VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ năm, 17/10/2024

Tôi nghe nhiều người bảo nếu không ăn mặn sẽ không bị cao huyết áp, điều này có đúng không? Những yếu tố gây nên bệnh tăng huyết áp là gì thưa bác sĩ? Và nếu bị tăng huyết áp thì phải dùng thuốc suốt đời phải không? Mong bác sĩ tư vấn.

Phương Mỹ Anh, 32 tuổi, Mỹ Tho

BS.CKI Hoàng Thị Bình

Chào bạn,

Không ăn mặn sẽ không bị cao huyết áp, điều nay đúng không? Muối là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, tuy nhiên nếu ăn nhiều muối không tốt cho sức khỏe, nhất là với người tăng huyết áp lại càng phải hạn chế sử dụng muối.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, những quần thể cư dân ăn mặn có tỷ lệ người tăng huyết áp cao hơn quần thể cư dân ăn nhạt. Chế độ ăn thừa muối (ăn mặn) tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới tăng huyết áp cũng như các bệnh tim mạch nhưng không có nghĩa không ăn mặn thì sẽ không tăng huyết áp.

Vì tăng huyết áp có rất nhiều yếu tố tác động đến chứ không phải một yếu tố ăn mặn quyết định. Những yếu tố gây nên bệnh tăng huyết áp:
- Chế độ ăn nhiều muối
- Rối loạn lipid máu
- Tuổi tác: là yếu tố nguy cơ không thể thay đổi của căn bệnh tăng huyết áp.
- Tiền sử gia đình: nhiều nghiên cứu quan sát cho thấy rằng con cái sinh ra trong gia đình có cha mẹ mắc bệnh cao huyết áp nói riêng hay các bệnh lý tim mạch khác nói chung sẽ có nguy cơ mắc phải cao hơn người bình thường.
- Lối sống lười vận động
- Tổng trạng thừa cân - béo phì
- Hút thuốc lá
- Uống quá nhiều bia rượu
- Căng thẳng, lo âu
- Bệnh lý đi kèm: bệnh lý tăng huyết áp thường thấy trong dân số là tăng huyết áp nguyên phát (vô căn), tỷ lệ chiếm hơn 90%. Gần 10% số lượng bệnh nhân có huyết áp cao còn lại do mắc các bệnh lý như bệnh thận cấp hoặc mạn tính, hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận hoặc các bệnh lý nội tiết khác như cường Aldosteron tiên phát (hội chứng Conn), hội chứng Cushing, bệnh lý tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến yên...

Một số sản phụ được ghi nhận tăng huyết áp khi có thai do các nguyên nhân như:
- Tác dụng phụ của một số thuốc ví dụ thuốc kháng viêm
- Đo huyết áp không đúng cách: yếu tố khiến dễ lầm tưởng huyết áp tăng lên là do kỹ thuật đo huyết áp như dùng băng quấn quá chật, đo khi mặc quần áo quá bó, quấn băng đo khi mặc áo dài tay...

Số đo huyết áp cũng sẽ không chính xác nếu bệnh nhân vừa mới vận động mà chưa ngồi nghỉ ít nhất từ 5 đến 15 phút; đo sau khi mới hút thuốc lá, uống cà phê, khi đang nóng giận, bàng quang căng đầy, thậm chí nhiệt độ phòng quá thấp cũng khiến huyết áp tăng lên. Nhiều bệnh nhân gặp "hội chứng áo choàng trắng" là khi đo huyết áp tại bệnh viện, phòng khám lại ghi nhận thấy luôn cao hơn ở nhà.

Nếu bị tăng huyết áp sẽ phải dùng thuốc huyết áp suốt đời. Trong quá trình dùng thuốc có thể không đổi thuốc hoặc sẽ thay đổi liều lượng thuốc như tăng liều thuốc hoặc giảm liều thuốc tùy vào huyết áp cao hay tụt, thậm chí có thể tạm ngưng thuốc nếu huyết áp bị tụt quá nhiều. Tuy nhiên ,mọi chỉ định đều phải thông qua ý kiến của bác sĩ. Bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc, thay đổi loại thuốc hoặc chỉnh liều lượng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ.

Ông cháu 60 tuổi bị tăng huyết áp nhẹ mấy năm nay. Gần đây nhất, ông tăng huyết áp đến 165 nên có nhập viện, được khoảng hai tuần thì bác sĩ bảo bình thường nên cho về nhà, về nhà thì ông lại tăng huyết áp trở lại. Trường hợp của ông cháu thì nên áp dụng điều trị như thế nào để hiệu ...

