VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ năm, 17/10/2024

Cháu bị cao huyết áp và đang uống thuốc, nhìn chung huyết áp ổn định. Tuy nhiên, khi thay đổi thời tiết huyết áp cháu có cao nhưng khoảng 160/95. Hôm nào cháu uống nhiều bia thì chiều hôm sau huyết áp cao 170/100. Bác sĩ cho cháu hỏi có phải do uống bia nhiều nên huyết áp cháu tăng không? Nếu cháu uống ít ...

Nguyễn Hải Sơn, 46 tuổi, Thuỵ Khuê, Tây Hồ

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Cháu bạn,

Năm nay bạn 46 tuổi, bị tăng huyết áp ở độ tuổi khá trẻ, không rõ bạn đã đi khám và được làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân hay đánh giá các biến chứng do huyết áp gây ra chưa.

Bạn đang dùng thuốc huyết áp nhưng không rõ dùng thuốc gì, liều lượng ra sao. Huyết áp tăng khi thay đổi thời tiết cũng hay gặp, nhất là thời tiết quá lạnh, độ ẩm cao, trước bão. Tuy nhiên, nếu bạn được dùng thuốc đúng loại và đúng liều lượng thì sự dao động huyết áp này không quá nhiều.

Theo thông tin bạn cung cấp, lúc thời tiết thay đổi huyết áp của bạn tăng lên 160/95 mmHg, nhưng không rõ huyết áp nền sau khi dùng thuốc của bạn bao nhiêu. Do đó, chúng tôi khó đánh giá được nguy cơ biến cố do việc tăng huyết áp gây nên.

Thói quen uống nhiều bia là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến các rối loạn chuyến hóa mỡ, đường, axit uric, béo bụng, tăng cân khó kiểm soát. Đây cũng là những nguyên nhân làm huyết áp tăng lên. Tác dụng của bia khiến các mạch máu não dễ bị giãn mạch não nên khi huyết áp tăng đột biến sau uống bia rất dễ gây ra biến chứng tai biến mạch máu não.

Vì vậy, bạn cần hạn chế uống bia rượu, có nên kiêng hẳn hay vẫn có thể dùng uống ít hơn thì cần dựa vào mức độ nguy cơ của bạn trên các thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu cũng như các xét nghiệm khác. Trong trường hợp, nguy cơ tim mạch thấp, bạn có thể uống dưới 350 ml bia, dưới 100-150 ml rượu nhẹ, dưới 45 ml rượu nặng.

Bạn nên thay đổi thói quen hạn chế uống bia và đi khám lại ở cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được đánh giá vấn đề dùng thuốc và mức độ kiểm soát huyết áp, có thể phòng tránh được các biến cố đáng tiếc có thể xảy ra. Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng.

Tôi bị đau tức ngực, thi thoảng đau thắt ngực bên trái, khó thở. Vậy cho hỏi đây là triệu trứng của bệnh gì? Cần làm gì để cải thiện thưa bác sĩ? Cảm ơn bác sĩ.

Nguyen Huy Khoi, 38 tuổi, Hà Đông, Hà Nội

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,

Các triệu chứng bạn kể như tức ngực trái, khó thở có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau như tim mạch, hô hấp, thậm chí trào ngược dạ dày. Hơn nữa, bạn năm nay 38 tuổi, yếu tố nguy cơ tim mạch thấp. Chúng tôi cần thêm các thông tin như bạn có cân nặng thế nào, có hút thuốc lá hay không, đau ngực có liên quan đến gắng sức hay ăn uống không?

Chúng tôi khuyên bạn cần đến khám tại các cơ sở y tế để được khám xét toàn diện, khi cần sẽ làm một số xét nghiệm cơ bản như chụp X-quang tim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm máu... Từ đó, bác sĩ mới giúp đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp giúp cải thiện triệu chứng của bạn. Trân trọng.

Tôi có tiền sử huyết áp thấp, khoảng 110/70 hoặc 90/60. Gần đây, lúc dậy đi tiểu đêm hoặc sáng sớm ngủ dậy, tôi thường xuyên bị huyết áp cao ở mức 180/100, 160/90, đồng thời, nhịp tim cũng lên theo, có lần đến 147 nhịp trên phút. Theo bác sĩ, tôi phải kiểm tra gì? Xin cảm ơn.

