn không ạ? Em có nên cho ...

Ngọc Hằng, 32 tuổi, Hà Nội

BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy

Chào bạn,

Chậm tăng cân là một trong những dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em. Bạn nên đưa bé tới các bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch Nhi để được thăm khám, đo điện tim, siêu âm tim, X-quang phổi. Trong một số trường hợp khó, đôi khi phải chụp MSCT tim hoặc thông tim. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và tư vấn cho bạn hướng điều trị thích hợp từ việc theo dõi tiếp, điều trị thuốc hoặc thông tim và phẫu thuật tim.

Trân trọng!

Mẹ tôi bị rối loạn nhịp tim. Khi xúc động mạnh hay nóng nảy là tim lại đập nhanh hơn, cáu gắt. Đi khám thì bác sĩ cho uống một số loại thuốc tây nhưng không thấy khỏi. Mẹ tôi nên làm những gì để cải thiện tình trạng trên? Cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Hoàng Phú, 21 tuổi, Đà Lạt

TS.BS Trần Văn Hùng

Chào bạn!

Xin hỏi bạn mẹ bạn bị rối loạn nhịp tim là được chẩn đoán ở đâu và cụ thể loạn nhịp gì, có đo ECG và làm xét nghiệm gì chưa? Khi xúc động hay nóng nảy, tim đập nhanh có thể là phản ứng bình thường của cơ thể, quan trọng lúc này mẹ của bạn có bị đau nặng ngực hoặc khó thở không? Nếu có thì đó là triệu chứng của bệnh mạch vành.

Mẹ của bạn năm nay bao nhiêu tuổi? Có đau nặng ngực trái khi gắng sức không? Có các yếu tố nguy cơ sau như tiền căn đái tháo đường, tăng cholesterol máu, hút thuốc lá hay tiền căn gia đình bị bệnh mạch vành hay không? Có ít vận động thể lực, béo phì hay không?

Nếu mẹ bạn càng có nhiều yếu tố nguy cơ trên thì khả năng bị bệnh mạch vành càng cao. Bạn nên đưa mẹ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch với đầy đủ trang thiết bị càng sớm càng tốt để được bác sĩ khám, cho làm cận lâm sàng, chẩn đoán và điều trị thích hợp. Trân trọng!

Tôi đã thay van hai lá cơ học, hiện đang điều trị bằng thuốc, nhiều người bảo phải hạn chế ăn rau xanh. Xin hỏi bác sĩ sao phải hạn chế ăn rau xanh? Và tôi cần lưu ý chế độ ăn uống như thế nào sau thay van? Cảm ơn bác sĩ.

Khánh Mai, 32 tuổi, Hà Nội

ThS.BS Huỳnh Khiêm Huy

Chào anh chị,

Đối với cơ thể, van tim cơ học là một loại vật liệu ngoại lai, do đó khi đưa vào cơ thể sẽ có phản ứng chống lại bằng cách các tế bào và mô sợi chuyên biệt có trong máu sẽ đến bám vào van, lâu ngày gây kẹt van và mất chức năng. Việc dùng thuốc kháng đông sau thay van cơ học nhằm giúp cho máu loãng hơn bình thường, ngăn ngừa hiện tượng trên và giữ cho van được hoạt động ổn định. Cơ chế của thuốc kháng đông có liên quan đến ức chế và giảm lượng Vitamin K trong cơ thể. Một số loại thực phẩm có thể chứa nhiều Vitamin K, khi ăn vào sẽ làm giảm tác dụng của thuốc nên người bệnh thường được khuyên hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều Vitamin K (thường có màu xanh sậm) như cải bó xôi, húng quế, mù tạt, bông cải xanh, măng tây, mùi tây...

Ngoài ra, một chế độ ăn lành mạnh sau thay van tim sẽ giúp người bệnh khoẻ mạnh và tuổi thọ của van được lâu dài. Chế độ này bao gồm giàu chất xơ, chất béo bão hoà và các chất chống oxy hóa. Đồng thời, hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol, nhiều muối, tinh bột, và đặc biệt hạn chế các thực phẩm chứa nhiều Vitamin K như trên.

Trân trọng!

Tôi mang thai được ba tuần thì phát hiện suy tim. Dạo gần đây, tôi thường xuyên chóng mặt, nhức đầu, ăn ngủ không ngon và cũng bị nghén. Xin hỏi phát hiện suy tim trong lúc này có nguy hiểm không? Tôi cần phải làm gì? Con tôi có bị di truyền bệnh không? Và khi sinh cháu có cần kiểm tra gì không ...