Hải Yến, 27 tuổi, quận Phú Nhuận, TP HCM

BS.CKI Hoàng Thị Bình

Chào bạn,

Đầu tiên, bạn nên hiểu rõ tăng huyết áp là bệnh không bao giờ hết. Bệnh chỉ ổn định với thuốc đang điều trị. Nếu hiểu lầm bản thân đã khỏi bệnh và không dùng thuốc nữa thì huyết áp sẽ cao lại và lâu dần có thể gây nhồi máu cơ tim, mờ mắt, suy thận, đột quỵ...

Chỉ có một tỷ lệ nhỏ bệnh tăng huyết áp sẽ ổn định mà không cần thuốc điều trị nhưng bệnh nhân cần phải theo dõi huyết áp thường xuyên, điều chỉnh lối sống thích hợp và liên hệ với bác sĩ ngay khi huyết áp không ổn định.

Trường hợp của ông bạn, huyết áp của ông ở bệnh viện ổn định nhưng khi về nhà huyết áp cao lại có thể do những nguyên nhân sau:
- Ông bạn có tiếp tục uống thuốc theo toa bác sĩ không? Nếu ông bạn ngưng thuốc vì nghỉ đã hết bệnh tăng huyết áp thì nên uống thuốc lại.
- Nếu ông bạn vẫn uống theo toa thuốc đầy đủ mà huyết áp vẫn cao phải xem lại các yếu tố như ông có ăn mặn không? Có bị lo lắng buồn phiền căng thẳng gì không? Ông có ngủ được không? Ông có uống thêm thuốc gì khác ngoài thuốc huyết áp không?... Nếu ông có những vấn đề đó nên tích cực điều chỉnh.
- Cuối cùng có thể liều thuốc ông đang uống chưa đủ nên cần tăng liều của viên thuốc huyết áp hoặc phối hợp thêm một loại thuốc huyết áp khác nữa để kiểm soát huyết áp.

Để hạn chế được tình trạng huyết áp lên xuống không ổn định, ông bạn cần phải thực hiện những điều sau:
- Có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc.
- Ăn nhạt, hạn chế đường, hạn chế đồ ăn nhiều mỡ, ăn nhiều rau xanh, cá...
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá...
- Tránh căng thẳng, stress và áp lực trong công việc.
- Tập luyện thể dục thể thao theo khả năng gắng sức của bản thân thường xuyên để tăng cường sức khỏe.
- Theo dõi huyết áp thường xuyên.
- Sử dụng thuốc điều trị theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Liên hệ với bác sĩ khi có huyết áp không ổn định.

Chúc ông ban khỏe mạnh. Trân trọng!

Em năm nay 25 tuổi, bị cao huyết áp 140/80 đã một năm. Em có đi bệnh viện tim làm tất cả các loại siêu âm, điện tim và không thấy tim bị gì bất thường. Nhưng sao huyết áp của em lại tăng cao như vậy? Nhiều người nói với em còn trẻ mà huyết áp cao vậy thì khó điều trị dứt điểm ...

Đan Quỳnh, 25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội

BS.CKI Hoàng Thị Bình

Chào bạn,

Trường hợp của bạn là bệnh tăng huyết áp người trẻ, cần phải được làm các xét nghiệm để tìm nguyên nhân như là bệnh cường aldosteron tiên phát (u tủy thượng thận), hẹp động mạch thận, hẹp eo động mạch chủ.. Khi xác định được nguyên nhân, việc điều trị tăng huyết áp sẽ dễ dàng hơn.

Tăng huyết áp ở người trẻ cũng gặp vô căn nên ngoài tuân thủ điều trị thì cần phải thay đổi lối sống lành mạnh như không ăn mặn, tập thể dục, giảm cân, không hút thuốc lá, không ăn thức ăn nhiều cholesterol, tránh stress... Chúc bạn nhiều sức khỏe. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Trân trọng.

Em 36 tuổi, làm nhân viên văn phòng. Tuy công việc không nặng nhọc nhưng em thường xuyên bị hụt hơi, thở nông, thở dốc kèm đau thắt ngực. Em tìm hiểu biết đây là những dấu hiệu của bệnh mạch vành nhưng bệnh này thường xảy ra ở người trên 60 tuổi trong khi em chưa tới 40. Xin hỏi bác sĩ triệu chứng ...