Minh Nguyen, 62 tuổi, Berlin- Germany

TS.BS Trần Văn Hùng

Chào bạn,

Tuổi càng lớn, khả năng mắc bệnh tăng huyết áp càng cao, ngay cả lúc còn trẻ bạn có huyết áp hơi thấp hoặc bình thường. Bạn thường xuyên đo huyết áp lúc sáng sớm ngủ dậy mức 180/100 mmHg là bị tăng huyết áp rồi. Bạn nên đến đến cơ sở y tế uy tín có đầy đủ trang thiết bị để được khám về tăng huyết áp, sàng lọc các yếu tố nguy cơ khác bên cạnh tăng huyết áp và điều trị thích hợp. Thân mến.

Thời gian gần đây, tôi hay bị hụt hơi (hơi thở không tròn, phải rướn người hoặc cúi gập người mới thở tròn hơi được). Thỉnh thoảng, vùng ngực bên trái và bên phải của tôi bị đau nhoi nhói như kim chích (không phải đau cùng lúc). Đây có phải triệu chứng của xơ vữa động mạch vành hoặc triệu chứng của bệnh tim ...

dinhngoquocdn, 63 tuổi, Lê Đại Hành, thị trấn Phước An, Daklak

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bạn,

Vùng ngực có rất nhiều cơ quan như tim, phổi, thực quản - dạ dày, mạch máu, trung thất, thần kinh, cơ... Do đó, triệu chứng hụt hơi hoặc đau ở ngực có thể là triệu chứng của bệnh tim nói chung và bệnh động mạch vành nói riêng nhưng cũng có thể không phải. Vì bệnh nhân có thể đau cơ, dây thần kinh liên sườn, đau do phổi, thuyên tắc mạch máu phổi, dạ dày thực quản...

Tuy nhiên, hụt hơi hay đau ngực lại là triệu chứng phổ biến của bệnh tim mạch nên bạn cần phải tầm soát đầy đủ các bệnh tim mạch, nhất là thiếu máu cơ tim do xơ vữa động mạch mạch vành gây ra, cũng không nên bỏ qua những cơ quan khác.

Nếu muốn đi khám sức khỏe định kỳ, bạn có thể đến các cơ sở y tế đa khoa có trung tâm tim mạch và một trong những bệnh viện có thể giải quyết những vấn đề của bạn như Bệnh viện đa khoa Tâm Anh. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại địa chỉ 2b Phổ quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM có trung tâm tim mạch với cơ sở vật chất hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ giúp bạn tầm soát các bệnh tim mạch và các bệnh khác.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình hoặc gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

Tôi bị hở van tim 2 lá 1,5/4 và hở van động mạch chủ 1/4. Xin bác sĩ hướng dẫn để điều trị. Tôi có thể đến đâu để khám bệnh? Cảm ơn bác sĩ.

Trần Thuý Phượng, 55 tuổi, Ông Ích Khiêm, quận 11, TP HCM

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào cô Phượng,

Cô bị hở van tim hai lá 1.5/4 và hở van động mạch chủ 1/4. Hở van mức độ này là nhẹ. Nguyên nhân hở van có thể do bệnh lý gây ra nhưng cũng có thể gặp ở người bình thường (hở van sinh lý). Những thông tin cô cung cấp hiện không đầy đủ để chúng tôi có thể tư vấn chính xác ví dụ cô có bị tăng huyết áp, bệnh thiếu máu cơ tim hay nhịp tim có nhanh... hay không?

Nếu đơn thuần chỉ hở các van tim như trên, cô không cần dùng thuốc. Nhưng để hạn chế van tim diễn tiến nặng, cô nên duy trì lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe cho người bệnh hở van tim. Cô cần lưu ý kiểm soát tốt huyết áp; điều chỉnh chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây, ăn các loại thịt trắng, hạn chế đồ chiên xào, dầu mỡ, nội tạng động vật, ăn nhạt giảm muối; tránh làm việc nặng gắng sức; tăng cường vận động cơ thể bằng các môn thể thao vừa sức ít nhất 30 phút mỗi ngày và đến bệnh viện tái khám sáu tháng một lần để kiểm tra tim mạch và các bệnh đi kèm khác nếu có.

Cô nên đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để kiểm tra tim. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có Trung tâm Tim mạch tại TP HCM và Khoa Tim mạch tại Hà Nội với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch học sẽ giúp cô kiểm tra tim mạch. Chúc cô thật nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi bị tim rung nhĩ bỏ nhịp đã điều trị sáu năm, còn bị tăng huyết áp vô căn. Cách đây một tháng, tôi thấy huyết áp thường trên 140-150/85-95. Nay tôi kiểm tra ba lần sáng sau khi ngủ dậy là 130-140/90, trong ngày là 125-130/85-90. Nói chung, huyết áp cao về đêm và sáng sớm, trong ngày cũng không ổn định.