Giang Cẩm, 30 tuổi, Nhà Bè

BS.CKII Võ Ngọc Cẩm

Chào chị,

Phụ nữ khi mang thai có những triệu chứng rất giống với bệnh tim mạch. Do đó, chị nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch khám và làm một số xét nghiệm để xác định mình có bị bệnh tim hay suy tim không. Nếu có bệnh tim mạch thì chị cần được chăm sóc với bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm trong giai đoạn thai kỳ và sinh nở.

Để phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh của em bé chị có thể làm siêu âm tim thai khi thai được 18-22 tuần tuổi trong bụng mẹ hoặc siêu âm tim bé sau sinh. Chúc chị và bé khỏe!

Trân trọng!

Tôi đọc báo thấy nhiều trường hợp các vận động viên trẻ đang thi đấu thì bị lên cơn đau tim và đột tử, nguyên nhân có phải do có bệnh tim mạch nhưng không biết mà vận động với cường độ cao nên gây ra không? Xin bác sĩ tư vấn những triệu chứng báo động của bệnh tim mạch và ai cần phải ...

Hoàng Dũng, 33 tuổi, TP HCM

TS.BS Trần Văn Hùng

Chào bạn!

Đột tử do tim ở người trẻ thường là do rối loạn nhịp, tim đột ngột rung lên, không bóp máu nuôi cơ thể được do nhịp tim rất nhanh (rung nhất, nhanh thất). Tuy nhiên, những trường hợp này thường không liên quan đến gắng sức. Trường hợp bạn hỏi xảy ra khi gắng sức thường là do bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, nguyên nhân tiếp theo là do bệnh mạch vành.

Bệnh cơ tim phì đại là một rối loạn di truyền, bẩm sinh có đặc điểm cơ tim dầy lên bất thường. Các triệu chứng bao gồm khó thở, đau ngực, ngất và đột tử. Bác sĩ khám thấy có tiếng thổi tâm thu trong tim. Bệnh được chẩn đoán bằng siêu âm tim hoặc cộng hưởng từ tim và xét nghiệm về di truyền. Bệnh không phòng ngừa được, nhưng quan trọng là phải được phát hiện sớm để điều trị và phòng ngừa các biến chứng. Nếu bạn có bố mẹ hay anh chị em ruột bị bệnh cơ tim phì đại, bạn cần được sàng lọc di truyền về bệnh này.

Nếu xét nghiệm di truyền không được làm hay kết quả không rõ ràng, bác sĩ sẽ chỉ định làm siêu âm tim định kỳ để phát hiện sớm bệnh trong trường hợp bạn có tiền căn gia đình về bệnh này. Những thanh niên và vận động viên thi đấu các môn đối kháng cường độ cao nên sàng lọc bằng siêu âm tim mỗi năm. Những vận động viên không thi đối kháng trên nên sàng lọc mỗi 5 năm.

Trân trọng!

Tôi năm nay 37 tuổi. Tôi hay bị hồi hộp, tim đập nhanh khi lên xuống cầu thang, nằm ngửa hay bị tức ngực, thở mệt. Tôi đi khám, bác sĩ cho đo ECG, kết quả ghi nhận sóng T dẹt/AVL, siêu âm thì bị hở van hai lá 1/4. Xin hỏi bác sĩ bệnh của tôi có cần điều trị không? Và tôi cần ...

Đông Phương, 37 tuổi, Bắc Ninh

BS.CKII Võ Ngọc Cẩm

Chào bạn,

Triệu chứng của bạn có thể do bệnh mạch vành, rối loạn nhịp hoặc một số bệnh nội khoa khác. Ngoài đo điện tâm đồ và siêu âm tim, bạn cần được khám và làm thêm xét nghiệm máu, trắc nghiệm gắng sức và gắn máy theo dõi nhịp tim 24 giờ tại nhà (Holter ECG) để xác định bệnh mà có cách điều trị phù hợp.

Trong cách ăn uống và sinh hoạt hằng ngày bạn cần chú ý không ăn quá nhiều thịt mỡ, chất béo, đồ ăn chiên xào, thức ăn nhanh; ăn ít muối, đồ ăn ngọt, giảm rượu bia, bỏ thuốc lá (nếu có); nên ăn nhiều trái cây, rau củ, quả, thức ăn tươi sống, ăn cá. Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, giảm cân nếu dư cân, thư giãn, tránh căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ và đúng giờ.

Trân trọng!

Con gái em 6 tuổi. Năm ngoái, em đưa bé đi khám tổng quát thì tình cờ phát hiện bị hở van tim hai lá 1/4, bác sĩ bảo không cần điều trị, chỉ cần theo dõi là được. Gần đây bé lại hay tức ngực, ho khan một vài ngày rồi hết... thì em có cần đưa bé đến khám và điều trị lại ...