Anh Dũng, 36 tuổi, Thanh Hóa

ThS.BS Huỳnh Khiêm Huy

Chào bạn,

Triệu chứng hụt hơi, thở nông, thở dốc kèm đau thắt ngực như bạn mô tả thường có liên quan đến bệnh lý tim mạch và các bệnh lý ở phổi. Bệnh mạch vành đúng là thường xuất hiện ở người trung niên, tuy nhiên, tỷ lệ bệnh mạch vành ở người trẻ hiện nay có xu hướng gia tăng nhanh và độ tuổi 36 như bạn bị bệnh mạch vành cũng không còn hiếm nữa. Tốt nhất, bạn nên khám chuyên khoa tim mạch để được tầm soát bệnh lý này và có biện pháp điều trị thích hợp cho tình trạng hiện tại. Trân trọng.

Ba em 62 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành ba năm nay. Ba đã uống thuốc theo chỉ dẫn, đi bộ tập thể dục hàng ngày, bỏ thuốc lá nhưng bệnh không cải thiện mấy, thậm chí gần đây triệu chứng còn tồi tệ hơn. Trường hợp của ba em có nên phẫu thuật không? Nếu phẫu thuật có trị dứt điểm được ...

Minh Khánh, 37 tuổi, Hải Phòng

TS.BS Nguyễn Anh Dũng

Chào bạn,

Ba bạn 62 tuổi là còn trẻ. Nếu ba được chẩn đoán bệnh động mạch vành đã ba năm, điều trị nội khoa không cải thiện triệu chứng, bạn nên đưa ba đi khám ở bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để có thể chụp được động mạch vành bằng máy DSA. Qua thăm khám kết hợp đánh giá tổn thương trên hình ảnh chụp động mạch vành, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định kỹ thuật điều trị phù hợp theo khuyến cáo.

Hẹp nhiều nhánh động mạch vành, hẹp thân chính động mạch vành trái có chỉ số SYNTAX>23... được chỉ định mổ bắc cầu động mạch vành theo khuyến cáo với mức là Class IA. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) là kỹ thuật tốt điều trị bệnh mạch vành. Hiện nay, chúng ta có thể thực hiện kỹ thuật ít xâm lấn như OPCAB hay MIDCAB... Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Trân trọng.

Tôi vừa được chẩn đoán bị hở van hai lá 1/4. Bệnh của tôi có phải điều trị không? Tôi là công nhân, thường xuyên phải khuân vác hàng thì có ảnh hưởng đến tình trạng bệnh không? Mong bác sĩ tư vấn.

Tuấn Võ, 32 tuổi, TP HCM

BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc

Chào bạn,

Van hai lá nằm giữa buồng tim phía trên (tâm nhĩ) và buồng tim phía dưới (tâm thất) của nửa tim bên trái. Van hai lá cho phép máu chảy từ nhĩ trái xuống thất trái và không cho phép máu chảy theo chiều ngược lại. Hở van tim hai lá là khi van đóng không khít và làm cho máu phụt ngược trở lại buồng tim phía trên, ở mỗi lần tim co bóp. Trong đó, hở van 2 lá 1/4 là mức độ hở van nhẹ nhất trên siêu âm tim. Bệnh hở van tim hai lá 1/4 sẽ không nguy hiểm và không cần điều trị nếu người bệnh không có triệu chứng.

Những người mắc bệnh hở van tim hai lá 1/4 hiểu rõ hở van tim hai lá nên tập luyện ra sao rất quan trọng. Vì điều này không chỉ đem lại sức khỏe tốt mà còn góp phần làm chậm tiến triển hở van. Một số gợi ý mà bạn nên áp dụng như tránh làm việc gắng sức, lo lắng, căng thẳng. Công việc của bạn là khuân vác nên tránh quá sức, hạn chế lo lắng, căng thẳng. Bạn nên định kỳ sáu tháng một lần hoặc mỗi năm một lần để theo dõi bệnh lý và diễn tiến hở van hai lá hoặc khi khó thở, tức ngực, mệt mỏi khi gắng sức. Trân trọng.

Bác sĩ cho cháu hỏi là tim đập chậm bao nhiêu lần trên 1 phút được gọi là chậm? Nguyên nhân của hiện tượng tim đập chậm do đâu? Cháu có lần đi khám tim đập 80 lần/ phút, bác sĩ bảo tim đập hơi chậm. Mỗi lần cháu đeo khẩu trang lâu, đặc biệt vào trong nhà kín là thấy ngột ngạt khó thở, ...