Mạch ...

Vq khanh, 63 tuổi, Vinhomes Central Park

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bác,

Theo những gì mô tả, bác bị rung nhĩ và tăng huyết áp vô căn đã điều trị sáu năm nay nhưng chúng tôi không biết hiện tại bác đang dùng thuốc gì, dùng có đều không, thể trạng ra sao, cân nặng thế nào. Bác có hút thuốc lá không, có các rối loạn khác như tăng lipid máu hay tăng đường máu không?

Bởi vì, khi các yếu tố trên không được phát hiện và kiểm soát tốt sẽ làm tình trạng huyết áp của bácc bị dao động thậm chí khó kiểm soát. Bác thường có tình trạng tăng huyết áp về đêm và sáng sớm, huyết áp trong ngày cũng không ổn định là dấu hiệu bất ổn của bệnh.

Tuy nhiên, để đánh giá chính xác sự dao động trên, bác cần được đeo máy theo dõi huyết áp trong 24 giờ. Đây là phương pháp rất hữu hiệu giúp theo dõi liên tục huyết áp của bác tại nhà. Từ đó, bác sĩ mới có thể điều chỉnh liều thuốc, thời gian dùng thuốc hay phối hợp thuốc giúp huyết áp ổn định hơn.

Do bác không cho biết đang dùng thuốc gì để điều trị rung nhĩ nên chúng tôi chưa rõ liệu nhịp tim lúc chậm còn 45 - 50 lần một phút là do tác dụng của thuốc hay do bộ phân phát nhịp của bác bị suy yếu. Chỉ khi có chẩn đoán chắc chắn, bác bị suy nút phát nhịp của tim (nút xoang) mới đặt ra vấn đề cấy máy.

Nguyên nhân rung nhĩ có thể vô căn cũng có thể do tổn thương thiếu máu cơ tim vùng nút xoang. Chỉ định chụp động mạch vành chỉ đặt ra sau khi bác sĩ đánh giá đầy đủ khả năng mắc bệnh, lợi ích, mục đích của việc chụp mạch vành, nguy cơ bị dị ứng thuốc cản quang của bác.

Trường hợp của bác cần đến khám ở cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám một cách toàn diện, thực hiện các xét nghiệm cần thiết, có kế hoạch điều trị lâu dài và hiệu quả nhất. Chúc bác nhiều sức khỏe!

Tôi bị tăng huyết áp vô căn (theo kết quả bệnh án). Vậy cho tôi hỏi, cách phòng ngừa và điều trị như thế nào? Tôi dùng thực phẩm chức năng có được không? Tôi xin chân thành cảm ơn.

Nguyễn Xuân Ngọc, 49 tuổi, xã Quỳnh Thọ , huyện Quỳnh Phụ , tỉnh Thái Bình

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,

Bạn năm nay 49 tuổi bị tăng huyết áp là độ tuổi tương đối trẻ và cần tìm nguyên nhân gây tăng huyết áp. Tuy nhiên, trường hợp của bạn đã được xác định tăng huyết áp vô căn nên cần được theo dõi và quản lý bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Bạn cần thực hiện các biện pháp điều trị như thay đổi lối sống, chế độ ăn, luyện tập, điều chỉnh các yếu tố nguy cơ và tuân thủ điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa Tim mạch.

Hiện tại có một số thực phẩm chức năng tốt cho tim mạch tùy theo thể trạng và yếu tố nguy cơ để chọn lựa các thực phẩm chức năng phù hợp. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn sản phẩm của công ty uy tín, các cơ quan có trách nhiệm kiểm duyệt, được nghiên cứu lâm sàng và có thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Cảm ơn bạn.

Cháu đi khám, bác sĩ chẩn đoán tim bị thiểu năng vành, bác sĩ cho thuốc uống và cháu chưa đi tái khám khoảng năm tháng. Gần đây, đêm cháu rất khó ngủ và hồi hộp. Trường hợp bệnh của cháu bị có nặng không? Cháu nặng 65 kg, cao 1,65 m, không hút thuốc, có uống bia rượu, gan nhiễm mỡ. Nhờ bác sĩ ...

Nguyễn Duy Cường, 45 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,

Bạn 45 tuổi, không hút thuốc lá, có hơi thừa cân. BMI của bạn 23,8 kg/m2, theo tiêu chuẩn của Việt Nam, BMI từ 23 trở lên là thừa cân. Bạn có uống rượu bia và gan nhiễm mỡ nên cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành (suy vành, thiểu năng vành). Tuy nhiên, tôi không thấy bạn mô tả có bị đau ngực hay không. Đây là dấu hiệu quan trọng của bệnh động mạch vành.