Ngọc Nữ, 29 tuổi, Long An

BS Nguyễn Phạm Thùy Linh

Chào bạn!

Theo kết quả siêu âm bạn cung cấp, con bạn bị hở van tim hai lá 1/4, là tình trạng hở van nhẹ, có thể là hở van sinh lý, không cần điều trị. Thông thường tình trạng hở van này sẽ không diễn tiến theo thời gian. Gần đây con bạn có thêm triệu chứng tức ngực, ho khan, bạn nên cho con khám lại ở cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch, vì có thể cháu có bệnh lý mới của đợt này, có thể triệu chứng của tim, hoặc hô hấp. Khi khám lại, bác sĩ sẽ khám, chẩn đoán và tư vấn cho bạn cụ thể hơn.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP HCM: 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Thỉnh thoảng, tôi bị hồi hộp mạnh, lái xe bị vật cản bất ngờ phải đạp phanh gấp, sống lưng phần dưới bị giật mạnh như bị kéo rút. Xin hỏi bác sĩ, các triệu chứng của tôi là hiện tượng gì? Xin cám ơn bác sĩ.

tuanceco4, 46 tuổi, Vinh, Nghệ An

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,

Triệu chứng bạn mô tả không đủ thông tin để xác định được rõ tình trạng bệnh của bạn. Tuy nhiên, đây có thể là một trường hợp rối loạn nhịp nhanh gây cảm giác hồi hộp. Hiện nay, để chẩn đoán xác định rối loạn nhịp, bạn phải được làm các xét nghiệm chuyên biệt như điện tâm đồ. Bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để tư vấn, giúp bạn chẩn đoán xác định và có hướng điều trị cụ thể hơn.

Nhịp tim cao hơn mức bình thường thì có sao không thưa bác sĩ? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi.

Trương Minh Phước, 40 tuổi, Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao

Chào anh Phước,

Nhịp tim bình thường được tạo ra bởi một nút phát nhịp gọi là nút xoang ở ngay trong tim. Tim mỗi người chỉ có duy nhất một nút xoang. Khi nút xoang phát xung động sẽ lan truyền trong tim và tạo thành nhịp tim. Do đó, nhịp tim bình thường là nhịp xoang.

Thông thường nhịp xoang lúc nghỉ của người trưởng thành dao động từ 60 đến 100 lần/phút. Nếu nhịp tim lúc nghỉ lớn hơn 100 lần/phút là nhịp nhanh. Tuy nhiên, giới hạn nhịp tim trên chỉ có tính chất tương đối vì nhiều người có nhịp tim lúc nghỉ nhanh hơn hoặc chậm hơn giới hạn trên, nhưng lại hoàn toàn bình thường, không phải bệnh lý. Ví dụ, nhiều vận động viện thường có nhịp tim lúc nghỉ khoảng 55 lần/ phút hoặc sản phụ có nhịp tim lúc nghỉ khoảng 105 đến 110 lần/ phút thì không phải là nhịp bất thường, cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Tuy nhiên, nếu nhịp tim của anh nhanh hơn mức bình thường nhiều khi nghỉ kéo dài liên tục hoặc xảy ra từng cơn kèm với triệu chứng loạn nhịp tim như hồi hộp, tim đập không đều, hụt hơi, ran ngực, khó thở, yếu sức, giảm khả năng vận động, chóng mặt,... Thì lúc đó, anh nên khám chuyên khoa tim mạch để xem nhịp tim có gì bất thường không. Chúc anh nhiều sức khỏe!

Bệnh tăng huyết áp và tê bì tay chân tay liên quan như thế nào đối với tim? Cách chữa trị Đông y và Tây y hiệu quả? Cảm ơn bác sĩ.

yenvan.739, 60 tuổi, tỉnh Phú Yên

BS.CKI Hoàng Thị Bình

Chào bạn,

Tăng huyết áp (THA) là bệnh hệ thống, ảnh hưởng tới nhiều cơ quan như tim thận, mạch máu... Trong đó THA làm tăng công cơ tim, làm tim làm việc nhiều hơn để đảm bảo tống máu ra động mạch chủ hiệu quả trong một nhát bóp lâu ngày, làm dày thành tim dẩn tới suy tim nếu không điều trị hiệu quả.

Ngoài ra, tăng huyết áp ảnh hưởng tới sự chun dãn thành mạch, cộng thêm sự xơ vữa động mạch, có thễ làm cứng thành mạch hoặc hẹp lòng mạch ảnh hưởng tới việc dãn máu nuôi tới các cơ quan có thể gây triệu chứng tê tay chân hoặc đau cách hồi. Bạn nên khám tại bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để đươc chẩn đoán chính xác và điều trị toàn diện. Chúc bạn nhiều sức khỏe!