Nguyễn Ngọc Anh, 29 tuổi, Hà Nội

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,

Nhịp tim người khỏe mạnh khi nghỉ 60-100 lần một phút. Nhịp tim dưới 60 lần một phút được coi là nhịp tim chậm. Nhịp tim chậm có thể xuất hiện ở những người khỏe mạnh hoặc ở các vận động viên thể thao. Tuy nhiên, nhịp tim chậm cũng có thể xảy ra do những bất thường ở hệ thống tạo nhịp của tim (như bệnh suy nút xoang) hoặc có thể xảy ra do những bất thường hệ thống dẫn truyền (như bệnh block xoang nhĩ, block nhĩ thất...).

Nhịp tim của bạn đi khám 80 lần một phút nằm trong giới hạn bình thường. Các triệu chứng của bạn mô tả khá khó để xác định có liên quan với nhịp chậm không nên chúng tôi không thể kết luận gì thêm. Nếu bạn thấy vẫn còn các biểu hiện trên có thể đăng ký khám tim mạch. Chúng tôi có thể đánh giá lại triệu chứng, chỉ định các xét nghiệm phù hợp tìm nguyên nhân gây ra các triệu chứng đó và có các điều trị thích hợp.

Để thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, bạn có thể tham khảo Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh, TPHCM (số 2B, Phổ Quang, Phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) hoặc Khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội (số 108 Phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).

Để đặt lịch khám và tư vấn, bạn có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858, tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng.

tim đập chậm
 
 

Các bệnh tim mạch thì nguy hiểm như thế nào? Em cần làm gì để chủ động phòng tránh bệnh hiệu quả? Xin cám ơn bác sĩ!

Nguyễn Văn Tịnh, 40 tuổi, Hoài Nhơn, Bình Định

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bạn,

Tim mạch là một trong những bệnh lý không lây nhiễm nhưng lại có tỷ lệ tử vong rất cao. Biết rõ triệu chứng của các bệnh tim mạch thường gặp như đau ngực, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, ngất, mệt, yếu, đau mỏi cách hồi ở chân, kiệt sức... sẽ giúp chúng ta phát hiện bệnh sớm hơn, từ đó thăm khám và tầm soát kịp thời để hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Một số bệnh tim mạch nguy hiểm có thể gây biến chứng nặng nề thậm chí tử vong như bệnh mạch vành (bệnh thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim...), bệnh viêm cơ tim, bệnh van tim hẹp hoặc hở, bệnh suy tim, bệnh rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh bóc tách động mạch chủ, viêm màng ngoài tim, tăng huyết áp cấp cứu....

Biết được sự nguy hiểm của bệnh tim mạch, chúng ta nên chủ động phòng tránh bằng cách:
- Kiểm soát tăng huyết áp, theo dõi huyết áp thường xuyên.
- Kiểm soát rối loạn mỡ máu.
- Kiểm soát đường huyết của bệnh đái tháo đường. Sử dụng thuốc điều trị theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Liên hệ với bác sĩ khi có huyết áp, đường huyết, mỡ máu không ổn định.
- Giảm cân có khoa học, phòng bệnh béo phì, giữ cân đạt chuẩn.
- Có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc.
- Ăn nhạt, hạn chế đường, hạn chế đồ ăn nhiều mỡ, ăn nhiều rau xanh, cá...
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá...
- Tránh căng thẳng, stress và áp lực trong công việc.
- Tập luyện thể dục thể thao theo khả năng gắng sức để tăng cường sức khỏe.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Trân trọng, chúc bạn nhiều sức khỏe!

Tôi bị hiện tượng như sau: đứng lên ngồi xuống hay chóng mặt, tiếng ồn ào của hội họp có hiện tượng lâng lâng như say tàu xe. Trân trọng cảm ơn!

Bùi Hoà, 44 tuổi, TP Vinh, Nghệ An

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn, triệu chứng bạn mô tả có thể gặp trong một số bệnh lý tim mạch, thần kinh, thiếu máu hoặc đôi khi do tình trạng cơ thể đang mệt mỏi, căng thẳng. Về mặt tim mạch, có một số bệnh có thế gây ra triệu chứng chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống, cảm giác lâng lâng như bạn mô tả gồm huyết áp thấp, hạ huyết áp tư thế, nhịp tim chậm...

Bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám toàn diện, bác sĩ sẽ tìm hiểu thêm một số dấu hiệu khác như thể trạng bạn có gầy không, có thiếu máu không, huyết áp và nhịp tim có bình thường không. Khi cần bác sĩ có thể tư vấn cho bạn làm một số xét nghiệm cơ bản như công thức máu, điện tâm đồ, siêu âm tim... để xác định tình trạng sức khỏe và có phương pháp điều trị phù hợp. Trân trọng.