Tôi cũng không rõ bạn có bị tăng huyết áp hay tiểu đường, mỡ máu của có bị rối loạn không? Tôi không rõ trong gia đình bạn, bố mẹ đẻ, anh chị em ruột có ai bị bệnh tim mạch không. Đây là các yếu tố góp phần đánh giá bạn có nhiều khả năng bị bệnh mạch vành.

Cuối cùng, bác sĩ đã làm các biện pháp gì để chẩn đoán bạn bị thiểu năng vành. Thông thường, để khẳng định một người bị bệnh động mạch vành, bác sĩ sẽ chỉ định chụp động mạch vành (chụp cắt lớp đa dãy hoặc chụp động mạch vành qua da). Kết quả chụp động mạch vành kết hợp với các kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm khác giúp chẩn đoán chính xác bệnh.

Gần đây vào ban đêm, bạn khó ngủ và hồi hộp, có thể không liên quan đến tim mạch mà nhiều khả năng do lo lắng dẫn đến khó ngủ. Khi mất ngủ, nhịp tim sẽ nhanh gây cảm giác hồi hộp. Vì vậy, bạn cần đi khám lại ở các cơ sở có chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán chính xác có bị bệnh động mạch vành không, từ đó có hướng điều trị thích hợp.

Có thể khi giải tỏa được lo lắng bệnh, bạn sẽ ngủ tốt hơn và hết cảm giác hồi hộp. Bạn cũng nên giảm cân đi một chút và hạn chế rượu bia, ăn nhiều rau xanh, tăng cường tập thể dục để rèn luyện độ bền cho trái tim. Chúc bạn nhiều sức khỏe.

Thời gian gần đây, tôi hay thấy khó thở, mỏi mệt tim, hay hồi hộp, dễ xúc động. Đi điện tim và siêu âm, bị hở van hai lá 1/4, hở van ba lá 1/4. Bác sĩ nói chưa cần uống thuốc. Nhưng thỉnh thoảng, cảm giác mệt mỏi ở tim làm tôi thấy mình rất tệ. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi ...

Hoàng Thị Hiền, 46 tuổi, Khối Trung Sơn, thị trấn Kim Sơn, Quế Phong, Nghệ An

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,

Các triệu chứng như bạn mô tả gồm khó thở, mệt mỏi hay hồi hộp, dễ xúc động là các triệu chứng có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh lý tuyến giáp, thiếu máu, bệnh tim mạch hoặc thậm chí do lo lắng quá mức.

Theo kết quả khám bệnh, bạn đã được làm điện tim và siêu âm tim chỉ kết luận hở hai van hai lá và van ba lá mức độ nhẹ 1/4, chưa cần dùng thuốc. Điều này chứng tỏ theo đánh giá của khám lần đó, tình trạng tim mạch của bạn chưa có gì đáng kể. Tuy nhiên, thỉnh thoáng cảm giác mệt mỏi ở tim vẫn làm bạn thấy rất tệ có thể một phần do tâm lý lo lắng, chưa yên tâm về sức khỏe.

Do bạn không cung cấp các thông tin khác như thể trạng gầy hay béo, có sụt cân đợt này hay không, nhịp tim có nhanh không, có run tay không, hay công việc có căng thẳng không, có hay mất ngủ không... nên chúng tôi chưa thể giúp bạn tư vấn sâu hơn.

Tốt nhất, bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám toàn diện, có chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng sức khỏe và có phương pháp điều trị, tư vấn phù hợp. Thân mến!

Tôi gần đây hay xuất hiện các cơn hồi hộp kèm khó thở khoảng từ một đến ba phút ở ngực trái mặc dù không làm việc gắng sức. Ngoài ra, tôi bị tiểu đường type hai trên 10 năm. Xin bác sĩ tư vấn trường hợp bệnh của tôi. Xin cảm ơn.

Đoàn Tăng, 60 tuổi, Long Biên, Hà Nội

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bác,

Bác 60 tuổi, bị tiểu đường trên 10 năm, có nguy cơ rất cao mắc các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch vành, rối loạn nhịp, giảm chức năng tim, suy tim. Một điểm cần lưu ý là tổn thương mạch máu nói chung và mạch vành nói riêng ở người mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm thường tiến triển rất âm thầm, triệu chứng không điển hình nhiều khi chỉ biểu hiện bằng đau ngực thoáng qua thậm chí không có triệu chứng đau ngực. Đến khi các dấu hiệu xuất hiện rầm rộ thì bệnh đã tiến triển nặng.

Hiện tại, bác có các cơn hồi hộp kèm theo khó thở, nhiều khả năng Bác đang có vấn đề về tim mạch. Vì vậy, bác cần đi khám ngay ở cơ sở y tế có chuyên khoa Tim mạch để được thăm khám lâm sàng đầy đủ cũng như được làm một số xét nghiệm cơ bản như điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm máu.

Trong trường hợp khám lâm sàng và xét nghiệm cơ bản có nghi ngờ bệnh lý mạch vành, có thể bác sẽ được chỉ định làm nghiệm pháp gắng sức hoặc chụp động cắt lớp đa dãy động mạch vành để chẩn đoán có chắc chắn mắc bệnh mạch vành hay không.

Bên cạnh đó, do bác có cơn hồi hộp, có thể do cơn rối loạn nhịp nên có thể bác sĩ sẽ chỉ định bác đeo máy ghi điện tim liên tục 24h (holter điện tim đồ) để xác định cơn hồi hộp có phải do có bất thường về nhịp tim không (tim nhanh hay cơn rung nhĩ...). Sau khi thăm khám và đánh giá đầy đủ, bác sĩ sẽ tư vấn về các phương pháp điều trị cần thiết. Mong bác đi khám sớm, tránh biến cố đáng tiếc xảy ra.

Tôi bị bướu u vàng ở khóe mắt, đi khám bệnh ở bệnh viện (năm 2017), bác sĩ nói tôi bị mỡ máu nhưng thể nhẹ không cần uống thuốc chỉ khuyên tập thể dục, hạn chế ăn dầu mỡ và lòng động vật.

Từ bé tôi hay bị hen suyễn, nhưng từ khi 20 tuổi đến nay chỉ bị lại hen suyễn một ...

Trần Thị Như Ngân, 44 tuổi, Thủ Đức, TP HCM

TS.BS Trần Văn Hùng

Chào bạn,

Bướu u vàng ở khóe mắt là những u nhỏ hay mảng thâm nhiễm màu vàng nằm xung quanh mắt, thường ở mi trên khóe mắt trong. Chúng được hình thành do các mô bào, đại thực bào, trong nguyên sinh chất của chúng có chứa lipid, thường là cholesterol.

Những nốt mỡ cholesterol màu vàng này cảnh báo sớm các chất cặn cholesterol (mỡ máu) đang được hình thành, thậm chí cả ở những người có mức cholesterol bình thường nhưng tương lai sẽ tăng nặng hơn nếu không có các biện pháp can thiệp.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, bướu u vàng mí mắt là yếu tố tiên lượng nguy cơ nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, xơ vữa động mạch và tử vong trong dân số chung, độc lập với các yếu tố nguy cơ tim mạch đã biết. Người có u này có nguy cơ xơ vữa động mạch rất sớm, trong đó có xơ vữa làm hẹp động mạch vành tim.

Theo như bạn chia sẻ, bạn năm nay khoảng 34 tuổi và thỉnh thoảng có cảm giác ngộp thở. Nếu triệu chứng này thường xảy ra lúc gắng sức có khả năng bạn bị bệnh động mạch vành cao. Bạn nên đến đến một cơ sở y tế uy tín có đầy đủ trang thiết bị để được sàng lọc bệnh động mạch vành và điều trị hạ mỡ máu tích cực. Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng.

Viêm cơ tim cấp do virus, sau khi được điều trị có cần uống thuốc không? Qua kiểm tra sau khi điều trị, tôi không bị mạch vành nhưng gần đây cảm thấy thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, nhất là thời gian từ 14h đến 17h. Người nóng ran, bàn tay có cảm giác như kiến bò. Vậy hiện tại tôi đang gặp phải ...

Nguyễn Văn Nhâm, 40 tuổi, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức

TS.BS Trần Văn Hùng

Chào bạn,

Tùy theo tình trạng, mức độ nặng của viêm cơ tim mà có chế độ điều trị khác nhau sau khi ra viện. Nếu bị nhẹ, bạn nên tránh chơi các môn thể thao đối kháng ít nhất 3 đến 6 tháng, nghỉ ngơi, ăn hạn chế muối và uống thuốc điều trị nâng đỡ (vitamin, lợi tiểu) để theo thời gian tim tự hồi phục. Thuốc kháng virus không được chứng minh có hiệu quả trong hầu hết những trường hợp viêm cơ tim.