Con em gần 4 tuổi, bị thông liên nhĩ 16mm, thể trạng thấp còi suy dinh dưỡng. Mong bác sĩ tư vấn, hướng điều trị và cách chăm sóc cho cháu để bệnh không trở nên nặng hơn? Cảm ơn bác sĩ.

Hồng Hạnh, 29 tuổi, TP HCM

BS.CKI Vũ Năng Phúc

Chào bạn!

Cháu bốn tuổi và thông liên nhĩ 16 mm, suy dinh dưỡng. Theo những thông tin được cung cấp, đây là một trường hợp thông liên nhĩ lỗ lớn có triệu chứng nên có chỉ định đóng thông liên nhĩ. Điều trị nội khoa với thuốc không có hiệu quả làm giảm hay ngăn chặn tiến triển bệnh.

Hiện nay có hai biện pháp đóng thông liên nhĩ bằng thông tim hoặc phẫu thuật tim hở. Tùy theo kết quả siêu âm tim qua thành ngực và/hoặc siêu âm tim qua thực quản, bác sĩ sẽ định hướng phương pháp nào thích hợp cho cháu. Chúc cháu khỏe.

Tim tôi thỉnh thoảng nhói lên. Vậy tình trạng của tim tôi có nguy hiểm không? Cảm ơn bác sĩ!

Đào Văn Đức, 33 tuổi, Hồ Tùng Mậu

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bạn,

Ở vùng ngực có rất nhiều cơ quan như tim, phổi, thực quản - dạ dày, mạch máu, trung thất, thần kinh, cơ... Do đó, triệu chứng đau nhói ở ngực có thể là triệu chứng của bệnh tim nói chung và bệnh động mạch vành nói riêng nhưng cũng có thể không phải. Vì bệnh nhân có thể đau cơ, đau dây thần kinh liên sườn, đau do phổi, do thuyên tắc mạch máu phổi, dạ dày thực quản...

Tuy nhiên, triệu chứng đau nhói ngực lại là triệu chứng phổ biến của bệnh tim mạch nên cần phải tầm soát, phát hiện đầy đủ và điều trị sớm các bệnh tim mạch, nhất là thiếu máu cơ tim do xơ vữa động mạch mạch vành gây ra. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên bỏ qua những cơ quan khác, đừng phớt lờ đau nhói tức vùng ngực dù chỉ thoáng qua.

Nếu bạn muốn đi khám sức khỏe định kỳ bạn có thể đến các cơ sở y tế đa khoa có trung tâm tim mạch và một trong những bệnh viện có thể giải quyết những vấn đề của bạn như Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Để thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, bạn có thể tham khảo Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM (số 2B, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) hoặc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (số 108 Phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).

Để đặt lịch khám và tư vấn, bạn có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng.

Mẹ em năm nay 51 tuổi, chưa có triệu chứng gì nhưng đi khám phát hiện ra bị vôi hoá van tim. Bác sĩ chỉ định mổ thay van tim động mạch chủ nhưng bà lo có tuổi, sức khỏe không tốt để phẫu thuật nên không muốn mổ. Bác sĩ cho em xin ý kiến là trường hợp mẹ em nếu uống thuốc điều ...

Bùi Hoàn, 30 tuổi, Bình Định

TS.BS Nguyễn Anh Dũng

Chào bạn,

Mẹ bạn năm nay 51 tuổi vẫn còn trẻ. Van động mạch chủ bị vôi hóa có thể do bất thường bẩm sinh. Van động mạch chủ chỉ có hai lá thay vì có ba lá như người bình thường. Bác sĩ đã có chỉ định thay van là mức độ hẹp đã nặng.

Theo khuyến cáo, trường hợp chưa có triệu chứng như của mẹ bạn, nếu siêu âm tim ghi nhận co bóp cơ tim thất trái (LVEF) giảm <50% có chỉ định mổ (xếp loại Class I). Nếu hẹp van động mạch chủ nặng, LVEF còn bình thường có thể điều trị nội khoa bằng uống thuốc trong thời gian làm thêm một số test đánh giá khả năng gắng sức, mức độ suy tim... Từ đó, bác sĩ có chỉ định thời điểm phẫu thuật phù hợp.

Phẫu thuật thay van động mạch chủ ở người trẻ nếu không kèm thêm các tổn thương tim cần sửa chữa khác (như hẹp động mạch vành, phình động mạch chủ ngực... không có các bệnh nội khoa làm nặng tình trạng chung như COPD, suy thận...) thì tiên lượng kết quả cuộc mổ là tốt.

Sau mổ thay van động mạch chủ, người bệnh được tập phục hồi chức năng để trở về với các sinh hoạt cá nhân sớm. Sau khoảng ba tháng, người bệnh có thể làm được các công việc nhẹ nhàng và phục hồi hoàn toàn sức khỏe sau khoảng 5-6 tháng. Bạn có thể đưa mẹ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được khám, làm siêu âm tim và các thử nghiệm cần thiết để có hướng điều trị phù hợp nhất. Trân trọng.

Em đang có thai 28 tuần, lúc 11 tuần đo độ mờ da gáy là 2mm, double test (T21) 1:623. Ở tuần 20 siêu âm, em phát hiện thất phải hai đường ra thể chuyển vị đại động mạch, hẹp eo động mạch chủ, tuần hoàn hệ thống phụ thuộc ống động mạch. Xin bác sĩ tư vấn, trường hợp con em có nguy hiểm ...

Khánh An, 30 tuổi, Quảng Ninh

BS.CKI Vũ Năng Phúc

Chào bạn!

Theo kết quả siêu âm tim thai của bạn là một bệnh tim bẩm sinh phức tạp. Bạn cần được theo dõi thai kỳ chặt chẽ, chuẩn bị nơi sinh và chăm sóc sau sinh chuyên sâu. Trường hợp này cần được hội chẩn giữa bác sĩ sản khoa, gây mê hồi sức, sơ sinh và tim mạch nhi (bác sĩ thông tim can thiệp nhi và phẫu thuật viên tim mạch nhi) để lên kế hoạch chăm sóc, phối hợp tốt nhất.

Sau khi chào đời, bé sẽ được theo dõi tại phòng hồi sức sơ sinh và có thể phải được thông tim hoặc mổ tim sớm trong giai đoạn sơ sinh. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có các biện pháp điều trị và tiên lượng khác nhau từ trung bình tới nặng. Chúc bạn và bé khỏe. Trân trọng.

Em bị huyết áp kịch phát. Huyết áp tăng rất nhanh khi chơi thể thao, stress, uống cà phê, trà... Bác sĩ cho em hỏi bệnh này có nguy hiểm không? Mỗi lúc như vậy em lại cảm thấy đau đầu, tức ngực, chóng mặt kinh khủng. Bệnh của em có nên tập thể thao không? Cảm ơn bác sĩ.

Băng Tâm, 27 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội

BS.CKI Hoàng Thị Bình

Chào bạn,

Bạn thường xuyên bị những cơn tăng huyết áp khi gắng sức, stress, uống cà phê và hay đau đầu chóng mặt nhiều rất nguy hiểm. Bệnh tăng huyết áp của bạn có thể do nguyên nhân ví dụ như u tuyến thượng thận. Vì vậy, bạn nên tới cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để làm các xét nghiệm máu và đo ECG, siêu âm tim, siêu âm mạch máu, siêu âm bụng đề tầm soát nguyên nhân của tăng huyết áp.

Nếu bệnh tăng hyết áp của bạn có nguyên nhân thì sẽ kết hợp điều trị nguyên nhân. Nếu tăng huyết áp không có nguyên nhân, bạn cần phải uống thuốc kiểm soát huyết áp và phòng tránh nhưng biến chứng của bệnh tác động lên các cơ quan như tim, não, thận, mạch máu...

Ngoài ra, bạn cần có chế độ sinh hoạt hợp lý như không ăn mặn, không ăn mỡ, tập thể dục, không hút thuốc lá, tránh stress. Khi huyết áp của bạn ổn định với điều trị, bạn có thể tập thể thao bình thường. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Trân trọng!

Em 35 tuổi, hai tháng trước đi khám phát hiện tăng huyết áp và bác sĩ tư vấn để ý tới sức khỏe. Sau một vài ngày, em thấy mệt khi gắng sức, chóng mặt, khoảng 10 giây sau đó thấy đau ngực âm ỉ. Em đến bệnh viện đo điện tim thì phát hiện block nhánh phải hoàn toàn.

Bác sĩ cho thuốc ...

Thúy Kiều, 35 tuổi, Tam Kỳ, Quảng Nam

BS.CKI Hoàng Thị Bình

Chào bạn,

Bạn cũng còn khá trẻ (35 tuổi) mà bị bệnh tăng huyết áp (THA) là hơi sớm. Bạn nên tới cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được tư vấn đeo máy theo dõi huyết áp 24h, chẩn đoán xác định có bị bệnh tăng huyết áp hay không. Nếu bạn bị tăng huyết áp, bác sĩ sẽ chỉ định một số kiểm tra cận lâm sàng để tìm nguyên nhân và biến chứng, đồng thời tầm soát thêm các bệnh đi kèm nếu có như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...