Nếu viêm cơ tim của bạn gây ra suy tim hoặc loạn nhịp sau khi xuất viện, bạn vẫn tiếp tục chế độ không dùng thuốc và thuốc điều trị suy tim, loạn nhịp. Gần đây, bạn thường bị hoa mắt chóng mặt có thể bạn bị huyết áp thấp hay hạ huyết áp tư thế do tim còn yếu sau khi bị viêm cơ tim. Tốt nhất, bạn nên đến một cơ sở y tế uy tín đầy đủ trang thiết bị để được tái khám, làm ECG, siêu âm tim, kiểm tra chức năng tim và loạn nhịp tim. Trân trọng.

Mẹ em năm nay 59 tuổi, hay bị tê bì phía bên phải, biểu hiện này lâu lâu tái phát, tái diễn cũng được hai năm rồi. Cách đây hơn một năm, có lần mẹ ngủ dậy thì buồn nôn, nôn thốc nôn náo, mệt mỏi gần như suy kiệt gần một ngày, sau đó thì tự khỏe. Bác sĩ cho em hỏi triệu chứng ...

Đặng Thị Hai, 59 tuổi, Duy Xuyên, Quảng Nam

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bạn,

Triệu chứng tê bì bên phải có thể bắt nguồn do nhiều nguyên nhân như do bệnh lý về xương khớp, bệnh lý về thần kinh, bệnh lý về mạch máu (như xơ vữa động mạch gây hẹp, tai biến mạch máu não...). Để chẩn đoán được nguyên nhân, bạn cần đưa mẹ tới bệnh viện để làm các xét nghiệm cần thiết. Trân trọng.

Tôi bị bệnh tăng huyết áp và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ đã gần 20 năm, huyết áp ổn định 120/80, 130/90 nhưng có lúc đo chỉ số HA 95/65. Xin bác sĩ tư vấn tại sao có lúc huyết áp bị thấp như vậy? Tôi cần phải làm những xét nghiệm hoặc kiểm tra bộ phận nào để biết nguyên nhân? ...

Võ Thị Bông, 68 tuổi, 72 Hàm Nghi, Đà Nẵng

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bạn,

Bạn đang điều trị bệnh tăng huyết áp, huyết áp ổn với thuốc, thỉnh thoảng lại thấp 95/65 mmHg. Có nhiều yếu tố góp phần làm cho huyết áp không ổn định như quá liều thuốc huyết áp, một số thuốc huyết áp có thể gây tụt huyết áp tư thế, yếu tố tâm lý cảm xúc vui buồn, sử dụng nhiều chất kích thích, thay đổi môi trường hoặc tư thế một cách đột ngột, ăn kém uống ít nước, tác dụng phụ của một số thuốc điều trị bệnh khác hoặc do biến chứng hoặc triệu chứng của một số bệnh...

Xin cho bác sĩ hỏi bạn có đang dùng thuốc gì khác ngoài thuốc huyết áp không? Bạn ăn uống đầy đủ và uống đủ nước không? Lưu ý tụt huyết áp tư thế nhất là ở người lớn tuổi nên bạn thay đổi tư thế từ từ.

Bạn hãy kiểm tra huyết áp ngay nếu có dấu hiệu bất thường để ứng xử cho phù hợp. Bạn nên có máy đo huyết áp tại nhà để tiện theo dõi thường xuyên, xây dựng chế độ ăn lành mạnh, hạn chế các chất kích thích như bia rượu..., rèn luyện thể dục hàng ngày, giữ đời sống tinh thần lành mạnh, tránh căng thẳng.

Đừng quá lo lắng vì điều này khiến bạn căng thẳng làm huyết áp không ổn định. Huyết áp tuy là một chỉ số đơn giản và dễ thấy nhưng lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, nhất là hệ tim mạch. Bạn đừng quên duy trì các biện pháp lành mạnh.

Bạn nên đến bệnh viện để đo holter huyết áp 24 giờ. Phương pháp giúp theo dõi chi tiết sự thay đổi huyết áp trong 24 giờ. Tùy theo mức độ ổn định của huyết áp, các chỉ số, sự thay đổi khi tăng hay hạ huyết áp mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị thích hợp.

Ngoài ra, bạn cần khám chuyên khoa tim mạch để tầm soát các nguyên nhân gây tăng hoặc giảm huyết áp; đánh giá các biến chứng gây ra do tăng huyết áp như chức năng thận, chức năng co bóp cơ tim, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh lý võng mạc mắt, bệnh mạch máu não... Trân trọng.