ECG ghi nhận block nhánh phải thường là lành tính, không nguy hiểm. Nhưng tốt hơn hết, bác sĩ sẽ cho bạn đeo máy Holter ECG 24h theo dõi rối loạn nhịp tim khác. Nếu bạn bị đau ngực có rất nhiều nguyên nhân, một trong số đó là thiếu máu cơ tim. Đây có thể là nguyên nhân nguy hiểm nên bác sĩ tim mạch sẽ cho bạn làm thêm một số kiểm tra cận lâm sàng để khảo sát bệnh ví dụ điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức hoặc MSCT mạch vành nếu cần thiết.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Trân trọng!

Nhịp tim em bình thường lúc nghỉ ngơi 80-85 nhịp một phút. Kết quả siêu âm tim hở van hai lá, ba lá mức độ 1/4 và bác sĩ tim mạch cho uống thuốc mỗi ngày. Bây giờ, em làm việc hay bị mệt nặng ngực khó chịu. Xin bác sĩ tư vấn cách nào khắc phục được tình trạng trên không? Cảm ơn bác ...

Đỗ Thị Mai, 50 tuổi, Thủ Đức, TP HCM

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều

Chào bạn,

Nhịp tim của bạn lúc nghỉ 80-85 lần một phút là trong giới hạn bình thường. Nếu huyết áp bình thường, bạn không có triệu chứng thì không cần điều trị thuốc. Siêu âm tim hở van hai lá, hở van hai lá 1/4 (hở nhẹ) rất thường hay gặp. Ở người bình thường, có khoảng 70% trường hợp siêu âm tim có mức độ hở van như vậy. Thông thường, những trường hợp này không cần điều trị thuốc (trừ khi có tiền sử thấp tim từ trước), theo dõi siêu âm tim định kỳ mỗi năm để đánh giá tiến triển của hở van là đủ. Nếu uống thuốc thấy không khỏe, bạn nên ngưng thuốc.

Sau ngưng thuốc 1-2 tuần mà triệu chứng mệt, nặng ngực khi làm việc vẫn còn, bạn nên khám tầm soát bệnh mạch vành (làm điện tâm đồ gắng sức hoặc chụp CT mạch vành cản quang). Thân mến, chúc bạn nhiều sức khỏe.

Tôi được chuẩn đoán hở van hai lá, ba lá 1/4 sinh học và đang theo dõi thiếu máu cơ tim. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi biện pháp ngừa bệnh tiến triển nặng hơn. Có cách nào để chữa khỏi không? Tôi bị tiền cao huyết áp và đang uống thuốc huyết áp. Tôi chơi đá banh thì có nguy hiểm không? Xin ...

Hồng Minh, 41 tuổi, Nguyễn Thị Sóc, Xuân Thới Đông, Hóc Môn, TP HCM

BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc

Chào bạn,

Hở van tim hai lá là khi van đóng không khít và làm cho máu phụt ngược trở lại buồng tim phía trên, ở mỗi lần tim co bóp. Trong đó, hở van hai lá 1/4 là mức độ hở van nhẹ nhất trên siêu âm tim. Bệnh hở van tim hai lá 1/4 không nguy hiểm và không cần điều trị nếu người bệnh không có triệu chứng.

Những người mắc bệnh hở van tim hai lá 1/4 hiểu rõ cách tập luyện ra sao rất quan trọng. Vì điều này không chỉ đem lại sức khỏe tốt mà còn góp phần làm chậm tiến triển hở van. Một số gợi ý mà bạn nên áp dụng như tránh làm việc gắng sức, lo lắng, căng thẳng.

Hở hai lá của bạn đang theo dõi hở 1/4, theo dõi thiếu máu cơ tim tránh tăng độ hở van tăng hoặc biến chứng của hở van. Bạn nên khám định kỳ sáu tháng một lần hoặc mỗi năm một lần để theo dõi bệnh lý và diễn tiến hở van hai lá hoặc khi khó thở, tức ngực, mệt mỏi khi gắng sức.

Mỗi ngày tập thể dục ít nhất 30 phút ở bệnh nhân có tăng huyết áp. Tập thể dục không chỉ là liều thuốc đơn giản giúp hạ huyết áp mà còn giúp có sức khỏe, giảm stress và có tinh thần thoải mái hơn. Vận động thường xuyên giúp giảm trung bình 4 - 9 mmHg huyết áp tâm thu. Do đó, bạn yên tâm chơi đá banh. Tuy nhiên, bác sĩ đã đưa ra thời gian luyện tập thể lực trung bình 30 phút một ngày và không tập quá sức.