Khi thời tiết thay đổi, từ nóng sang lạnh (gió mùa về) và ngược lại, ngực trái cháu thường đau thắt âm ỉ một ngày đến hai ngày. Cháu đi khám nhiều nơi, các bác sĩ khám điện tim và kết luận bình thường, một vài lần kết luận rối loạn thần kinh tim. Bác cho cháu hỏi, các biểu hiện mô tả bên ...

Nguyễn Minh Tuấn, 32 tuổi, Hà Đông, Hà Nội

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Rối loạn thần kinh tim là tình trạng thần kinh thực vật bị rối loạn liên quan đến các hiện tượng như tim đập nhanh hoặc tim đập chậm, dễ hồi hộp, choáng váng, chóng mặt, ngất hay loạn nhịp tim, tăng huyết áp... Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có cảm giác mệt mỏi, đau tức, đau nhói vùng tim hoặc vùng ngực... Đây là một bệnh lý lành tính, có thể gặp ở người trẻ.

Tuy vậy, chẩn đoán này cũng cần được cẩn thận loại trừ các bệnh lý tim mạch nguy hiểm khác như bệnh lý mạch vành, van tim. Do đó, bạn nên đến chuyên khoa tim mạch để được các bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám và tư vấn điều trị. Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858 và tại TP HCM 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Tôi đang điều trị rung nhĩ, thỉnh thoảng một lần mỗi tháng. Tôi lại bị rung nhĩ khoảng 3-4h một lần, 90-100 nhịp một phút. Tôi có hai câu hỏi:
1. Việc điều trị nội khoa như vậy có hiệu quả không?
2. Khi bị rung nhĩ, tôi phải làm gì?
Cám ơn bác sĩ.

Mai Hồng Lộc, 66 tuổi, Nguyễn Thông, quận 3, TP HCM

ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao

Chào bạn,

Điều trị rung nhĩ tập trung vào ba mục tiêu chính gồm ngăn ngừa các biến chứng của rung nhĩ gây ra (thường là đột quỵ), giảm triệu chứng của rung nhĩ và kiểm soát các bệnh lý nền đi kèm làm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe chung.

Theo như thuốc bạn đang dùng và mô tả về cơn rung nhĩ chỉ xuất hiện ít (khoảng một lần mỗi tháng), tần số tim trung bình trong cơn không nhanh (90-100 lần một phút) và không ghi nhận thêm triệu chứng nào trong cơn rung nhĩ (nặng ngực, khó thở, chóng mặt, yếu sức) thì việc kiểm soát rung nhĩ nhìn chung đã tạm ổn định.

Tuy nhiên để biết cụ thể điều trị hiệu quả đến mức nào,, bác sĩ còn cần thêm nhiều thông tin khác, nhất là tình trạng tim mạch và cách bệnh khác đi kèm.

Khi bị rung nhĩ, bạn nên đi khám chuyên khoa tim mạch, tốt nhất là chuyên khoa loạn nhịp tim để không những điều trị kiểm soát tốt rung nhĩ, hạn chế các tác dụng phụ trong quá trình điều trị và giữ nhịp tim bình thường, mà còn đảm bảo chức năng tim được duy trì tốt trong thời gian dài nhất có thể.

Tôi có con trai sinh năm 2009, hiện đang học lớp sáu. Nhìn chung, thể trạng của cháu cũng tương đối bình thường, chiều cao hiện tại của cháu là 1,4 m, nặng 36 kg. Tuy nhiên, cháu có tình trạng là thỉnh thoảng bị mệt, thường là sau khi ngủ dậy (đầu giờ chiều hoặc buổi sáng). Triệu chứng người mệt, chóng mặt và ...

Đại Lê Quang, 54 tuổi, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

BS Lương Minh Thông

Chào bạn,

Con trai bạn 12 tuổi, chiều cao hiện tại 1,4 m, nặng 36 kg. Theo biểu đồ tăng trưởng của con bạn là bình thường. Bạn có cho cháu tập luyện một số môn thể thao như cầu lông, đi xe đạp, võ karate và thấy cháu cũng đáp ứng được với cường độ vừa phải là rất tốt. Tuy nhiên, bạn nên cho cháu đến Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Tâm Anh hoặc những Trung tâm tim mạch thăm khám, đo ECG và siêu âm tim để khảo sát thêm. Tùy kết quả thăm khám, kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn an tâm hơn. Chúc bé nhiều sức khỏe. Thân mến.