Nhờ bác sĩ tư vấn về bệnh thiếu máu cơ tim? Cảm ơn bác sĩ!

Văn Tài Mai, 35 tuổi, Mường Lay, Điện Biên

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,

Câu hỏi của bạn rất rộng để chúng tôi có thể trả lời qua chuyên mục tư vấn này thì không thể tư vấn hết được. Bạn có thể tham khảo các kiến thức về bệnh qua mạng, sách báo. Có chỗ nào chưa hiểu hoặc còn thắc mắc về điểm nào, bạn có thể đặt câu hỏi với chúng tôi.

Nếu có vấn đề gì về sức khỏe, bạn có thể đăng ký khám trực tiếp tại phòng khám bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hoặc có thể đặt lịch khám qua tổng đài của bệnh viện. Chúng tôi luôn sẵn lòng tư vấn cụ thể nhất những câu hỏi của bạn. Xin cảm ơn!

Huyết áp của tôi ở mức 135-140, có lúc tăng 145 khi làm việc căng thẳng hoặc có sử dung chất kích thích. Xin bác sĩ, cho tôi lời khuyên, tôi có nên dùng thuốc huyết áp bằng thuốc tây? hoặc sử dụng các sản phẩn dân gian gì không? Xin cám ơn bác sĩ.

Hoàng Văn Cảnh, 32 tuổi, Yên Mô, Ninh Bình

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào em,

Năm nay em 32 tuổi, huyết áp thường hay ở mức 135-140 mmHg, khi căng thẳng hoặc khi sử dụng chất kích thích có thể tăng lên 145 mmHg. Mức huyết áp này có thể được xếp vào giai đoạn tiền tăng huyết áp nhưng cần xem xét lại em đo huyết áp ở đâu, tại nhà hay tại phòng khám, có được đo đúng cách không.

Chẩn đoán tăng huyết áp không chỉ dựa vào trị số huyết áp mà cần phải đánh giá cao nguy cơ tim mạch toàn thể thông qua tìm kiếm các yếu tố nguy cơ, tổn thương cơ quan đích, bệnh lý hoặc dấu chứng lâm sàng kèm theo, xác định nguyên nhân thứ phát gây tăng huyết áp.

Để chẩn đoán chắc chắn, em nên đi khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch, bác sĩ sẽ có thăm khám lâm sàng đầy đủ và phù hợp, có thể tư vấn cho em dịch vụ đeo Holter huyết áp 24 giờ. Khi chẩn đoán, em sẽ biết bản thân có thực sự bị tăng huyết áp hay không, tăng nhiều nhất vào thời điểm nào để được tư vấn dùng thuốc phù hợp với mức độ tăng huyết áp cũng như chế độ ăn uống, sinh hoạt.

Có nhiều sản phẩm dân gian được truyền tai có thể hạ huyết áp nhưng đều là các sản phẩm có tính chất hỗ trợ. Em vẫn cần tuân thủ thuốc điều trị hạ áp nếu được kê đơn. Stress, chất kích thích là các yếu tố có thể làm huyết áp dao động và nên tránh. Tâm lý ổn định, thư giãn với chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp cải thiện sức khoẻ tim mạch của em. Chúc em nhiều sức khỏe, sống vui và hạnh phúc.

Tăng huyết áp
 
 

Bác sĩ cho em hỏi là bệnh đau thắt ngực ổn định (hẹp 30 % LAD) có nguy hiểm không? Cho em xin cách điều trị!

Nguyễn Hữu Tuấn, 42 tuổi, Thành Phố Hà Tĩnh

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bạn,

Bệnh đau thắt ngực ổn định được gọi với thuật ngữ chính xác là hội chứng mạch vành mạn tính, có 90% nguyên nhân do xơ vữa hệ động mạch vành. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ hẹp lòng mạch, tính chất ổn định của mảng xơ vữa và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác đi kèm.

Trường hợp của bạn đã được chụp động mạch vành có hẹp 30%, tỷ lệ biến cố tim mạch xảy ra rất thấp. Bạn chỉ cần tuân thủ điều trị tốt, dùng các nhóm thuốc ổn định mảng xơ vữa, điều trị các bệnh lý tim mạch khác là yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành nếu có. Chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn hàng ngày thì bạn sẽ có một sức khỏe tốt. Chúc bạn sức khỏe, sống vui và hạnh phúc.