Tôi năm nay 45 tuổi, hai tháng trở lại đây thường xuyên bị đau ngực, chóng mặt và hoa mắt. Mỗi khi thay đổi tư thế đột ngột hoặc vận động mạnh, tôi cảm thấy khó thở, thậm chí có lần còn bị ngất xỉu. Tôi mắc bệnh tim phải không bác sĩ? Tôi có thể đi khám ở đâu? Làm gì để tầm soát? ...

Trình Doanh, 45 tuổi, Vinh, Nghệ An

TS.BS Trần Văn Hùng

Chào bạn,

Theo triệu chứng bạn mô tả thì khả năng bạn đang bị bệnh mạch vành với các triệu chứng như đau ngực, chóng mặt, khó thở khi gắng sức và bị ngất. Nếu bạn có thêm các yếu tố nguy cơ như giới tính nam, có tiền căn đái tháo đường, tăng cholesterol máu, hút thuốc lá hay tiền căn gia đình bị bệnh mạch vành, ít vận động thể lực, béo phì thì khả năng bị bệnh mạch vành rất cao.

Bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch với đầy đủ trang thiết bị càng sớm càng tốt để được bác sĩ khám, kiểm tra cận lâm sàng tầm soát, chẩn đoán và điều trị thích hợp. Bác sĩ sẽ khám lâm sàng cẩn thận, làm ECG, X-quang, siêu âm tim, ECG hoặc siêu âm tim gắng sức, MSCT động mạch vành cản quang và có thể chụp mạch vành có bơm thuốc cản quang.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858 và tại TP HCM 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Vợ em bị tim bẩm sinh, đã phẫu thuật được 10 năm. Xin hỏi bác sĩ, vợ em có thể mang thai được không? Nếu được thì cần lưu ý những gì khi mang thai? Con sinh ra có bị di truyền không? Mong bác sĩ tư vấn.

Đông Hải, 39 tuổi, Phú Nhuận, TP HCM

BS.CKI Vũ Năng Phúc

Chào bạn!

Trước khi mang thai, bạn nên đưa vợ tới các bệnh viện có chuyên khoa tim bẩm sinh để được đánh giá và tư vấn toàn diện. Tùy theo tình trạng của vợ bạn, bác sĩ có thể tư vấn có nên mang thai không; nếu có thì kế hoạch theo dõi và chăm sóc thai kỳ thế nào; chuẩn bị trước, trong và sau khi sinh. Vào tuần thứ 18 - 24 thai kỳ, gia đình nên tới cơ sở y tế có siêu âm tim thai để kiểm tra tim bẩm sinh cho cháu. Vì khi mẹ bị tim bẩm sinh, con có nguy cơ mắc tim bẩm sinh 3-6% (bình thường 0,8%). Chúc gia đình nhiều sức khỏe.

Tôi bị ho khoảng hai tuần, uống thuốc không đỡ, sau đó tôi đi khám siêu âm thì phát hiện bị hở van tim hai lá 4/4. Hiện nay, tôi đang uống thuốc và thấy trong người khỏe. Mong bác sĩ tư vấn, trường hợp của tôi có nên mổ không? Nếu không mổ thì về lâu, về dài bệnh có nặng hơn không? Nếu ...

Phát Trần, 28 tuổi, Q.2, TP HCM

TS.BS Nguyễn Anh Dũng

Chào bạn,

Tình trạng hở van tim hai lá 4/4 là nặng, có triệu chứng suy tim như vậy là có chỉ định mổ theo khuyến cáo mức Class IA. Nếu không mổ, tình trạng suy tim sẽ nhanh trở nặng ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân. Nếu chỉ mổ van hai lá, hiện tại có thể áp dụng kỹ thuật mổ nội soi với kết quả tốt. Phục hồi sau mổ sẽ nhanh hơn và bạn có thể trở về với những sinh hoạt và công việc nhẹ nhàng sau khoảng 2-3 tháng.

Các bác sĩ sẽ cố gắng sửa và giữ lại van tự thân của người bệnh. Nếu không sửa được sẽ phải thay van. Thông thường, người trẻ dưới 60 tuổi sẽ được chỉ định thay van cơ học. Van sinh học sẽ được thay cho người bệnh trên 60 tuổi. Van cơ học duy trì được chức năng lâu hơn nhưng phải uống thuốc chống đông lâu dài.

Van sinh học có thể không phải uống thuốc chống đông nhưng thường thoái hóa mất chức năng sớm hơn van cơ học. Bạn nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch, phẫu thuật tim để được bác sĩ đánh giá chính xác và chỉ định điều trị phẫu thuật phù hợp. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Trân trọng.